Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Lễ Latinh và lễ Quan Thoại tại Trung Hoa lục địa

§ Lm Bùi Tiếng

(VietCatholicNews 10/07/2007)

Trong vòng sáu tuần lễ, ĐGH Bênêđictô XVI công bố hai văn kiện gây nhiều chú ý: một tông thư cho người Công Giáo Trung Hoa, và một tự sắc về Thánh Lễ Latinh cũ. Cả hai văn kiện này đều có ý nghĩa đặc biệt cho Giáo Hội tại Trung Hoa.

misa-bejing.jpg

Lễ mồ cầu cho ĐGH Gioan Phaolô II tại Thượng Hải 4/2005

Trong một bài viết trên tạp chí Atlantic của Hoa Kỳ, ấn bản tháng 7 và 8 với chủ đề về Trung Hoa, ông Adam Minter cho biết có một số khác biệt giữa những người theo hiệp hội Công Giáo Ái Quốc (CGAQ) và những người thuộc Giáo Hội Công Giáo thầm lặng (CGTL). Nhóm Công Giáo Ái Quốc tại Trung Hoa có khuynh hướng đi theo những cải tổ của công đồng Vaticanô II về phụng vụ theo ngôn ngữ bản xứ và việc đề cao vai trò giáo dân, trong khi Công Giáo Thầm Lặng có vẻ luyến tiếc kiểu mẫu Giáo Hội phẩm trật thời trước công đồng và việc làm lễ bằng tiếng Latinh.

Tuy nhiên sự phân biệt giữa CGTL và CGAQ không rõ ràng trắng đen như nhiều người lầm tưởng. Tối thiểu là 90 phần trăm các giám mục thuộc CGAQ đã âm thầm hòa giải với Rôma. Lại nữa, ít nhất là tại một giáo phận ở Trung Hoa, một linh mục phục vụ cho CGAQ cũng là một vị giám mục “chui” cho CGTL. Trong một số giáo phận khác, các linh mục thuộc CGTL cũng dâng lễ trong các nhà thờ thuộc CGAQ, và thường dùng sách lễ cũng như Kinh Thánh do giám mục CGAQ Jin Luxian ở Thượng Hải dịch và in.

Vào năm 1988, vị giám mục dòng Tên này đã đi Bắc Kinh sáu lần để yêu cầu Văn Phòng Tôn Giáo cho nhắc tên ĐGH Gioan Phaolô II trong các Thánh Lễ ở Thượng Hải, và đã được phép trong cuộc gặp gỡ lần thứ sáu. Năm sau, đã có hai linh mục từ Hong Kong và một linh mục Mỹ được giảng dậy ở chủng viện Thượng Hải. Chẳng bao lâu sau khi tới chủng viện, các linh mục này đã giúp các chủng sinh chuẩn bị làm lễ bằng tiếng bản xứ khi họ được chịu chức. Vào ngày 30-9-1989, Thánh Lễ bằng tiếng Quan Thoại lần đầu tiên được cử hành tại Trung Hoa lục địa. Trước đó chỉ có Thánh Lễ bằng tiếng Latinh theo nghi thức cũ. Cha Giuse Zen (Trần Nhật Quân), nay là Hồng Y ở Hong Kong, đã là vị chủ tế trong Thánh Lễ lịch sử này. Vị giám mục CGAQ Jin Luxian cũng như ban giám đốc và giáo sư chủng viện Thượng Hải hôm ấy đã làm một việc liều lĩnh, vì những kẻ có quyền hành về tôn giáo tại Trung Hoa dành quyền phê chuẩn những thay đồi về phụng vụ, và trong nhiều năm họ muốn Thánh Lễ phải được làm bằng tiếng Latinh, với lý do chính yếu là để hầu hết tín hữu Trung Hoa không thể hiểu được!

Trong những tháng kế tiếp, vị giám mục CGAQ ở Thượng Hải âm thầm ra lệnh cho các linh mục và chủng sinh phổ biến Thánh Lễ Quan Thoại theo nghi thức mới tại các nhà thờ trong giáo phận. Cha Thomas Law, một chuyên viên về phụng vụ tại Hong Kong, nói rằng vị giám mục này “là người có can đảm áp dụng Thánh Lễ (mới). Không ai khác dám làm như vậy.”

Rốt cuộc, Thánh Lễ bằng tiếng bản xứ đã được chính thức chấp thuận trên toàn quốc vào năm 1993. Ngay sau đó, giáo phận Thượng Hải đã phát hành sách lễ theo bản dịch của chính địa phương mình, và sách lễ đã được phổ biến nhanh chóng trên toàn cõi Hoa Lục.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông Adam Minter của tạp chí Atlantic, vị giám mục CGAQ nói rằng các thành viên của CGTL “cho là họ trung thành với Đức Giáo Hoàng, nhưng tôi cũng trung thành như họ. Tại sao tôi trở thành một giám mục? Tôi đã hướng dẫn người Công Giáo cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng và còn in cả lời cầu nguyện cho ngài! Tôi đã cải tổ phụng vụ. Trước tôi, tất cả đều bằng tiếng Latinh.”

Vào năm 1999, Đức Hồng Y Ignatiô Kung Pin-mei, nguyên giám mục chính tòa Thượng Hải, qua đời trong khi lưu đầy ở Hoa Kỳ sau 30 năm bị giam cầm ở Trung Hoa (1955-85). Khi ấy Đức Cha Fan Zhonglian, giám mục phụ tá của ngài, lên kế vị tại Thượng Hải. Nhưng chỉ vài năm sau đó, Đức Cha Fan Zhonglian không còn tỉnh táo vì bệnh Alzheimer. Khi ấy Tòa Thánh âm thầm nhìn nhận Đức Cha Jin Luxian là giám mục phó và sau đó là giám mục chính tòa Thượng Hải. Vào tháng 6 năm 2005, tại nghi lễ tấn phong cha Giuse Xing Wenshi làm giám mục kế vị ở Thượng Hải, với sự đồng ý của Tòa Thánh, Đức Cha Jin Luxian là giám mục chủ phong. Trong Thánh Lễ có sự hiện diện của phái viên Tòa Thánh, đông đảo tín hữu, kể cả hằng trăm tín hữu và linh mục thuộc Giáo Hội thầm lặng.

Bishop-Jin-Luxian.jpg

Đức Cha Jin Luxian và vị tân GM Giuse Xing Wenzhi

Qua sự kiện nói trên, Tòa Thánh nhìn nhận lòng trung thành đối với Hội Thánh của ĐGM Jin Luxian và những công trình của ngài đối với Giáo Hội tại Trung Hoa. Chính ngài, khi còn là linh mục giám đốc chủng viện Thượng Hải, từng bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ trong 27 năm với tội “phản cách mạng.” Khi rời nhà tù năm 1982, ngài đã nhận trở về làm giám đốc chủng viện, và sau đó làm giám mục thuộc CGAQ chỉ vì muốn làm một điều gì giúp Giáo Hội Trung Hoa khỏi bị mai một. Ngài tin rằng nếu Giáo Hội tại Trung Hoa muốn sống còn, phải có những linh mục trẻ, được giáo dục vững vàng, dù phải chấp nhận một điều không tránh được là sự tuyên truyền của cộng sản trong thời gian đào tạo.

Vào năm 1950, khi ngài lấy được bằng tiến sĩ thần học tại đại học Gregorium của dòng Tên ở Rôma, cũng là lúc Bắc Kinh đã bắt đầu hạn chế tự do tôn giáo và trục xuất các vị thừa sai ngoại quốc. Nhưng ngài đã quyết định trở về Trung Hoa để phục vụ dù biết chắc rằng mình sẽ bị bắt bớ. Như đã nói trên, ngài là một tu sĩ dòng Tên, mà các nước cộng sản đặc biệt nghi ngờ dòng Tên là dòng mà họ vu cáo là “gián điệp của Vatican.” Ngài nói: “Các vị thừa sai ra đi, và Trung Hoa cần các vị mục tử.”

Trong thời gian làm giám đốc chủng viện và giám mục CGAQ, ngài bị các viên chức Tòa Thánh nghi ngờ, nhất là bị các anh em cùng trong dòng Tên ở Đài Loan cho là kẻ phản bội, là đảng viên cộng sản bí mật, đã gia nhập đảng ở trong tù, là Giuđa.

Tuy nhiên, bất chấp những báo cáo tiêu cực về nhóm CGAQ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vẫn tỏ ra thông cảm. Từng là một giám mục ở Ba Lan cộng sản, ngài hiểu những khó khăn và thế kẹt của Giáo Hội tại Trung Hoa. Trong nhiều diễn văn và sứ điệp, ngài bảy tỏ sự nâng đỡ đối với cả hai nhóm CG thầm lặng và CG ái quốc.

Tại lễ truyền chức giám mục cho cha Jin Luxian tại Thượng Hải vào năm 1985, Tòa Thánh đã âm thầm công nhận ngài và ngấm ngầm gởi hai đại diện đến dự lễ truyền chức: một vị là ông Laurence Murphy, nguyên viện trưởng đại học Công Giáo Seton Hall ở Hoa Kỳ và là cố vấn cho Tòa Thánh về Giáo Hội Trung Hoa; vị thứ hai là cha Gioan Tong, nay là giám mục phụ tá ở Hong Kong. Ngày nay Đức Cha Jin Luxian, 91 tuổi, nói rằng khi ấy trong nhà thờ chính tòa có đầy những cán bộ cộng sản cao cấp, cho nên nếu họ biết hai vị này tham dự với tư cách đại diện của Tòa Thánh hôm ấy, có thể là đã có những rắc rối nghiêm trọng rồi. Ngài nói rằng mình đã không xin, nhưng hai vị đã tới dự lễ, khiến ngài được khích lệ và an ủi.

(Dựa theo tài liệu của tạp chí Atlantic, tháng 7 và 8 năm 2007)

Lm Bùi Tiếng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.07.2007. 16:26