Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lòng sùng kính Đức Maria

§ Martin Lê Hoàng Vũ

VietCatholic News (Thứ Hai 19/05/2003 06:55)

1. Lòng sùng kính theo truyền thống:

Theo gương Đức Giêsu, Thầy chí Thánh, ngay từ buổi đầu của Hội Thánh sơ khai, các Tông đồ, các môn đệ các tín hữu đã hết lòng yêu quý mộ mến Đức Maria.

Sách công vụ Tông đồ thuật lại việc các tông đồ tề tựu trong nhà tiệc ly, chuẩn bị đón mừng Chúa Thánh Thần đã nhắc tới sự hiện diện khiêm tốn nhưng đầy thân tình và không kém phần quan trọng của Đức Maria. Sách công vụ Tông đồ chương 1, câu 14 thuật lại như sau: “Hết thày mọi người đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện cùng với các phụ nữ và Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và các anh em Ngài ”. Tuy chỉ nhắc qua có một lời cùng Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu cũng đã cho người đọc hiểu được rằng buổi cầu nguyện lãnh nhận ơn Thánh Thần đã có sự hiện diện của Đức Mẹ.

Trước đó, ở trên Thập tự giá Đức Giêsu đã trao Mẹ Ngài cho thánh Gioan, cũng có nghĩa là trao cho các tông đồ và tất cả nhân loại nói chung. Kể từ giờ phút đó, môn đệ Gioan đem người về nhà mình, môn đệ yêu mến, chăm nom, tôn kính Mẹ.

Và dần dà lòng sùng kính Mẹ càng ngày càng gia tăng, và gần đây nhất, Công đồng Vatican II cũng xác nhận việc sùng kính truyền thống này “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Maria được tôn vinh, vượt trên hết các thiên thần và loài người, và Ngài là Mẹ rất Thánh của Thiên Chúa và loài người, và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Do đó, Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính”. Thật vậy, từ những thời rất xa xưa Đức Nữ Đồng Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó. Nhất là từ Công đồng Êphêsô ở thế kỷ V, lòng sùng kính Đức Mẹ gia tăng một cách lạ lùng, các tín hữu sùng kính mến yêu, khẩn cầu và noi gương đờI sống Mẹ, đúng như Đức Mẹ đã tiên báo “Muôn ngàn đời sẽ khen tôi có phúc, và Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” Giáo Hội đã chứng nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh của các tín hữu ở mọi nơi qua mọi thời đại.

Tiếp nối các tông đồ, những người kế vị các ngài cũng theo lòng sùng kính Đức Maria được lưu truyền lại ngay từ buổi đầu của Hội Thánh sơ khai, đức tin có mặt ở đâu thì Mẹ Thiên Chúa cũng được rao giảng, để mọi người nhận biết và yêu mến Mẹ. Khi dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha “Lạy Cha chúng con ở trên trời ”, Đức Giêsu cũng không quên ban cho chúng ta một người Mẹ là đức Maria. Đức Mẹ Maria cũng giúp người ta đến với Chúa trở về với con đường ngay thẳng.

Lòng sùng kính Đức Mẹ được truyền lại rất sớm cho các trẻ thơ trong các gia đình. Những người mẹ Công giáo thường tập cho em bé lên ba đang bập bẹ đọc lời “Kính mừng Maria” Từ hang cùng ngõ hẻm cho tới các thành phố, từ các làng mạc cho đến các tu viện, thánh đường đêm ngày người ta không quên dâng lên Mẹ Maria những lời tán tụng van xin với một tấm lòng chân thành.

2. Thế nào là lòng sùng kính Đức Mẹ chân thành:

Lòng sùng kinh chân thành làm cho chúng ta sẵn sàng và mau mắn thực hành những điều Chúa dạy và noi gương Mẹ sống đời tin cậy mến.

Lòng sùng kính phải phát xuất từ đáy lòng

Lòng sùng kính phải tha thiết, chúng ta phải dùng hết tấm lòng của mình để yêu mến Đức Mẹ sống với Mẹ thân mật bằng tình mẫu tử, cho dù vui buồn hay gặp bất cứ biến cố nào xảy đến trong cuộc đời chúng ta luôn chạy đến với Mẹ là Đấng an ủi kẻ âu lo.

Lòng sùng kính Đức Mẹ của người tín hữu phải đi đôi với tấm lòng thanh sạch, khiêm nhường, khiết tịnh, yêu mến.

Lòng sùng kính giúp chúng ta phải sống đời phó thác cho Mẹ

Lòng sùng kính của người tín hữu không vì tư lợi ích kỷ, nhưng chỉ vì Đức Mẹ là Đấng đáng yêu mến và tôn kính.

Đến đây chúng ta cũng nên xem xét qua về lòng sùng kính Đức Mẹ giả tạo qua 7 hình thức sau:

- Sùng kính phê bình là các sùng kính của những người tự xem mình là tài giỏi, học nhiều, biết nhiều hiểu nhiều, họ có lòng sùng kính đôi chút nhưng vì lòng đạo đức kém nên khi thấy những người kém tài, ít học hơn họ nhưng có lòng sốt mến Đức Mẹ nên họ quay ra phê bình chê bai, chỉ trích người khác.

- Lòng sùng kính bối rối đó là những người học biết giáo lý lơ mơ, họ tự bảo: Kính Đức Mẹ nhiều quá e kém lòng mến Chúa nhưng thực ra điều mà họ không biết đó là 2 lòng mến đó chỉ là 1 mà thôi.

- Lòng sùng kính bên ngoài, đó là những người chỉ phô trương bên ngoài, việc tôn kính chỉ có cái vỏ mà bên trong trống rỗng không chút gì sốt sắng thật cả.

- Lòng sùng kính ỷ lại, những người này nghĩ rằng chúng ta đã có Mẹ hằng cứu giúp “cứu giúp” chúng ta. Mẹ thương con người nhiều lắm nên bây giờ chúng ta cứ sống trong tội lỗi, tha hồ mà ăn chơi đam mê xác thịt đã có Mẹ sau này rồi.

- Lòng sùng kính thay đổi, họ là những người khi gặp gian nan thử thách thì bỏ Mẹ, thích thì làm không thích thì bỏ, gặp dịp thì nhớ không thì quên, làm việc nhiều quá quên cả Mẹ.

- Lòng sùng kính giả hình, là những người lấy danh Đức Mẹ để che phủ những tính hư nết xấu của mình, thật ra trong lòng họ đầy dẫy những điều gian ác.

- Lòng sùng kính ích kỷ, đó là những người chỉ vụ lợi, kêu xin càu khẩn Đức Mẹ, chỉ mong sao cho Đức Mẹ thỏa mãn những ý nguyện của mình.

3. Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lại ơn ích cho con người:

Đức Mẹ là Đấng phân phát mọi ơn lành. Từ đời đời, Thiên Chúa cưu mang Ngôi Hai do đó cũng cưu mang hết mọi người. Cũng vậy Đức Maria đã cưu mang Chúa Con ở đời này thì đồng thời Mẹ cũng nhận làm Mẹ cưu mang toàn thể nhân loại. Bởi thế, sứ thần báo tin cho Đức Mẹ bởi con Đức Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Thánh Irênô đã đặt vấn đề như sau: Vì sao Ngôi Hai muốn thụ thai trong lòng Đức Mẹ lại phải sai sứ thần hỏi xem Đức Mẹ có đồng ý không ? Thưa là Thiên Chúa sai sứ thần hỏi như vậy là cốt cho mọi người thế gian phải mắc nợ Đức Mẹ trong việc cứu độ và để Đức Mẹ trở nên căn nguyên của mọi ơn lành phúc đức ơn được cứu độ là ơn cao trọng nhất Thiên Chúa ban cho con người. Ơn đó phải do công nghiệp vô cùng của Đấng Cứu Thế ngay từ thuở đời đời Thiên Chúa Cha đã ấn định cho Đức Maria.

Trong cuộc sống chúng ta thường hy vọng và tín nhiệm vào một ai đó hiền lành phúc hậu, thế lực và trong những những hoàn cảnh khó khăn chúng ta thường chạy đến để xin giúp đỡ. Đức Maria chính là người mà chúng ta có thể đặt hết mọi khó khăn trong tay Ngài. Bởi vì Ngài có đủ quyền năng và thế lực để giúp đỡ chúng ta cả phần xác lần phần hồn.

Thánh Antôn trả lời dứt khoát chính Đức Mẹ đã dùng thế lực khi cầu xin cứu giúp mà lo lắng phúc thiên đàng cho ta.

Đức Mẹ có toàn quyền đem lại phúc thiên đàng cho những kẻ thật lòng cầu khẩn và trông cậy Ngài

Để kết luận bài này chúng ta nghe lời thánh Bonavêntura quả quyết: Sốt sắng sùng kính Đức Mẹ là dấu Chúa ban phần rỗi cho ta, chính Mẹ Maria đầy ơn phúc sẽ giúp chúng ta trong giờ lâm tử.

Martin Lê Hoàng Vũ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2006. 00:49