Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ của con

§ Lm Hà văn Minh

Người mẹ nhìn đứa con mà nước mắt chảy dài vì vui sướng, bà nuôi bao nhiêu ước mơ về đứa con trai duy nhất. Chồng bà đã nằm xuống, để mẹ con bà bơ vơ, nhưng bà không phẫn nộ với đời vì bên bà có đứa con trai yêu quí. Đối với bà như thế là đủ lắm rồi. Thằng bé ngày cứ lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà, bà đã không ngần ngại làm tất cả những công việc vất vả nhọc nhằn để có tiền nuôi con.

Ngày tháng dần trôi, khi thằng bé 6 tuối nó nhận ra cái khuôn mặt mẹ nó, bà không có đôi mắt sáng như các bà mẹ khác. Tự nhiên nó mặc cảm về mẹ mình, nó không muốn cho Mẹ đồng hành với nó trên con đường tới trường, nó sợ bạn bè trêu chọc nó. Đã qúa giờ tan trường mà nó chưa về tới nhà, mẹ nó quyết định tới trường để tìm con, và khi vừa thấy mẹ ở cổng trường, thằng bé bực bội cằn nhằn với mẹ: tại sao mẹ lại đến trường, nó òa khóc và chạy trốn mẹ như trốn một kẻ thù. Kể từ hôm đó bạn bè nó biết mẹ nó mù và có khuôn mặt dị dạng, cả lớp trêu chọc nó. Thằng bé đau khổ và quyết tâm học thật giỏi để thóat ra khỏi vòng tay của mẹ nó. Và nó đã thành công. Nó là học sinh giỏi toàn trường từ tiểu học đến hết trung học. Nó được tuyển thẳng vào đại học kinh tế và được một đại học ở Singapor cấp học bổng toàn phần. Bốn năm ở Singapor nó ít liên lạc với mẹ nó, dù nó vẫn biết mẹ nó hằng mong mỏi trông chờ nó. Ra trường với mảnh bẳng cử nhân đậu thủ khoa, nó được nhận vào làm chuyên viên tiếp thị của một ngân hàng nổi tiếng ở Singapor, rồi sau một thời gian nó trở về nước mở công ty. Nó thành đạt trong công việc làm ăn, nhưng không một lần về thăm mẹ. Hàng tháng nó gởi một ít tiền để nuôi mẹ, nó nhờ người xây cho mẹ nó một căn nhà nhỏ, tuy nhiên nó vẫn không muốn nhìn thấy khuôn mặt của mẹ. Nó có người yêu, một lần người yêu hỏi đến cha mẹ, nó thản nhiên trả lơi, cha mẹ nó chết hết và nó mồ côi cha mẹ. Nó cưới vợ, nhưng không một lới báo tin cho mẹ. Bà cụ mừng chảy nước mắt khi được tin nó lấy vợ, bà nở một nụ cười mãn nguyện, thầm nói với người chồng đã khuất: con chúng ta đã có gia đình, chắc anh mãn nguyện nơi chín suối? Ngày tháng trôi qua, bà cụ nhớ con, và thèm ôm cháu nội, bà lần mò tìm đến được nhà của con. Nghe tiếng chuông, thằng bé trong nhà chạy ra mở cửa, vừa nhìn thấy bà nó la toáng lên, nó vội chạy ra, nhìn thấy mẹ, mặt nó đùng đùng nổi giận và la lên: Bà đi đâu đây, bà tìm ai? Bà cụ nhẹ nhàng: xin lỗi cậu, tôi tìm lầm nhà. Bà ra về lòng nặng trĩu, nhưng dầu sao bà cũng nghe được tiếng cháu nội, đối với bà như vậy là đủ lắm rồi.

Ngày họp lớp nó trở về ngôi trường xưa, một chút gì còn lại trong tim nó, nó lén lút một mình về thăm mẹ, nhưng ngôi nhà im lìm hoang vắng. Nó hỏi người hàng xóm và được biết mẹ nó đã chết. Trước khi chết bà có trao cho người hàng xóm lá thơ mà bà đã nhờ người viết. Bà vẫn tin chắc có ngày đứa con sẽ tìm mẹ nó, và bà đã không lầm. Nó bóc lá thơ đọc mà thấy trời đất quay cuồng. Trong thơ người mẹ xin lỗi đứa con vì bà đã đến trường đón nó, để bạn bè nó chế giễu nó có một người mẹ mù; bà xin lỗi con vì đã tìm đến thăm nó để cháu nội phải hoảng sợ và nó phải giận dữ. Bà cũng cho nó biết tại sao khuôn mặt bà biến dạng và bị mù: con yêu, mẹ biết con không thích khuôn mặt của mẹ. Mẹ không cho con viết lý do tại sao. Hôm nay mẹ biết ngày ra đi của mẹ gần kề, mẹ muốn con biết sự thật mà mẹ đã giấu kín tận đáy lòng của mẹ. Con có biết không, khi con còn bé, con bị một cơn bệnh quái ác, nó đã làm con bị mù cả đôi mắt, mẹ không thể nhìn con lớn lên với đôi mắt mù lòa, mẹ muốn đời con thành đạt và hạnh phúc, và mẹ quyết định làm cho đôi mắt con sáng bằng chính đôi mắt của mẹ…

Nó khóc, nhưng đã muộn, mẹ nó đã ra đi vĩnh viễn.

Trái tim của mẹ thế đó, lớn lao qúa, và nhạc sĩ Y Vân cũng chỉ có thể diễn tả: “lòng mẹ bao la như biển thái bình”. Bởi đó, Bersot đã khẳng định: “trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim của người mẹ”, hay nói như Grétry: “tuyệt phẩm của Tạo hóa, chính là trái tim của người mẹ”. Thật vậy tuyệt tác đó đã được một nhạc sĩ vẽ lên trong những dòng thơ:

Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc.
Mẹ ru con, yêu con tha thiết.
Mong cho con luôn ngoan hiền giấc no saỵ
Vì đàn con thơ ngây bao yêu dấụ
Ðã hy sinh cho con bao nhiêu tuổi đờị
Mẹ đã bên con, Mẹ đã cho con lớn lên.
Luôn bên con khuyên răn con nên người
Mẹ yêu thương con hơn yêu cuộc sống
Mong cho con luôn luôn yêu đời


1. Mẹ sức sống của con cái

Ca dao Việt Nam đã ví von:

“Con không cha như nhà không nóc
Con không mẹ như nọc nòng đứt đuôi.”

Nhà không nóc còn có thể giử được cuộc sống, còn nòng nọc đứt đuôi cũng có nghĩa là cái chết gần kề, vì không còn đuôi nòng nọc không thể bơi đi kiếm ăn được. Như thế, cuộc sống của người mẹ chính là cuộc sống của người con.

Hay là:

“Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ”

Như thế rõ ràng vắng bóng mẹ trong gia đình qủa là một điều bất hạnh lớn lao cho con cái. Điều đó cũng khẳng định vai trò quan trọng của người mẹ trong gia đình, như hoàng đế Napoléon đệ nhất đã qủa quyết: “tương lai của đứa con là công trình của người mẹ”. Điều quan trọng nhất chính người mẹ trao ban cho người con phẩm hạnh của một con người. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con. Thánh Alphônsô Ligouri, Đấng Sáng Lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã khẳng quyết: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”. Người ta có thể nói rằng, tính nết của người con được hình thành từ nơi người mẹ. Từ trong dạ mẹ, đứa bé đã biết cười khi mẹ nó vui, đã biết buồn khi mẹ tơi giọt lệ, đã biết giận dỗi khi người mẹ không quan tâm đến. Các nhà khoa học đã chứng minh: Từ trong bụng mẹ các cơ quan cảm nhận của đứa bé đã sớm phát triển và chúng có thể nhận biết thế giới bên ngoài qua các giác quan khi được 5-6 tháng. Trước khi sinh ra, bé đã nghe được tiếng động, rất nhạy cảm với mùi, vị, và có cả xúc giác nữa. Cùng với sự tăng trưởng và việc “tự thu xếp” cho mình khi ở trong bụng mẹ, bé còn phát triển những khả năng cảm nhận không thể ngờ được. Thai nhi có thể nghe và rất nhạy cảm về vị giác, thính giác (1).

Từ khi lọt lòng đứa bé gắn kết với mẹ qua dòng sữa mẹ. Đó không chỉ là chất dinh dưỡng qúi báu làm phát triển thí thông minh đứa bé, và tạo ra sức mễin dịch ngăn ngừa nhiễm bệnh ở đứa bé, nhưng đó còn là những giọt sữa tình yêu của người mẹ trao cho con. Những giọt sữa tạo nên một mối tương quan rất đặc thù giữa đứa bé và người mẹ. Mối tương quan nầy chỉ có được trong thiên chức làm mẹ. Từ mối tương quan nấy người mẹ nhận ra tiến ho của người con giữa muôn vàn tiếng động, nhận tiếng cựa mình của bé nằm trong nôi ngay khi người mẹ ngủ say.

Người mẹ còn là thầy dạy đầu tiên cho của người con qua những tiếng ầu ơ ru con. Những lời ru của em êm đềm đưa con vào giấc ngủ cũng là lúc người mẹ gieo vào lòng con những lời yêu thương dành cho con, những kỳ vọng người mẹ đặt vào con, dạy con biết về lòng chung thủy vợ chồng, yêu quê hương:

Hò ơi…Bên ngoài gió thổi nam non
Con đà say giấc…
Con đà say giấc… hò ơi…
Con đà say giấc Mẹ còn hát ru
Đêm về gió ru hời…nghe lời hát ru
Xưa Mẹ hát ru rằng
Những khổ đau cưu mang Mẹ gánh
Nên lời hát ru buồn
Như tiếng buồn nước non
Nay con đã lớn khôn
Những lời ru thấm sâu vào lòng.

Chính người mẹ đã hướng dẫn con bước vào đời, thế nhưng thời đại hôm nay, trong cơn lốc xoáy của chủ nghĩa đề cao tự do, cá nhân chủ nghĩa, nam nữ bình quyền hầu như đang làm mất đi vai trò “người mẹ” trong gia đình. Với chủ trương giải phóng phụ nữ, đưa người phụ nữ ra khỏi gia đình, tham gia vào các lãnh vực chính trị kinh tế, xã hội như nam giới. Người ta lấy làm hài lòng với con số phụ nữ ngày càng tăng trong các lãnh vực. Các chính trị gia hoan hỷ khi Liên đoàn lưỡng quốc hội có trụ sở đạt tại Geneve vào ngày 27.02.2006 công bố: hiện thời có hơn 30% phụ nữ tham chánh tại 20 Thương viện, trong số nầy có 10 quốc gia tại Châu Âu và 5 tại Châu phi, và 5 tại Câhu Mỹ La Tinh. Ngày 08.03.2006 Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan cho biết hiện nay có 11 nguyên thủ quốc gia là nữ giới. Và càng ngày người ta càng có khuynh hướng chọn phụ nữ vào chức vụ tổng thống hay thủ tướng. Các công ty cũng đang đua nhau cắt cử phụ nữ vào trong hội đồng quản trị. Một tin vui cho phụ nữ!

Trong khi người ta nỗ lực đưa phụ nữ vào giữ những chức vụ cao cấp trong chánh quyền hay trong các công ty kêu gọi phụ nữ tham gia vào các họat động xã hội để đáp ứng lại với trào lưu nam nữ bình quyền, giải phóng phụ nữ khỏi chuyện bếp núc, giặt giũ, quét dọn, nói chung là “nội trợ”, người ta vô tình đang “chôn cất” thiên chức làm mẹ, một ơn gọi không ai có thể thay thế được. Hậu qủa là gì? Xã hội đang ngày càng có thêm nhiều tội phạm là thanh thiếu niên. Gia đình không còn là mái ấm, nhưng chỉ còn là quán trọ. Người con thiếu vắng sự chăm lo dạy dỗ đúng mực của người mẹ. Đứa bé không còn lớn lên trong những lời ru chất chứa yêu thương, nhưng là lớn lên trong sự canh chừng của người giữ trẻ. Lời yêu thương của mẹ nắn đúc nên những đức tính làm người của con không còn nữa, thay vào đó là những lới cảnh cáo, hù dọa của người giữ trẻ. Đứa trẻ lơn lên trong sợ hãi, tránh né, từ nó nẩy sinh sự lừa dối. Thật đau lòng khi đứa trẻ 14 bị bắt vì phạm pháp đã trả lời trước tòa: con mồ côi không cha không mẹ, mặc dầu cha mẹ đang ngồi trong phòng xử án, họ là những người đang giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty. Em khẳng định em không có cha mẹ, vì em lớn lên trong sự coi sóc của người giúp việc. Người giúp việc làm tất cả những công việc thuộc bổn phận của người cha người mẹ. Nước mắt ràn rụa em kể khi cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên họp, thì người giúp việc đi thế cho ba má. Em phạm tôi vì em không có vóng tay ôm ấp của mẹ, lời yêu thương của cha.

2- Mẹ : nhà truyền giáo không thể thay thế trong gia đình

Từ góc cạnh đó, một mặt Giáo hội luôn nhấn mạnh đến phẩm giá ngang nhau giữa người nam và người nữ (x. Familiaris consortio, số 22), cả hai đều được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; đàng khác Giáo hội đặc biệt quan tâm đến vai trò người vợ và người mẹ trong gia đình của người nữ. Giáo hội luôn khẳng định đến tầm quan trọng của thiên chức làm me, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi cao qúi không thể thay thế (x. Mulieris dignitatem, số 18). Giáo hội mời gọi các người mẹ Kitô hữu ý thức được vai trò thánh thiêng của người mẹ: “chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến việc làm rất quan trọng của các người phụ nữ, những người mẹ trong lòng gia đình… Lòng mong ước hợp lý đóng góp bằng những khả năng của mình chi thiện ích chung, và chính bối cảnh xã hội, kinh tế thường đưa người phụ nữ đến một họat động nghề nghiệp. Tuy nhiên cần tránh cho gia đình và nhân loại phải chịu một sự mất mát và nghèo nàn hơn, bởi vì người phụ nữ không thể thay thế trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Bởi vậy, các chính quyền cần phải đưa ra những luật lệ thuận lợi cho việc thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ và đồng thời bảo vệ cho ơn gọi làm mẹ và làm nhà giáo dục của họ” (Gioan Phaolô II, huấn từ ngày 19.03.1994, số 3).

Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ được giao phó trọng trách loan báo Tin Mừng cách đặc biệt qua việc giáo dục con cái. Thật vậy “trong việc giáo dục con cái, người mẹ có một vai trò ưu việt nhất. Vì mối tương quan đặc biệt nối kết nàng với đứa con, nhất là trong những năm đầu đời…mối tương quan nguyên thủy giữa mẹ và con nầy còn có một gía trị giáo dục đặc biệt trên lãnh vực tôn giáo, bởi vì nó giúp hướng trí lòng con cái về Thiên Chúa rất sớm, cả trước khi chính thức bắt đầu việc giáo dục con cái” (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới lần XXVIII. – 01.01.1995).

Viêc loan báo Tin Mừng trước tiên chính là chuyển giáo đức tin và giáo dục đức tin cho con cái. “những bậc làm cha mẹ, những kẻ tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, là những kẻ đầu tiên chịu trách nhiệm giáo dục con cái và là những kẻ đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ có bổn phận yêu thương và tôn trọng con cái như là những nhân vị và như là những con cái của Thiên Chúa. Ðặc biệt, các ngài có sứ mạng giáo dục chúng sống đức tin kitô” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006). Việc chuyển giao đức tin không chỉ đơn thuần là xin con cái được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng còn trao ban cho con cái mẫu gương sống đạo của người mẹ. Người mẹ định hình đời sống đức tin cho con cái qua đời sống đức tin của chính mình. Vì vậy người mẹ luôn nỗ lực tự hoàn thiện chính mình đễ thực sự trở thành khuôn mẫu hoàn hảo nắn đúc đời sống đạo đức cho con cái. Trên hết mọi sự người mẹ phải là người mang lại nụ cười hạnh phúc trong gia đình. Đời sống đức tin không chỉ đóng khung trong những thói quen đạo đức như đọc kinh đi lễ, nhưng đức tin cần phải là nguồn mạch tuôn chảy niềm vui trong gia đình. Vì vậy trong việc sống đức tin, người mẹ cần vượt thắng những khó khăn trong đời để nụ cười luôn nở trên môi. Đối diện với những âu lo buồn bực trên khuôn mặt người mẹ vẫn thể hiện nét tươi sáng. Nụ cười của người mẹ là nụ cười của sự tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Đó là bài học đầu tiên cho con cái về đức tin. “Nếu con cái nhìn thấy rằng cha mẹ của mình - và cách chung những người lớn xunh quanh - sống cuộc đời cách vui tươi và hăng say, cả khi gặp những khó khăn, thì con cái sẽ dễ dàng tăng triển niềm vui sống sâu xa; và niềm vui sống này sẽ giúp cho con cái thành công vượt qua được những trở ngại có thể và vượt qua được những nghịch cảnh của đời sống con người” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006). Một người mẹ tâm sự: “Tần tảo sớm hôm lo miếng ăn, vừa phải giữ con, thu xếp công việc nhà trong mộgt ngày qủa là qúa sức nhưng tôi quyết không kêu than, vì biết mình là trụ cột chính phải đứng vững cho chồng con yên lòng”, và qủa thật với nụ cười trên môi bà đã giáo dục 10 đứa con thành công, các người con của bà hiện nay là bác sĩ, hiệu trưởng, kỹ sư… (Kiều Chinh, Gánh Ve Chai Nuôi Con Thành Tài, báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 35, ngảy.9.2006, tr.4).

Niềm vui tín thác của người mẹ dìu dắt người con hiểu được tầm quan trọng của ơn Chúa trong cuộc đời. Chính người mẹ sẽ dạy cho con cái hiểu mọi khả năng trong cuộc sống đều là ân huệ của Thiên Chúa, không có ơn Chúa con người không làm được gì. Từ bài học nầy người con sẽ thể hiện được đời sống khiêm nhường biết tôn trọng người khác, không khinh chê hoặc tỏ thái độ cao ngạo với những người chung quanh.

Việc chuyển giao đức tin cho con cái con được người mẹ thực hiện qua những câu chuyện kể về Kinh Thánh. Việc kể chuyện có thể được thực hiện trong những lúc mẹ con nằm bên nhau. Những mẫu chuyện “ngày xửa ngày xưa, có cô công chúa…” được thay thế bằng những câu chuyện trong Cựu ước như việc tạo dựng, lụt đại hồng thủy…, hay trong Tân ước, như chuyện về người Samaritanô nhân từ… Những câu chuyện Thánh Kinh là những bài học dạy về đức tin, về luân lý và đức ái Kitô giáo. Qua những mẫu chuyện Kinh Thánh người mẹ gieo vào mảnh đất đơn sơ của trẻ nhỏ những tâm tình tôn giáo. Không cần những kiến thức thần học cao sâu, nhưng chỉ cần nghe những lời êm ái dịu dàng của mẹ trong lúc kể chuyện, chắc chắn nội dung câu chuyện sẽ khắc ghi sâu đậm trong tâm khảm người con.

Những giờ kinh tối trong gia đình chính là phương thế hữu hiệu cho việc giáo dục đức tin cho con cái. Thế nhưng phương thế nầy đang bị các gia đình công giáo lãng quên và thay thế vào đó bằng những phương thế giải trí: phim ành, truyền hình, computer… Bởi đó để củng cố đức tin cho con cái cần phải tái lập lại những giờ kinh tối trong gia đình, và chính người mẹ đóng vai trò quyết định cho vấn đề nẩy. Dầu sao đi nữa cũng phải nhìn thấy tiếng nói quan trọng của người mẹ trong đời sống gia đình Việt Nam. Do đó người mẹ công giáo Việt Nam nên tận dụng lợi thế nầy trong công việc giáo dục đức tin cho con cái. Những lời kinh đơn sơ cùng đọc với cha với mẹ, người con cảm nhận được sự hiệp thông trong mái ấm gia đình. Chính trong giây phút nầy các thành viên trong gia đình sẽ khám phá ra gia đình là mái ấm chứ không là quán trọ. Và điều quan trọng hơn hết, qua việc qui tụ nầy sự hiện diện của Chúa như là bảo chứng cho sự hiệp nhất trong gia đình. Chính Chúa đã hứa điều đó, ở đâu co hai ba người họp nhau lại nâhn danh Chúa, thì Chúa sẽ hiện diện giữa họ. Sự hiện diện của Chúa cũng có nghĩa sự hiện của an bình và hạnh phúc, của yêu thương và hòa thuận, của thứ tha và cảm thông. Những giờ kinh tối trong gia đình là những lời tuyên xưng đức tin, và như Đức Bênêđictô XVI. đã xác quyết “ngôn ngữ của đức tin được học thuộc trong mái ấm gia đình nơi mà đức tin này được lớn lên và được củng cố nhờ qua lời cầu nguyện và việc thực hành đạo” (Đức Bênêđictô XVI., diễn văn bế mặc Đại hội Gia đình Thế giới lần V. tại Valencia, Tây Ban Nha, 9.7.2006).

“Phúc đức tại Mẫu” là một quan niệm được hình thành trong nền văn hóa Việt Nam nói lên tầm quan trọng của người mẹ trong gia đình. Và như thế cũng có thể khẳng định đời sống đức tin của con cái lệ thuộc vào người mẹ rất nhiều. Nhìn vào lịch sử của Giáo hội, có biết bao vị thánh, bao vị Giáo hoàng và Giám mục thánh thiện đều nhờ đến công lao giáo dục của các bà mẹ; những tấm lòng quảng đại dấn thân phục vụ cho Giáo hội trong ơn gọi linh mục, tu sĩ đều nhờ đến lòng đạo đức, sự giáo dục và khích lệ của các bà mẹ. Do đó Giáo hội luôn cậy nhờ đến sự dấn thân của các bà mẹ trong việc chuyển giao đức tin và giáo dục đức tin cho con cái, nhất là trong thời đại hôm nay, nhằm xây dựng một nhân loại yêu thương và hòa bình, một nhân loại không hận thù và biết tôn trọng sự sống, một nhân loại biết nhìn nhận chủ quyền tối cao của Đấng Tạo Hóa và biết tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay thẳng. Đó là sứ mệnh quan trọng mà Chúa ủy thác cho các bà mẹ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khích lệ các bà mẹ: “sứ mạng nầy hối thúc chúng con trở nên những người đóng vai chính trong việc nhân bản hóa những sức sinh động đa diện đang chất vấn hoặc quấy nhiễu nhân lọai của thời đại chúng ta. Chúng con được mời gọi để trở nên những người xây dựng niềm hy vọng thật sự, một niềm hy vọng được trở nên vững chắc đối với những tín hữu nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn và nâng đỡ những kẻ khó nhọc để xây dựng một nền văn minh và một lịch sử luôn được cảm hứng theo các gía trị Tin mừng công lý và tình yêu” (Huấn từ tại Hội Nghị toàn quốc do Trung tâm Phụ Nữ Ý tổ chức, ngày 6.12.1997).

Lm Hà văn Minh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.09.2006. 09:02