Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ Tôi (2)

§ Lại Thế Lãng

Cách đây ít lâu tôi có cơ hội liên lạc được với người anh con của người chị cả của mẹ tôi hiện đang sống ở miền Bắc Việt Nam. Đã từ lâu lắm chúng tôi không có liên lạc nên hoàn toàn không biết tin tức của nhau.

Trong một lá thư gửi cho tôi, anh hỏi rằng mẹ tôi và cũng là dì ruột của anh hiện nay ở Việt Nam hay đang sống với tôi ở Mỹ. Anh không hề hay biết rằng mẹ tôi đã mất. Trong thư hồi âm cho anh tôi đã kể với anh nhiều chuyện và cũng gửi kèm một DVD về đám táng của mẹ tôi.

Khi sang đĩa DVD gửi cho anh, lại một lần nữa tôi có dịp ngồi xem lại những hình ảnh cuối đời của mẹ tôi. Và rồi cũng như những lần trước, cứ mỗi lần nhìn thấy những chiếc khăn tang tượng trưng cho những người vắng mặt được vắt ngang cỗ quan tài của mẹ tôi thì lòng tôi lại quặn đau vì thương mẹ và không khỏi tự trách mình.

Ngày mẹ tôi mất tôi đã không thể về chịu tang mẹ. Đành rằng tôi không về được vì bị ngăn trở bởi những lý do ngoài ý muốn nhưng tôi vẫn áy náy và cảm thấy mình thật có lỗi với mẹ.

Hôm nay bước vào tháng Năm là tháng Giáo hội Công giáo đặc biệt tôn vinh Mẹ trên trời. Ở Hoa Kỳ tháng Năm cũng có ngày lễ Mẹ để vinh danh các bà mẹ ở trần gian. Nhân dịp này tôi muốn ghi lại ít dòng về mẹ tôi như thắp lên một nén hương để tưởng nhớ và đồng thời cũng để tạ lỗi với mẹ.

Mẹ tôi là một bà mẹ quê một trăm phần trăm. Tính tình mẹ tôi bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không biết đưa đẩy và cũng không sợ làm phật lòng người khác. Có lẽ ảnh hưởng từ mẹ mà anh em chúng tôi chẳng ai biết nói lời hoa mỹ và cũng không thể nói khác với những gì mình nghĩ.

Mẹ tôi sống giản dị, không chú trọng bề ngoài. Rất thương con thương cháu nhưng ít khi biểu lộ ra bên ngoài. Mẹ tôi thường dùng những từ ngữ địa phương từ xa xưa mà chỉ có tôi mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa vì tôi đã được nghe mẹ tôi nói từ khi còn nhỏ.

Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi viết nhưng mẹ tôi lại có thể đọc được sách. Tuy rằng mẹ tôi chỉ có thể đọc rất chậm và thỉnh thoảng phải ngừng lại để đánh vần rồi mới đọc tiếp được. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ làm cho tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục mẹ. Là vì ở thế hệ của mẹ tôi, ngay cả nhiều phụ nữ ở thành thị còn không biết chữ trong khi mẹ tôi chỉ là một phụ nữ quê mùa, nhà nghèo và ông ngoại tôi lại mất sớm.

Tôi còn nhớ rất rõ khi còn sống ở nhà quê, vào những ngày mưa gió không thể làm lụng gì ở bên ngoài được, mẹ tôi thường lấy sách ra đọc cho chúng tôi nghe. Giọng mẹ tôi ê a, chậm chạp khiến chúng tôi không thể kiên nhẫn ngồi nghe mẹ đọc đang khi chúng tôi còn có nhiều trò chơi khác. Tuy vậy cũng có đoạn sách làm chúng tôi chú ý chẳng hạn như đoạn sách nói về việc có những linh hồn ở luyện ngục hiện về xin thân nhân cầu nguyện cho họ hoặc những đoạn sách khác mà nay tôi không còn nhớ được.

Có lẽ vì ảnh hưởng bởi cuốn sách gối đầu giường đó mà ngoài lòng sùng kính Đức Mẹ, mẹ tôi đặc biệt quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh hồn.

Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã được mẹ tôi dạy phải thường xuyên cầu nguyện cho các linh hồn. Mẹ tôi dặn mỗi khi đi ngang qua nghĩa địa phải nhớ đọc kinh cầu nguyện cho những người chết được chôn ở trong đó. Mẹ tôi cũng bắt buộc khi đi nhà thờ phải ở lại cho đến khi đọc xong kinh Vực sâu là kinh cầu cho các linh hồn rồi mới được ra về.

Việc này không có gì đáng nói nếu mọi việc ở nhà thờ xong xuôi lúc trời còn sáng nhưng về tháng Mười trời mau tối “Tháng Mười chưa cười đã tối” thì thật không dễ dàng tí nào. Vào thời gian này sau khi chầu xong thì trời đã nhá nhem, các ông bà dòng Ba lại còn đọc hết kinh này đến kinh khác rồi mới chịu đọc đến kinh Vực sâu. Trong nhà thờ lúc đó đèn nến đã tắt cả chỉ còn ngọn đèn chầu leo lét. Nhìn ra bên ngoài trời tối đen như mực, nghĩ đến đoạn đường từ nhà thờ về nhà mà thấy nổi da gà. Những buổi tối có thể về cùng mấy người trong xóm thì còn đỡ, có những buổi tối khi mọi người đều đã về tới nhà của họ chỉ còn một mình trên con đường vắng tanh với tiếng kẽo kẹt của những cây tre cọ xát vào nhau nghe mà rợn người. Có lần thấy tôi về đến nhà còn thở hồng hộc, mặt mày tái xanh mẹ tôi thông cảm và từ đó cho phép tôi được chầu xong là về ngay nếu không thấy có người trong xóm.

Khi bố tôi vào quân đội, mẹ tôi dẫn chúng tôi rời bỏ xóm làng để đi theo bố. Gia đình tôi đã phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác tùy theo lệnh thuyên chuyển của bố tôi. Đến chỗ nào mẹ tôi cũng đòi cho bằng được bố tôi phải thuê nhà ở gần nhà thờ cho tiện “đi nhà thờ nhà thánh”.

Khi được lệnh đi thụ huấn một khóa quân sự, bố tôi gửi gia đình về Phát Diệm. Trong thời gian ở đây gia đình tôi có dịp hòa nhập vào nếp sống đạo đức của người dân Phát Diệm. Sáng nào chúng tôi cũng đi lễ và chiều nào cũng đi chầu Thánh Thể ở nhà thờ chính tòa. Nhờ vậy tôi mới được biết đến công trình xây dựng nổi tiếng trong khu quần thể nhà thờ Phát Diệm của Cụ Sáu. Những ai có dịp đến đây chắc chắn phải thán phục tác giả của công trình tuyệt vời này.

Không biết nghe ai nói mà có lần mẹ tôi kể với tôi rằng Cụ Sáu Trần Lục đã được các linh hồn giúp sức trong công trình xây dựng của ngài. Tôi không còn nhớ mẹ tôi kể các linh hồn đã giúp cha Trần Lục như thế nào nhưng nếu mẹ tôi tin điều đó là có thật thì cũng không có gì lạ. Là vì ngay cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được với kỹ thuật và phương tiện thô sơ vào thời kỳ đó, làm thế nào người ta có thể hoàn thành được một công trình vĩ đại như thế. Chưa kể đến ngôi nhà thờ hoàn toàn bằng đá từ kèo, cột v.v. hay những công trình khác. Chỉ nội tảng đá kê ở gian giữa Phương Đình mà đã một thời chiều nào tôi cũng lê lết trên đó đã khiến tôi nghĩ không ra. Tảng đá này được đem về từ một nơi cách xa mấy chục cây số mà sau khi đã được đục đẽo cho vuông vức, mài chà cho nhẵn nhụi hãy còn có chiều dài 4m30, ngang 3m30 và cao 0m30. Tôi nghĩ ngay cả với kỹ thuật tân tiến của thời đại ngày nay, việc di chuyển một khối đá khổng lồ như vậy cũng là cả một vấn đề.

Những ngày sống êm ả ở Phát Diệm chưa được bao lâu thì có hiệp định đình chiến. Lúc đó tôi nghe người lớn nói rằng ai theo Việt Minh thì ở lại miền Bắc còn ai theo quốc gia thì đi vào trong Nam. Mẹ tôi chắc chắn chẳng thích theo Việt Minh nhưng đi vào trong Nam thì mẹ tôi ngại ngùng lắm. Khi bố tôi từ Hà Nội nhắn tin cho mẹ tôi đưa gia đình lên Hà Nội để đi vào Nam thì mẹ tôi nhất định không chịu đi mà muốn trở về ngôi làng cũ. Bà nội tôi thuyết phục thế nào cũng không được cuối cùng bà nội phải nói rằng nếu mẹ tôi không chịu đưa cả nhà lên Hà Nội thì ít nhất cũng phải để bà dẫn tôi lên Hà Nội với bố tôi. Không làm sao được mẹ tôi đành phải chấp nhận điều kiện đó và hai bà cháu lên đường. Khoảng một tuần lễ sau, trong lúc bố tôi còn đang tìm cách nhắn tin về hối thúc thì mẹ tôi dẫn được các em tôi tới Hà Nội. Như để giải thích về sự thay đổi quyết định lúc ban đầu, mẹ tôi chỉ vào tôi nói “Cũng tại cái thằng này. Cho nó đi rồi sốt cả ruột cả gan đành phải đi theo”. Nhờ mẹ tôi đổi ý mà gia đình tôi được đoàn tụ nếu không thì sau đó đã có cảnh người Bắc kẻ Nam rồi.

Khi vào Nam mẹ tôi dẫn anh em chúng tôi đi trước trong lúc bố tôi còn ở lại Hải Phòng để đi cùng đơn vị. Gia đình tôi được đưa đến một trại tạm cư ở gần cầu Nhị Thiên Đường thuộc vùng Chợ Lớn. Tại đây mẹ tôi gặp được người chị ruột kế mẹ tôi đã nhiều năm không gặp nhau. Bác là em dâu của linh mục Hoàng Quỳnh lúc đó đang coi sóc giáo dân đã định cư ở khu Phạm Thế Hiển, một vùng đất của Bình Xuyên. Giáo xứ này là giáo xứ Bình An. Bác tôi đã có nhà cửa ổn định vì vậy mẹ tôi quyết định rời khu tạm cư đến ở với bác. Chị em gặp nhau lại được sống cận kề là điều vui mừng nhưng sau này mẹ tôi cứ tiếc vì rời khu tạm cư mà không được đưa đi định cư ở nơi khác có đất đai để canh tác. Ở Bình An không có công việc nào thích hợp với mẹ tôi cho nên gia đình chỉ sống nhờ vào đồng lương của bố tôi lúc đó vẫn còn ở trong quân ngũ.

Cũng như thời gian còn ở ngoài Bắc, mỗi lần bố tôi được lệnh thuyên chuyển đến nơi nào thì gia đình lại di chuyển đến nơi đó. Ở Bình An một thời gian mẹ tôi lại đưa gia đình đi theo bố tôi xuống tận Long Mỹ, Cái Răng, Cần Thơ rồi Long Xuyên. Khoảng thời gian này tôi được gửi ở lại Sài gòn để đi học. Tôi bắt đầu sống xa mẹ từ thời gian đó, tiếp đến từ sau khi nhập ngũ và rồi kéo dài trong suốt thời gian đi “cải tạo”.

Từ ngày được ra khỏi trại “cải tạo” thỉnh thoảng tôi mới có dịp về thăm bố mẹ. Một lần về thăm nha, mẹ tôi chỉ cho tôi hai bộ ván me đựơc dùng làm giường ngủ. Mẹ cho tôi biết hai bộ ván đó sẽ được dùng làm áo quan cho hai ông bà. Mẹ tôi còn kể hai ông bà đã giao ước với nhau ai chết sau sẽ được quyền chọn một trong hai bộ ván cho mình còn bộ kia sẽ đóng quan tài cho người chết trước.

Không bao lâu sau chuyến về thăm nhà lần đó, từ Nha Trang tôi nhận được điện tín báo tin bố tôi bệnh nặng. Tôi vội vàng lên đường. Tới nơi mẹ tôi cho biết bố tôi đi cắt lúa đã cắt phải tay rồi bị sốt và đã được đưa đến bệnh viện Cần Thơ. Mẹ tôi buồn bã nói “Cả đời đứt tay bao nhiêu lần không sao vậy mà lần này.. . ” mẹ tôi bỏ lửng câu nói ở đó chuyển sang ý khác “Cầu xin nếu Chúa cho ông ấy sống thì được gặp thầy gặp thuốc nếu Chúa muốn cách khác thì xin cho ông ấy sẵn sàng vâng theo ý Chúa”. Chỉ nghe mẹ nói bao nhiêu đó, tôi tức tốc đến bệnh viện Cần Thơ. Tới nơi tôi được biết bố tôi bị nhiễm trùng uốn ván, không còn cứu được nữa.

Theo như lời đã giao ước trước kia, mẹ tôi là người được quyền chọn bộ ván cho mình. Nhưng rồi bộ ván me đó đã không bao giờ được dùng để đóng áo quan cho mẹ. Khi mẹ tôi mất chúng tôi đã có khả năng mua cho mẹ một cỗ quan tài tốt hơn.

Hôm nay ngồi viết về mẹ, tôi chẳng có nhiều điều để viết. So với người ta, mẹ tôi chẳng có gì nổi bật. Mẹ tôi chẳng làm được việc gì vĩ đại. Mẹ chỉ là một người phụ nữ bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Nhưng dù chỉ là một phụ nữ tầm thường mẹ đã giáo dục anh em chúng tôi nên người. Cũng chính từ người phụ nữ tầm thường ấy chúng tôi đã được mẹ dạy cho biết đạo lý ở đời và biết phải sống sao cho xứng đáng là người tin theo Chúa.

(Tháng 5/2007)

Lại Thế Lãng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.05.2007. 17:19