Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những tiếng nói khác về Ngày Giới Trẻ Thế Giới (2)

§ Vũ Văn An

Cuộc trình diễn lớn nhất cả trên trời lẫn dưới đất?

Hôm qua, chúng tôi có đề cập tới việc Carmelo Vescio kháng án lên Tối Cao Pháp Viện chống lại quyết định của ông John Howard, cựu thủ tướng Úc, trong việc cấp cho WYD ngân khoản 22 triệu úc kim. Dù được Chánh Án Kirby bênh vực, Tối Cao Pháp Viện với đa số 2-1 đã bác bỏ việc kháng án này, bằng cách cho rằng đây không hải là vấn đề “giữ đạo” (religious observance) mà chỉ là việc cấp ngân khoản (grant) cho một biến cố công cộng. Dù Vescio cho rằng anh ta sẽ kháng cáo một lần nữa bằng cách thay đổi ngôn từ, nhưng cố gắng của anh chắc chắn cũng sẽ không thành công.

80628wyd1.jpg

Giới trẻ nồng nhiệt đón thánh giá và ảnh Mẹ Maria

Các lý do được Vescio lẫn các luật sư của anh ta đưa ra hết sức ấu trĩ, nực cười. Nhưng vụ án này nói lên khá nhiều sự thật về xã hội Úc. Sự thật đầu tiên: những con người ấu trĩ như Vescio vẫn còn được nhiều người ủng hộ khi họ chống lại tôn giáo, nhất là Công Giáo. Sự thật thứ hai: người Úc vẫn còn xếp hàng rất ngay ngắn dọc theo lộ trình hệ phái tôn giáo của họ: các chánh án bác bỏ kháng biện của Vescio đều là người Công Giáo hay ít nhất là cựu học sinh các trường Công Giáo (Chánh án Murray Gleeson là cựu học sinh trường St Joseph, ở Hunters Hill, Sydney; chánh án Susan Crennan là cựu học sinh trường Our Lady of Mercy, ở Heidelberg, Melbourne), chánh án Michael Kirby không rõ giáo phái vì là cựu học sinh trường Fort Street, Sydney, một trường công lập, nhưng luật sư biện hộ cho Vescio là cựu học sinh của một trường Anh Giáo: Sydney Church of England Grammar School. Vị Bộ trưởng trong chính phủ Howard không trả lời chất vấn của Vescio cũng là một cựu học sinh trường Công Giáo Xavier ỏ Melbourne. Các báo chí ở đây cũng nặng đầu óc giáo phái không kém.

Tờ báo cũng kỳ cựu gần như tờ Sydney Morning Herald là tờ The Age ở Melbourne. Hôm 22 tháng Sáu vừa qua, báo này có bài về WYD do Annabel Stafford viết. Giọng điệu có khách quan hơn và tỏ ra có cảm tình hơn trong lối viết của mình.

Theo tác giả này, cách nay 12 năm, Chủng Viện Truyền Giáo Redemptoris Mater ở Denver mở cửa. Sau đó không lâu, một cao đẳng huấn luyện linh mục thứ hai, Chủng Viện Thần Học John Vianney, cũng đã mở cửa. Năm ngoái, hai chủng viện trên đã huấn luyện 108 học viên và hiện nay có 40 học viên đang theo học tại Redemptoris Mater…

Theo Đức Tổng Giám Mục Denver, Charles Chaput, cả hai học viện trên đã mọc lên do kết quả việc tổng giáo phận Denver đứng ra tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1993.

Nhưng đó chưa phải là những kết quả duy nhất. Đức Cha Chaput cho hay: “Tôi chắc chắn Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Denver đã làm nhiều người trở lại và tái trở lại”. Theo ngài, WYD ”vẫn còn được coi là ơn phúc lớn lao cho toàn bộ giáo hội ỏ Mỹ”.

80612perth1.jpg

Đón thánh giá tại Perth (Úc) có các nữ tu từ Việt Nam

Người chịu trách nhiệm việc tổ chức WYD năm nay tại Sydney, Đức cha Anthony Fisher, rất phấn chấn khi nói đến Denver. Hay Cologne hay Paris là các thành phố có ngày WYD, và là các thành phố, theo ngài, cũng hưởng được nhiều ơn ích thiêng liêng có ý nghĩa do đã đứng ra tổ chức ngày đại hội lớn lao cho tuổi trẻ.

Dù khó có thể tưởng tượng ra những cuộc trở lại tập thể tại Thành Phố Ngọc đầy nắng và trượt nước này, Đức cha Fisher vẫn cho rằng không có lý do gì Chúa Thánh Thần lại không ngự xuống trên Sydney như Người đã làm tại các thành phố kia. Thành thử ra, tổng giáo phận Sydney hết sức tin tưởng vào sức mạnh của WYD đến độ, lần đầu tiên, đã ủy nhiệm một cuộc nghiên cứu nhằm lên sơ đồ cho việc tiến bộ của các khách hành hương tham dự các cử hành trong năm nay, một thứ Seven Up thiêng liêng! Mẻ nghiên cứu đầu tiên nhằm tìm hiểu ai và lý do nào họ đến với WYD sẽ được công bố nay mai.

Kristina Keneally không quan tâm bao nhiêu tới việc liệu WYD có đem hàng loạt người trẻ gia nhập các chủng viện hay ngồi chật các hàng ghế nhà thờ hay không. Vị bộ trưởng trong chính phủ NSW chịu trách nhiệm về WYD này để mắt vào cái phần thưởng có tính vật chất hơn nhiều: khoảng 150 triệu úc kim mà chính phủ của bà ước lượng sẽ kiếm được trong các ngày đại hội này.

Nhưng cùng với những bảng hiệu bằng điện đặt trên các ngả đường Sydney thông báo chỉ còn 23 ngày (nay là 16) nữa sẽ đến WYD, câu hỏi lớn đặt ra là liệu cả đức cha Fisher lẫn bộ trưởng Keneally có thu lượm được điều họ muốn hay không.

Các nhà tổ chức WYD hy vọng sẽ có 125,000 khách hành hương quốc tế và 100,000 khách hành hương trong nước tới Sydney tham dự 6 ngày đại hội. Thánh Lễ bế mạc, sẽ được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cử hành trong lần viếng Úc đầu tiên, ước lượng sẽ có 500,000 người tham dự, mà theo bà Keneally, là “cuộc tụ tập người lớn nhất (tại Úc) xưa nay trong lịch sử”.

Lo ăn uống cho số người này quả là một vấn đề. Cứ xem buổi ăn thịt nướng ngoài trời ở giữa tuần mà các nhà tổ chức đang hoạch định là thấy: “Chúng tôi cần 220,000 xúc xích… cả một hồ nước chấm cà chua và ba tấn hành”. Đức Cha Fisher tắc lưỡi: “đấy mới chỉ là một bữa trưa!”

Ngoài thực phẩm, cống rãnh và nơi ở ra, phần lớn chi phí lo chuyện lo ăn uống là trách nhiệm của người chịu thuế NSW, cho nên chính phủ NSW bị áp lực lớn phải làm sao chứng minh được rằng không phải chỉ Giáo Hội Công Giáo mà cả NSW cũng có lợi nữa.

Chính phủ này cho hay họ sẽ chi ra 108 triệu rưỡi úc kim cho WYD, gồm 86 triệu về chuyên chở, cảnh sát và dịch vụ cấp cứu, và 22 triệu rưỡi để đền bù thiệt hại cho Câu Lạc Bộ Nài Ngựa của Úc, là câu lạc bộ phải di chuyển căn cứ ra khỏi trường đua Randwick nhường chỗ cho Thánh Lễ bế mạc. Chính phủ Liên Bang cũng bồi thường 20 triệu úc kim cho Câu Lạc Bộ này.

Tuy nhiên, ngân khoản người trả thuế của NSW chịu còn có thể lớn hơn. Tuần rồi, nhật báo The Sydney Morning Herald thuật lại các cuộc thương thuyết giữa giáo hội và tiểu bang xem ai phả trả chi phí cho những chuyện vẫn còn đang tiếp diễn, nhưng chính phủ nhất định không chịu cung cấp chi tiết chi hết.

Các phí tổn dân chúng Sydney chịu không hẳn chỉ là tiền bạc. Các cư dân sẽ phải chịu sự hỗn loạn ồn ào của việc đóng 300 khúc đường, 500 chỗ “không được dừng/đậu lại” (clearways) dành cho các biến cố đặc biệt và 20,500 chuyến xe búyt và xe lửa phụ trội mà chính phủ dành cho các khách hành hương. Ngoài ra, đạo luật đặc biệt còn cho phép chính phủ được quyền đóng thêm đường và thực hiện các thay đổi khác vào phút chót. Chính phủ này khuyến cáo dân Sydney nên tránh thành phố.

Dân biểu Đảng Xanh của NSW là Lee Rhiannon nói rằng Giáo Hội Công Giáo, người từng cho hay ngân sách của mình dành cho đại hội là 150 triệu úc kim, nên trả hết chi phí cho đại hội. Bà ta cho hay chính phủ đã chi quá đáng, 20 triệu đáng lẽ đã đủ rồi; chính phủ ấy đã đi quá xa thẩm quyền của mình

Bà ta không phải là người duy nhất hoài nghi điều chính phủ NSW tiên đoán rằng mình sẽ kiếm được 150 triệu, một cái nhìn đã được thêm dầu do việc chính phủ nhất định không chịu nói mình đã dựa vào đâu mà tính ra con số ấy. Chính phủ này cũng đã gạt phăng một cố gắng của tờ The Sydney Morning Herald muốn được coi mô thức tính toán căn cứ vào luật lệ ‘tự do nhận thông tin’, vì lý do điều ấy đi ngược lại lợi ích công cộng. Phòng Thương Mại Sydney tiên đoán một lợi tức kinh tế lên đến 231 triệu, chưa tính “tiềm năng thu nhập du lịch do các cuộc trở lại viếng thăm thêm, cũng như các cơ hội thương mãi trong tương lai”. Thế nhưng Phòng này cũng từ chối không công bố cách tính toán của mình.

Bà Keneally bênh vực các tiên đoán của Tiểu Bang. Bà cho hay: “Trung bình một khách du lịch đeo túi lưng (backpacker) lưu lại 3 tuần, nên họ sẽ ở lại đây lâu hơn là 5 hay 6 ngày thuộc WYD và sẽ phải chi tiêu về ăn uống, giải trí và du lịch”. Con số du lịch do ban tổ chức WYD cung cấp cho tờ The Sunday Age soi sáng phần nào các ước tính của tiểu bang. Một phát ngôn viên cho hay: người du lịch đeo túi lưng mỗi đêm chi tiêu 77 úc kim, chưa kể tiền trọ và di chuyển, đem lại “khoảng 57 triệu úc kim chi tiêu, duy từ các khách hành hương quốc tế mà thôi” trong 6 ngày đại hội.

Bà Keneally cho hay lợi ích kinh tế không phải chỉ giới hạn cho NSW mà thôi, Victoria sẽ kiếm được khoảng 22 triệu, theo ước tính của Ngày Tại Giáo Phận của Melbourne. Bà cho hay, đàng khác nữa, Sydney còn gặt hái được nhiều lợi ích khác cho các năm trong tương lai. Bà nói: “Hàng chục ngàn người trẻ sẽ đến Sydney và họ sẽ được hưởng những ngày tuyệt vời và họ sẽ thích được trở lại”.

Nhiều ngành buôn bán sẽ được lợi. Ngay những nhà điếm của thành phố cũng đang hân hoan xoa tay, theo một câu truyện viết cho Crickey bởi một người vận động ở hành lang cho kỹ nghệ tình dục. Câu truyện này cho hay cơ sở IBIS World đã tiên đoán dịp ấy các nhà điếm có nhiều mối làm ăn phụ trội, mặc dù phần lớn những vụ làm ăn thêm ấy chỉ là do những tay phè phỡn như, như, báo chí truyền thông chẳng hạn! Tuy nhiên, mối hoài nghi vẫn còn đó. Hiệp Hội Khách Sạn Úc tại NSW gần đây tiết lộ rằng các khách sạn ở Sydney dự phóng chỉ có 30% số cư ngụ trong tháng Bẩy mà thôi, trong khi bình thường phải là 70% trong tháng này, nên đã phải tiến hành một chiến dịch được chính phủ hậu thuẫn nhằm hiến giá đặc biệt cả gói cho khách sạn năm sao với giá của khách sạn ba sao.

Bà Keneally bác bỏ điều cho đó là dấu chỉ hoảng hốt. Bà cho hay tất cả các nhà trọ dành cho khách du lịch đeo túi lưng và giá rẻ đều đã được giữ chỗ hết cả rồi, và ‘không một biến cố nào lại có thể lo được hết mọi khía cạnh cho nền kinh tế”.

Nhưng tỷ lệ giữ phòng khách sạn làm người ta sợ hơn rằng số khách hành hương tới nơi có thể ít hơn số dự liệu. Rhiannon cho hay: “Đã từng có việc ước tính quá đáng lớn lao con số các người tham dự. Các nhà tổ chức đã không để ý đến sự kiện này là người ta phải đi thật xa mới tới được đây và Đức Giáo Hoàng mới tới Bắc Mỹ gần đây thôi, nên nay sẽ không có số lớn người đến đây đâu”.

Đức cha Fisher thì tin tưởng con số 125,000 khách hành hương quốc tế sẽ đến, nhưng cho hay ngài ít tin tưởng con số khách hành hương người Úc. Ngài nói: “Chúng tôi vốn mong khoảng 100,000 người Úc đăng ký, nhưng vào lúc này, tôi nghĩ chỉ khoảng nửa con số ấy đã ghi danh. Chúng tôi có cả một chiến dịch gọi điện thoại khắp các trưởng nhóm để giục họ: Này, mau lên chứ, gửi chi tiết về đi thôi”.

Khoảng nửa số 150 triệu úc kim mà tổng giáo phận Sydney đã lên ngân sách cho WYD hy vọng sẽ đến từ các khách hành hương đăng ký, phần còn lại nhờ bán sản phẩm, tài trợ của các cơ quan và trợ cấp của liên bang. Đức ch Fisher vui vẻ nói thêm: lỗ của đại hội sẽ vào khoảng từ 10 đến 20 triệu úc kim, tùy con số các khách hành hương. Theo ngài, “bất kể con số cuối cùng là bao nhiêu, nó vẫn sẽ là biến cố lớn nhất Úc chưa bao giờ có và nó sẽ gây một hiệu quả tuyệt vời đối với những người có mặt tại đấy”.

Đức cha Fisher và giám đốc phúc âm hóa và giáo lý của ngài, cựu cầu thủ đội Hawthorn, Steve Lawrence, tin rằng WYD sẽ trở thành một lợi ích to lớn cho giáo hội tại Úc. Đức cha Fisher nói: “tôi hy vọng, và đây là kinh nghiệm của các Ngày Giới Trẻ Thế Giới trước đây, rằng ta có thể mong chờ…một cuộc phát triển về phương diện ơn gọi vào chủng viện và ơn người ta trở về với giáo hội”.

Ngài cho hay, việc ‘quảng cáo’ cho cuộc đại hội đã cố tình không chỉ nhắm những người Công Giáo “có độ octane cao”, nhưng còn là các bạn trẻ từng “bất mãn với giáo hội hay buồn nản hoặc dửng dưng với giáo hội ấy… những người hiện đang xa cách với giáo hội”. Và giáo hội đang sắn áo lên chào đón những tín hữu mới đó bằng cách gửi đến các giáo xứ nhiều ‘gói’ thông tin trong đó có các gợi ý phải làm sao đồng hành với những người trẻ này khi họ từ đại hội trở về.

Lawrence cho hay năm nay, lần đầu tiên, tổ chức của anh cũng sẽ tổ chức một hội nghị toàn quốc về thừa tác vụ tuổi trẻ và gợi ý các giáo xứ nhỏ nên kết hợp với nhau để tổ chức các dịch vụ thường xuyên dành cho tuổi trẻ. Tổ chức này cũng đã khá ầm ĩ khai mạc một thứ dịch bản Facebook Công Giáo gọi tắt là Xt3.

Nhưng ông Paul Collins, một tác giả và là một cựu linh mục Công Giáo, người mới đây xuất bản cuốn Believers: Does Australian Catholicism Have a Future? (Các Tín Hữu: Đạo Công Giáo Úc Có Tương Lai Không?), thì cho rằng dù WYD có thể có tính xây dựng, nhưng nó ít có tác dụng làm gia tăng số người đi nhà thờ và số người chịu huấn luyện làm linh mục. Ông nói: “Lý do khiến người ta không đi nhà thờ sâu xa hơn nhiều điều được xử lý trong tuần lễ người trẻ tụ họp tại Sydney”.

Ông Collins ước tính hiện nay không tới 5% người trẻ đi lễ ngày Chúa Nhật mỗi tuần và ngay cả mỗi tháng nữa. Tính khả tín đã bị tổn thương của giáo hội tiếp sau các gương mù gương xấu của việc lạm dụng tính dục, việc thiếu đường tiến thân nghề nghiệp cho phụ nữ, dù, theo Collins, họ làm đến 75% công việc mục vụ của giáo hội, và việc người trẻ do dự không chịu chấp nhận sống độc thân để làm linh mục, tất cả đang góp phần vào việc sa sút kia. “ Nhưng theo tôi, vấn đề sâu xa hơn còn là vì… (dù) người trẻ quan tâm đến các vấn đề thiêng liêng (như) mục đích đời tôi là gì… nhưng phương thức giáo hội giải quyết các vấn đề ấy và các câu trả lời được giáo hội đưa ra không đủ lôi cuốn họ”.

Lawrence đồng ý WYD không đem lại một ‘tân hoàng kim thời đại cho giáo hội trong năm phút sắp tới. Nhưng xét theo một số phương diện… việc này giống như một cuộc Thiên Chúa viếng thăm chúng ta ở tại Úc này… Thiên Chúa sẽ làm cách nào đó để một chuyện hết sức đặc biệt có thể xẩy ra.

Còn Vincent Stefano, 16 tuổi, thì cho hay: ngày nay, khó mà biểu dương đức tin của bạn cho ‘cả và thế giới’ cùng thấy. Hành hương từ Murrumbeena tới Sydney tham dự đại hội, em hy vọng tìm được một thứ sức mạnh nào đó giúp em đứng thẳng người lên mà làm chứng nhân danh Thiên Chúa của em. Em nói: “Em thực tình tin rằng một khi phần còn lại của xứ sở nhìn thấy cuộc tụ tập diệu kỳ này của tín hữu… ta sẽ dễ dàng đứng thẳng người lên vì đức tin của mình mà chia sẻ nó với người khác. Với hàng trăm ngàn con người tụ tập nhau từ muôn phương khắp thế giới… làm người Công Giáo sẽ quả là hả dạ (cool), trong khi ở những thời gian khác, chả hả dạ chút nào”. Đối với một học sinh lớp 12, đức tin của em “an ủi em, nhất là những lúc em sợ sệt hay lúng túng. Em tìm được nơi trú ẩn trong mối tương quan với Chúa”.

Danielle Laville, 42 tuổi, có mặt tại Paris tham dự WYD năm 1997, mô tả biến cố đó như “một năng lực. Đó là điều bạn cảm nhận được cùng với không biết bao nhiêu người trẻ cùng tin… mọi điều chính bạn tin. Ở Paris, có đến 500,000 người. Ở Sydney, tôi không biết chính xác sẽ có bao nhiêu khách hành hương, nhưng chắc chắn sẽ hết sức phi thường”.

Danielle đồng ý với Vincent rằng WYD vừa là một bầy tỏ vừa là một đổi mới sức mạnh. Bà nói: “Thế giới này, nơi ta đang sống, không phải là một thế giới khuyến khích ta nói về đức tin. Bạn phải hết sức cả quyết mới có thể nói được bạn có niềm tin thiêng liêng. Người ta có khuynh hướng chế diễu… nên bạn không muốn đề cập đến niềm tin ấy. Nhưng với cuộc tụ tập như thế này… của không biết bao nhiêu bạn trẻ, tất cả chúng ta đều cùng nói về niềm tin kia. Chúng ta lãnh nhận năng lực từ mỗi người chúng ta. Tôi nghĩ quả đáng quyến rũ khi người ta đi tìm điều gì đó lớn hơn là chính họ”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.06.2008. 10:57