Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Kinh Mân Côi Xưa Và Nay

§ Dân Chúa

I. Kinh Mân Côi Trong Lịch Sử

Vào buổi chiều ảm đạm, thánh Ðaminh buồn rầu đi vào một thánh đường để cầu nguyện. Lời kinh của Ðaminh có vẻ trách móc, vì bao công lao giảng thuyết không làm cho ngườ nào trở lại hết! Giữa lúc buồn bã và thất vọng như vậy, thì Mẹ Maria hiện ra, tay bồng Chúa Giêsu, và trao tràng hạt Mân Côi cho Ðaminh, với lời hứa là tràng chuỗi này sẽ trở nên khí giới hữu hiệu để dẹp tan lạc giáo Albigense.

rosary1.jpg

Có lẽ quí vị đã nghe thuật câu chuyện ấy nhiều lần rồi, và không thấy nghi vấn gì đặt ra! Nhưng không hiểu quí vị có thắc mắc gì khi thấy trong một vài bức tranh diễn tả giây phút "lịch sử" ấy người ta đặt thêm thánh nữ Catarina Siena, một người ra đời sau thánh Ðaminh gần 200 năm (1170-1347)? Và không hiểu quí vị có lần nào thắc mắc vì thấy anh em Phật tử cũng "lần chuỗi". Họ bắt chước mình? Hay mình bắt chước họ? Hay đã có ơn trên nào soi sáng cho họ?

Viết lại lịch sử kinh Mân Côi, chúng tôi không nhằm thỏa mãn óc tò mò cho bằng làm sống lại tâm tình hiếu thảo của người Kitô giáo đới với Mẹ Thiên Chúa. Thực vậy, như quí vị sẽ thấy, kinh Mân Côi không phải là một "của trời rơi" đã hoàn tất, nhưng đã được kiện toàn lần lần, như em bé từ khi bặp bẹ biết nói: "má - má..." cho đến lúc diễn tả nên lời: "má ơi, con thương má lắm".

Một trong những hình thức người Kitô giáo tỏ lòng ngưỡng mộ với Mẹ Maria là lặp lại lời chúc tụng trước là của sứ thần Gabriel, sau là của bà Ysave. Tục lệ ấy xem ra đã có từ lâu đời, vì đã được du nhập vào phụng vụ từ thế kỷ 6, như chúng ta còn thấy ở Ca dâng lễ Chủ Nhật thứ IV Mùa Vọng.

Nhưng cho đến thế kỷ 14, kinh "Kính Mừng Maria" kết thúc với lời chúc của bà Ysave "qủa phúc của lòng bà gồm phúc lạ (benedictus fructus ventris tui) không có danh Thánh Giêsu. Ðến cuối thế kỷ 14, người ta mới thêm danh "Giêsu" vào. Như thế, chúng ta thấy kinh Kính Mừng lúc ra đời chỉ dài bằng nửa kinh chúng ta đọc ngày nay!

Kinh Mân Côi ra đời lúc nào? Thực là khó trả lời, bởi vì nó trải qua rất nhiều chặng trước khi tiến tới hình thức hiện tại. Nhưng chặng chính có thể tóm lại như sau:

  1. Kinh Mân Côi gắn liền với tràng chuỗi. Nhiều tôn giáo đã dùng tràng chuỗi với một mục đích hoàn toàn thực tiễn, nghĩa là để đếm nhẩm, cũng như thời đại kỹ thuật ngày nay dùng máy tính vậy! Nguồn gốc kinh Mân Côi như thế này: Vào quãng thế kỷ thứ 11, một số giáo dân sống gần các dan viện muốn tham dự kinh nguyện với các đan sĩ, nhưng khổ nỗi là họ không biết Latinh. Vì vậy, để thay thế 150 Thánh Vịnh - nòng cốt của kinh Nhật Tụng - các giáo dân đọc 150 kinh Lạy Cha. Lần lần những tín hữu có lòng sùng kính Mẹ Maria cũng áp dụng thói thục ấy bằng cách thay kinh Lạy Cha bằng kinh Kính Mừng. Xin nhắc lại là vào thời nay (thế kỷ 11-12), kinh Kính Mừng kết thúc với lời của bà Ysave "benedictus fructus ventris tui".
  2. Không nói quí vị cũng đoán dược, nếu đọc liền 150 kinh một lúc thì thấy mau mỏi và chán. Vì vậy mà ở nhiều nơi người ta chia ra từng phần: lúc đầu 3 phần 50 kinh; sau đó 15 phần 10 kinh, với một kinh Lạy Cha ở đầu mỗi chục. Còn kinh Sáng Danh chỉ được thêm vào hồi đầu thế kỷ 17 (năm 1613). Cũng vào thế kỷ 16 hay 17, kinh Kính Mừng mới được thêm phần thứ hai: "Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng tôi là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử".
  3. Cho đến nay, ta chỉ mới thấy kinh Mân Côi là một kinh lặp đi lặp lại các lời chào kính Mẹ Maria. Ðối với tâm tình một người con thảo, hay đối với một người đã biết yêu là gì, thì việc lặp đi lặp lại những lời chúc khen như vậy không bao giờ nhàm chán! Tuy nhiên, con tim không luôn luôn ở một nhiệt độ bất biến! Ðàng khác, đời sống đạo không phải chỉ thuần túy tâm tình hay thuần túy lý luận, nhưng phải biết dung hòa cả hai phương diện. Vì vậy mà bên cạnh việc lặp đi lặp lại các lời chúc khen Mẹ Maria, lần lần được gắn liền một nội dung đạo lý với mục tiêu huấn giáo. Các sử gia cho rằng thánh Ðaminh, hoặc những tu sĩ đầu tiên của Dòng tỉ như thánh Phêrô Verona, đã góp phần không nhỏ trong kế hoạch đó. Nói khác đi, bên cạnh việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, họ thêm vào việc suy ngắm các mầu nhiệm cứu chuộc nữa. Việc xen lẫn các mầu nhiệm được thực hiện bằng hai cách chính như sau:

    1. hoặc sau danh thánh "Giêsu", người ta thêm một đoạn Kinh Thánh, hoặc một tước hiệu của Ngài. Thí dụ: Giêsu Ðấng Cứu Thế; Giêsu con Ðavid, Giêsu Ðấng đã chết trên thập giá. Vào thế kỷ 15, người ta đếm được gần 300 các danh hiệu được thêm như vậy.
    2. hoặc là nhắc nhớ một mầu nhiệm ở đầu mỗi ... vị 50 hay 10 kinh. Cũng có thể là người ta đọc một kinh Kính Mừng sau khi nhắc nhớ một mầu nhiệm, tỉ như cách ngắm 7 sự đau đớn Ðức Bà, lưu hành ở vài họ đạo Việt Nam.

    Nên biết rằng việc suy gẫm các mầu nhiệm đau thương thực hiện muộn hơn. Lúc đầu khi đọc kinh Kính Mừng, người ta nghĩ trước tiên đến các niềm vui của Mẹ Maria: "Hãy vui lên, Maria. Thiên Chúa ở cùng Mẹ!" Các niềm vui ấy được lấy từ các lễ kính Chúa và Mẹ: Truyền Tin, Giáng Sinh, Phục Sinh, Thăng Thiên, Mông Triệu. Việc suy niệm các mầu nhiệm đau thương được phát triển cùng lúc với sự phát triển lòng sùng kính cuộc Tử Nạn của Chúa Cứu Thế.

  4. Kinh Mân Côi theo hình thức chúng ta đọc hiện nay có thể nói được là do tu sĩ Alano de la Roche (1428-1478) Dòng Ðaminh, xác định. Cha Alano chia tràng chuỗi kính Ðức Mẹ thành 3 chu kỷ đều nhau, mỗi chu kỷ dành cho việc suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn và Vinh Hiển của Ðức Kitô và Mẹ Maria. Chúng ta thấy có sự tiến triển đáng kể của kinh Mân Côi: từ một chuỗi kinh tán dương Ðức Mẹ, nó lồng thêm việc suy niệm ác mầu nhiệm Cứu Chuộc do Ðức Kitô thực hiện với sự hợp tác của Mẹ Maria. Việc phổ biến hình thức đọc kinh Mân Côi được bành trướng nhờ các Hội Ðoàn Mân Côi do chính Cha Alano lập ở Douai (Bắc Pháp) năm 1470, và Cha Jacopo Sprenger, cũng Dòng Ðaminh, lập ở Colonia (Ðức) năm 1474.

    Với Ðức Thánh Cha Piô V, người cải tổ các sách Phụng Vụ theo lệnh của Công Ðồng Tridentinô, kinh Mân Côi mang một hình thức cố định. Thực vậy, trong thông điệp "Consueverunt Romani Pontifices" (17/9/1569), Ðức Piô V đã cố định những thành phần cốt yếu của kinh ấy, tức là: 150 kinh Kính Mừng chia ra 15 chục; mỗi chục suy ngắm một mầu nhiệm của cuộc đời Ðức Kitô; trước mỗi chục kinh Kính Mừng, thêm kinh Lạy Cha. Sau cùng, vào năm 1613, người ta thêm vào cuối mỗi chục một kinh Sáng Danh.

II. Kinh Mân Côi Ngày Nay

Phải chăng thánh Ðaminh đã là người sáng lập kinh Mân Côi? Các sử gia ngày nay cho rằng danh dự gắn cho thánh Ðaminh đúng ra là một sự tưởng thưởng tập thể cho các con cái Dòng ấy vì đã cổ động việc đọc kinh Mân Côi, nhất là kể từ Cha Alano de la Roche. Nhưng kinh Mân Côi không phải do một cá nhân sáng lập ra, cũng như nó không thành hình một sáng một chiều, hoặc được ban từ trời với một hình thức bất di bất dịch!

Những nhận xét về lịch sử có những hậu quả mục vụ quan trọng cho hiện tại và tương lai.

Chúng tôi không muốn nhắc lại ở đây bao nhiêu lời ca ngợi, khuyến khích đọc kinh Mân Côi từ phía các Ðức Thánh Cha suốt 5 thế kỷ nay, nhất là trong thời đại chúng ta, thêm vào nhũng lời nhắn nhủ của chính Mẹ Maria tại Lourdes và Fatima.

Ðiều chúng tôi muốn quí vị lưu ý là tính cách linh động của kinh Mân Côi. Việc đọc kinh Mân Côi không giới hạn vào việc lặp đi lặp lại 150 kinh Kính Mừng cách máy móc, như đọc thần chủ! Kinh Mân Côi chỉ có ý nghĩa sùng kính khi nó đi kèm với tinh thần thảo hiếu của người con hướng về người Mẹ với lòng thán phục biết ơn, và nhất là khi kèm theo việc suy gẫm các mầu nhiệm cứu chuộc mà Mẹ Maria đã tham gia với Ðức Kitô.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều sáng kiến để giúp các tín hữu đọc kinh Mân Côi cách có ý thức hơn, bằng việc cung cấp thêm nhiều chất liệu cho việc suy niệm. Thí dụ:

  1. Giữ 15 mầu nhiệm như hiện nay, nhưng ở phần xướng mỗi mầu nhiệm, sẽ đọc một đoạn văn dài hơn, trích từ Phúc Âm, hoặc một tư tưởng thiêng liêng nào đó.
  2. Thay đổi các đề tài mầu nhiệm, bớt đi những đề tài gần như trùng nhập (thí dụ mầu nhiệm 1-3 mùa Thương; mầu nhiệm 1-5 mùa Mừng), để thêm vào đó các mầu nhiệm khác: thí dụ Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể trong mùa Thương và mầu nhiệm cánh chung trong mùa Mừng.
  3. Không giới hạn vào số 15 hiện tại, nhưng tăng thêm số để có thể bao trùm tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế. Như vậy tránh khỏi lặp lại trong vòng một tuần lễ. Dĩ nhiên, đề nghị này xem ra quá táo bạo!
  4. Trở lại với hình thức cổ truyền của kinh Mân Côi, nghĩ là sau danh thánh Giêsu ("và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ"), thêm vào một lời tuyên xưng, tỉ như: Giêsu, Ðấng muôn dân đợi trông; Con Thiên Chúa, Hòa Bình của nhân loại; Giêsu, Ðấng trở nên khó nghèo vì chúng tôi...
  5. Ngoài ra, có những nơi chủ trương quý phẩm hơn lượng: thà đọc ít mà đọc sốt sắng còn hơn đọc nhiều mà đọc hấp tấp. Vì vậy, mỗi ngày chỉ đọc một chục kinh. Nhưng mỗi lần đọc kinh Mân Côi là một lần cử hành lời Chúa: với việc đọc Sách Thánh, giảng huấn, suy niệm, lời nguyện giáo dân. Kinh Mân Côi phải là dịp để tín hữu đào sâu thêm Kinh Thánh và đem ra áp dụng trong đời sống hằng ngày.

Trước khi kết luận bài này, thiết tưởng cũng nên đề cập qua đến những hiệp hội được lập để cổ động việc đọc kinh Mân Côi, nhờ đó tạo ra những mối dây liên kết vô hình trong Dân Chúa.

  1. Hội Mân Côi do Cha Alano de la Roche lập từ năm 1470. Mỗi hội viên hứa đọc một tràng chuỗi (15 mầu nhiệm) hằng tuần.
  2. Hội Mân Côi vĩnh viễn, do Cha Timoteo de Ricci lập từ năm 1630. Mỗi hội viên tình nguyện mỗi tháng đọc 1 tràng vào một "giờ trực". Ban giám đốc sẽ liệu phân phối các "giờ trực" ấy sao cho ngày đêm lúc nào cũng có người "canh gác" đọc kinh!
  3. Hội Mân Côi sống do bà Pauline Jaricot lập năm 1820. Hội được tổ chức thành các tiểu tổ, mỗi tiểu tổ gồm 15 người, và mỗi người tình nguyện mỗi ngày đọc 1 chục kinh Kính Mừng và suy gẫm một mầu nhiệm. Từ Hội Mân Côi sống, nhiều hiệp hội tương tự cũng được khai sinh, như là:

    - Hội Mân Côi sống dành cho thiếu nhi.

    - Hội Mân Côi (Equipes du Rosaire), ngoài việc bảo đảm sự liên tục tràng chuỗi mỗi ngày, họ còn tụ họp nhau hàng tháng trong giờ cầu nguyện và cử hành Lời Chúa, trong đó họ sẽ tìm hiểu, suy niệm Lời Chúa và không quên mời gọi các bạn bè, bà con, láng giềng, kể cả người vô thần, để đối thoại về đức tin và tôn giáo.

Qua những giòng trên, hy vọng quí vị có thể đoán ra tại sao các Ðức Thánh Cha trong những thế kỷ gần đây đã không nhừng cổ động việc đọc kinh Mân Côi. Chúng ta đừng bao giờ coi các việc đạo đức như món hàng bày ra giữa chợ để cạnh tranh nhau, nhất là bảng quảng cáo! Thực là buồn khi có người đem đối chọi một hình thức đạo đức này với hình thức khác: Ðức Bà Lourdes, Ðức Bà Fatima, Ðức Bà Carmelô, Ðức Bà hằng cứu giúp, v.v... mà quên rằng tất cả các danh hiệu ấy chung quy đều hướng về một chủ thể: Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội.

Như vậy khi khuyến khích chúng ta đọc kinh Mân Côi có lẽ các vị chủ chăn Giáo Hội và chính Mẹ Maria không nhằm gì khác hơn là khuyên chúng ta: "Hãy sống trọn ơn gọi của người tín hữu Kitô giáo, trong tin yêu, trong ca ngợi biết ơn, và trong chia sẻ những vui thương của Ðức Kitô và của Nhiệm Thể Người!"

Dân Chúa

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2007. 14:22