Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dân tộc Tây Tạng đang lay động Phương Tây trong giấc ngủ mùa đông

§ Hà Long

VietCatholic News (Thứ Sáu 21/03/2008 11:38)

Những người Tây Tạng sống lưu vong, khoảng 130.000 giống như người Việt Nam vượt biên đã tổ chức rất hữu hiệu các cuộc biểu tình trên toàn thế giới chống cộng sản Tàu tại: Berlin, München, Hannover, Frankfurt, Lausanne, Zürich, New Dehli, Soul, ở Kathmandu của Nepal, London, Australien, Holland, Warsaw, San Francisco, New York, ở thủ phủ Olympia của Hy Lạp, ngay tại Bắc Kinh cũng có một nhóm sinh viên Tây Tạng đốt nến cầu nguyện… Nơi đâu người Tây Tạng cũng hô to khẩu hiệu „Free Tibet“ để chống lại sự đàn áp dã mãn của giặc xâm lăng Tàu cộng tại quê hương của họ, hình ảnh này đều đập vào mắt giới truyền thông quốc tế và gây ấn tượng tốt nơi người dân bản xứ, cho dù vài vụ bạo động đã xảy ra như tràn vào các tòa đại sứ Trung cộng cướp cờ của họ thay vào cờ Tây Tạng.

80321TayTang1.jpg

Tất cả báo chí và truyền hình của Tây Phương luôn chạy tin hàng đầu hằng ngày về cuộc nổi dậy chống ngoại xâm của dân tộc Tây Tạng từ các ngày qua. Kể các các trang Internet của báo chí thế giới đều có một tiêu đề đặc biệt về nói Tibet và đăng nhiều hình ảnh quân đội đàn áp các đoàn biểu tình và người dân bị giết với nhiều hình thức dã man.

Thủ đô Lhasa đã chính thức bị trùm kín bằng bức màn sắt cộng sản vào ngày 20/3/2008 khi Tàu cộng trục xuất 2 phóng viên cuối cùng của phương Tây là anh người Đức Georg Blume (phóng viên của báo Die Zeit và Taz) và chị người Áo Kristin Kupfer (phóng viên của báo Profil). Sau khi nhà báo Blume rời khỏi Lhasa đã nói với BBC là anh đã nhìn thấy đoàn cơ giới khoảng 200 xe nhà binh, trên mỗi xe chứa 30 người lính - khoảng 6.000 an ninh quân đội đang tuần tiễu trong ngày tại thủ đô Lhasa. Anh Blume kể thêm: „Tại Lhasa dân chúng chưa nhìn được hiện tình xảy ra trầm trọng như thế nào, tuy nhiên phải là người tận mắt chứng kiến thì mới khám phá ra được bởi vì các nguồn tin của Tàu cộng đưa ra đều rất đáng nghi ngờ.“ Quân đội muốn dập tắt phong trào chống Tàu cộng bằng mọi phương cách khi không còn đại diện của giới truyền thông ở Lhasa. Quân đội muốn diệt ngay lòng yêu nước cao độ của người Tây Tạng mà họ đã phải dấu kín hơn 20 năm qua. Người Tây Tạng can đảm phất cao lá cờ tổ quốc (đã bị cấm) ngay tại thủ đô Lhasa và hô vang những lời đả đảo giặc xâm lăng. Như nước vỡ bờ họ đốt đồn cảnh sát, phá tan các cửa hàng hóa của người Tàu và với tay không chống trả lại công an bộ đội, cho dù biết là cái chết sẽ đến rất gần với họ. Điều ấy cho thế giới thấy và nể phục lòng yêu nước vì họ toàn là những người trẻ, những thế hệ được sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản xâm lăng Tàu.

Từ 20 năm nay Tàu cộng chưa phải đối phó với làn sóng yêu nước nồng nhiệt, sự chống đối kịch liệt và bạo lực của người dân Tây Tạng đối với giặc ngoại xâm như lần này. Và từ 20 năm nay cờ Tây Tạng mới được vẫy vùng trên vùng trời quê hương Lahsa của người Tây Tạng và họ tạm được hít thở sinh khí tự do trong tích tắc ngắn ngủi. Sự tình của Tibet biến động hàng giây phút, lúc đầu các chính quyền phương Tây rất thận trọng phê phán và các nước kỹ nghệ lớn đều dùng chung một câu nói „tự kiềm chế khi đối phó với các cuộc biểu tình“ để nhắc nhở chú Tàu cộng sản. Và họ càng cẩn trọng hơn với danh từ „boykott“ khi nói đến Olympia 2008 tại Bắc Kinh. Tuy nhiên hành động đàn áp bằng vũ lực, khí giới và nổ súng giết người của Tàu cộng đang làm cho thế giới phương Tây từ từ bừng tỉnh dậy.

Thế giới phương Tây lên án cộng sản Tàu

Trong buổi yết kiến thứ tư hàng tuần, ngày 19/3 trước 10.000 tín hữu, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, là một trong những người đầu tiên đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo động tại Tây Tạng: “Tôi theo dõi với đầy âu lo tin tức trong những ngày này đến từ Tây Tạng. Tim tôi cảm thấy buồn và đau đớn trước sự đau khổ của quá nhiều người. Mầu nhiệm thương khó và cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta tưởng niệm trong Tuần Thánh giúp chúng ta cách đặc biệt nhạy cảm với tình trạng của người dân Tây Tạng.” Ngài tiếp tục nhận định rằng “các vấn đề không thể giải quyết bằng bạo lực, điều đấy chỉ làm xấu thêm tình hình.”

80321TayTang2.jpg

Tiếp theo trong 27 quốc gia của Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã có những nhà chính trị lên tiếng. Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown quyết định sẽ tiếp kiến Đức Dalai Lama vào tháng 5 tại London. Thái tử Charles đã tuyên bố không tham dự Olympia 2008. Bộ trưởng phát triển giúp đỡ thế giới nghèo của Đức, bà Heidemarie Wieczorek-Zeul họp báo ngày 20/3 cho biết sẽ rời cuộc họp mặt với chính quyền Tàu cộng vào tháng 5 tại Berlin cho đến khi nào Tibet được giải quyết bằng thương thảo. Bà Wieczorek-Zeul nói thêm: „Bạo lực không bao giờ tìm được sự giải quyết, chỉ có đối thoại từ đôi bên mới đạt được sự thoả hiệp.“ Như thế chính quyền Đức khoá lại số tiền 67,5 triệu Euro viện trợ cho Tàu cộng về vấn đề cải tạo môi trường.

Ngoài ra ông Günter Nooke, người điều hành văn phòng nhân quyền của chính phủ Đức lên án thêm: „Cộng đồng thế giới không chấp nhận những gì Tàu cộng đang đàn áp tại Tibet và ngôn từ của chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng không thể tả nổi.“ Điều nhắc thêm nữa là nữ thủ tướng Đức Angela Merkel đã đơn phương đón tiếp Đức Dalai Lama tại bộ thủ tướng vào tháng 9/2007 đã làm cho Bắc kinh rất khó chịu và chống đối ra mặt.

Chiều 20/3/2008 bộ trưởng ngoại giao Đức, ông Frank-Walter Steinmeier nhận định về phóng viên người Đức bị trục xuất ra khỏi Lhasa: „Trung cộng tự làm hại chính mình khi trục xuất các nhà báo phương Tây.“ Khi được hỏi về Olympia, ông trả lời: „Nếu hôm nay là ngày khai mạc thế vận hội thì phải có hàng ngàn phóng viên đến làm việc. Tất cả mọi việc không thể che dấu dưới những tấm thảm lót chân. Olympia có thành công hay không đều năm trong tay của người Tàu.“

Tại Thụy Sĩ 150 nghị viên quốc gia và 26 nghị viên thành phố đã viết thư ngày 20/3 gửi quốc hội phải hành động tương xứng đối với cộng sản Tàu đã dùng bạo lực đàn áp và giết người Tây Tạng. Trong văn thư này nhắc đến điều hệ trọng cho chung Âu Châu: „Thụy Sĩ không được câm nín trước vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Bắc kinh.“

Trong một chương trình đã dự định và cũng may mắn vào thời điểm này các dân biểu Mỹ thăm Đức Dalai Lama vào ngày 21/3/2008 tại ngay tổng hành dinh lưu động của người Tây Tạng được đặt tại miền Bắc Ấn Độ Dharamsala. Đứng đầu phái đoàn là chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi. Tại đây hàng ngàn người hoan hô chào đón phái đoàn Mỹ với rừng cờ Mỹ và Tây Tạng. Bà Nancy Pelosi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy lên án sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng. Một đoạn phát biểu cảm động của bà Pelosi: „Hôm nay chúng tôi đến thăm các bạn trong một thời điểm đau buồn, để muốn đốt lên ngọn nến soi sáng sự thật về cuộc đàn áp tại Tibet.“ Tiếp theo bà nhấn mạnh: „Cuộc đấu tranh tại Tibet là một thách thức cho lương tâm thế giới. Nếu thế giới tự do không lên án chính sách của cộng sản Tàu ở Tây Tạng thì chúng ta đã đánh mất đạo đức để lên tiếng về nhân quyền.''

Ngoài ra các nhà đầu tư quảng cáo cho Olympia 2008 như Adidas, McDonald's, Coca Cola, v.v… đang lo ngại cho danh tiếng tiếng của họ và sợ thế giới tẩy chay không mua hàng của họ. Cho việc quảng cáo Olympia họ đã chi ra 100 triệu Dollar. Từ thời điểm tháng 3 này không cho mọi người đầu tư quảng cáo thấy được viễn tượng sáng sủa là chính trị và thể thao hoàn toàn biệt lập như họ đã nghĩ. Từ đầu năm 2008 chính quyền Bắc Kinh đã mang tiếng xấu về vi phạm nhân quyền từ nội địa cho đến liên quan ủng hộ các chính thể độc tài tại Sudan và Burma vì lợi nhuận buôn bán tài nguyên. Cú sốc lớn hơn hết là nhà đạo diễn đoạt giải Oscar Steven Spielberg tuyên bố từ chức nhiệm vụ quảng cáo cho Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè 2008 vào ngày 14/2/2008 với lý do phản đối Tàu cộng đang tiếp tay với chính phủ nước Sudan đàn áp giết người dân lành (khoảng 200.000) tại khu vực Darfur. Trong giới nghệ sĩ, nữ diễn viên Mia Farrow đã tố cáo về Olympia tại Peking là „Thế Vận Hội Diệt Chủng.“ Diễn viên nam Richard Gere theo đạo Phật đòi hỏi hơn nữa nơi chủ tịch Olympia Thế Giới, ông Jacques Rogge là phải tẩy chay Thế Vận Hội Peking.

Từ biến cố Thiên An Môn 1989 chưa bao giờ Bắc Kinh bối rối và bất an như trong các ngày qua. Họ đã khiển trách Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI và thủ tướng Gordon Brown một cách gay gắt là nhúng tay vào nội bộ Tàu cộng. Chắc chắn các nhà lãnh đạo thế giới tự do sẽ tiếp tục noi theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, thủ tướng Gordon Brown, bà chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi cũng như chính phủ Đức đang làm đối với Bắc Kinh. Ngoài ra các chính khách phương Tây rất mến mộ Đức Dalai Lama - người đoạt giải Nobel hòa bình - ngài có một chỗ đứng vững vàng trong thế giới tự do và ảnh hưởng của ngài lớn rộng. Cách đổ tội và vu oan thóa mạ „chó sói đội lốt thày tu“ cho Đức Dalai Lama của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tự bôi nhọ trên mặt cho 1,3 tỷ người Tàu, điều này càng làm cho thế giới tự do khinh bỉ cách hành xử của cộng sản Tàu.

Bị đè nặng dưới áp lực của thế giới tự do, hãng tin Tân Hoa Xã của Tàu cộng lần đầu tiên đã thú thực vào thứ năm 20/3/008 là quân đội đã nổ súng bắn vào đoàn người biểu tình Tây Tạng tại quận Aba thuộc vùng Sichuan vào chủ nhật, 16/3/2008. Tuy vậy họ chỉ cho biết có 4 người bị thương trong cuộc nổ súng này. Trong khi đó thế giới tự do đều biết số nạn nhân bị quân đội giết chết lên đến 100 người, các hình ảnh nạn nhân bị giết giã man cả thế giới có thể nhìn thấy qua cánh cửa Internet.

Vì lợi nhuận kinh tế giao thương với Tàu làm cho tiếng nói bênh vực nhân quyền tại Tàu cộng luôn luôn yếu thế, tuy nhiên sự đàn áp giết người dã man tại thủ đô Lhasa đối với người dân Tây Tạng đang lay động phương Tây trong giấc ngủ mùa đông. Thế giới tự do sẽ tìm được câu trả lời thỏa đáng cho đến tháng 8/2008 vào dịp Olympia 2008 tại Bắc Kinh, cho dù lễ hội thể thao này được tổ chức hoặc phải huỷ bỏ thì hình ảnh của chú Tàu cộng sản không còn dễ thương như xưa nữa.

Hà Long

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 22.03.2008. 00:07