Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đan Viện Xitô Phước Sơn Theo Dòng Lịch Sử

§ Đan Sĩ Linh mục M. Kolbe Ngô Quang Tuý OC

Nghe đến dòng Phước sơn nhiều người vẫn còn một ấn tượng rất mạnh: dòng khổ tu. Quả thật, Đấng sáng lập dòng là một người đầy Chúa Thánh Thần và các môn sinh đầu tiên của cha đã tạo nên một tiếng vang rất lớn cho đến ngày nay về cơ sở, về nhân sự đặc biệt là về đời sống thánh thiện.

Để quý đọc giả hiểu rõ hơn về dòng Phước sơn này, chúng tôi chỉ xin sơ lược lại hai điểm: sơ sở và nhân sự của dòng từ khi thành lập đến nay.

1. Về cơ sở.

Cha-Henri-Denis1.jpg

Cha Henri Denis, Đấng Sáng Lập, lúc còn trẻ

Phước sơn nghĩa là núi Phước (ngọn núi tên là Phước) nằm ở đầu nguồn sông Bến Hải, một con sông chảy dài theo vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị. Vùng đất này là thuộc địa của cụ thượng thư bộ lại Nguyễn Hữu Bài tặng.

Như đã viết trong bài “Lược Sử Hội Dòng Xitô Thánh Gia ở Việt Nam”, dòng này nguyên thuỷ có tên là Dòng Đức Bà Việt Nam do cố Thuận (Cha Henri Denis), một vị thừa sai Paris lập năm 1918, sau đổi lại thành Dòng XiTô Thánh Gia. Cha là một linh mục rất thánh thiện và có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với những ai đã từng gặp cha (đang xin phong thánh cho cha). Cha mất năm 1933 sau 15 năm xây dựng dòng Phước Sơn. Năm 1936, sau khi dòng đã lớn mạnh và gia nhập dòng Xitô thế giới được 1 năm, dòng Phước Sơn đã cử một số anh em ra bắc lập dòng Châu Sơn ở Nho Quan tỉnh Ninh Bình, thuộc địa phận Phát Diệm. Đến năm 1950, một lần nữa, dòng Phước Sơn lại cử một số anh em vào nam lập dòng Phước Lý tại Xoài Minh (nay là Huyện Nhơn Trạch Tỉnh Đồng Nai).

Năm 1953, do tình hình chiến sự sôi bỏng, dòng Phước Sơn phải lìa bỏ tổ ấm mà bấy lâu nay xây dựng để xuôi nam và sau cùng định cư tại sở đất nhà chung của giáo phận Sài Gòn thuộc xứ Gò Công, Thủ Đức. Đó là “cuộc xuất hành thứ I”. Dòng đã phải bắt đầu xây dựng lại từ con số 0 cho đến năm 1975 thì cơ sở đã ổn định. Dòng cũng đã có 2 cơ sở khác: nông trại tại Phước Lộc (Tỉnh Phước Tuy cũ nay thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhà nghỉ tại Bãi Dâu Vũng Tàu. Năm 1978, cùng chung hoàn cảnh với 4 dòng khác tại Thủ Đức, lại một lần nữa dòng phải thực hiện “cuộc xuất hành thứ II”. Anh em phải tản mác đi nhiều nơi, sau cùng đã họp nhau lại và xây dựng nông trại Phước Lộc thành dòng Phước Sơn như hiện nay. Tên của dòng này thường được gọi là Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, vì các đan viện Xitô ơ Việt Nam thường được dâng kính Đức Mẹ. Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn hiện nay ở số 227/18 Ấp Tân Lộc, xã Phước Hoà, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Giáo phận Bà Rịa). Bề trên đương nhiệm là viện phụ Đôminicô Phạm Văn Hiền, kiêm viện phụ hội trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia ở Việt Nam.

2. Về nhân sự.

Cha-Henri-Denis2.jpg

Từ khi lập dòng cho đến khi qua đời, cha Henri Denis không bao giờ để người ta chụp hình mình. Đây là hình Cha chụp chung với cộng đoàn, mà sau này người ta cắt riêng ra.

Từ khi cha Henri Denis, Đấng Sáng Lập, qua đời năm 1933, nhân sự của dòng không ngừng lớn mạnh. Qua hai lần san sẻ người đi lập dòng Châu Sơn (1936) và Phước Lý (1950), dòng đã đạt đến con số trên 70 vào năm 1975. Từ sau biến cố mùa xuân năm này, cũng như nhiều dòng tu khác ở Việt Nam, dòng đã không thể nhận thêm người mới vì nhiều lý do. Đến năm 1986, khi đất nước bắt đầu đổi mới, nông trại Phước Lộc tạm trở nên dòng Phước Sơn và bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất một cách thô sơ. Năm 1988, sau 13 năm gián đoạn, dòng lại nhận thêm những ứng sinh mới và ngày một thêm đông. Năm 1998, khi nhân sự khá sung mãn, dòng Phước Sơn đã cử thêm một số anh em đi đến Bãi Dâu Vũng Tàu để lập thành đan viện Xitô Thiên Phước. Ba năm sau (2001), lại một lần nữa cộng đoàn cử thêm anh em xuống giáo xứ Vĩnh Kim thuộc giáo phận Vĩnh Long để lập nên đan viện Xitô Phước Vĩnh. Năm vừa qua, dòng Phước sơn lại gởi một số nhân sự do nguyên viện phụ Gioan Vương Đình Lâm dẫn đầu qua Nam California để thành lập một cộng đoàn mới có tên là cộng đoàn thánh Giuse.

Cho đến nay, tổng số nhân sự của cộng đoàn Phướn Sơn đã vượt trên con số 100 khá xa, Trong số đó có 14 linh mục đang còn phục vụ cũng như nghỉ hưu. Nhân sự tuy đông nhưng phải phục vụ rải rác nhiều nơi. Khoảng 90% nhân sự của cộng đoàn có độ tuổi dưới 40 và đang trong thời kỳ đào tạo nền tảng hay đào tạo chuyên sâu. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, cộng đoàn đã phải dồn tất cả khả năng mình có vào việc huấn luyện các đan sĩ trẻ này, đồng thời cũng tìm cách đào tạo thêm những người có khả năng huấn luyện sau này nữa.

3. Vài suy nghĩ.

Nhìn lại dòng lịch sử của Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn chúng tôi có vài suy nghĩ như sau:

Sơ lược vài nét về Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, chúng tôi không mong gì hơn là làm chứng cho một Thiên Chúa quyền năng đã và đang hoạt động mạnh mẽ trong Giáo Hội và các phần tử của Giáo Hội như dòng Phước Sơn là một ví dụ, cám ơn quý vị ân nhân xa gần xưa và nay, đồng thời giúp quý vị đọc giả am tường hơn về dòng Phước Sơn trong quá khứ cũng như hiện tại.

Đan sĩ linh mục M. Kolbe Ngô Quang Tuý OC


• Đọc thêm: “Lược Sử Hội Dòng Xitô Thánh Gia ở Việt Nam”

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 31.07.2007. 08:19