Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày Giới Trẻ Thế Giới và giới trẻ Úc (3)

§ Vũ Văn An

Linh đạo của giới trẻ Úc lứa tuổi 13-29

Trong hai bài trước đây, chúng tôi đã trình bầy đôi nét về cuộc nghiên cứu kéo dài ba năm của các tác giả Michael Mason, Andrew Singleton & Ruth Webber về cuộc sống tâm linh của giới trẻ Úc. Cuộc nghiên cứu này diễn tiến thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài một năm. Bài dưới đây là phúc trình diễn tiến về giai đoạn một, là giai đoạn nhằm phỏng vấn một số người để lấy căn bản soạn thảo các câu hỏi cho cuộc thăm dò toàn quốc.

Dẫn nhập: Giai đoạn một của dự án

Tinh Thần Thế Hệ Y là một dự án dự định diễn tiến trong ba năm, từ tháng Bẩy năm 2003 tới tháng Bẩy năm 2006. Hai trong ba giai đoạn ấy dành cho các cuộc phỏng vấn có chiều sâu (chừng 70 cuộc mỗi năm cho năm thứ nhất và năm thứ ba) và một cuộc điều tra toàn quốc trong năm thứ hai nhằm thiết lập ra các bảng chuẩn dân số liên quan đến các khám phá do hai cuộc phỏng vấn kia đem lại.

Sau khi hoàn tất cuộc nghiên cứu thăm dò, giai đoạn thứ nhất của dự án chính bắt đầu vào tháng Bẩy năm 2003 và việc thu thập các dữ kiện cùng các bản ghi chép đã hoàn tất. Nhiệm vụ của giai đoạn này là tiến hành các cuộc phỏng vấn có chiều sâu khoảng 60 đến 70 người trẻ. Bản phúc trình này trình bày các chi tiết liên quan đến các cuộc phỏng vấn của giai đoạn thứ nhất, cái khung phân tích như nó đang diễn tiến, và các khám phá sơ khởi do các cuộc phỏng vấn này đem lại, được trình bày dưới hình thức các trường hợp điển hình (case studies). Gần cuối phúc trình này, các soạn giả có liệt kê nhiều ấn phẩm, nhiều bài trình bày cũng như các khảo luận khác dựa trên dự án này.

Mẫu phỏng vấn

Mục đích của giai đoạn đầu là tìm hiểu chi tiết các nền linh đạo khác nhau tìm thấy nơi lứa tuổi này. Cũng như trong các cuộc nghiên cứu định chất khác, các tác giả không nhằm cung cấp chân dung nhóm người được phỏng vấn hay mô tả các trường hợp tiêu biểu, mà chỉ thăm dò có chiều sâu một số trường hợp đã chọn trước để trình bày một số nền linh đạo và các biến thái của chúng.

Mẫu nhắm tới: Các tác giả nhằm phỏng vấn giới trẻ thuộc đủ thành phần, gồm các học sinh trường tư cũng như trường công, các sinh viên đại học, người đang đi làm, người đang thất nghiệp và người thuộc các bối cảnh xã hội kinh tế cao lẫn thấp. Họ cũng nhắm phỏng vấn số lượng đều nhau giữa nam và nữ, giữa thành thị và thôn quê. Việc lên mẫu như thế có tính chiến thuật: cần phải phỏng vấn một số đáng kể các đối tượng trong một nhóm để có thể tìm ra loại linh đạo làm đại biểu cho lớp hay nhóm người ấy.

Mẫu đạt được: Trong dự án chính, tổng số 64 cuộc phỏng vấn đã được tiến hành với những người trẻ thuộc lứa tuổi từ 13 tới 29. Gần một nửa là nam và một nửa là nữ.

Nhóm tuổi 13-14; Số người: 12; Phần trăm: 19
Nhóm tuổi 15-19; Số người: 43; Phần trăm: 67
Nhóm tuổi 20-24; Số người 4; Phần trăm: 6
Nhóm tuổi 25-29; Số người 5; Phần trăm 8
Tổng cộng 64 người; phần trăm: 100

Các người được phỏng vấn thuộc nhiều tổ chức khác nhau. Quá nửa thuộc các trường (4 trường tham gia dự án, 2 Công giáo, 2 Thệ phản). Một phần tư những người được phỏng vấn có tham dự một chương trình kéo dài một tuần lễ nhằm khai triển ý thức và kỹ năng công dân cho người trẻ. Số còn lại của mẫu được chọn từ các cao đẳng cộng đồng, chương trình ‘làm việc để lãnh trợ cấp’ (work for the dole), một Văn Phòng Giáo Dục Công Giáo địa phương và một Trường Thánh Kinh.

Các người được phỏng vấn thuộc đủ các tiểu bang và lãnh thổ Úc trừ Lãnh Thổ Thủ Đô. 38% sống tại Victoria, 25% sống tại Nam Úc và 20% sống tại New South Wales. 69% sống tại thành thị, 31% sống tại nông thôn. 61% sinh tại Úc có cả hai cha mẹ sinh tại Úc. 28% là người Úc thế hệ thứ hai: 14% những người này có cha mẹ xuất thân từ các nước nói tiếng Anh (Anh, Tân Tây Lan), 14% có cha mẹ đến từ các nước không nói tiếng Anh (Ba Lan, Hòa Lan, Ý, Hy Lạp, Li Băng, Syria, Mauritius, Mã Lai, Phi Luật Tân, Papua New Guinea và Ba Tây). Số 11% còn lại sinh ở nước ngoài; 8% số người này sinh tại các nước không nói tiếng Anh.

Các cuộc phỏng vấn kéo dài từ 30 phút tới 1 giờ. Nhưng một cách đo định lượng tốt hơn dựa vào số chữ ước lượng do người được phỏng vấn nói ra. Con số này thay đổi từ 620 chữ tới 10,500 chữ. Đúng như dự đoán, người càng nhỏ tuổi càng không ăn nói lưu loát, chỉ trừ một số rất ít ngoại lệ. Bản ghi lại các buổi phỏng vấn dài có khi đầy cả 15 trang giấy đánh máy 1 dòng.

Việc phỏng vấn bắt đầu vào tháng Mười Một năm 2003. Việc phân tích các cuộc phỏng vấn này đã bắt đầu được tiến hành ngay khi nhận được những bản ghi chép đầu tiên vào tháng Hai năm 2004 và vẫn tiếp diễn đang khi soạn thảo các câu hỏi cho cuộc điều tra toàn quốc, là cuộc điều tra sẽ diễn ra ở giai đoạn hai, trong năm thứ hai, của dự án.

Khung phân tích

Trong phần này, các tác giả phác hoạ các phương thức qua đó họ tiếp cận việc phân tích các dữ kiện do giai đoạn một của dự án đem lại. Mục tiêu nghiên cứu của dự án nhằm đẩy mạnh việc hiểu biết ‘tinh thần của Thế Hệ Y’. Nó nhằm ba tiêu điểm đã công bố sau đây:

1. Linh đạo: thăm dò các kinh nghiệm tôn giáo và tâm linh khác nhau nơi giới trẻ Úc tuổi từ 13 đến 29; tìm hiểu các phiên bản tôn giáo và linh đạo từng lên khuôn và phản ảnh kinh nghiệm kia; tìm hiểu các cách người trẻ tự định nghĩa về chính họ và giải thích đời họ; tìm hiểu các thành tố của các tôn giáo và hình thức linh đạo ấy: các trình thuật chính, các thế giới quan, các phức thể giá trị, các nghi lễ và thực hành khác, cơ cấu và sinh hoạt cộng đoàn;

2. Các ảnh hưởng trên linh đạo: thăm dò các tài nguyên văn hóa khác nhau được dùng xây dựng ra nền linh đạo, gồm cả âm nhạc, phim ảnh và truyền thông đại chúng; thăm dò mức độ trong đó môi trường văn hóa hiện đại có khuynh hướng lên khuôn cho việc giải thích chuyện đời người như một hành trình cô độc nhiều hơn là một hành trình cộng đoàn; thăm dò các mẫu thông đạt văn hóa của linh đạo; thăm dò các mẫu xã hội của việc đến với và phân phối hết sức dị biệt các hình thức linh đạo;

3. Hậu quả của linh đạo: tìm hiểu mối liên hợp giữa các phong thái linh đạo đặc thù và việc duy trì các giá trị và thái độ đặc thù đối với bản thân, tha nhân và xã hội; thăm dò các mối liên kết giữa nền linh đạo của người ta và nền đạo đức xã hội, óc sáng tạo văn hóa, các thái độ lịch lãm và thân thiện (civility & sociability), ý thức và tham gia xã hội và chính trị, tác phong chống hay phò xã hội, các hoạt động có tính công dân.

Các mục tiêu trên lên khuôn cho chiến thuật phân tích đối với các cuộc phỏng vấn: các tác giả chú tâm trước nhất tới chính linh đạo, rồi mới tới những điều xem ra là nguồn gốc của nó, và các ảnh hưởng từng góp phần lên khuôn cho nó, và thứ ba tới các hậu quả xã hội của nó – khai triển các phạm trù phân tích chi tiết hơn bên trong cấu trúc rộng lớn đó. Các tác giả dùng các hạn từ ‘nguồn gốc’, ‘ảnh hưởng’ và ‘hậu quả’ theo nghĩa rộng; từ những dữ kiện này, người ta không thể chứng tỏ được rằng một số ảnh hưởng nào đó thực sự đã tạo ra việc khai triển một loại linh đạo đặc thù, theo nghĩa hẹp, cũng không thể chứng tỏ được rằng linh đạo nào đó của người ta tạo nên các thái độ và tác phong xã hội; ở giai đoạn này, các tác giả đành chỉ đi tìm những nối kết khả trợ, một mặt, giữa các ảnh hưởng xã hội văn hóa và linh đạo, và mặt khác giữa linh đạo của một người và các thái độ và hành động xã hội của người ấy.

Cấu trúc được các tác giả khai triển để thực hiện mỗi một mục tiêu nêu trên được mô tả chi tiết như sau:

(1) Linh đạo

Linh đạo theo nghĩa ở đây được hiểu và mô tả theo các hạn từ của cái khung phân tích (1), là cái khung một phần được dẫn khởi từ lý thuyết, nhưng đã được lên khuôn một cách mạnh mẽ nhờ các cố gắng liên tục nhằm nắm bắt một cách đầy đủ ý nghĩa nội dung phong phú của chính các cuộc phỏng vấn. Theo các tác giả, linh đạo gồm ba thành tố: thế giới quan, triết lý sống (ethos) và các thực hành.

Thế giới quan

Truyện đời của người này có hình dáng ra sao? (Liệu một câu truyện với hình thức nhất định nào đó đã xuất hiện chưa?). Các đối tượng này nhìn mình và phóng chiếu mình ra sao trong tương quan với thế giới của họ? Họ dựa vào các niềm tin và ý tưởng nào để giải thích các kinh nghiệm của họ? Đôi khi, có những thành tố vừa tế vi vừa gây ảnh hưởng hơn là các ý tưởng đã lên công thức rõ ràng; nên các tác giả cũng đặt câu hỏi: con người này đang nói tới các kinh nghiệm có ý nghĩa nào? Các kinh nghiệm này rất có thể đem lại nhiều hình thức khác nhau thuộc nhận thức cảm nghiệm, mà người ta thường mô tả bằng các từ ngữ như ‘cảm nhận’ (sensings), trực giác, tâm tư, tâm trạng, động cơ thúc đẩy, lôi kéo, vấn nạn v.v… hơn là các suy nghĩ thuần lý rõ ràng.

- Việc phát biểu thế giới quan: các tác giả còn đặt các câu hỏi như: linh đạo của người cung cấp tín liệu được đặt tên ra sao, có minh nhiên, được phát biểu, được đề cập rõ ràng, được biết đến, được sở hữu, được hiểu rõ, được nhìn nhận và được suy nghĩ ra sao?

- Sự gắn bó rõ ràng của thế giới quan: các truyện kể, các niềm tin và ý tưởng hiện có có nhất quán với nhau không, hay có những đứt đoạn rõ rệt trong đó? Mẫu cấu trúc nào trong đó có thể liên kết được các điểm của nội dung? Mức độ phức tạp nào đã được giải bàn tới? Tính hàm hồ đã được xử lý ra sao? Có điểm bất tương hợp nào đã bị buộc phải ‘chặt chân cho vừa’ (Procrustean fit) hay không? Liệu có khuynh hướng cứ bắt người ta phải là một với ‘hệ thống’ ( tự tạo ra hay vay mượn của người khác, bất kể được minh nhiên nhìn nhận hay không) không? Đâu là điểm mềm dẻo, và đâu là điểm cứng ngắc? Điều gì xem ra ổn định và nhất định hơn, và điều gì vẫn còn đang biến đổi? (2)

Triết lý sống (ethos)

Theo các tác giả, linh đạo đầu hết, không chỉ bao gồm các trình thuật hay niềm tin hay ý tưởng. Những điều ấy rất có thể tùy thuộc nhiều ở triết lý sống, được nhà nhân loại học Clifford Geertz (1973, tr.127) định nghĩa một cách dễ nhớ là ‘tinh sắc [tone], đặc điểm và phẩm chất cuộc đời; là phong thái và bầu khí [mood] luân lý cũng như thẩm mỹ của nó’. Triết lý sống cũng bao hàm các giá trị (tức các nguyên tắc phổ quát hay tổng quát hơn để đánh giá), các thái độ (tức các khuynh hướng đặc thù thuộc cảm giới hướng tới những đối tượng hay ý tưởng đặc thù, nhất là hướng tới bản thân, tha nhân và xã hội chung quanh) và các thiên hướng [dispositions] (tức các thói quen sẵn sàng hành động theo một cách thế đặc thù nào đó). Quan niệm của Geertz khiến các tác giả ý thức được các thành tố tuy tế vi nhưng hết sức mạnh mẽ tức cái tinh sắc cảm giới (feeling-tone) hết sức quen thuộc của đời người; cũng như các yếu tố thuộc phong thái [style] và bầu khí hay tính khí [mood] vốn thoát thân từ thẩm mỹ, và sau hết là các giá trị và tiêu chuẩn luân lý.

Các thực hành

Linh đạo được phát biểu thành hành động ra sao? Nó lên khuôn cho cách con người hành động thường xuyên như thế nào?

Như các tác giả từng nhấn mạnh trong các phúc trình trước đây, họ tin rằng ta không nên quá đặt nặng những điều chỉ có trong ý niệm mà một người nào đó chỉ hời hợt ‘vui chơi’ với, chứ thực ra không những không hiểu rõ mà còn không liên hệ nó với một thực hành đặc thù nào và do đó, không gây bất cứ một tác động nào đối với cuộc sống họ. Thí dụ, một người nào đó có thể nói họ tin có tái sinh (reincarnation), nhưng họ biết điều ấy có nghĩa là người ta có thể sinh lại một lần nữa trên quả địa cầu này sau khi đã chết, và kiến thức này không hề tác động gì hết đối với các hành động và thực hành của họ. Trong định nghĩa của các tác giả, niềm tin có tái sinh không hẳn là phần quan trọng trong linh đạo của một người. Ý kiến đơn thuần về tôn giáo và linh đạo cũng thế. Bởi vậy, các cuộc phỏng vấn trong dự án này để ý tìm hiểu chi tiết các thực hành của người trẻ: nghi lễ và không nghi lễ, tập thể và tư riêng; đọc, suy nghĩ, suy niệm, cầu nguyện, âm nhạc, khiêu vũ, kịch nghệ.

Các tác giả thấy rằng việc xây dựng nên một số các ‘loại’ linh đạo (3) có thể tổng hợp được cả ba chiều kích: thế giới quan, triết lý sống và các thực hành, là điều hữu ích:

Linh đạo truyền thống: đặt cơ sở trên truyền thống một tôn giáo hoàn cầu (Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Do Thái giáo);

Linh đạo Tân Đại (New Age): Một cái khung chung chỉ một hoặc hai phương thức tôn giáo hay linh đạo Tân Đại như: tân ngoại giáo, thờ nữ thần, Đạo Phù Thủy (Wicca), đồng bóng hay gọi hồn (channelling), chữa bệnh bằng Linh Khí (Reiki), xem quả cầu thủy tinh); hay các niềm tin và thực hành có tính huyền hoặc hay huyền bí (19) như: thông linh học (spiritualism), tin ma quái, mê tín, chiêm tinh học); hay các yếu tố xuất thân từ các thực hành tôn giáo Đông Phương hay tôn giáo bí truyền nhưng nay đã tách rời khỏi các truyền thống xưa kia chúng vốn thuộc về (Yoya, Tai Chi, Thiền Giãn [Transcendental Meditation]);

* Chiết trung (Eclectic): tổng hợp hầm bà làng đủ mọi thể tài từ các nguồn tản mạn hết sức khác nhau, đôi khi cả các yếu tố lấy từ các tôn giáo truyền thống. Một số tác giả coi đây là thứ linh đạo “hậu truyền thống”;

* Thế tục (secular): các phương cách làm cho đời có ý nghĩa mà không cần tới các truyền thống tôn giáo; đôi khi đi tìm một căn bản khác trong khoa học, triết học hay lý thuyết kinh tế; thường thực tiễn và vô lý thuyết một cách trổi vượt;

* Linh đạo tự khai triển bản ngã: phần lớn chú tâm quanh vấn đề tự lập bản thân, tự phát triển, tự thể hiện con người mình;

* Linh đạo phôi thai [embryonic] (chưa thành hình, chưa phát triển, còn trứng nước, đang dò dẫm, đang xuất hiện, chưa rõ rệt, đang phtá sinh): phần lớn tiềm ẩn và chưa phản ảnh, vì đương sự mới ở giai đoạn đầu của tuổi thiếu niên, hay vì thiếu giáo dục, do môi trường xã hội hay gia đình, hay bị bạo hành, hoặc các yếu tố khác ngăn cản việc phát triển.

Ghi chú:

(1) Trong các phúc trình trước đây, và trong các khảo luận sắp được công bố, các tác giả có trình bày một hình thức xưa hơn của khung phân tích dành cho chính linh đạo, bề ngoài rất khác với cái khung dùng ở đây. Họ giải thích vắn tắt như sau: họ coi cấu trúc ở đây có tính tiến bộ nhiều hơn là cấu trúc trước. Nó thành hình sau nhiều suy nghĩ đắn đo và nghiên cứu sâu rộng thêm về phương pháp phân tích linh đạo, cũng như sau nhiều cuộc thảo luận lâu dài giữa họ với nhau và giữa họ với các đồng nghiệp khác, và nhất là sau khi đã nắm được các dữ kiện thực tế từ các trường hợp điển hình, nhờ thế họ thấy rõ điều gì có giá trị khi được phân tích, điều gì giúp họ đi sâu hơn vào ý nghĩa và tầm quan trọng của các trình thuật do các người được phỏng vấn cung cấp. Mười chiều kích cũ của họ vẫn hiện diện trong cấu trúc mới, nhưng không còn là những tiêu đề biệt lập nữa nhưng đã được tích nhập một cách chặt chẽ với nhau hơn dưới các tiêu đề Thế giới quan ‘triết lý sống’ (Ethos) và Thực hành. Chiều kích ‘tương quan với tôn giáo’ trước đây đã được sửa đổi để tạo nền cho cho phần nghiên cứu ‘các loại linh đạo’.

Có lẽ sự thay đổi lớn nhất, một thay đổi sẽ được ghi nhận xẩy ra trong câu định nghĩa của các tác giả về linh đạo mà giờ đây đã được nới rộng để bao gồm cả các thế giới quan thế tục dù chúng rẫy bỏ các quan niệm ‘thần linh’, ‘tâm linh’ và ngay cả ‘linh đạo’. Việc này ít khó khăn là phải biện minh cho cuộc thăm dò của họ về các quan điểm duy thế tục, tuy quan trọng nơi giới trẻ Úc nhưng được họ coi là phụ thuộc hay thoái hóa của những người không có linh đạo.

Cũng thế, các tác giả cũng coi là linh đạo các quan điểm xem ra có vẻ chỉ chú mục vào bản thân hay không phản ảnh (unreflective). Vì quan niệm về một con người hoàn toàn tự đóng kín hay không phản ảnh xem ra chỉ là một cực đoan hoàn toàn có tính lý thuyết hay chỉ là ngoại lệ. Người ta có thể quan niệm ra nó, nhưng khó mà gặp nó trong thực tế. Nhưng còn câu định nghĩa nòng cốt trước đây của họ rằng linh đạo ‘là lối sống có ý thức với một qui chiếu siêu việt’ thì sao? Các tác giả vẫn chưa bỏ quy chiếu siêu việt ra khỏi câu định nghĩa này, vì linh đạo vẫn được quan niệm là quy chiếu vào một trật tự thực tại vượt quá cá nhân. Tuy nhiên họ chưa tìm được cách phát biểu yếu tố siêu việt đó một cách hoàn toàn thoả đáng.

(2) Việc chú tâm tới tính gắn bó rõ ràng này không hề hàm nghĩa các tác giả có bất cứ ưu tiên nào đối với tính nhất quán hay bất cứ phán đoán tiêu cực nào đối với các điểm bất nhất. Các điểm bất nhất thực ra lại hết sức đáng chú ý; chúng có thể cho thấy một bước chuyển tiếp nào đó đang xẩy ra; hay một lòng trung thành nào đó đối với ‘sự thật thuộc cảm nghiệm’, luôn ở thế căng thẳng đối với việc hệ thống hóa vội vàng hay không thích hợp. Phần lớn những người được phỏng vấn đều là thiếu niên, nghĩa là đang phát triển dưới muôn hình muôn dạng; nên các điểm bất nhất là điều đương nhiên, và cũng có thể là dấu hiệu của việc phát triển bản thân; tính nhất quán vừa có thể biểu lộ tính trưởng thành hay cứng ngắc và khó thay đổi mà cũng có thể biểu lộ ảnh hưởng của một khuôn mẫu văn hóa cực mạnh. Các tác giả không muốn đánh giá tiêu cực cả hai khía cạnh ấy.

(3) Có rất nhiều bài viết, mà một số có tính phê phán cao, bàn đến ý niệm nguyên khởi của Weber về ‘loại lý tưởng’ (ideal type). Các tác giả không có ý định thăm dò hay tranh cãi các vấn đề ấy ở đây. Họ thấy chỉ cần nói rằng một loại lý tưởng nào đó phải là một thứ ‘hình thức ròng’ (pure form), chủ đích không nhằm trình bày chi tiết bất cứ thực tại duy nghiệm nào, nhưng là một tổng hợp các đặc điểm được coi như một thứ tốc ký để thông đạt. Căn cứ vào các duyệt xét của hai nhà hiện tượng luận Husserl và Schutz, ‘loại’ (type) được miêu tả như một thứ tiền tệ căn bản của ngôn từ, và là mảnh vật liệu xây dựng từ đó ta dựng được ‘các cơ cấu ăn có với nhau’ (structures of relevance) nhờ thế ta ‘quản trị’ cuộc sống của mình trong thế giới sinh hoạt hàng ngày. Thí dụ, khi tôi bỏ một lá thư vào thùng thư, tôi giả thiết bức thư đó sẽ được một công nhân vô danh thuộc loại ‘công nhân bưu điện’ đến thu lại từ cái hộp thư này, sau đó được những công nhân khác cùng loại phân soạn, và cuối cùng được một người khác thuộc loại ‘bưu viên’ (postman) trao đến tay người nhận. Không có diễn trình ‘lên loại’ (typification) này, cuộc sống hàng ngày của ta không thể nào ‘quản trị’ được (Schutz & Luckmann 1973).

(còn tiếp)

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.06.2008. 14:19