Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

'Da Vinci Code' và 'Da Vinci Deception

§ Lm Anphong Trần Đức Phương

Nguồn: Sứ Mệnh Giáo Dân #21

Khi mới lớn lên tôi đã nghe đến tên của Ông “Da Vinci”, nhưng theo kiểu viết của tiếng Pháp “Léonard de Vinci” (Sau này mới biết tên Ông trong tiếng Ý là Leonardo Da Vinci) và được biết Ông là một người nổi tiếng đa tài, kể như vào bậc nhất thế giới từ trước đến giờ; lúc đầu Ông nổi tiếng như một nhà hội họa; đặc biệt qua bức danh họa “La Gioconda” (La Joconde); cũng thường được biết dưới tên “Mona Lisa” “Bà Lisa” . Mona Lisa là tên của một phụ nữ thành Florence, nước Ý, và được cho là chân dung trong bức họa nổi tiếng này. Bức danh họa này được hoàn thành vào khoảng năm 1503-1507.

Ngoài tác phẩm La Gioconda và các bức họa nổi tiếng khác, Leonard de Vinci còn nổi tiếng qua bức danh họa “Cena” (La cène; The Last Supper; Bửa Tiệc Ly) diển tả lại “Bửa Ăn Tình Thương” (Agapé) của Chúa Giêsu và 12 Tông Đồ vào buổi tối trước khi Chúa Giêsu ly biệt các Tông đồ (Tiệc Ly) để ra đi tự nộp mình, bước vào cuộc khổ nạn và chịu chết để chuộc tội cho nhân lọai. Trong bửa ăn tối đó, Chúa Giêsu đã cúi mình xuống rửa chân cho các Tông đồ để dạy các ông bài học yêu thương và phục vụ, và phục vụ trong khiêm tốn (Gioan 13:4…). Chúa Giêsu cũng tâm tình rất nhiều với các Tông đồ, căn dặn các Ông nhiều điều quan trọng (Gioan các đọan 13, 14, 15, 16), rồi Người cầu nguyện với Chúa Cha cho các Ông (Gioan đọan 17). Cũng trong “Bửa Ăn Tình Thương” này, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh (Chức Linh Mục) (Luca 22:19-20). Khi đọc lại Phúc Âm theo Thánh Gioan các đọan vừa trích dẩn ở trên (13, 14, 15, 16, 17), chúng ta thấy “Bửa Ăn Tình Thương” thật cảm động, đầy tình yêu thương của Chúa Giêsu với các Tông đồ, mà không một bức danh họa nào, dù bức danh họa của Leonard da Vinci, có thể diển tả được.

Leonard (1452-1519) sinh tại Vinci gần Florence (Bắc Ý). Vì sinh ra ở Vinci nên có tên Leonard de Vinci. Ngoài hội họa, Ông còn nổi tiếng về nhiều ngành khác, như kiến trúc sư, kỷ sư… và còn là một nhà bác học. Trong hai năm vừa qua tên Ông càng được thế giới biết đến nhiều hơn, qua cuốn sách do Dan Brown viết và cuốn phim dựa vào cuốn sách này, do giới điện ảnh Holly Wood thực hiện mang cùng tên “DA VINCI CODE”. Cuốn sách này là một thứ “tiểu thuyết trinh thám” có tính cách “giật gân”, đầy những giả tưởng ngụy tạo đi ngược lại với Kinh Thánh và niềm tin của người Kitô hữu; hơn nữa, còn nhằm vào việc hạ uy tín các Giáo Hội Kitô giáo, nhất là Giáo hội Công Giáo vì cho rằng Giáo hội đã “che dấu sự thật để bảo vệ tín điều về bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu”.

Dan Brown muốn khơi dậy phong trào muốn “nhân bản hóa” Chúa Giêsu để Ngài “có thể gần gủi hơn với mọi người và mọi người có thể dể dàng đến với Ngài hơn !”. Có nhóm còn chủ trương Chúa Giêsu là một người “gay” (đồng tính luyến ái) để biện minh cho những người “gay” và chủ trương “hôn nhân đồng tính” (same sex marriage). Nhóm “nhân bản hóa” Chúa Giêsu chủ trương Ngài cũng phải có gia đình, có vợ con… và như vậy “các linh mục cũng cần phải lập gia đình, có vợ con …”. Mấy thập niên trước, chúng ta cũng đã thấy có cuốn phim “THE LAST TEMPTATION”, cũng nhằm mục đích trên, và cũng nhấn mạnh là bà Mary Madalena là vợ của Chúa Giêsu! Tuy nhiên cuốn Da Vinci Code có nhiều “giả tưởng ngụy tạo” hơn nhiều.

Vì có tính cách “giật gân” kích thích tính tò mò, nên khi cuốn sách của Dan Brown xuất bản vào năm 2003 tại Hoa Kỳ, thì nhiều người đã mua để đọc và cuốn sách đã bán rất chạy. (Thật ra không phải chỉ cuốn sách này, mà nhiều cuốn sách cũng như phim ảnh ngày nay thường bắt chước nghệ thật quảng cáo “giật gân” kích thích tính tò mò để “câu đọc giả và khán giả”). Nhận thấy có thể kiếm được “lợi nhuận lớn”, nếu quay thành phim, nên giới điện ảnh doanh thương Holly Wood đã mau mắn xin đóng thành phim với cốt truyện phim do Akiva Goldsman viết thành kịch bản, và Ron Howard đạo diển cùng với nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng của Holly Wood. Nơi đây xin mở một dấu ngoặc là: trước đây chừng ba năm, Mel Gibson muốn thực hiện cuốn phim “THE PASSION OF THE CHRIST”, ông đã nhờ Holly Wood yểm trợ, nhưng không được, nên Mel Gibson đã tự xuất vốn và đi vay mượn để thực hiện cuốn phim này. Cuốn phim đạo đức này đã thành công rực rở (chúng tôi có gửi kèm bài viết về cuốn phim này để quý vị xem thêm).

Vào ngày 19 tháng 5, năm 2006, phim Da Vinci Code đã được chiếu tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới; mà đầu tiên lại ở Trung quốc, một quốc gia còn trong chế độ Cộng sản vô thần. Cũng vì tính tò mò nên nhiều người đi xem. Tuy nhiên, khi đem chiếu khai mạc tại Đại hội điện ảnh lần thứ 59 tại Cannes (Pháp) vào ngày 18 tháng 5 năm 2006, phim này đã bị các nhà phê bình điện ảnh đánh giá thấp về nhiều phương diện và chỉ được xếp vào hạng C+.

Có những quý vị ở Hoa Kỳ cũng như từ Việt Nam đã gọi điện thọai hoặc email để hỏi tôi về những điều “ngụy tạo” trong cuốn sách cũng như phim này và chúng tôi đã giải thích được một phần nào. Giáo Hội tại Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ đã có những thơ mục vụ, các tài liệu để hướng dẫn. Tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể đọc các tài liệu hướng dẫn qua các “Mạng Lưới”, như:
www.davinciAntidote.com
www.davinciHoax.com

Chúng tôi cũng xin đặc biệt giới thiệu cuốn sách “The DA VINCI DECEPTION” (by Mark Shea, Ascension Press, 2006). Cuốn sách nhỏ này dễ đọc và “giải mã” được những điều “ngụy tạo giả tưởng” của cuốn “DA VINCI CODE”.

Có những vị lại hỏi tôi: tại sao Chúa Giêsu và Giáo hội của Chúa, luôn bị nhiều người “tấn công”… như vậy. Chúng tôi xin chia sẽ các tư tưởng sau đây:

Khi Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse dâng Chúa Hài Nhi Giêsu vào Đền Thờ Giêrusalem theo lề luật Do Thái lúc bấy giờ, Ông Già đáng kính Simeon đã ẵm lấy Chúa Hài nhi và sau khi nói tiên tri “Ngài sẽ là ánh sáng chiếu soi các dân tộc”, Ông lại nói tiên tri thêm rằng “Hài nhi này sẽ là dấu hiệu cho nhiều người chống đối….” (Luca 2:22…). Thực vậy, suốt cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu luôn sống nghèo khó (con cáo có hang, Con Người không có chổ dựa đầu…) để rao giảng Tin Mừng Tình Thương cho mọi người. Ngài yêu thương mọi người kể cả những người tội lỗi vì yếu đuối đến với Ngài để xin tha thứ. Như một mục tử nhân lành, Ngài đi tìm “con chiên lạc”, vác lên vai và đưa về đoàn chiên. Ngài đến với dân nghèo và những người bịnh họan, phong cùi để an ủi và chữa lành cho họ. Tuy nhiên vẫn có những kẻ chống đối và thù ghét Ngài. Tai sao?..Lý do là: Vì Ngài là “ánh sáng chiếu soi trần gian…” (như Ông Già Simeon đã nói), mà những kẻ sống theo thế gian, sống trong “bóng tối” thì thù ghét “Ánh sáng!”. Hơn nữa, Ngài luôn rao giảng “Sự Thật” (Sự thật sẽ giải thóat chúng con!). Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã nói thẳng” Tôi đến thế gian để làm chứng cho Sự Thật…” (Gioan 18:37); mà “Sự thật thì hay mất lòng!” như cha ông chúng ta đã nói. Vì thế người ta mới chống đối Ngài và giết Ngài trên Thập tự giá. Khi Ngài đã sống lại, họ còn âm mưu tung ra câu chuyện bịa đặt là “các Tông đồ đã cướp xác Chúa Giêsu mà dấu đi!…. Trong khi chính các Tông đồ lúc đó lại “Ở trong nhà, đóng kín cửa lại, vì sợ người Do Thái!…” (Gioan 20:19). Qua mỗi thời đại, những kẻ gian xảo, sống trong bóng tối cũng luôn thù ghét Chúa Giêsu và Giáo hội của Ngài.

Chúa Giêsu cũng đã cảnh cáo các Tông đồ và mỗi người chúng ta: “Nếu thế gian ghét chúng con, thì chúng con hãy biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước rồi… Nếu chúng con sống theo thế gian, thế gian sẽ yêu thích chúng con; nhưng vì chúng con không sống theo thế gian, nên thế gian ghét chúng con… Nếu họ đã bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại chúng con… Họ sẽ làm tất cả những gì có thể được để chống lại chúng con chỉ vì chúng con mang danh Thầy!” (Gioan 15:15…). Trong thư thứ 1Gioan cũng có đọan viết “Anh em đừng ngạc nhiên, nếu thế gian ghét anh em…” (1Gn 3:12).

Đứng trước những cuộc bách hại tàn bạo do Neron và các Hoàng Đế Rôma gây ra để nhằm tiêu diệt Giáo Hội Chúa vào những thế kỷ đầu, Thánh Ignatio (chịu tử đạo khỏang năm 107) đã viết: “Đạo Thánh Chúa Kitô trở nên thật cao cả khi bị thế gian thù ghét!”. Thánh Giám Mục Bonifacio (Tử đạo vào năm 754) viết: “ Trong cuộc hành trình vượt biển trần gian, con thuyền vĩ đại của Giáo hội, luôn bị sóng to, gió lớn xô đẩy mạnh mẽ… Đừng sợ hải bỏ trốn, nhưng hãy tiếp tục cuộc hành trình…”, vì Chúa Giêsu đã nói “Kiên nhẩn đến cùng, chúng con sẽ được giải thóat…”.

Theo gương Chúa Giêsu, Giáo hội cũng rao giảng Tin Mừng tình thương, đi đến đâu cũng mở mang văn hóa, giúp đở những người nghèo khó, bịnh họan, những người cần được giúp đở. (Đan cử như khi đi về Việt Nam, đi thăm các trại phong cùi, từ Bắc chí Nam, chúng ta đều thấy có các linh mục, các tu sĩ nam nữ hiện diện để giúp đở). Nhưng ở đâu Giáo hội cũng gặp những chống đối, và thù nghịch; bị bách hại cách này hay cách khác.

Tệ hại hơn nữa, Chúa Giêsu còn cảnh cáo thêm điều quan trọng này là : Sẽ đến lúc những kẻ giết chúng con lại tưởng là họ đã làm một việc để tôn vinh Thiên Chúa!” (Gioan 16:2). Đó là những kẻ nội phản; những kẻ mà Thơ 1Gioan gọi là “những kẻ phản bội Chúa Kitô” (Antichrists)(1Gioan 2:18…). “Họ xuất thân từ hàng ngủ chúng ta; nhưng rồi không còn thuộc về chúng ta nữa!”. (1Gioan 2:19). Thánh Phaolô, trong thơ I gửi cho Timôthê cũng đã nói đến những kẻ thích gieo rắc “một thứ Giáo lý khác lạ…những điều hoang đường…”.

Sau thời các Thánh Tông đồ, vào những thế kỷ đầu, lại xuất hiện những “Tà Thuyết” qua các “mạo thư” như Phúc Âm của Đức Maria, Phúc Âm Tôma, Phúc Âm Philíphê, Phúc Âm Giuđa…. Những nhóm “Ly giáo” (Schism) hoặc “Lạc giáo” (Heresy) vẫn xuất hiện qua dòng thời gian để “rao giảng những điều sai lạc để giết Đức tin tinh tuyền của các tín hữu Chúa”. Những chủ trương sai lạc này, hoặc chối bỏ bản tính nhân lọai của Chúa Giêsu… Hoặc chối bỏ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu… Trong thời đại chúng ta, họ đã dùng những phương tiện truyền thông và phim ảnh để gieo rắc những điều lầm lạc để nhằm tiêu diệt lòng tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh và Giáo hội Chúa. Hơn nữa, ngày nay có những cuốn sách, cuốn phim nặng về thương mại, đã xuyên tạc sự kiện lịch sử, và coi thường giá trị tôn giáo, giá trị danh dự của cả một dân tộc… chỉ nhằm tính cách “giật gân” để câu đọc giả và khán giả. Đan cử như cuốn phim “The Platoon” về chiến tranh Việt Nam vào mấy thập niên trước đây. Khi tôi hỏi ý kiến của một cựu chiến binh Hoa Kỳ về cuốn phim này, ông chỉ lắc đầu và nói “Garbage!”.

Trước những “tà thuyết” và những “ngụy tạo” của những sách báo, phim ảnh để chống lại Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội (thường khi chỉ để kích thích tính tò mò của con người nhằm quảng cáo và làm thương mại), chúng ta không cần “hỏang sợ”; nhưng cần cầu xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn để sáng suốt nhận định và “nắm vững Đức Tin tinh tuyền”, như thơ 1Phêrô đã chỉ bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức; vì ma qủy, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé… Anh em hãy đứng vững trong Đức tin mà chống cự lại…” (1 Phêrô 5:8…).

“Thánh Thần! Cúi xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài… Xin Ngài đổi mới… Chiếu sáng thế gian u mê… Dẩn dắt chúng con trên đường… Xin ban thêm sức kiên vửng không lay..." (trích trong bài Thánh ca “Thánh Thần Hãy Đến” của Cha Thành Tâm).

Lm Anphong Trần Đức Phương

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.06.2006. 18:57