Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đôi Dòng Lịch Sử Dòng Thánh Thể Tại Việt Nam

§ Dân Chúa

Nói tới lịch sử Dòng Thánh Thể tại Việt Nam, chúng ta phải tìm hiểu những mối giây liên hệ đầu tiên giữa người Việt Nam với Dòng Thánh Thể lúc ban đầu từ rất xa xưa như thế nào. Mối giây liên hệ ấy được ghi lại như thế này:

I. Cái Duyên Thánh Thể

Cái duyên Thánh Thể bắt nguồn từ rất xa xưa, nghĩa là từ thập niên 20-30 rồi. Câu chuyện được ghi lại rằng, hồi ấy Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục còn là Thầy sinh viên thuộc giáo phận Huế du học tại Trường Truyền Giáo Rôma. Thầy Ngô Đình Thục rất có lòng sùng mộ Thánh Thế nên Thầy đã tìm đến Nhà Mẹ Dòng Thánh Thế tại Rôma để xưng tội và chầu Thánh Thể. Thầy may mắn gặp được cha Adrien Maheu (1898-1988), khi ấy ngài đang là Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Thánh Thể. Qua nhiều lần gặp gỡ, Thầy xin Cha Adrien Maheu làm cha linh hướng cho Thầy. Cha Maheu nhận thấy Thầy là một sinh viên tốt lành nên nhận làm linh hướng cho Thầy. Nhờ vậy, hằng tuần Thầy Phêrô Ngô Đình Thục thường tới gặp cha linh hướng của mình vào chiều Thứ Bảy để xưng tội, chầu Thánh Thể, bàn việc linh hồn rồi dùng cơm tối với các cha Dòng Thánh Thể tại Nhà Mẹ của Dòng.

Sau Thầy Ngô Đình Thục thụ phong linh mục, trở về Việt Nam rồi được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Vĩnh Long, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục vẫn giữ mãi mối tình Thánh Thể lâu dài và rất quí mến Dòng Thánh Thể, Ngài vẫn thường xuyên liên hệ với các cha Dòng Thánh Thể.

Tới năm 1960 Ngài lại được Toà Thánh chuyển đổi Ngài về làm Tổng Giám mục giáo khu Huế và cũng vào mùa Hè năm 1960, các Đức Giám Mục tại miền Nam họp lần đầu tiên tại Huế đã chính thức nhận Đền Thánh Đức Mẹ La Vang là Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc và xin Toà Thánh nâng Đền Thánh Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Đường, đồng thời Đức Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục đề nghị với Hội Đồng Giám Mục chính thức mời Dòng Thánh Thể sang Việt Nam lập nhà tại La Vang để giúp đỡ Đền Thánh trong việc phát động phong trào tôn sùng Thánh Thể và tổ chức việc chầu Thánh Thể liên tiếp tại Đền Thánh Thánh Mẩu. Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể nhận được lời mời này thì rất vui mừng hoan hỉ, tất nhiên là Ngài mau mắn nhận lời và toan tính ngay việc sang Việt Nam để tiến hành cộng việc.

Nhưng một chuyện bất ngờ xẩy ra vào năm 1963, là cuộc đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tổng Thống Ngô Đình Diệm và cả đại gia đình bị tàn sát! Ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn đều bị giết chết, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục bị sống kiếp lưu vong, thế là tất cả mọi dự tính đều phải xếp lại! La Vang bị bỏ quên và việc mời Dòng Thánh Thể sang La Vang cũng bị bỏ quên, rơi vào quên lãng cho tới ngày hôm nay!

II. Những Linh Mục Tu Sĩ Việt Nam Đầu Tiên Vào Dòng Thánh Thể

Mãi tới năm 1960 khi thấy các Đức Giám Mục mời Dòng Thánh Thể vào Việt Nam thì Dòng Thánh Thể mới bắt đầu nhận được những lá thư của người Việt Nam xin gia nhập Dòng Thánh Thề. Những linh mục đầu tiên xin gia nhập Dòng Thánh Thể, tính từ đầu thập niên 60 cho đến ngày các linh mục Việt Nam họp tại thành phố Génève thuộc Thụy Sỹ để quyết định trở về thành lập Dòng Thánh Thể tại Việt Nam.

A. Tỉnh Dòng Pháp Quốc

1. Cha Trinh-Cát linh mục gốc giáo phận Hải Phòng, là một linh mục rất đạo đức, có lòng sùng kính yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt. Ngài đã phát động phong trào “Tôn Vương Thánh Mẫu” trong các gia đình. Ngài đã viết nhiều sách về Đức Mẹ và cuốn sách nổi tiếng, được nhiều người ưa thích là cuốn “Bông Hồng Tháng Năm” gồm những mẩu chuyện về Đức Mẹ rất dễ thương. Cha là người Việt Nam đầu tiên xin gia nhập vào Dòng Thánh Thể trong Tỉnh Dòng Pháp.

2. Linh mục Nguyễn Châu-Hải, linh mục gốc giáo phận Bùi Chu. Ngài là giáo sư và lả cha linh hướng của Chủng Viện rồi du học tại Pháp và cũng đã xin gia nhập Dòng Thánh Thể trong Tỉnh Dòng Pháp. Cha Nguyện Châu-Hải cũng thông giỏi cũng đã viết nhiều sách tu đức, thiêng liêng. Cuốn sách để đời của Ngài là cuốn: Thánh Phêrô Julien Ermard, Tông Đồ Thánh Thể, đã được đồng bào Công Giáo đón nhận một cách hân hoan. Nhiều nhà Dòng, Chủng Viện đã dùng sách này để đọc trong Nhà Cơm, Nhà Nguyện v.v. Những bộ sách mới nhất của ngài cũng đã được đón nhận một cách sung sướng, đó là bộ: “Suy Niệm Trước Thánh Thể”, gọi là bộ vì gồm nhiều cuốn.

3. Tiếp đến là Cha Hoàng Gia Phú, gốc Hải Phòng. Cha Phú nguyên là Tuyên Úy trong quân đội Pháp. Ngài sống tại Pháp và sau đó ngài đã xin vào Dòng Thánh Thể trong Tỉnh Dòng Pháp.

4. Cha Giuse Nguyễn Thanh Tâm gốc Hải Phòng, Ngài là giáo sư Chủng Viện rồi sau đó ngài cũng đã xin vào Dòng Thánh Thể trong Tỉnh Dòng Pháp.

5. Cha Giuse Đinh Đồng Thượng Sách. Khi xin vào Dòng Thánh Thể thuộc Tỉnh Dòng Pháp cha mới là Chủng sinh Triết học. Chính vì vậy mà cha Thượng Sách đã là người Việt Nam thứ 2 thụ phong linh mục trong Dòng Thánh Thể, sau cha Gioakim Nguyễn Đức Việt Châu.

6. Thầy Gioan Baotixita Kiền: Thầy Kiền truớc kia là quân nhân trong quân đội Pháp. Sau khi giải ngũ, thầy đã xin gia nhập Dòng Thánh Thể trong Tỉnh Dòng Pháp, và là tu huynh của Tỉnh Dòng.

B. Tỉnh Dòng Mỹ:

1. Linh mục Tôma Nguyễn Văn Trinh, gốc giáo phận Hải Phòng, du học tại Hoa Kỳ rồi sau đó xin gia nhập Dòng Thánh Thể, Tỉnh Dòng Thánh Anna, Hoa Kỳ.

2. Linh mục Nguyễn Đại Bằng, gốc giáo phận Phát Diệm, du học tại Anh quốc, đậu thạc sĩ về âm nhạc, môn Pianô. Sau khi học xong, cha xin gia nhập Dòng Thánh Thể cũng Tỉnh Dòng Thánh Anna, Hoa Kỳ.

C. Tỉnh Dòng Thụy Sĩ:

1. Linh mục Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, gốc giáo phận Bùi Chu. Khi xin gia nhập Dòng Thánh Thể cha mới học xong Triết. Cha xin vào Tỉnh Dòng Thụy Sĩ nhưng lại được gửi sang Hoà Lan làm 2 năm Tập tại Nhà Tập Quốc Tế ở Venlo do cha Henri Verhoven làm Giáo Tập –sau này cha Henri Verhoven làm cha Bề Trên Tổng Quyền- Hoàn tất những năm Tập tại Hòa Lan Thầy lại được trở lại Fribourg Thụy Sĩ để tiếp tục hoàn tất 5 năm Thần Học tại Đại Học Công giáo danh tiếng Fribourg. Sau khi Tốt Nghiệp thầy thụ phong linh mục cũng tại Fribourg năm 1972. Cha là nguời Việt Nam đầu tiên chịu chức linh mục trong Dòng Thánh Thể.

2. Linh mục Đa Minh Đặng Công Hiến, gốc giáo phận Hải Phòng. Cha nguyên là Giám đốc Tiễu Chủng Viện của Hải Phòng tại miền Nam. Sau đó cha xin gia nhập Dòng Thánh Thể, Tỉnh Dòng Thụy Sĩ. Cha sang Thụy Sĩ làm 2 năm Tập tại Fribourg rồi trở vế Việt Nam năm 1972.

3. Thầy Đặng Văn Vân, nguyên là tu sĩ dòng Xi-tô năm 1971 xin chuyển vào dòng Thánh Thể, thuộc tỉnh Dòng Thụy Sỹ.

III. Dòng Thánh Thể Chính Thức Vào Việt Nam

Mặc dầu đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chính thức mời Dòng Thánh Thể vào Việt Nam và Cha Bề Trên Tổng Quyền đã hoan hỉ chấp nhận lời mời ấy cũng như đã có nhiều linh mục gia nhập Dòng Thánh Thể như chúng ta thấy ở trên, nhưng chúng ta phải chờ đợi mãi tới thập niên 70 thì sự việc mới được từ từ thực hiện.

Để mở đầu công việc, Cha Bề Trên Tổng Quyền khi ấy là Cha Henri Verhoven, Ngài chấp nhận lời yêu cầu cho cha Phêrô Nguyễn Châu Hải cho phép Cha về Việt Nam trước để dọn đường, xem xét tình hình rồi sau đó Ngài mởi mở đường sang Việt Nam tham quan. Cha Nguyễn Châu Hải về Việt Nam được ít tháng thì Cha mời Cha Bề Trên Tổng Quyền sang Việt Nam. Cha chính thức đưa cha Bề Trên Tổng Quyền tới giới thiệu và gặp Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. Đức Tổng Bình rất hân hoan và vui mửng tiếp đón cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể. Qua cuộc trao đổi rất lâu giờ, Đức Tổng Bình chính thức mời Dòng Thánh Thể vào Việt Nam và vui mừng chấp thuận cho Dòng Thánh Thể lập nhà trong giáo phận của Ngài.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Nguyễn Văn Bình, Cha Nguyễn Châu Hải còn đưa cha Bề Trên Tổng Quyền tới thăm hỏi một số Bề Trên các Dòng tại Việt Nam như dòng Đa Minh, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Tên v.v. và một vài vị Giám mục Việt Nam khác nữa. Cha Bề Trên rất hài lòng về chuyến đi này và Ngài rất cảm mến lòng sùng đạo, đặc biệt là lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể của người Công giáo Việt Nam.

Trở vế Rôma, cha Bề Trên Tổng Quyền liên hệ ngay với các Bề Trên Giám Tỉnh có linh mục mục tu sĩ Việt Nam trong các Tỉnh Dòng này và xúc tiến việc đưa Dòng Thánh Thế vào Việt Nam.

Chính vì lý do nói trên mà hai Cha Giám Tỉnh Pháp và Thụy Sĩ đã tạo điều kiến cho các linh mục, tu sĩ Việt Nam thuộc hai Tỉnh Dòng này gặp gỡ nhau để bàn tính chuyện hồi hương Việt Nam. Riêng hai cha Trinh và Bằng thuộc tỉnh Dòng Mỹ thì ngỏ ý chưa muốn trở về Việt Nam cho nên không tới dự họp với các anh em thuộc tỉnh Dòng Pháp và Thụy Sỹ.

Ngày 4 tháng 7 năm 1970, các linh mục tu sĩ Việt Nam hiện diện tại Pháp và Thụy Sĩ đã họp mặt tại một giáo xứ thuộc tỉnh Dòng Thụy Sĩ ở Génève trong nhiều ngày từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 7. Từ tỉnh Dòng Pháp sang có cha Hoàng Gia Phú, cha Nguyễn Thanh Tâm, Thầy Đinh Đồng Thượng Sách. Tỉnh Dòng Thụy Sĩ có Cha Đặng Công Hiến, Thầy Nguyễn Đức Việt-Châu, Thầy Đặng Văn Vân. Tất cả đều tham dự những ngày họp mặt vui vẻ và cởi mở. Anh em đã đồng tâm nhất chí trở về thành lập Cộng Đồng Dòng Thánh Thể tại Việt Nam để đem tinh thần thánh Julianô Eymard vào Việt Nam.

Để khởi đầu, anh em quyết định cha Hoàng Gia Phú và cha Nguyễn Thanh Tâm sẽ thu xếp về Việt Nam ngay vào cuối năm này. Cha Nguyễn Thanh Tâm được anh em tín nhiệm trong chức vụ Đảm Trách dự án thiết lập Dòng Thánh Thể tại Việt Nam. Cha Hoàng Gia Phú là phụ tá của cha Tâm. Năm sau khi hoàn tất 2 năm Tập và khấn thì cha Đặng Công Hiến cũng sẽ về Việt Nam ngay để hợp tác với cha Tâm và cha Phú. Sau cha Hiến thì thầy Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu thụ phong linh mục rồi cũng hồi hương, thầy Đinh Đồng Thượng Sách, thầy Đặng văn Vân v.v.

Dự án của anh em làm tại Génève đươc các Bể Trên liên hệ chấp thuận, do đó ngay sau những ngày họp trở về đã chuẩn bị trở lại Việt Nam lo việc xây dựng nhà cửa càng sớm càng tốt, mong sao cho Cộng Đoàn Thánh Thể đầu tiên tại Việt Nam sớm được thành hình. Như đã nói ở trên, Cha Nguyễn Thanh Tâm được anh em đề cử Đảm Trách dự án đầu tiên trong việc thành lập Cộng Đồng Thánh Thể tại Việt Nam. Ngài cùng cha Hoàng Gia Phú trở về Việt Nam ngay trong năm 1970.

Đồng thời để theo dõi và nâng đỡ công việc xây dựng nảy tại Việt Nam, Cha Bề trên Tổng Quyền là cha Henri Verhoven, các cha Phụ Tá Tổng Quyền là cha Walte Riendeau, cha Ephrem Chaignat, nhất là cha Michel Jean, là những người đả hết mình giúp đỡ để dòng Thánh Thể được thiết lập tại Việt Nam. Đặc biệt là cha Michel Jean, ngài đã đại diện cha Bề Trên Tổng Quyền và Ban Cố Vấn Tổng Quyền tình nguyện đến Việt Nam sống với anh em từ ngày 26 tháng 3 đến 5 tháng 4 năm 1974 đề giúp anh em củng cố đời sống cộng đoàn và cho những hướng dẫn cụ thể khi cộng đoàn mới đuợc thành hình.

IV. Những Linh Mục Tu Sĩ Gia Nhập Dòng Thánh Thể Khi Dòng Thánh Thể Chính Thức Vào Việt Nam

1. Giuse Trần Văn Bình: Về tới Việt Nam thì rất may mắn Cha Nguyễn Thanh Tâm gặp lại được người bạn học cùng lớp, cùng giáo phận Hải Phòng ngày xưa là cha Trần Văn Bình, một linh mục có nhiều hoạt lực, trước kia đã làm Quản Lý của giáo phận Hải Phòng trong miền Nam. Cha Trần Văn Bình vốn có lòng sùng kính Thánh Thể nên xin gia nhập dòng Thánh Thể ngay.

Khi ấy cha Bình lại rất thân quen với một linh mục khác là cha Trần Trinh Khiết, thuộc giáo phận Hà Nội. Ngài du học tại Pháp, sau khi tốt nghiệp trở về Ngài làm giáo sư Triết học tại trường Trung Học Công Lập Chu Văn An tại Saigòn. Ngài được một chủ đồn điền Cao-Xu nguời Pháp chuyển nhượng toàn vùng đất đồn điền này tại Tam Hà, Thủ Đức cho cha. Cha liền cho dân từ nhiều nơi đến khai thác vùng đất này. Ngài lập thành hai giáo xứ Tam Hải và xứ Khiết Tâm.

Cha Trần Văn Bình thấy đây là cơ hội tốt, Dòng Thánh Thế nên tới gặp cha Trần Trinh Khiết để có thể xin ngài giúp đỡ cho chương trình thành lập nhà Dòng Thánh Thể tại đây. Thế là, cha Bình dẫn cha Tâm tới gặp cha Khiết trình bày sự việc. Khi biết được nhu cầu của anh em Dòng Thánh Thể, cha Trần Trinh Khiết vui vẻ trao ngay xứ Khiết Tâm cho Dòng Thánh Thể, đồng thời còn dành cho Dòng Thánh Thề một số đất rất lớn ngay bên cạnh nhà thờ giáo xứ.

Sau khi hai bên đồng thuận rồi thì các ngài lên gặp Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, trình bày với ngài về sự thỏa thuận của cha Trần Trinh Khiết với Dòng Thánh Thể và xin Đức Tổng Nguyễn Văn Bình chính thức ban sắc lệnh và bài sai cho Dòng Thánh Thể làm cha xứ giáo xứ Khiêt Tâm. Từ đây, giáo xứ Khiết Tâm chính thực thuộc Dòng Thánh Thể và Cộng Đồng Thánh Thể đầu tiên được thành hình tại Khiết Tâm, thuộc xã Tam Bình, huyện Thủ Đức.

2. Cha Đa Minh Nguyễn Phúc Thuần, gốc giáo phận Hải Phòng. Đã có thời cha phải nhập ngũ và đeo lon Chuẩn Úy. Sau mấy năm thi hành công vụ, cha giã từ lon Chuẫn Úy, trở về tiếp tục học để tiến lên bàn thánh. Cha đã từng là giáo sư Tiểu Chủng Viện của giáo phận Mỹ Tho nhiều năm. Nhưng sau đó cha đã xin gia nhập Dòng Thánh Thể rồi được gửi sang Phi Luật Tân để làm 2 năm Tập. Khi đã hoàn tất 2 năm Tập cha xin sang Hoa Kỳ. Lúc đầu cha cũng làm mục vụ giúp người Việt Nam nhưng rồi cha xin về Tỉnh Dòng làm việc mục vụ cho ngưởi Mễ nhiều năm trong giáo xứ Corpus Christi tại Houston cho tới năm 2005 ngài xin trở về Miền Dòng Thánh Thể Việt Nam.

3. Linh mục Đa Minh Nguyển Hữu Lượng, gốc Hải Phòng. Cha Đa Minh Nguyễn Hữu Lượng nguyên là giáo sư Chủng Viện và cũng đã làm cha xứ một thời gian. Sau đó cha xin gia nhập Dòng Thánh Thể, được gửi sang làm 2 năm Tập tại Phi Luật Tân. Sau khi khấn cha sang làm mục vụ giúp người Việt Nam tại Canada một thời gian rồi sang Mỹ, làm việc mục vụ cho người Việt Nam. Cha là Quản nhiệm Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại San Antonio, tiểu bang Texas cho tới khi về hưu tại Nhà Hưu Dưỡng của Tỉnh Dòng Mỹ tại Cleveland tiểu bang Ohio.

4. Ngoài ra, còn có một số Thầy trước kia là Thầy Giảng thuộc giáo phận Hài Phòng là thầy Đa Minh Hoan, thầy Giuse Viễn, thầy Giuse Từ. Các thầy đều là những ngưởi tốt lành, suốt đời phục vụ Chúa và Giáo Hội. Nay các thầy xin gia nhập Dòng Thánh Thể và dòng Thánh Thế rất vui mừng đón nhận các thầy. Các thầy cũng là những người có công rất lớn, rất hy sinh, tận tụy trong thời gian đầu xây dựng nhà cửa tại Khiết Tâm ngày nay.

V. Công Cuộc Xây Dựng Nhà Tại Việt Nam

Hai Vị Đại Ân Nhân Của Dòng Thánh Thể Việt Nam:

- Cha Matthêu Trần Trinh Khiết: Như trên đã nói, Cha Trần Trinh Khiết là một linh mục thánh thiện. Ngài có Cử Nhân Triết học tại Pháp, trở về Việt Nam làm giáo sư Triết học tại Trung học Công Lập Chu Văn An tại Saigòn. Ngoài việc dậy học, suốt đời ngài chi lo thành lập hết Dòng này đến Tu Hội kia. Khi ngài trở về Saigòn thì ông bà chủ đồn điền cao-xu tại Thủ Đức định trở về Pháp nên muốn sang nhượng toàn thể khu đất rộng lớn hàng trăm mẫu đất cho ngài. Ngài nhận khu đất này rồi phận chia cho dân chúng, kêu gọi dân chúng khắp nơi tới xây nhà lập xứ tại đây. Ngài xây được hai nhà thờ, thành lập hai giáo xứ. Công việc rất đa đoan, nên khi các cha Dòng Thánh Thể tới ngỏ ý xin ngài giúp đỡ thì ngài đã mau mắn chuyển nhuợng ngay giáo xứ Khiết Tâm cho các cha Dòng Thánh Thể, rồi ngài lại đưa cha Nguyễn Thanh Tâm, Phụ Trách Dòng Thánh Thể Việt Nam tới giới thiệu với Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình để xin chuyển nhượng giáo xứ Khiết Tâm cho các cha Dòng Thánh Thể và được Tổng Nguyễn Văn Bình chấp nhận. Ngài vui vẻ ký giấy chính thức bổ nhiệm cha Nguyễn Thanh Tâm là cha xứ đầu tiên giáo xứ Khiết Tâm. Cha chuyển nhượng giáo xứ Khiết Tâm cùng với đất đai nhà xứ, đồng thời còn dảnh cho Dòng Thánh Thể một số đất rất rộng lớn, để nhà Dòng xây nhà thành lập Tu Viện Thánh Thề Việt Nam tại đây.

Cha Matthêu Trần Trinh Khiết quả thật là một linh mục tốt lành, một linh mục rất quí mến Dòng Thánh Thể. Ngài thật là một vị đại ân nhân đầu tiên của Dòng Thánh Thể Việt Nam. Xin Chúa trả cộng bội hậu cho ngài thay cho chúng con.

- Cha Giuse Trần Văn Bình: Cha Trần Văn Bình là linh mục gốc giáo phận Hải Phòng, là bạn học cùng lớp với cha Nguyễn Thanh Tâm, cha Đặng Công Hiến. Khi cha Tâm và cha Phú trở về Việt Nam thì cha Trần Văn Bình rất vui mừng, và rất quí trọng Dòng Thánh Thể cho nên đã xin gia nhập Dòng Thánh Thể. Chính vì lý do đó nên Ngài đã hy sinh tận tụy hết mình để lo việc xây nhà cửa cho Dòng Thánh Thể tại khu đất mới mẻ và rộng lớn này ngay bên cạnh nhà thờ giáo xứ Khiết Tâm. Vì trước kia ngài đã từng làm Quản Lý cho giáo phận Hải Phòng trong miền Nam, ngài đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc xây cất nhà cửa cho nên bây giở ngài hoàn toàn đứng ra nhận trách nhiệm làm đốc công lo xây dựng những ngôi nhà xinh đẹp này.

Phải nói rằng cha Giuse Trần Văn Bình là một linh mục đạo đức, có lòng tốt, rất hy sinh và quảng đại. Ngài đã hy sinh rất nhiều để xây dựng những ngôi nhà hiện nay anh em Dòng Thánh Thể đang ở. Phải thành thật nói rằng dó là công lao rất lớn của cha Trần Văm Bình. Anh em Thánh Thể ngày nay không thể không nhắc tới công ơn và ghi nhớ một linh mục đã một thởi hy sinh hết mình để xây dựng những ngôi nhà đầu tiên tại Khiết Tâm ngày nay cho anh em.

Rất tiếc vì hoàn cảnh sau này cha Trần Văn Bình không còn ở với anh em chúng ta nữa. Nhưng công đức của ngài vẫn còn đó. Chúng ta ghi nhận ngài là một trong những ân nhân đầu tiên của Dòng Thánh Thể Việt Nam chúng ta.

Tóm lại, có thể nói được rằng công cuộc xây dựng nhà cửa lúc ban đầu cho dòng Thánh Thể tại Việt Nam là nhờ long quảng đại của cha Matthêu Trần Trinh Khiết đã cho đất và chuyển giao giáo xứ Khiết Tâm cho nhà Dòng. Đồng thời khi đã có đất rồi thì chính cha Giuse Trần Văn Bình đã hy sinh, tích cực khai phá đất đai và xây dựng nhà cửa cho anh em Thánh Thể. Hai vị ân nhân này chính là mối giây khởi đầu mọi sự của anh em dòng Thánh Thể Việt Nam ngày nay.

VI. Đệ Tử Viện Thánh Thể Việt Nam

Tháng 10 năm 1972, cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu là một trong 4 cha đầu tiên từ nước ngoài trở về để thành lập Dòng Thánh Thể tại Việt Nam. Khi cha trở về thì được cha Bề Trên Tổng Quyền cũng như các cha Phú, cha Tâm, cha Hiến trao cho trách nhiệm thành lập Đệ Tử Viện để thâu nhận những ơn gọi Thánh Thể cho Việt Nam. Cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu thành lập Đệ Tử Viện và là Giám Đốc đầu tiên của Viện này. Cha tuyển nhận những ứng sinh từ lớp 9 đến lớp 12 và gửi vào học chung với các đệ tử của các dòng Đa Minh, dòng Don Bosco, dòng Tên, dòng Phanxicô tại trường Trung Học Don Bosco. Số đệ tử Thánh Thể khi ấy có 30 em. Trong số những đệ tử ấy ngày nay còn lại là Cha Nguyễn văn Hoà, cha Trần Đình Long, cha Phạm Tiến Thành, cha Trần Minh Thái. Cha Thái hiện nay thuộc Tỉnh Dòng Hoa Kỳ. Cha đang coi một giáo xứ người Việt tại tiều bang Florida.

Tới cuối năm 1974, cha Đặng Công Hiến thay thế cha Việt-Châu làm Giám Đốc Đệ Tử Viện. Cha Việt-Châu nhận trách vụ làm chánh xứ giáo xứ Khiết Tâm kiêm Phụ Tá cha Hiến coi sóc Đệ Tử.

VII. Giai Đoạn Thành Lập Cộng Đoàn

A. Cuộc Thăm Viếng Chính Thức Đầu Tiên của Bề Trên Tổng Quyền:

Ngày 2 tháng 2 năm 1973, cha Bề Trên Tổng Quyền là cha Henri Verhoven cùng với cha Phụ Tá là cha Walter Riendeau từ Rôma tới. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên chính thức để xem xét công việc anh em Việt Nam xây dựng nhà cửa như thế nào để đưa tới một số quyết định quan trọng thành lập Cộng Đoàn Thánh Thể Việt Nam.

Sau khi xem xét sự việc, hội họp với anh em và tiếp xúc với giáo quyền. Cha Bề Trên Tổng Quyền đi tới những quyết định sau đây:

1. Ngày 5 tháng 2 năm 1973, thành lập theo Giáo Luật Cộng Đoàn Thánh Thể Việt Nam, nhằm ngày lễ kỷ niệm cha Thánh Tổ Phụ Phêrô Julianô Eymard lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Nhà Chính tại Khiết Tâm, Thủ Đức. Nhà Hải Dương trực thuộc nhà Khiết Tâm. Đồng thời cha Bề Trên Tổng Qyền chỉ định:

- Cha Giuse Nguyễn Thanh Tâm: Bề trên kiêm Chánh Xứ Khiết Tâm

- Cha Đa Minh Hoàng Gia Phú: Phụ tá Bề Trên kiêm Quản Lý

- Cha Đa Minh Đặng Công Hiến: Chánh xứ Hải Dương

- Cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu: Giám Đốc Đệ Tử Viện kiêm Thư Ký

Cha Bề Trên Tổng Quyền cũng tuyên bố Cộng Đoàn Thánh Thể Việt Nam sẽ trực thuộc Nhà Mẹ tại Rôma cho tới khi có những quyết định mới.

2. Ngày 1 tháng 10 năm 1974, cha Bề Trên Tổng Quyền Henri Verhoven đến thăm cộng đoàn Thánh Thể Việt Nam lần thứ hai. Sau những ngày sống với anh em Thánh Thể Việt Nam và tìm hiểu những nhu cầu mới, cần có một số những thay đổi, Ngài quyết định:

- Chấp nhận cha Giuse Tâm từ chức Bề trên vì lý do sức khoẻ

- Cha Đa Minh Đặng Công Hiến làm Bề Trên, kiêm quản lý, kiêm Giám Đốc Đệ Tử Viện.

- Cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu làm Chánh xứ giáo xư Khiết Tâm, Phụ tá cha Đa Minh Hiến coi sóc các Đệ Tử.

3. Một vài đề nghị với cha Bề Trên Tổng Quyền:

- Xin cha Hoàng Gia Phú từ Xóm Mới về giúp công việc nhà dòng ở Khiết Tâm và Hải Dương.

- Xin cho cha Binh, cha Thuần, cha Lượng qua Phi Luật Tân để vào Nhà Tập.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, nhìn lại:

- Cha Hoàng Gia Phú đã được Chúa gọi về trước biến cố 30 tháng 4.

- Sau biến cố 30 tháng 4 cha Nguyễn Thanh Tâm cũng được Chúa gọi về.

- Cha Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu đi tị nạn ngày 30 tháng 4 tại Hoa Kỳ và sau đó theo lệnh cha Bề Trên Tổng Quyển cha nhập Tỉnh Dòng Hoa Kỳ.

Còn lại một mình cha Đặng Công Hiến chèo chống “con thuyền Thánh Thể”. Những anh em còn lại với cha Đặng Công Hiến trong thời gian này là Thầy Đa Minh Nguyễn Xuân Hoan, thầy Giuse Đỗ Vĩnh Viễn, thầy Giuse Nguyễn văn Từ và một số đệ tử như cha Hoà, cha Long, cha Thành, cha Thái v.v. ngày nay.

(còn tiếp)