Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Công Giáo Chúng Ta Sẽ Làm Gì Trước Hiểm Họa "mật Mã Da Vinci" ?

§ Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, DCCT

Trước hiện tượng Mật Mã Da Vinci đang khuấy động thế giới, mà mục đích là chối bỏ Chúa Giêsu và báng bổ Hội Thánh Công giáo, với ý đồ triệt hạ Kitô giáo, ai là người Công giáo chắc cũng có những thao thức, những cảm nghĩ và ước muốn làm một cái gì đó để phản kháng. Riêng tôi cũng có những cảm nghĩ hoàn toàn cá nhân mà sau đây tôi mạo muội chia sẻ với các bạn để các bạn coi thử…

Trước đây vài tháng, tôi có được đọc một sứ điệp của Đức Mẹ ban ngày 18.03.2006 cho cô Mirjana, một trong 6 thị nhân được diện kiến Đức Mẹ tại Medjugorje từ 25 năm nay, và là người được trao cho 10 bí mật liên quan đến tương lai thế giới, sẽ được lần lượt công bố sau khi Đức Mẹ chấm dứt cuộc hiện ra. Xin trích một đoạn:

“Các con thân yêu! Trong thời gian Mùa Chay này, Mẹ kêu gọi các con thi hành sự từ bỏ trong nội tâm… Chỉ bằng cách hoàn toàn từ bỏ mọi sự trong lòng, các con sẽ nhận thấy được tình yêu của Thiên Chúa và các dấu chỉ của thời đại trong đó các con đang sống. Các con sẽ là những chứng nhân về các dấu chỉ này và sẽ khởi sự nói về chúng…”

Tôi cứ tự hỏi: Đã nhiều lần khác Đức Mẹ dạy ta từ bỏ những điều vô bổ và tai hại bên ngoài, ví dụ: Xem truyền hình nhiều quá, ghiền thuốc lá, rượu v.v… Nay Người bảo từ bỏ trong nội tâm, tức là dứt lòng quyến luyến tội lỗi và tất cả những gì trói buộc, kềm hãm ta khiến ta không thuộc trọn về Thiên Chúa. Và Người nhấn mạnh đến chữ “hoàn toàn” từ bỏ. Để làm gì? Mẹ nói: Để có thể nhận thấy được … các dấu chỉ thời buổi chúng ta đang sống, làm nhân chứng về chúng và khởi sự nói về chúng.

Có một cung giọng và một điều là lạ trong câu nói này của Đức Mẹ. Đức Mẹ muốn nói gì? và muốn báo cho chúng ta cái gì đây?? Thật là trùng hợp kỳ lạ, vì thắc mắc của chúng ta, giới thân cận Medjugorje bên ngoại quốc cũng cảm thấy, khi họ nghe ở tháng sau, ngày 2-4-2006, cũng trong một sứ điệp khác ban cho thị nhân Mirjana và, qua cô, gửi đến chúng ta, Đức Mẹ nhắc lại vấn đề ấy. Khúc đầu Người nói:

“Các con thân yêu, Mẹ đến với các con vì Mẹ mong muốn tỏ cho các con thấy, bằng chính gương của Mẹ, tầm quan trọng của lời cầu nguyện cho những người không biết đến tình yêu của Thiên Chúa (thường nói tắt là: “người vô tín”). Các con hãy thử tự hỏi mình xem đã theo gương Mẹ chưa.”

Ở đoạn sau, Đức Mẹ trở lại vấn đề Dấu chỉ thời buổi và hỏi:

“Các con thân yêu, các con không thấy các dấu chỉ của thời đại ư? Các con không nói về chúng ư?”

Nghe thế, họ nói: Xem ra 2 sứ điệp này, lần đầu tiên sau nhiều năm, có mang một nội dung tiên tri. Cung giọng nghiêm trọng của những lời ấy hiếm thấy ở Mễ Du, vì từ năm 1990 các Sứ điệp hầu hết chỉ nhắm đến dạy dỗ về đàng thiêng liêng mà thôi.

Riêng tôi, tôi thấy hình như Đức Mẹ muốn nhắc khéo chúng ta về lời Chúa Giêsu trách nhóm giới chức Do Thái ngày xưa:

“Các ông biết đoán điềm trời: Vàng thì gió, đỏ thì mưa! Còn về điềm thời đại, các ông lại bất lực” (Mt 16.2-3).

Như vậy, tôi thiển nghĩ: qua 2 sứ điệp ấy, Đức Mẹ có ý muốn bảo chúng ta phải là NHỮNG NHÀ TIÊN TRI, thấy và đọc được các dấu chỉ Thiên Chúa đặt để trong các biến cố của thời đại chúng ta đang sống, và sau đó chúng ta loan báo cho người khác.

Nhưng làm sao mà đọc được dấu chỉ thời đại? Thế mà Đức Mẹ hỏi đã thấy chưa? Và đã nói chưa? Cá nhân tôi, tự trong lòng, tôi thầm thưa với Đức Mẹ: “Lạy Mẹ, con chẳng thấy dấu chỉ nào cả thì làm sao nói cho người khác? Vậy làm sao để thấy?”

Bất ngờ, một ông bạn đã nhắc cho tôi nhớ một Thông điệp khác của Đức Mẹ Medjugorje ban ngày 25-8-1993, Thông điệp đã đánh động ông rất nhiều ngay từ khi ấy đến nỗi ông đã cẩn thận ghi trong cuốn sổ tay, và ông lấy đọc cho tôi nghe:

“Các con hãy đọc và sống Thánh Kinh và cầu nguyện để hiểu những dấu chỉ của thời đại. Đây là một thời đại đặc biệt, vì vậy Mẹ ở với các con để đưa các con đến gần Trái tim Mẹ và Trái tim Con của Mẹ”.

Nhờ Đức Mẹ mách nước là phải từ bỏ mọi sự trong nội tâm và đọc Thánh Kinh mà cầu nguyện, chúng ta mới có thể thấy và đọc được các dấu chỉ thời đại. Khi giở Thánh Kinh ra, thì thấy bảo:

“Giờ cánh-chung là đây! Và như anh em đã nghe nói là Phản Kitô (1) sẽ đến, thì nay đã có nhiều Phản Kitô xuất hiện, do đó mà chúng ta biết là Giờ cánh-chung là đây! (2)Kẻ chối rằng: Yêsu không phải là Đức Kitô, nó là Phản Kitô, kẻ chối bỏ Chúa Cha và Chúa Con… (Thư 1Ga 2.18,22).

Và Thư T. Phaolô mô tả Phản Kitô rõ hơn:

“Con người vô đạo, đứa hư khốn, kẻ dấy lên chống lại những gì mang danh hiệu Thiên Chúa hay điều đáng được sùng bái… Việc xuất hiện của nó thì do phép mầu Satan (3) ... với mọi kiểu gạt gẫm bất lương trên những kẻ hư khốn, bởi lẽ chúng không đón nhận lòng mến sự thật để được cứu thoát. Và vì thế, Thiên Chúa gửi đến cho chúng phép mầu lầm lạc, làm chúng tin theo dối trá, khiến chúng bị lên án, hết thảy những kẻ không tin sự thật, nhưng đã hưởng ứng theo đàng bất chính” (2 Tx 2.4,9-12).

Qua những lời Kinh Thánh ấy, chúng ta bây giờ đã có thể thấy hiện tượng Mật mã Da Vinci là một trong những dấu chỉ của Phản Kito, vì: “Kẻ chối rằng: Yêsu không phải là Đức Kitô, nó là Phản Kitô, kẻ chối bỏ Chúa Cha và Chúa Con”.

Dĩ nhiên chúng ta là Kitô hữu phải phản đối những kẻ liên can đến vụ sách và phim “Mật Mã Da Vinci”, dám dấy lên chống lại những gì mang danh hiệu Thiên Chúa hay điều đáng được sùng bái…, với mọi kiểu gạt gẫm bất lương làm cho nhiều người, cách riêng giới trẻ, trong đó có con cái chúng ta, sẽ bị lung lạc... Nhưng chúng ta sẽ không sử dụng bạo lực, như những người khác… vì đã được nghe lời dạy của Chúa Giêsu:

“Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc thế gian này, thì bộ hạ của tôi đã cố chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái…” (Ga 18.36).

Vua Đavít đã cho chúng ta biết một cách chiến đấu khác, nhất là không chiến đấu một mình, có chính TC thân chinh, khi ông nói với tên Gôliát:

“Mày đến đến đánh ta với gươm với giáo, ta đến đánh mày với Danh Thiên Chúa các cơ binh… để tất cả thiên hạ biết rằng Israen có một Thiên Chúa… và không phải bằng gươm bằng giáo mà Yavê sẽ đáp cứu, vì chiến đấu là việc của Yavê” (1Sam 17.45-47).

Đúng vậy, trong các trận chiến thời cánh-chung, Thị viên đảo Pátmô đã thấy trong thị kiến điều ấy qua những hình ảnh khải huyền kỳ bí siêu thực: Một Kỵ Sĩ thần linh cưỡi ngựa bạch, mặc chiến bào nhuộm máu, mang danh hiệu LỜI Thiên Chúa, từ miệng Ngài phóng ra thanh kiếm sắc bén để chinh phạt, và đã chiến thắng tất cả mọi địch thù vốn là bộ hạ của Satan. Theo sau Ngài cùng chiến đấu có những cơ binh thiên quốc cưỡi ngựa bạch, mình vận trúc bâu sáng ngời tinh sạch (Kh 19.11-21). (4)

Chẳng phải T. Phaolô cũng cho biết là Chúa Giêsu hiện nay vẫn “phải giữ quyền làm Vua (để chinh phạt và chinh phục) cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài. Địch thù cuối cùng là sự chết” sao? (1 Cr 15.25-26). Chính vì thấy được như thế, mà T. Phaolô nói lên những xác tín tuyệt vời để chúng ta cùng chia sẻ:

“Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là khí giới – nhờ quyền phép của Thiên Chúa (tức là Th.Thần, Lc 1.35) – có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô…” (1 Cr 10.4-5).

Có nhiều Kitô hữu, đứng trước việc báng bổ Chúa Giêsu và Hội Thánh đang diễn ra, cảm thấy vừa công phẫn vùa lo sợ cho Chúa và Hội Thánh. Thật ra chúng ta không có gì phải sợ cho Chúa, vì ngay từ thời của Chúa Giêsu, dân chúng, quân lính cũng như các giới chức Do Thái dưới chân thập giá, đã nhạo báng Ngài; rồi qua bao đời từ đó đến nay, bên Đông cũng như bên Tây, tại quốc ngoại cũng quốc nội, biết bao nhiêu lần người ta đã chống đối, phỉ báng…, mà có đi tới đâu!… Vì chính Chúa Giêsu đã tuyên bố:

“Hãy vững lòng! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16.33).

Ngài thắng thế gian, chứ ma quỉ và thế gian không thắng nổi Ngài. Còn số phận của Hội Thánh, thì Chúa Giêsu cũng đã xây Hội Thánh trên Đá Tảng Phêrô và cam kết:

“Quyền môn Âm phủ (tức là sức lực của ma quỉ và Hỏa ngục) sẽ không thắng nổi” (Mt 16.18).

Vậy thì việc gì mà lo!

Nếu có lo sợ thì lo sợ cho những tâm hồn yếu đuối, vốn sẵn có thành kiến, hay những người vốn không mến Chúa và Hội Thánh, hoặc những người lương dân không biết gì… sẽ đâm ra bị lung lay, nghi ngờ Chúa và chán ghét Hội Thánh Công giáo. Vậy chúng ta hãy xung vào đội quân chiến đấu dưới cờ của Vua Giêsu, ĐẤNG LỜI Thiên Chúa, và khí giới chiến đấu của chúng ta là đây: “Ta đến đánh mày với Danh Thiên Chúa các cơ binh…” (lời Đavít). Và: “Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là khí giới – nhờ quyền phép của Thiên Chúa (tức là Th.Thần, Lc 1.35)…, (lời Thánh Phaolô). Nói cách khác, Kitô hữu chúng ta phải tổ chức ăn chay, cầu nguyện và dâng Thánh Lễ và mọi việc lành phúc đức mình làm lên Thiên Chúa để qua sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà Hội Thánh từ thời xa xưa vẫn luôn coi là “Đấng đập tan các tà thuyết”, cầu xin quyền phép Thiên Chúa xuống ơn vững tin cho những tâm hồn yếu đuối ấy và mở mắt cho những kẻ lầm lạc.

Cha Thiện Cẩm, O.P., cũng đã viết một bài rất hay trong Tuần báo Công giáo và Dân tộc với tựa đề MẬT MÃ ĐA VINCI LÀ GÌ? (số 1559, 26-5-2006, tr.18t), trong đó ngài tóm tắt nội dung cuốn sách (và cuốn phim), sau đó vạch ra ý đồ của tác giả, rồi kết luận: “Nếu người Công giáo ngày nay không có những phản ứng cực đoan (ý nói không dùng bạo lực hay trừng phạt như người Hồi giáo hay như thời Trung cổ Kitô giáo), tuy nhiên nói thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải giữ im lặng. Trái lại, mặc dù vẫn yêu thương, tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến Thiên Chúa và Đức Giêsu hay phỉ báng Giáo Hội, khinh dể chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có trách nhiệm phải bảo vệ chân lý, bảo vệ Danh thánh Chúa, bảo vệ đức tin của chúng ta. Chúng ta cũng có quyền đấu tranh cho công lý, đòi hỏi quyền sống và quyền bình đẳng, quyền tự do để sống niềm tin của mình, có quyền phản đối những ai xúc phạm đến Chúa Giêsu, đến Giáo Hội, và đến chúng ta. Đó là một trong những nhân quyền căn bản: là chúng ta cần được tôn trọng, đức tin của tôn giáo chúng ta phải được tôn trọng, và Chúa Giêsu vị Sáng lập phải được tôn trọng như Hồng Y Francis Arinze đã nói.”

Dựa theo những lời nói đó, xin đưa một đề nghị:

Nhận xét rằng sự bất hòa giữa các tôn giáo là một thảm họa chia rẽ và xâu xé một dân tộc, cho nên nếu Nhà Nước, không chỉ của nước ta mà còn của bất cứ quốc gia nào, muốn giữ gìn đại đoàn kết dân tộc, thì nên đặt ra một điều luật: CẤM XÚC PHẠM, BÁNG BỔ BẤT CỨ TÔN GIÁO NÀO TRONG QUỐC GIA MÌNH. Ai vi phạm, sẽ bị đem ra tòa, và sau khi đã tra xét nghiêm túc và vô tư khách quan mà thấy đúng là có lỗi, cứ theo mức nặng nhẹ mà luận tội, giam tù, tịch thu sách vở báo chí, đóng cửa nhà in, tòa báo, phạt vạ thật đúng mức.

Bản thân tôi đây cũng đã có một chút kinh nghiệm về việc không được xúc phạm đến tôn giáo bạn như vậy để giữ tình đoàn kết quốc gia. Đó là khi soạn bộ sách Đọc Tin Mừng theo Yoan, khi đưa ra Hà Nội cho ban Biên tập của Nhà xuất bản Tôn Giáo duyệt, hễ họ thấy có lời nào, ý nào công kích, đả phá, hay báng bổ tôn giáo bạn ở trong nước, họ liền bảo gạch bỏ đi không cho đăng. Đấy quả là một nét đẹp của xã hội VN chúng ta!

Thân ái chào, và xin chúc quí độc giả sự bình an và mọi phúc lành của Thiên Chúa.

Lm Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR


Chú thích:

(1) Ngày xưa thường gọi là “Quỉ Vương” tức là tay sai của Satan, x. 2 Tx 2.4-12.

(2) Xin đừng hiểu lầm với tận thế.

(3) Vậy Phản Kitô chỉ là dụng cụ của Satan, đứng sau giật dây.

(4) Cũng trong viễn tượng thời cánh-chung nói trên, ở Medjugorje, ngay từ tháng thứ ba của cuộc hiện ra, vào ngày 2-8-1981, Đức Mẹ cũng đã loan báo qua thị nhân Marija: “Một trận chiến lớn lao giữa Con Mẹ và Satan sắp bùng nổ, và các linh hồn người thế là mục tiêu”.

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.06.2006. 19:55