Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lều Cỏ

§ Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Sau những chuyến công tác xã hội liên lỉ tử tỉnh này đến tỉnh kia của Nhóm Phục Vụ (được gọi tên là Đội Quân Áo Xanh”), một ngày hè trung tuần tháng 7, tôi cho các em đi tham quan Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh. Khi đến Củ Chi, thấy trời còn sớm, tôi đề nghị các em ghé thăm Trung Tâm Mai Hoà, trước khi tiếp tục đi Tây Ninh.

world-aids-day.jpg

Rời Trung Tâm Mai Hòa, chúng tôi hỏi thăm đường đến mái ấm Lều Cỏ ở Bình Mỹ-Củ Chi. Một anh bạn cùng Dòng đã giới thiệu cho tôi về mái ấm này. Tất cả nhà cửa ở đây đều lợp bằng cỏ tranh, chính vì thế mà nó có tên là Nhà Cỏ! Hôm nay tôi chỉ muốn đi tiền trạm cho chuyến công tác sắp tới. Mái ấm này nằm trong diện “nhà không số, phố không tên” cho nên tìm đường đến đó không dễ chút nào. Kiên nhẫn hỏi thăm từng chút, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi mình muốn. Đường vào mái ấm chỉ có thể đi bộ hoặc xe hai bánh. Tôi nghe nói có phái đoàn khách nước ngoài ghé thăm đã phải xuống xe xắn quần lội bộ xách vào từng thùng mì, gạo, sữa hay những tặng phẩm khác qua con đường ruộng gập gềnh khúc khuỷu.

Đây là nơi an dưỡng cho những anh chị em cai nghiện xì ke và nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV, thế mà cổng vào chỉ là mấy cây tre được dựng lên đan xen vào nhau. Chung quanh không có tường rào, không có hàng dây kẽm gai với dàn bảo vệ lạnh lùng như những trung tâm cai nghiện khác. Khung cảnh thật hoang sơ, giản dị như một túp lều của người dân vùng quê nằm trong khu vườn hoang. Điểm đầu tiên đập vào mắt chúng tôi không phải là văn phòng tiếp nhận hay bàn giấy làm thủ tục nhập trại, nhưng là tượng đài Đức Mẹ dưới mái nhà tranh ngay trước một ngôi nhà nguyện nhỏ bé đơn sơ. Do đó, người đầu tiên mà khách tham quan hay thân nhân của bệnh nhân được gặp gỡ không ai khác chính là Chúa Giêsu. Tấm hình Lòng Thương Xót Chúa Giêsu ngay chính giữa nhà nguyện đã nói lên điều đó. Dưới chân tấm hình là những hài cốt của anh chị em bệnh nhân ở đây. Một anh bạn đang làm cỏ trước nhà nguyện cho biết : “Dường như tháng nào cũng có người ra đi vĩnh viễn, có khi mỗi tuần một em. Trước thấy cũng sợ, nhưng sau này được nhận biết Chúa, tin vào Chúa thì không còn hãi nữa, vì biết rằng mình đi về đâu sau cõi đời này. Chúng tôi tin Lòng Thương Xót Chúa không bỏ rơi anh em chúng tôi như những người thế gian”

Anh Ngọc, “chủ nhân” của Nhà Cỏ ra tiếp chúng tôi là một người trung niên đi chân đất với hàng ria mép và nụ cười thật đôn hậu. Anh dắt chúng tôi vào căn lều chính, nơi đó hơn 20 anh chị em đang nằm xếp lớp. Mỗi người một cái giường xếp, trên đầu treo túi quần áo. Dưới giường là đôi dép. Tất cả chỉ có thế! Mà thực ra những anh chị em ở đây còn cần gì nữa? Mạng sống họ còn không giữ được nữa mà. Những gì họ có đã bay theo trong cơn nghiện ngập để bây giờ dính căn bệnh thế kỷ chỉ còn một thân một mình nằm chờ chết!

Thế nhưng những con người bị xã hội xa lánh đó, thì chính tại Lều Cỏ này họ được yêu thương chăm sóc như những thành viên trong một gia đình. Điều mà những người bệnh ở đây cần và rất cần, là sự chăm sóc tinh thần, là tình yêu thương và sự cảm thông chia sẻ. Chính vì vậy anh Ngọc mời chúng tôi chia ra mỗi người đến từng giường để thăm hỏi chuyện trò với anh em hầu xoá đi khoảng cách mặc cảm bị “phân biệt đối xử” nơi những người mắc căn bệnh này.

Vẻ e ngại ban đầu tan biến dần, “Đội Quân Áo Xanh” như những cánh chim xà xuống từng giường chắt chiu từng cọng rơm yêu thương để thắp lên ngọn lửa yêu thương nơi những mảnh hồn tàn úa. Những câu chuyện đời được bộc bạch. Lời tâm sự nhỏ to được sẻ chia. Quá khứ ăn chơi lẫy lừng được dựng lại. Không ngại ngần để người bệnh khỏi ngần ngại, những cánh chim xanh đó đã nắm lấy những cánh tay gầy guộc, đã vuốt lại mái tóc rối bời, đã ôm lấy thân hình mảnh mai, đã truyền hơi ấm, đã khơi lên ngọn lửa hy vọng. Họ, người khoẻ và người bệnh đã nối được nhịp cầu cảm thông. Những cánh chim trong “đội quân áo xanh” đã học được, đã nhận được nhiều điều từ chính những anh chị em đang “tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông” này!

Sau giờ “giao lưu trực tuyến” trên giường bệnh, anh Ngọc đưa chúng tôi ra lều sinh hoạt để chia sẻ về quá trình thành lập Mái Ấm Nhà Cỏ. Cơ duyên đưa anh đến với những người bệnh là vào năm 1995 khi anh đi về một vùng kinh tế mới. Vị mục tử ở đây than thở với anh về những người bệnh nghèo khổ không được ai chăm sóc. Lòng mến thúc giục anh xăn tay áo vào làm việc đó. Đến khi trở về thành phố, thấy có những anh chị em dính HIV bị bỏ rơi nằm lây lất gầm cầu xó chợ không được trung tâm nào tiếp nhận. Như Mẹ Têrêsa, anh cũng mong muốn những anh chị em này cuối cuộc đời được ra đi trong vòng tay yêu thương của đồng loại, nhất là được đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa để được cứu độ.

Những bức xúc đó thôi thúc anh tìm kiếm không ngừng, và anh đã gặp được một bác sĩ cùng một chí hướng như thế. Tới giờ của Chúa thì Ngài sẽ ra tay. Cách đây 5 năm, một người Công Giáo tốt bụng đã giao miếng đất này cho hai anh em. Tại đây anh dựng những lều cỏ đơn xơ, là nơi dừng chân an dưỡng cho những những con người dính vào xìke và HIV không còn chỗ trú thân. Người bạn bác sĩ phải làm việc ở thành phố, lo chạy thuốc men cho anh em. Anh một mình trụ ở đây kiêm nhiệm mọi việc, vừa làm cha, vừa làm mẹ. Anh phải gánh trọng trách từ làm bếp cho đến y tá, từ người làm vườn cho đến tài xế, từ người lo chạy cơm gạo vật chất cho đến người chăm sóc nuôi dưỡng cung cấp món ăn tinh thần cho anh chị em.

Phương tiện di chuyển của anh và những bệnh nhân là chiếc xe Charly, loại xe thấp nhỏ, dành cho phái nữ. Anh đã chế biến nó thành “xe cứu thương” với bánh xe sơ-cua phía tay lái và cái yên xe dài gần một mét để có thể chở 3 người bệnh từ Củ Chi về thành phố tiêm thuốc. Anh mỉm cười khi đứng chụp hình chung với chúng tôi cạnh chiếc xe “đặc chủng”: “Coi vậy chứ mà chiếc xe này rất thuận lợi. Nó thấp và êm cho nên anh em bệnh ngồi đỡ bị xóc. Xe 4 bánh đâu có đường vào đây chở bệnh nhân được. Chỉ có xe này chạy đường ruộng dễ dàng, và ít bị giao thông thổi vì chở bốn!” Có những lần anh biến nó thành xe “chở xác”. Khi có anh em nào qua đời, chờ lúc đêm về, anh cột xác chết sau lưng chở về trại hòm nào đó xin cái hòm từ thiện để quàng đỡ, hôm sau đưa người đó đi thiêu, rồi đem cốt về để trong nhà nguyện.

Chúng tôi tự hỏi không biết anh tìm đâu nguồn tài trợ để chăm lo cho hơn 20 người bệnh này. Anh chỉ lên tấm hình Lòng Chúa Thương Xót và nói rất tự tin : “Có Chúa lo cho chúng con. Chúa chăm nuôi từng bữa cha ạ! Chúng con không muốn nhận tổ chức hay cá nhân nào làm nhà tài trợ chính thức để anh em biết sống tinh thần hoàn toàn phó thác vào Chúa quan phòng. Chúng con không muốn bị lệ thuộc vào nhà tài trợ nào ở trần gian, mà để Chúa nuôi ăn từng bữa. Kỳ diệu lắm cha ạ. Nay có người đem gạo, mai có người đem rau. Có gì ăn nấy. Đôi khi ăn mì cả tuần mà vẫn khoẻ!”

Những anh em bước đầu đến sống nơi đây hầu hết là không có Đạo, hoặc đã bỏ Đạo từ lâu. Thế mà sau một thời gian ở trong Lều Cỏ, họ đã cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa. Những đứa con hoang đàng đã quay trở về. Người lầm lạc đã tìm ra chính lộ. Những giọt nước mắt thống hối ăn năn đã làm mềm lòng những tâm hồn chai cứng vì đá sỏi cuộc đời. Có dịp ăn cơm chung với họ ta sẽ thấy xúc động khi những cánh tay bệnh hoạn run run đưa lên làm dấu Thánh Giá cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Mỗi ngày anh em quây quần trong nhà nguyện nhỏ bé lần hạt Mân Côi, đọc Lời Chúa, suy niệm, chia sẻ cầu nguyện với nhau bằng những lời kinh thật đơn sơ mộc mạc. Họ chẳng có những tư tưởng cao siêu, không có lời kinh trừu tượng trau chuốt. Ấy thế mà sức mạnh của Lời Chúa và cầu nguyện đã hạ nhiệt được những cơn thèm thuốc, giúp họ thêm niềm lạc quan vui sống.

Trong buổi cầu nguyện chiều thứ năm đầu tháng 8 vừa qua ở nhà thờ Chí Hoà, những anh em Nhà Cỏ được mời lên làm chứng đã làm nhiều tâm hồn người tham dự thổn thức, xúc động. Anh T. một người gia đình Phật Giáo gộc đã xác tín: “Chính Chúa đã cứu tôi. Khi vào Nhà Cỏ, tôi như người sống dở chết dở, những đứa bạn ăn chơi cùng thời với tôi đã về chầu ông bà hết rồi. Thế mà đến hôm nay tôi vẫn sống. Chính trong Nhà Cỏ mà tôi có được niềm tin và sự trông cậy vào Chúa. Niềm tin ấy đã vực tôi dậy để tôi đứng lên làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa.”

Anh H. là tân tòng, vừa bước vào đại gia đình của Chúa vài tháng qua do anh Ngọc đỡ đầu, tâm sự: "Tôi không hiểu vì sao mình tội lỗi, sa đọa vậy mà Thiên Chúa lại chọn? Trước đây, tôi không biết Chúa là ai, cuộc đời mình tương lai ra sao khi vướng phải căn bệnh thế kỷ này. Vậy nhưng, giờ đây, tôi đọc Phúc Âm hằng ngày, chiêm nghiệm và khắc cốt ghi tâm những đoạn yêu thích."

Bạn M. chia sẻ tiếp: “Tôi đã từng một thời ăn chơi. Khi tôi còn tiền của thì có mọi thứ. Khi hết tiền, ngã bệnh thì người yêu cũng bỏ, bạn bè xa lánh, gia đình ruồng rẫy. Giờ đây tôi mất tất cả, nhưng tôi có Chúa, và tôi bám chặt lấy Chúa nên chẳng còn thấy cô đơn buồn chán như xưa nữa.

Ở đây họ sống một cuộc đời thầm lặng, khó nghèo. Sức lực họ không còn như thời trai trẻ nữa cho nên có đất mà cũng không thể canh tác gì được. Người phụ trách ở đây lựa chọn một cuộc sống thầm lặng để yêu thương và phục vụ những con người là hình ảnh Thiên Chúa. Tất cả những việc anh làm ở Lều Cỏ đều là lòng cảm tạ Chúa, để cho Thiên Chúa được tôn vinh. Anh Ngọc và anh em ở đây sống âm thầm, khép kín, không muốn phương tiện truyền thông biết đến, không muốn quảng bá nhằm tìm nhà tài trợ.

Tôi hỏi tại sao, anh cho biết : “Có một vài đơn vị đến nhận tài trợ để quảng bá thương hiệu nhưng con từ chối. Ai cho gì chúng con vui nhận, nhưng để nhận một đơn vị hay cá nhân đỡ đầu thì không. Vì chúng con không muốn anh em cậy dựa vào nhà tài trợ rồi nghĩ rằng chính họ nuôi dưỡng anh em mà quên mất sự quan phòng chăm sóc của Cha Trên Trời! Chúng con không có khả năng làm những viên đá đời đời hoặc cây ngọc cành vàng ghi khắc những ân nhân trên đó. Chịu thôi cha ạ!”

Những câu chuyện về Nhà Cỏ đã cuốn hút chúng tôi suốt ngày hôm đó đến mức chúng tôi bỏ luôn ý định đi thăm Thánh Thất Cao Đài, và cũng quên luôn mình…chưa ăn cơm trưa. Có những con người đã dám rời bỏ ánh đèn văn minh thành phố đến chôn vùi tuổi xuân với những bệnh nhân như thế này thì việc hy sinh nhỏ bé đó của chúng tôi có thấm tháp gì? Khi được hỏi động cơ nào níu giữ anh ở lại mảnh đất khô cằn này, anh ôm đàn guitare say sưa hát bài Tín Thác và tâm tình:

“Có những đêm khuya, một mình ôm cây đàn ngồi giữa đồng vắng hát nghêu ngao, nhìn về phía xa khu công nghiệp Bình Dương rực rỡ ánh đèn, tôi cũng tự hỏi mình: Tại sao lại tự giam mình ở mảnh đất chết này? Chỉ có mình tôi là người khoẻ duy nhất ở đây sống chung với những người bệnh nan y. Nếu Chúa không gìn giữ thì tôi cũng bị lây nhiễm và ngã quỵ từ lâu rồi. Như vậy là Chính Chúa gìn giữ tôi để tôi làm công việc của Chúa ở đây. Tôi không biết tương lai sẽ ra sao? Không biết tôi còn cầm cự đến bao giờ. Đó là việc của Chúa. Tôi chỉ biết từng ngày làm công việc của người phục vụ Người và con của Người!”

Chúng tôi còn ghé lại Lều Cỏ vài lần nữa để chuyển đến anh em những món quà gói ghém chân tình của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hoà. Trong chuyến công tác chở cỏ xanh xuống phủ những mảnh đất hoang khô cằn cho anh em hít thở được lá phổi xanh sạch, một người anh em bắt gặp một ông lão nằm ngất đi gần Nhà Cỏ. Anh em đem ông cụ 70 tuổi tứ cố vô thân về chăm sóc lo lắng phần xác phần hồn cho ông cụ như một người thân trong gia đình của mình. Ông cụ nằm xuống vào chính ngày anh em lên làm chứng ở nhà thờ Chí Hoà. Đêm hôm đó anh em đưa ông về một trại hòm ở thành phố, thức suốt đêm canh xác và cầu nguyện cho ông. Sáng hôm sau tôi được mời đến dâng Thánh Lễ an táng cho ông ở trại hòm.

Hình ảnh tôi xúc động nhất là ông cụ 70 bị con cháu bỏ rơi năm lây lất ở vệ đường đã được chính những người cũng tứ cố vô thân như ông đem về chăm sóc. Rồi khi ông nằm xuống cũng chỉ có những con người du thủ du thực đó cùng với các bạn trong Đội Quân Áo Xanh đứng chung quanh chiếc quan tài dự lễ cầu nguyện cho ông, đưa ông đi thiêu, rồi đưa hài cốt về Nhà Cỏ cho ông có nơi an nghỉ cuối cùng.

Lòng Thương Xót Chúa không bỏ rơi những con người bị thế gian ruồng rẫy. Chỉ có con người từ bỏ Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không và không bao giờ chối bỏ con mình. Những người con hoang đàng một thời trai trẻ lao đầu tìm cảm giác lạ, rồi một ngày họ sẽ lại quay về bên người cha thân yêu, nhân hậu, với trái tim rực lửa ấm áp đang đợi chờ. Anh chính là tia sáng, ngọn đuốc, mà Thiên Chúa gửi đến cho những anh em một thời đi hoang trong Nhà Cỏ tìm về nẻo chính đường ngay để lãnh nhận ơn Cứu Độ.

(Những chuyến công tác xã hội Mùa Hè 2008)

Lm Giuse Trần Đình Long, SSS

Đọc nhiều nhất Bản in 07.09.2008. 23:45