Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Da Vinci Code và những tiếng nói từ Vatican

§ Trần Duy Nhiên

Trích "Sứ Mệnh Giáo Dân #10, ngày 15/5/06"

Ngày 16-3-2005, trong một cuộc phỏng vấn của tờ nhật báo “Il Giornale” tại Milan, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Tổng Giám mục Genoa, nhấn mạnh rằng cuốn tiểu thuyết của Dan Brown, The Da Vinci Code, ‘nhằm gạt bỏ Giáo Hội và lịch sử Giáo Hội bằng cách tung ra những điều bẩn thỉu phi lý”

Trước đó, chưa bao giờ một giới chức công giáo ở phẩm trật của ngài đã lên tiếng về cuốn sách nói trên. Có lẽ thấy rằng cuốn sách đó - một cuốn tiểu thuyết giải trí thuần túy, gây tò mò để câu khách - nêu những giả thuyết ‘buồn cuời’ quá về Chúa Kitô và về Giáo Hội, nên Tòa Thánh không muốn trở thành ‘buồn cười’ khi phải nói đi nói lại về cuốn sách ấy (và lại gián tiếp gây thêm tò mò, nghĩa là quảng cáo để tác giả và nhà xuất bản kiếm thêm lợi nhuận trên cuốn sách đó!). Tuy nhiên, quá nhiều người, kể cả người công giáo, bị tung hỏa mù; cho nên, ngoài việc mua sách để đóng góp thêm cho túi tiền của nhà xuất bản và tác giả, họ còn bị chới với trước những luận điệu ‘nói láo như thật’. Trước thực tế đó, Đức Hồng Y buộc phải lên tiếng cảnh báo.

Ngài nói: “Ta có thể thấy cuốn sách này có mặt khắp nơi, và nguy cơ là có nhiều người đọc sách đó rồi nghĩ rằng những chuyện ‘cổ tích’ đó là chuyện thật. Tôi nghĩ rằng mình có bổn phận phải làm rõ vấn đề để lột mặt nạ những lời dối trá bần tiện đó!”

Dan Brown bảo rằng Holy Grail không phải là cái Chén Thánh được Chúa Kitô dùng trong bữa Tiệc Ly, nghĩa là trong bữa ăn cuối cùng Ngài dùng với các tông đồ, nhưng đấy là dòng dõi con cháu của bản thân Ngài. Đối với Đức Hồng Y Bertone, ý tưởng này không gì khác hơn là một ‘suy nghĩ đồi bại’ (perversion): “Giống như thể ta trở lại với những bài đả kích giáo hội và hàng giáo phẩm vào thập niên 1800”.

Sở dĩ có cuộc phỏng vấn này, ấy là vì ngày hôm trước, 15-3-2005, ngài đã lên tiếng trên Radio Vatican để mạnh mẽ phê phán cuốn tiểu thuyết ấy. Tuy lời phát biểu của Đức Hồng Y không được xem như là tiếng nói chính thức của Tòa Thánh, nhưng thế giá và uy tín của ngài đủ đảm bảo cho chúng ta xem những nhận định hôm ấy phản ảnh lập trường của Giáo Hội. Quả thật, trước khi được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Genoa, ĐHY Bertone từng là thư ký - nghĩa là nhân vật số hai - tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cạnh vị chủ tịch là ĐHY Joseph Ratzinger, đương kim Giáo Hoàng Bênêđitô XVI. Ngài cũng từng được xem là một trong các hồng y có khả năng kế vị Đức Gioan Phaolô II.

Ngài nhận định rằng: “Lời dụ dỗ quan trọng hay tệ hại nhất, ấy là gợi ý rằng người ta không thể làm một người của thời đại nếu chưa đọc cuốn ‘Da Vinci Code’. Từ đó, cái khẩu hiệu được tung ra trong các trường học, ấy là cần phải đọc cuốn sách này mới hiểu được lịch sử và thấy rõ mọi trò đánh tráo mà Giáo Hội đã thực hiện trong quá trình lịch sử. Đây quả là một sự kiện đau đớn và tàn bạo. Chúng tôi nhận thức được tốc độ mà sách ấy được phổ biến trong các trường học và vì thế chúng tôi đã đề ra một cách thức suy nghĩ và đối diện công khai và dứt khoát với hiện tượng này.”

Đức Hồng Y thẳng thắn nói rằng trong cuốn sách đó có nhiều ‘sai lạc’. Ngài giải thích như sau: “Cuốn sách khẳng định cái gọi là ‘xóa bỏ’ hình ảnh người nữ trong các tường thuật Phúc Âm và trong đời sống Giáo Hội. Không có gì sai cho bằng! ... Ta biết rằng trong Phúc Âm thì Đức Mẹ, gương mặt Người Nữ tiêu biểu, có một chỗ đứng trỗi vượt. Đức Mẹ, Mẹ Chúa Giêsu, cùng với nhóm người nữ trong các tường thuật Tân Ước, nghĩa là trong các sách Phúc Âm, có một đời sống thiêng liêng tương đương với nhóm mười hai Tông Đồ. Ta cũng thấy nhắc đến các nữ trợ tá (mà tiếng Việt ngày nay dịch là ‘phó tế’) trong Giáo Hội tiên khởi: do đó, thật là sai lầm khi cần phải tìm lại một Maria Mađalêna ‘chịu chơi’ - không biết phải gọi thế nào cho đúng cách diễn tả của Dan Brown - mới tìm lại được sự hiện hiện của người nữ! Một yếu tố khác - yếu tố sai lạc nhất - ấy là phủ nhận cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu: các tường thuật Phúc Âm về cuộc Thương Khó của Đức Kitô là những tường thuật tỉ mỉ, rõ ràng, và trung thực đến độ Mel Gibson phải nói lên tiếng nói ‘hãi hùng nền tảng’ qua cuốn phim ‘Thương Khó’ (The Passion of Christ). Đấy không phải là tiếng ‘hãi hùng nền tảng’, mà là một mô tả chính xác, đúng như các tường thuật Phúc Âm. Cái chết của Đức Giêsu đã được chứng minh một cách không thể phủ nhận được, cũng như sự phục sinh của Ngài. Cuốn sách kia (Da Vinci Code) đầy dẫy những lời bịa đặt dối trá!”

Thế như vì sao cuốn sách lại thành công như vậy? Trả lời cho câu hỏi này, Đức Hồng Y nói: “Tôi nghĩ rằng có một chiến lược đằng sau việc phổ biến cái lâu đài của những lời dối trá này, đặc biệt - không còn nghi ngờ gì nữa - là sau biến cố Năm Thánh. Chắc chắn là Giáo Hội, cùng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã có một tác động mạnh đối với nhân loại hiện nay, và điều này đã làm cho nhiều người lo ngại. Chiến lược phát hành đã gây một phong trào xâm nhập thị trường rất rộng lớn, ngay cả tận những nhà sách công giáo, và tôi đã phàn nàn vì có nhiều nhà sách công giáo mua sách này hàng chồng, chỉ vì lý do lợi nhuận... Ngoài ra, còn có một chiến lược nói khích: bạn chưa phải là một Kitô hữu trưởng thành nếu bạn chưa đọc cuốn sách ấy. Vì thế, đây là lời kêu gọi của tôi: Đừng đọc cuốn sách đó, và nhất là đừng mua cuốn sách đó!”

Radio Vatican hỏi:

- Theo nhà xã hội học Philip Jenkins, sự thành công của cuốn sách này xuất phát ở sự kiện là chủ nghĩa chống Công giáo là ‘định kiến cuối cùng mà người ta còn chấp nhận’. Đức Hồng Y nghĩ thế nào?

Ngài trả lời:

- Đúng vậy! Có một định kiến chống Công Giáo. Tôi tự hỏi: nếu người ta viết một cuốn sách với đầy dẫy dối trá như thế về Đức Phật, Đức Mahomet, hoặc giả nếu người ta phát hành một cuốn sách bóp méo lịch sử về biến cố Shoah (cuộc diệt chủng của Hitler đối với người Do Thái), thì chuyện gì sẽ xảy ra? Thế mà người ta lại viết một cuốn tiểu thuyết bóp méo sự kiện lịch sử, hoặc nói xấu, hoặc bôi nhọ một nhân vật lịch sử có uy tín và thế giá trong lịch sử Giáo Hội, và lịch sử nhân loại!

Một năm sau, ngày 28-4-2006, trước sự kiện là cuốn Phim Da Vinci Code sắp được tung ra, Đức cha Angelo Amato, đương kim thư ký Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin thay Đức Hồng Y Bertone, đã kêu gọi mọi người tẩy chay cuốn phim đó.

Ngài tuyên bố: “Tôi mong rằng anh chị em sẽ tẩy chay cuốn phim này” bởi vì nó đầy dẫy “những lời nhục mạ, vu cáo, sai lầm lịch sử và thần học liên quan đến Chúa Giêsu, đến Phúc Âm và đến Giáo Hội”. Những xúc phạm này, “nếu xảy ra đối với kinh Coran hay biến cố Shoah, thì sẽ gây ra một sự nổi dậy khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, vì nó nhắm đến Giáo Hội công giáo, nên không bị trừng phạt!”

Ngài cũng nói rằng: “Đối với những trường hợp này, Kitô hữu nên nhạy cảm để phủ nhận những lời dối trá và bôi nhọ một cách vô tội vạ kia.” Và ngài cũng nhắc rằng năm 1988, phim “Cơn cám dỗ cuối cùng” (The Last Temptation of Christ) của Martin Scorsese, theo tiểu thuyết cùng tên của Nikos Kazantzakis, ‘đã bị tẩy chay một cách xứng đáng’ và đã thua lỗ mọi mặt, kể cả về mặt tài chánh.

Riêng Opus Dei thì không kêu gọi tẩy chay gì cả, có lẽ vì không muốn gián tiếp quảng cáo cho phim này như trường hợp phim ‘Thương Khó Chúa Kitô’ (The Passion of Christ) của Mel Gibson. Tuy nhiên, Hội đã yêu cầu Hãng Sony nói rõ ở đầu phim rằng đây chỉ là một tác phẩm hư cấu (fiction). Cho đến giờ, Sony chưa trả lời yêu cầu trên.

Opus Dei lên tiếng như sau: “Da Vinci Code bóp méo hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo. Việc truyền bá cuốn sách cũng như cuốn phim là một cơ hội để Giáo Hội bộc lộ chân tính. Trong Thông Điệp Deus Caristas Est, Đức Bênêđitô XVI nhấn mạnh rằng bác ái là một nét chủ yếu của Giáo Hội: Như vậy, tình yêu chính là lối phục vụ mà Giáo Hội thực hiện để đáp ứng với những đau khổ và những nhu cầu, kể cả vật chất, của con người. Ngài cũng nhắc đi nhắc lại về Lòng Thương Xót Chúa và nếu ta muốn giải độc hữu hiệu thì phải trình bày gương mặt trung thực của Thiên Chúa và Con của Người.”

Để kết thúc những tiếng nói trên, có lẽ cũng nên nghe những lời sau đây của Cha Raniero Cantalamessa, người được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm nhà Truyền Giảng tại Giáo Triều (Preacher for the Papal Household) từ năm 1981. Những lời này được trích từ bài giảng của ngài trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vừa qua, trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI: “ Ngày nay, người ta bán Chúa, không phải đế lấy 30 đồng bạc, mà để lấy bạc tỉ!”

Trần Duy Nhiên tổng hợp

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2006. 10:23