Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một vài suy tư về một cuốn phim mới

§ Như An

Cuốn phim The Da Vinci Code, dựa trên quyển tiểu thuyết mang cùng tên được Dan Brown sáng tác vào khoảng tháng 3 năm 2003, được trình chiếu tại nhiều nơi trên thế giớí vào trung tuần tháng Năm, 2006. Sự kiện Hollywood phát hành một cuốn phim mới chẳng làm ai bận tâm theo dõi nếu đó chỉ là cuốn phim để giải trí cuối tuần. Nhưng khi cho trình chiếu rộng rãi cuốn phim mới The Da Vinci Code thì Tổ hơp sản xuất Sony không chỉ nhắm thu lợi nhuận tối đa do cốt truyện giật gân khiến nhiều khán giả tò mò đi xem, mà còn chủ ý huỷ diệt niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô khi mập mờ trình bầy vơi người xem những tình tiết tưởng tượng do Dan Brown tự sáng tác như là những chứng tích lịch sử khả tín.

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “sự thật sẽ giải thoát các con“ trong Tin Mừng Gioan, vì thế bài viết ngắn gọn này được viết ra như một vài suy tư gửi đến các anh chị trong GĐĐC khi mà phim The Da Vinci Code (DVC) vừa ra mắt công chúng.

Theo Dan Brown, hiện sống tại Exeter, tiểu bang New Hampshire, thì khi quan sát kiệt tác “Bữa tiệc thánh cuối cùng” (The Last Supper) được Leonardo Da Vinci khởi sự năm 1495, ông đã khám phá ra ẩn ý của nhà danh họa này. Tất cả những “khám phá” và những “giai thoại được đồn thổi trong dân gian trong nhiều thế kỷ qua về cuộc đời một nhân vật mang tên Giêsu đã được Brown, một thầy giáo Anh văn, viết ra trong cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code có thể tóm gọn như sau:

Một quản thủ già cuả thư viện Louves tại Paris bị sát hại. Tại hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng, thám tử điều tra đã thấy nhiều mật mã (code) được nạn nhân viết xuống đất trước khi chết. Ngoài ra, cuốn sổ tay mà nạn nhân dùng ghi chép cách đọc các mật mã cũng được các thám tử tìm thấy.

Khi giải mã (decode) các ký hiệu bí mật trên thỉ thấy rẳng những mật mã nây có liên quan đến bức danh họa “Bữa tiệc thánh cuối cùng” của Leonardo Da Vinci.

Tìm hiểu thì được biết thêm rằng, Leonardo Da Vinci là một thành viên thế giá cuả Tu hội Sion (một “hội kín” giữ những bí mật về cuộc đời Giêsu). Bức danh họa được Da Vinci vẽ ra, dưới dạng thức những “mật mã” nhằm thông tin cho hậu thế về cuộc đời thực cuả Giêsu, Được quan sát kỹ đúng mức theo chỉ dẫn cách đọc các mật mã trong cuốn sổ tay cuả nạn nhân để lại thì: trong tranh, người, ngồi cạnh Giêsu, có mái tóc dài, quăn, với bàn tay thon và dài phải là một phụ nữ (đó là lý do tại sao được vẽ là một nhân vật không râu, và dáng vè thì không mấy được trang nghiêm). Người phụ nữ này, dựa theo những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian từ nhiều ngàn năm nay được “tu hội kín Sion (Priory of Sion) ghi chép và cẩn thận gìn giữ, thỉ đó chính là Maria Madalêna, chứ không phải ai khác hơn.

Giêsu đã sống với Maria Madalêna như đôi vợ chồng và họ có người con gái. Để bảo vệ huyết thống cuả Giêsu, và tránh sự truy lùng cuả Giáo hội, Mary Madalêna đã mang con lánh sang xứ Gaule (nay thuộc nước Pháp). Cuối cùng, Giêsu đã chết già, và hậu duệ của đôi vợ chồng này đã từng là vua chúa nước Pháp, và hiện còn sống cho đến tận ngày hôm nay.

Giáo hội Công Giáo đã che dấu những sự thực về cuộc đờì con người Giêsu sau khi Công Đồng Nicea quyết định “gạt bỏ” việc sùng bái nữ thần, và công bố Giêsu là Thiên Chúa để tôn thờ và nhất là áp chế phụ nữ không cho tham dự vào các phẩm trật trong cơ cấu Giáo hội. Để thực hiện việc lừa đảo và dối trá này, Giáo hội đã không ngần ngại xử dụng bạo lực qua những “băng đảng xã hội đen” như Opus Dei để sẵn sàng giết người không gớm tay nhằm bịt miệng những ai biết được những sự thực về Giêsu. Sự thực đó là, Giêsu không hề bị đóng đanh trên thập tự, và nhất là không hề sống lại, và lên Trời.

Án mạng xảy ra cho người quản thủ thư viện (bị giết vì là người cuối cùng cuả Tu hội kín Sion nắm giữ những bí mật về cuộc đời Giêsu) là một minh hoạ điển hình.

Viết đến đây, quý vị có thể cho rằng: đã có thiếu gì phim ảnh, báo chí phỉ báng Chuá Giêsu, Mẹ Maria, và Hội Thánh của Người, đã được lưu hành rộng rãi trước đây rồi. Nổi cộm hơn cả thì có thể kể đến: Ruồi trâu (truyện dịch cuả nuớc Ý), Tây Dương Gia tô Bí Lục của Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hoà Đường (cả hai đều tự xưng là “giám mục” Việt nam cơ đấy, khiếp chưa) được Ủy Ban và Viện Khoa học Xã Hội Hà Nội cho tái bản năm 1982, Bão biển (1973) cuả Chu Văn, Xung Đột cuả Nguyễn Khải trước đây, và chỉ mới đây thôi (năm 1978) Nguyễn Khải đã sáng tác thêm Cha và Con và... để tận lực bôi đen Kitô Giáo.

Phim ảnh thì Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng Của Chúa, Hail Mary do Hollywood Hoa kỳ, đến Ngày Lễ Thánh do Xưởng Phim Truyện Việt Nam sản xuất dựa theo tiểu thuyết Bão Biển. Nay thì The Da Vinci Code (DVC) cả phim lẫn truyện đều ra sức phỉ báng Chuá Giêsu và tấn công Công Giáo, chuyện mà thiên hạ trước đây đã có nhiều người làm rồi, vì khi làm xong thì vẫn không hề bị phiền hà vì bị chống đối hay kiện cáo lôi thôi gì cả, đã thế lại còn thu được nhiều bạc tiền là khác. Vì xưa nay chuyện “bật mí” những “bí mât” (nhất là các nhân vật nổi danh, đáng kính) thì bao giờ cũng gây ra tò mò vì tính “giật gân” và “động trời” kia mà. Chuyện nhỏ, nhằm nhò gì đâu. Nhưng nay thì trưòng hợp DVC quả có khác, mà lại khác rất là xa nữa, Vì sao... ?

Ngay từ lúc còn là truyện đến lúc dựng thành phim, từ Dan Brown đến đạo diễn Ron Howard đều lải nhải nói rằng: “Đây là một câu chuyện” (fiction). Luận điệu vừa mập mờ vừa ấm ớ này nhằm cô lập những ngườI lớn tiếng phản đối. Vì lên tiếng phàn bác lại thì dễ bị công luận mỉa mai là thiếu khoan dung khi kết án thái độ ngạo mạn của tác giả, và tính báng bổ tôn giáo cuả một cuốn tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, giả tưởng “bestseller” (sách đã bán chạy, thì phải làm thành phim thôi, dễ hiểu quá mà).

Thực ra, Dan Brown không hề dấu diếm ác ý cuả mình khi viết DVC khi giữ nguyên tên các nhân vật (Giêsu, Mary Madalêna), tổ chức Opus Dei, và ngay cả “tu hội” kín Sion (một tổ chức, được thành lập năm 1099 tại Âu châu, để tận tụy thờ phượng nữ thần, và đứng ra tổ chức các cuộc truy hoan như một hình thức thờ phượng). Tóm tắt, Dan Brown ma mãnh liên kết những nhân vật có thực, với những biến cố, những câu chuyện, tổ chức có thực ở tại những địa danh có thực để thành một tổng thể “nói láo mà như có vẻ thực” một trăm phần trăm. Nói theo ngôn ngữ bình dân thì Dan Brown cố làm hàng “nhái” để giả mạo hàng thật nhằm thu lợi nhuận tối đa từ những ai thích tò mò và cả tin vì thiếu hiểu biết (cách làm giàu này vừa dễ vừa an toàn) bất chấp những tác hại mà DVC có thể gây ra. Phương châm “Sống chết mặc ai, cứ thu được nhiều tiền thì được coi là tốt” đang ngày càng được xã hội tục hoá cao rao và đề cao phải chăng đã là lời giải thích cho việc sáng tác ra DVC?

Khác với những luận điệu bài bác Kitô Giáo trước đây, DVC trực diện gạt bỏ một cách quyết liệt thiên tính nơi Chúa Giêsu để nỗ lực huỷ diệt đi niêm tin vào sự cứu độ cuả Thiên Chúa lảm người trong Chuá Giêsu. Nói gọn lại, DVC cố vẽ hình ảnh Chúa Giêsu, người thợ mộc thành Nazaret, thành một “ông đạo” có đầy đủ mùi tục lụy, thê nhi, và cũng nằm chờ chết như moị người. Sống lại, và lên Trời hiển vinh là chuyện vừa lố bịch vừa nhảm nhí do “Câu lạc bộ” Công giáo (một tổ chức bí mật đầy tham lam, độc đoán và chuyên hoạt động mờ ám) bầy đặt ra để mê hoặc kẻ nhẹ dạ dễ tin và dành quyền cưỡi đầu cưỡi cổ thiên hạ cho nam giới trong khi áp chế phụ nữ (theo DVC, chính Madalêna cũng có mặt trong Buổi Tiệc Ly, thì nữ giới có thể làm tốt tác vụ phó tế, linh mục và ngay cả giám mục được lắm chứ, taị sao lại không ?). Ai đã được DVC mách bảo cho mà vẫn mê muội thì ráng … mà chịu, không ai thương.

Tuy nhiên, luận điệu gian lận với ác ý của Dan Brown không phải không thể bị bẻ gẫy, tuy không dễ dàng vì cần đôi chút kiên nhẫn để có đủ thời gian nhận định và phán đoán.

Trước hết, họa phẩm “Bữa Tiệc Thánh cuối cùng” chỉ có giá trị vì được vẽ ra trong sự cân đối không gian ba chiều, thế thôi. Ngoài ra tính chất xác thực về phương diện sử liệu là con số zêrô khổng lồ. Tại sao? Vì vào thời Chuá Giêsu, phong tục ngồi vào bàn tiệc tại vùng đất Palestina (vào thời Chúa Giêsu) có nghĩa là khách ngồi xuống đất (hay thảm) duỗi chân thoải mái, và thức ăn thì được bày ra trên bàn và trước mặt thực khách. Nguyên liệu để dùng làm hàng ‘nhái” là nguyên liệu quá tồi, khiến phát hiện dễ dàng. Bức tranh mà Brown khẳng định rằng được Da Vinci vẽ ra để bảo vệ “sự thực” về Đức Giêsu đã vẽ các thực khách ngồi ghế một cách rất ư đàng hoàng và quá rõ ràng khiến không cần phải bàn cãi thêm gì nữa. Một cái sai.

Cái sai thứ hai, cũng rõ ràng không kém. Đó là Công Đồng Nicea chỉ nhắc lại định tín Thiên Chúa làm người nơi Đức Giêsu. Đây là niềm tin vào Chuá Giêsu đã được các Tông Đồ tuyên xưng, thí dụ Thánh Tôma đã lớn tiếng khẳng định “… Lạy Thiên Chuá cuả con” trong lần diện kiến đầu tiên sau khi Chuá Giêsu từ cõi chết sống lại. Điều này đã đươc ghi chép trong Tin Mừng được hoàn tất trong nhũng năm đầu thế kỷ thứ hai, nghiã là truớc khi Công Đồng Nicea (được triệu tập năm 325) khoảng hơn 100 năm. Khẳng định một tín điều (THIÊN TÍNH của Chúa Giêsu) đã được tuyên xưng và xác định từ trướcc đó, thì chỉ có thể gọi là nhắc lại, chứ không thể gọi khác hơn được, trừ khi người nói gian lận và chỉ “muốn nói lấy được”, bất kể đúng sai.

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một nửa ồ bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì chẳng bao giờ là sự thật.” Góp nhặt, rồi ranh mãnh cắt xén những biến cố có thật để tạo “hàng giả” thì trước sau gì cũng bãi lộ thôi.

Có thề còn cò nhiều lý chứng khác nữa, nhưng chỉ xin ghi lại dưới đây hai chứng cớ rất dễ hiểu một cách minh nhiên (thuộc loại “common sense” đây)

Thứ nhất, dù ngu dại cách mấy thì cũng không ai dại dột lấy cái chết để làm chứng cho những gì mình biết rõ ràng là dối trá. Các tông đồ theo Chúa cũng không thể nào làm khác hơn điều vừa nêu. Đến Tôma đòi xem lý chứng Phục Sinh (dấu đanh, và “thọc tay vào cạnh sườn Người”) rồi ông mới tin, thì chung cuộc cũng biết lấy máu làm chứng về điều mình đã thấy nên tin và ra đi rao giảng. Thánh nhân được phúc tử đạo khi rao giảng tại vùng đất Ấn Độ.

Trên đời này không ai dại gì mà phải lăn vào chỗ chết chỉ để làm chứng cho "ông đạo" Giêsu và bạn gái cuả ông đâu, ông Dan Brown ạ!

Theo dân luật thì lời khai cuả người chúng có mặt lúc xảy ra biến cố (eyewitness) thì lời chứng đò có giá trị đáng tin (nghiã là có tính khả tín, theo sách Luật định nghĩa). Nếu lởi chứng trên được xác định bởi một lời khai riêng rẽ cuả một nhân chúng khác thỉ mức khả tín cuả lời khai của nhân chứng tại chỗ đầu tiên sẽ được đánh giá rất cao. Ngoài ra, nếu có những lời chứng cuả nhiều nhân chúng tại chỗ mang những đặc điểm như: cùng nội dung vê người và sự việc đã xảy ra vói bố cục kết cấu và cách dùng ngôn từ khác nhau thì mức khả tín được coi là tuyệt đối. Chỉ bốn Phúc Âm Matthêu, Marcô, Luca, và Gioan có đầy đủ những đặc tính vừa kể, nên cả bốn Phúc Âm có đủ thẩm quyền xác định tính xác thực về cuộc đời Chuá Giêsu vì cả bốn Thánh Sử chẳng những là nhân chứng sống động tại chỗ (eyewitness) mà các ông còn là người trong cuộc (insider) can dự vào các sinh hoạt đã xảy ra trong đời Chuá Giêsu. Trong khi đó, Dan Brown chỉ góp nhặt những “tin đồn” (bốn người mà Dan Brown nêu tên thì không một ai là sử gia cả). Lại nữa, tất cả (kể cả Dan Brown) đều không ai là "eyewitness" cả, vì tất cả đều sinh ra trong thế kỷ XX này. Vậy, niềm tin xác thực nơi Chúa Giêsu dựa vào các tài liệu nào thì hẳn nhiên đã được chúng ta lựa chọn và xác lập.

Thứ đến, chính lời nói đi đôi việc làm của Chuá Giêsu đã khiến ta tin vào danh Người.

- Người đã cho con bà goá thành Naim sống lại, trước đó Ngài nói rằng ".. Nó đang ngủ"

- Người dậy dỗ ta yêu thương kẻ thù, khi bị hành hình trên thập giá Người đã cầu xin "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không hiểu việc chúng làm". Ngài đã xin tha cho những kẻ làm khốn Người ngay khi còn trên thập tự, và đang khi chịu thiên hạ nhạo cười và gắt gao kết án. Đây là giây phút đẹp nhất trong đời Chuá Giêsu thành Nazaret.

Chúa Giêsu đã dậy dỗ yêu thương, và Người đã nêu gương cho ta trong ngay cả giây phút khốn cùng nhất trong đời cuả Người, nên dứt khoát tôi tin Người.

Viết tới đây, có thể quý vị cho là dài quá. Nên phần thái độ cuả chúng ta ra sao khi phim DVC đang được trình chiếu khắp nơi sẽ được viết rất ngắn và gọn như sau:

  1. Hãy năng cầu nguyện cho Giáo Hội và các phẩm trật trong Hội Thánh: Chúng ta đã tận hiến cho Mẹ Thánh của Người, thì hãy năng chạy đến cùng Mẹ để Mẹ dẫn ta tới Chúa. Nên nhớ, Chuá có quyền năng biến mọi sự dữ thành mọi sự lành cho Giáo hội cuả Người.
  2. Tẩy chay truyện cũng như phim DVC Không đọc, không xem. Chỉ tham khảo những tài liệu xác thực được Giáo hội hoàn vũ, cũng như địa phương ấn hành và truyền bá (hiện nay, có nhiều tài liệu đã được Giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ phổ biến trên truyền hình, và ngay cả trên điện toán toàn cầu (website) cũng như sách báo).
  3. Khuyến khích con em, và những người thân quen không nên tò mò tìm mua, hay tìm đọc DVC vì lãng phí tiền bạc, và thời gian (Phim DVC được giới phê bình phim đánh giá là rất dở trong diền xuất lẫn diển tiến cốt truyện. Vắn tắt, đó là phim thuộc loại trinh thám, giả tưởng rẻ tiền, ngô nghê "đầu Ngô mình Sở", ngay cả nữ thám tử đại tài về mật mã Sophie Neveu trong phim cũng tỏ vẻ không tin mình là hậu duệ cuả GiêSu như DVC khẳng định).
  4. Bình tĩnh đối thoại khi phải đề cập đến DVC với người đối diện. Nếu phát hiện ra người đối diện chỉ muốn tranh cãi hơn thua, thì đề nghị nên giữ im lặng, vì "Đầy tớ Chúa thì không tranh cãi..." (2 Timôthê 2,24). Nên nhớ, Liên Bang Xô Viết trước đây đã tiêu phí mỗi năm hàng tỷ đô la để in ấn, làm phim để bôi đen Chúa, Mẹ, và Giáo hội. Thế mà, cũng uổng công vô ích vì có xoá nổi lấy được 1 dòng cuả Kinh Thánh đâu. DVC mà nhằm nhò gì... Có gọi là sách bán chạy thì bốn năm mới bán nổi 40 triệu cuốn, trong khi Kinh Thánh hàng năm tiêu thụ khoảng trên dưới 70 triệu ấn bản)
  5. Chuyên cần đọc và tìm hiểu Lời Chúa: Đề nghị cụ thể là mỗi năm đọc và tìm hiểu một bộ sách trong Kinh Thánh (tùy theo sự lựa chọn cá nhân hợp với sở thích).
Cuối cùng, ngay từ thời Chuá Giêsu thì sự việc Chuá Phục Sinh đã làm các trưởng lão Do Thái ú ớ. Trình thuật Tin Mừng Matthêu ghi lại rằng "Các anh hãy nói: ban đêm chúng tôi ngủ thì môn đệ nó đến trộm xác nó" (Xem chi tiết trong Matthêu 28, 11-15). Bọn lính canh chỉ thò tay nhận tiền của thượng tế và kỳ lão, nhưng đủ khôn (chắc ít nhất cũng phải khôn hơn người đã cho chúng tiền) để im miệng. Vì nếu đi trình Philatô, thì chắc chắn khó tránh được hình phạt khi không thể trả lời được câu hỏi "Các anh ngủ thì làm thế nào mà các anh biết được môn đệ (cuả Giêsu) đến trộm xác nó đây?".

Như An
San Diego, Giữa tháng Hoa 06

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.05.2006. 18:50