Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

'Da Vinci Code' (tổng hợp)

§ Pt Giuse Trần Văn Nhật

Trích nguoitinhuu.com

1. "Da Vinci Code" là gì?

Đó là một cuốn tiểu thuyết được nhà xuất bản Doubleday cho phát hành vào tháng Ba 2003 và được quảng cáo rầm rộ. Kết quả là cuốn này đứng đầu danh sách bán chạy nhất của New York Times với hàng triệu ấn bản. Trong năm 2006 một cuốn phim sẽ được ra mắt dựa trên tiểu thuyết này.

2. "Da Vinci Code" nói về cái gì?

Đó là một câu chuyện giật gân bao gồm nhiều tổ chức bí mật, các âm mưu, Giáo Hội Công Giáo, và "sự thật" giả tưởng về Đức Giêsu Kitô. Đây là phần tóm lược của chính tác giả Dan Brown:

Một chuyên gia biểu tượng (symbologist) nổi tiếng của Harvard được mời đến Viện Bảo Tàng Louvre để khảo cứu một loạt bí ẩn có liên hệ đến các tác phẩm của nhà danh họa Da Vinci. Trong khi tìm hiểu các bí ẩn ấy, ông khám phá ra yếu tố then chốt của một trong những bí ẩn lớn lao nhất của mọi thời đại... và ông trở nên một người bị săn đuổi.

Qua tình tiết của câu chuyện, tiểu thuyết này cho rằng chính Giáo Hội Công Giáo luôn luôn duy trì một âm mưu lớn lao, kéo dài hàng thế kỷ để che giấu không cho công chúng biết "sự thật" về Đức Giêsu Kitô, và các tay sai của Giáo Hội sẵn sàng thi hành bất cứ gì có thể, kể cả việc giết người, để duy trì âm mưu đó.

3. Danh họa Leonardo da Vinci có dính dáng gì đến câu chuyện này?

Da Vinci được miêu tả là một cựu thủ lãnh của âm mưu nhằm bảo vệ "sự thật" về Đức Giêsu Kitô. Trong tiểu thuyết, ông ta được cho rằng đã cài đặt những dấu hiệu bí mật và mã số trong các tác phẩm của ông, nhất là trong bức tranh Tiệc Ly. Theo cuốn tiểu thuyết, bức tranh này có vẽ người vợ của Đức Giêsu, là Maria Mađalêna, ngồi bên cạnh như một biểu hiệu quan trọng trong những giảng dậy của Đức Giêsu. Trên thực tế, nhân vật mà tác giả Dan Brown cho là Maria Mađalêna thì đó là Thánh Gioan Tông Đồ, người mà truyền thống thường coi là vị tông đồ trẻ nhất và vì thế các bức tranh thời trung cổ thường vẽ ngài không có râu.

4. Tại sao người Công Giáo phải lưu tâm đến cuốn tiểu thuyết này?

Tuy là một truyện giả tưởng, cuốn sách này tự cho là một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, và qua nhiều trang giấy nó muốn người ta nghĩ rằng nó dựa trên sự thật. Ngay ở đầu sách nó có cả một trang "dữ kiện" nhấn mạnh đến tính chất được cho là có thực của các ý tưởng đặc biệt trong sách. Kết quả là nhiều độc giả, Công Giáo hay không Công Giáo, đều coi các ý tưởng đó là quan trọng.

Vấn đề là cuốn sách này đưa ra nhiều ý tưởng không đúng sự thật, và chúng đi thẳng vào cốt lõi của đức tin Công Giáo. Thí dụ, cuốn tiểu thuyết này cổ võ các ý tưởng sau:

- Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa; ngài chỉ là một con người.

- Đức Giêsu kết hôn với bà Maria Mađalêna.

- Bà này được tôn thờ như một nữ thần.

- Đức Giêsu làm bà mang thai và có một đứa con gái.

- Người con gái này đứng đầu một dòng họ nổi tiếng và hiện vẫn còn lưu truyền ở Âu Châu cho đến ngày nay.

- Kinh Thánh là do một hoàng đế ngoại đạo La Mã tổng hợp.

- Các cuốn Phúc Âm được sửa đổi để hỗ trợ cho những luận điệu của Kitô Hữu sau này.

- Theo các Phúc Âm nguyên thủy thì bà Maria Mađalêna chứ không phải ông Phêrô được lệnh thành lập Giáo Hội.

- Có một tổ chức bí mật được gọi là Priory of Sion hiện vẫn tôn thờ bà Maria Mađalêna như một nữ thần và cố gắng duy trì sự thật này.

- Giáo Hội Công Giáo có biết điều này và từng cố gắng hàng thế kỷ để ngăn cản. Giáo Hội thường phạm tội giết người khi thi hành công việc này.

- Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng và thường ám sát các hậu duệ của Đức Giêsu không cho dòng dõi ngài phát triển.

Người Công Giáo phải lưu tâm đến cuốn sách này vì nó không chỉ sai lầm trình bầy Giáo Hội như một tổ chức giết người nhưng nó còn ngụ ý rằng đức tin Kitô Giáo thì thực sự lầm lạc.

5. Ai là tác giả cuốn tiểu thuyết này?

Tác giả là Dan Brown. Ông ta nguyên là một thầy giáo Anh Văn từng viết ba cuốn sách. Hai cuốn đầu, Digital Fortress và Deception Point, là những cuốn giật gân thời đại. Với cuốn tiểu thuyết thứ ba, Angels & Demons, ông quay sang kiểu giật gân dính dáng đến tôn giáo và Tòa Thánh Vatican. Cuốn Da Vinci Code tiếp tục chiều hướng đó, và nó nổi tiếng đến độ cứu vãn được số bán của các cuốn trước.

Ông Brown dự định dùng cuốn The Da Vinci Code như một bàn đạp cho hàng loạt sách tương tự sẽ dùng đến người hùng của câu chuyện là Robert Langdon, và nhân vật sẽ "đặt chân đến Ba Lê, Luân Đôn và Hoa Thịnh Đốn" để khám phá ra các "sự thật" khác.

6. Luận điệu của cuốn sách về Priory of Sion là gì?

Theo trang "sự thật", Priori of Sion là một tổ chức bí mật có thật ở Âu Châu được thành lập năm 1099. Vào năm 1975, Bibliothèque Nationale (Thư Viện Quốc Gia) ở Ba Lê tìm thấy các mảnh giấy da được gọi là Les Dossiers Secretes (Hồ Sơ Mật), trong đó kể ra một lô phần tử của tổ chức Priori of Sion, kể cả Isaac Newton, Botticelli, Victor Hugo, và Leonardo da Vinci.

Cuốn tiểu thuyết này tiếp tục vẽ vời Priori of Sion như một tổ chức bí mật nhằm bảo vệ dòng giống của Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna. Vì nó được cho là nắm giữ bí mật về dòng giống này nên bị Giáo Hội Công Giáo bách hại. Tổ chức này còn tận tụy tôn thờ "nữ thần" và tổ chức các cuộc truy hoan như một hình thức thờ phượng.

7. Les Dossiers Secretes (Hồ Sơ Mật) là gì?

Đó là một lô tài liệu được tìm thấy trong Bibliothèque Nationale mà có vẻ nó đã thiết lập phả hệ lịch sử của tổ chức bí mật Priory of Sion. Các tài liệu này được phổ biến trong những năm 1970 và được dùng làm nền tảng cho các cuốn Holy Blood, Holy Grail, The Messianic Legacy, và sau này, cuốn The Da Vinci Code. Các tài liệu này được thành hình bởi một nhóm đứng đầu là Pierre Plantard, người bị kết tội lừa đảo.

Tuy cuốn The Da Vinci Code tiếp tục coi tài liệu này là xác thật, nhiều văn sĩ về loại "lịch sử" bí mật cho rằng chúng giả mạo. Ngay cả các tác giả cuốn Holy Blood, Holy Grail, và The Messianic Legacy sau này cũng đặt vấn đề.

8. Câu chuyện thật của tổ chức Priori of Sion là gì?

Priori of Sion là một nhóm được thành lập năm 1956 bởi bốn thanh niên người Pháp. Hai người là André Bonhomme (là chủ tịch khi thành lập) và Pierre Plantard (trước đó bị sáu tháng tù vì tội gian lận và biển thủ).

Tên của nhóm này được đặt theo một ngọn núi ở Pháp (Col du Mont Sion), chứ không phải núi Sion ở Giêrusalem. Nó không dính dáng gì đến các thuộc Thập Tự Chinh, hoặc các phong trào trước đây nhằm du nhập tên "Sion" vào tên của họ.

Nhóm này tan vỡ sau một thời gian ngắn, nhưng sau đó Pierre Plantard phục hồi lại, tự cho rằng hắn là "đại thủ trưởng" của tổ chức, và bắt đầu đưa ra các luận điệu về tính chất cổ điển của nhóm, các phần tử lúc đầu, và các mục đích thực sự. Chính Pierre là người cho rằng tổ chức này phát xuất từ các cuộc Thập Tự Chinh, hắn (cùng với các cộng tác viên sau này) đã sáng tác và thêm mắm muối cho Les Dossiers Secretes trong Bibliothèque Nationale, và hắn dựng ra câu chuyện là tổ chức này từng bảo vệ một hoàng tộc bí mật mà một ngày nào đó sẽ trở lại nắm quyền chính trị.

9. Đâu là bằng cớ cho rằng đây là gốc gác đích thật của tổ chức Priori?

Sau khi những luận điệu của tên Plantard về tổ chức Priori được công chúng chú ý, các cộng tác viên của hắn trước đây lại mâu thuẫn với hắn. Vào năm 1996 trong một công bố được người chủ tịch đầu tiên là André Bonhomme đưa ra cho đài BBC, ông khẳng định:

Tổ chức Priori of Sion không còn hiện hữu nữa. Chúng tôi không bao giờ dính dáng đến bất cứ hoạt động nào có bản chất chính trị. Đó là bốn người bạn đến với nhau cho vui. Chúng tôi tự gọi mình là Priori of Sion vì có một ngọn núi cùng tên ở gần đó. Tôi chưa từng gặp Pierre Plantard trên hai mươi năm qua và tôi không biết hắn có ý định gì nhưng hắn luôn luôn có óc tưởng tượng dồi dào. Tôi không hiểu tại sao người ta lại làm lớn chuyện từ một điều chẳng là gì cả.

Chính đài BBC kết luận:

Không có một chứng cớ nào về tổ chức Priori of Sion mãi cho đến thập niên 1950; để tìm ra tổ chức này, bạn phải đến một thành phố nhỏ tên là St. Julien. Theo luật lệ của Pháp, mọi câu lạc bộ hay tổ chức mới đều phải đăng ký với nhà chức trách, và đó là lý do tại sao có một hồ sơ ở đây cho thấy rằng tổ chức Priori of Sion đã điền đầy đủ giấy tờ vào năm 1956. Theo một phần tử sáng lập, tên của tổ chức kỳ cục này không phải xuất phát từ Giêrusalem nhưng từ một ngọn núi gần đó (cao khoảng 786 mét). Hồ sơ này cũng viết rằng Pierre Plantard, đại thủ trưởng tự xưng, nhân vật chính của câu chuyện này đã từng bị tù một thời gian.

10. Cuốn The Da Vinci Code nói gì về Opus Dei?

Theo trang "sự thật": Một phủ giám hạt của Vatican gọi là Opus Dei, là một bè phái Công Giáo rất đạo đức từng là đề tài của cuộc tranh luận mới đây vì những việc tẩy não, ép buộc, và một thực hành nguy hiểm gọi là "phạt xác." Opus Dei vừa mới hoàn tất việc xây cất National Headquarters (Tổng Hành Dinh Quốc Gia) trị giá 47 triệu ở số 243 đường Lexington Nữu Ước.

Cuốn tiểu thuyết này tiếp tục diễn tả Opus Dei là "một Giáo Hội Công Giáo" và trình bầy nó như một đan viện với các phần tử có nhiệm vụ ám sát.

11. Lịch sử thật sự của Opus Dei là gì?

Theo vị giám đốc liên lạc của Opus Dei Hoa Kỳ, ông Brian Finnerty:

Opus Dei được thành lập ở Tây Ban Nha vào năm 1928 bởi một linh mục Công Giáo, Thánh Josemaria Escrivá, với mục đích cổ vũ sự thánh thiện của giáo dân. Tổ chức này bắt đầu gia tăng với sự hỗ trợ của các giám mục địa phương và được chuẩn nhận như một giáo hoàng học viện đời bởi Tòa Thánh vào năm 1950. Hoạt động của Opus Dei từng được chúc lành và được khuyến khích bởi các Giáo Hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Vào năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đặt tổ chức này như một phủ giám hạt tư của Giáo Hội Công Giáo sau khi cẩn thận nghiên cứu vai trò của nó trong sứ vụ của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi vị sáng lập tổ chức Opus Dei là "vị thánh của đời sống hàng ngày."

12. Opus Dei trong thực tế so sánh với trong tiểu thuyết The Da Vinci Code thì như thế nào?

Có rất nhiều điểm không đúng trong tiểu thuyết The Da Vinci Code. Sau đây là một số điều hiển nhiên mà ông Finnerty đã xếp loại và phê bình:

- Tác giả chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về cơ cấu Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức khác nhau của Giáo Hội. Không những ông sai lầm nhận định Opus Dei như một "bè phái" ông còn gọi tổ chức ấy là "một Giáo Hội Công Giáo," một "tu hội," một "Phủ giám hạt tư của chính Đức Giáo Hoàng," và "Phủ Giám Hạt Tư của Thành Phố Vatican."

- Gọi Opus Dei là "một Giáo Hội Công Giáo" thì không có nghĩa gì cả. Opus Dei cung cấp việc đào tạo tinh thần hơn là các chức năng của một giáo phận bình thường, ngoại trừ một vài trường hợp tách biệt mà Đức Giáo Hoàng hay một giám mục yêu cầu Opus Dei thi hành công việc nào đó. Chính vì thực chất của ý niệm "chung" mà chỉ có một Giáo Hội Công Giáo, và Opus Dei là một phần tử ở trong đó.

- Tu hội cũng là một danh từ không thể áp dụng cho Opus Dei, vì tổ chức này chỉ cung cấp một phương cách nên thánh cho giáo dân là những người không được kêu gọi vào một dòng tu. Cũng chính vì lý do này, việc diễn tả sự hiểm ác của Opus Dei như một đan sĩ trong áo dòng và các trung tâm của Opus Dei như dòng kín là nơi người ta rút lui ra khỏi thế gian để sống đời cầu nguyện thì hoàn toàn trái với thực tế.

- Những chuyển vị thay đổi của "phủ giám hạt tư" mà tác giả dùng để diễn tả Opus Dei đã gợi lại những điều tỉ như một đạo binh riêng của đức giáo hoàng, một nhiệm vụ ngoài pháp lý không thuộc quyền bính của Giáo Hội. Chữ "tư" không có nghĩa Opus Dei thuộc về cá nhân đức giáo hoàng hay viên chức Tòa Thánh nhưng nó ám chỉ sự kiện là quyền tài phán của phủ này áp dụng cho cá nhân chứ không phải một lãnh thổ riêng biệt.

- Opus Dei đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp đỡ giáo dân tìm kiếm sự thánh thiện trong đời sống hằng ngay. Nó không có đan sĩ, hay bất cứ phần tử nào như nhân vật ghê sợ trong tiểu thuyết là Silas.

- Tác giả diễn tả về những "rèn luyện" của Opus Dei, được tượng trưng bởi các nghi thức đánh tội đầy máu của Silas, là những thêu dệt tệ hại và xuyên tạc thô bỉ. Ông đã lấy những hành động đạo đức về ăn năn sám hối của các vị đại thánh trong Giáo Hội, kể cả Thánh Josemaria Escrivá, và biến chúng thành một tấn tuồng ghê sợ quái dị.

- Giống như vậy, việc dậy bảo đức tin, khuyên bảo tinh thần, và trở nên một Kitô Hữu nhân chứng (đối với tác giả đó là "tẩy não," "ép buộc," hay "chiêu mộ") là những khía cạnh căn bản của đức tin Kitô Giáo, chứ không phải những rèn luyện của Opus Dei.

13. Tổ chức Opus Dei có phản ứng với nhà xuất bản cuốn tiểu thuyết này không về những miêu tả sai lầm trong sách?

Có. Ông Finnerty giải thích rằng tổ chức đã gửi một lá thư phản kháng với nhà xuất bản, ông nói:

"Một ít lâu trước khi phát hành cuốn The Da Vinci Code, chúng tôi có gửi một lá thư cho nhà xuất bản Doubleday để vạch ra một số trong biết bao sai lạc trong tiểu thuyết và giải thích rằng "việc diễn tả tổ chức Opus Dei trong cuốn sách này thì sai lầm và không đúng trong bất cứ phương cách nào."

Lá thư cũng cho biết thật sự Opus Dei là gì.

14. Cuốn The Da Vinci Code nói gì về nguồn gốc Kinh Thánh?

Cuốn này viết: "Bạn ơi, Kinh Thánh là một sản phẩm của con người... Không phải của Thiên Chúa... Kinh Thánh, như chúng tôi biết ngày nay, được tổng hợp bởi một hoàng đế ngoại đạo Rôma là Constantine Đại Đế" (231)

Đây là điều sai lầm. Tiến trình tổng hợp Kinh Thánh phải mất một thời gian dài; nó không chỉ được tổng hợp có một lần. Cũng như Constantine không dính dáng gì đến tiến trình này, dù trước hoặc sau khi ông trở lại Kitô Giáo.

15. Đâu là chứng cớ Kinh Thánh được hình thành độc lập với Constantine?

Cựu Ước được hình thành trong nhiều thế kỷ. Chúa Giêsu và các tông đồ đã nhận biết giá trị của các bản văn Cựu Ước có trong thời của các ngài, như được minh chứng bởi các câu sau đây:

- "Và bắt đầu từ Môsê và các ngôn sứ, Người (Đức Giêsu) giải thích cho họ những gì liên quan đến Người trong sách thánh" (Luca 24:27).

- "Các ông tìm kiếm trong sách thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông tìm được sự sống đời đời; và chính những điều đó lại làm chứng về tôi"(Gioan 5:39).

- "Theo thói quen, ông Phao-lô đến với họ, và trong ba tuần lễ ông thảo luận với họ, dựa vào Kinh Thánh, ông giải thích và xác định rằng Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết" (CVTĐ 17:2-3).

- "Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su" (2 Tim 3:15).

Trong thế kỷ thứ nhất các tông đồ và phụ tá viết các sách Tân Ước, và truyền lại cho các thế hệ Kitô Hữu sau này và được đọc trong các nơi phụng tự. Trong thế kỷ thứ hai và thứ ba, các người lạc giáo Gnostic bắt đầu chế ra các văn bản mà họ cho rằng xuất phát từ các tông đồ, nhưng vì các bản văn ấy không được lưu truyền trong các giáo đoàn ngay tự đầu, nên bị tẩy chay. Để phản ứng với các văn bản mới và sai lầm này các giáo đoàn thành lập danh sách các cuốn đích thật được trao truyền từ các tông đồ. Một danh sách nổi tiếng về các bản văn thánh được thành hình từ giữa thế kỷ thứ hai gọi là Chính Lục Muratori.

Tiến trình mà bộ Kinh Thánh được hình thành phần lớn hoàn tất vào thời Constantine (đầu thế kỷ thứ tư), và hoàng đế này không góp phần gì cả. Có một vài cuốn Cựu Ước (ngày nay gọi là ngụy thư) vẫn tiếp tục được thảo luận vào thời Constantine, cho đến cuối thế kỷ thứ tư-điều này cho thấy thêm là hoàng đế không tổng hợp bộ Kinh Thánh. Không một học giả Kinh Thánh nào cho rằng Constantine đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành Thánh Kinh. Dan Brown hoàn toàn sai lầm.

16. Cuốn The Da Vinci Code nói gì về việc Giáo Hội tiên khởi xác nhận thiên tính của Đức Kitô?

Đề cập đến Công Đồng đầu tiên là Nicaea, được triệu tập năm 325, cuốn The Da Vinci Code viết:

Cho đến thời gian đó trong lịch sử, Đức Giêsu được các môn đệ coi như một ngôn sứ phải chết... một người vĩ đại và có quyền phép, nhưng chỉ là một con người... Bởi xác nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Constantine đã biến Đức Giêsu thành một vị thần.

Đúng là Constantine chủ tọa Công Đồng Nicaea, nhưng không đúng là Constantine "biến Đức Giêsu thành một vị thần" hoặc cho rằng Kitô Hữu không coi Đức Giêsu như một Thiên Chúa trước khi có biến cố này.

Constantine đã triệu tập Công Đồng để giải quyết một tranh chấp được xảy ra khi một linh mục người Ai Cập tên là Arius từ chối thiên tính của Đức Giêsu, gây nên xôn xao trong dư luận ông vì chối bỏ điều mà các Kitô Hữu ở khắp nơi tin như vậy. Arius được một số người ủng hộ và sự tranh luận giữa phe Arius với Kitô Hữu truyền thống gia tăng mãnh liệt đến độ hoàng đế Constantine phải triệu tập Công Đồng để giải quyết vấn đề. Về cá nhân, Constantine có vẻ hỗ trợ lập trường của phe Arius, nhưng ông công nhận thẩm quyền của các giám mục khi phát biểu một cách hùng hồn về đức tin Kitô Giáo, và các giám mục trong Công Đồng đã tái xác nhận giáo huấn truyền thống của Kitô Giáo khi tin rằng Đức Giêsu thực sự là Thiên Chúa. Như vậy chính các giám mục của Công Đồng Nicaea là người tái xác nhận lập trường cố hữu của Kitô Giáo chống với phe Arius. Constantine xác nhận là các giám mục có quyền làm như vậy bất kể rằng chính ông mong muốn một kết quả khác hơn.

17. Đâu là chứng cớ việc Kitô Hữu coi Đức Kitô là Thiên Chúa trước khi có Công Đồng Nicaea?

Thiên tính của Đức Kitô được nhấn mạnh nhiều lần trong Tân Ước. Thí dụ, chúng ta được biết rằng các địch thủ của Đức Giêsu tìm cách giết Người vì Người "gọi Thiên Chúa là Cha, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa" (Gioan 5:18).

Khi bị bắt bẻ là làm sao Người biết rõ về ông Abraham, Đức Giêsu trả lời: "Thật, tôi bảo thật các ông, trước khi có Abraham thì tôi hiện hữu [I AM]" (Gioan 8:58), Người đã gợi lại và áp dụng cho chính mình tên riêng của Thiên Chúa-"Đấng Tự Hữu" (I AM) (Xh 3:14). Đám đông hiểu Người muốn nói gì, "Bởi vậy họ lấy đá ném Người; nhưng Đức Giêsu lẩn tránh và ra khỏi đền thờ"(Gioan 8:59).

Trong Gioan 20:28, ông Tôma phủ phục dưới chân Đức Giêsu, kêu lên, "Lậy Chúa, lậy Thiên Chúa của con!" Và Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã được chọn để sinh ra trong một hình thể khiêm tốn của loài người dù rằng Người vẫn có thể trong sự vinh hiển với Chúa Cha, vì Người "trong hình thể Thiên Chúa" (Phil 2:6).

18. Cuốn The Da Vinci Code nói gì về sự tương giao giữa Đức Giêsu và bà Maria Mađalêna?

Tiểu thuyết này cho rằng hai người kết hôn với nhau. Thật vậy, nó nói rằng Đức Giêsu làm cho bà Maria Mađalêna mang bầu, và cả hai có được đứa con gái. Cuốn sách khẳng định:

Maria Mađalên có thai vào lúc bị đóng đinh trên thập giá. Vì sự an toàn của đứa con sắp sinh của Đức Kitô, bà không còn cách gì hơn là trốn khỏi Đất Thánh... Chính ở nước Pháp mà bà sinh đứa con gái. Tên nó là Sarah.

Sau này cuốn sách cho rằng sự kết hợp ấy đã làm phát sinh một dòng máu mà vẫn lưu truyền đến ngày nay trong các gia đình quyền thế ở Âu Châu (có cả một trong các nhân vật chính của tiểu thuyết, là Sophie Neveu). Sách cũng cho rằng Giáo Hội Công Giáo biết điều này và che đậy trong nhiều thế kỷ, ngay cả dùng đến việc giết hại các hậu duệ của Đức Kitô để bảo vệ bí mật ấy:

Đây... sự che đậy lớn lao nhất trong lịch sử nhân loại. Không chỉ có việc Đức Giêsu Kitô kết hôn, mà Người còn là một người cha...

Giáo Hội tiên khởi sợ rằng nếu dòng dõi này được phép phát triển, sự bí mật giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna sẽ bị lộ tẩy và đặt vấn đề với học thuyết nền tảng Kitô Giáo--đó là Đấng Thiên Sai không giao du thân mật với phụ nữ hay tham dự trong một kết hợp tình dục...

19. Bạn trả lời thế nào về các điều cáo buộc này?

Đó là sự vô trách nhiệm và xúc phạm khi Dan Brown tấn công đức tin của biết bao người Công Giáo theo kiểu cách này. Ông ta không có chứng cớ chắc chắn để hỗ trợ cho những tranh luận ấy, và khi thiếu các chứng cớ như vậy thì không thể chấp nhận được việc bôi nhọ đức tin của hàng triệu người với các cáo buộc như vậy.

Một sự bôi nhọ tương tự khi nói rằng người Luther đã giết các hậu duệ của ông Luther hay các vị lãnh đạo Do Thái đã giết các hậu duệ của ông Môsê. Nếu các cáo buộc ấy được đưa ra, nhất là không có chứng cớ, ngay lập tức chúng sẽ được coi như các vu khống đầy ác ý và mù quáng đối với những người coi đó là thánh thiêng.

Cho rằng người Công Giáo đã giết các hậu duệ của Đức Giêsu là một tấn công hèn hạ và không thể chấp nhận được đối với đức tin của họ. Người có đức tin phải coi Dan Brown như một con người mù quáng đầy ác ý khi đưa ra loại cáo buộc đó.

20. Người ta phải nghĩ gì về luận điệu của The Da Vinci Code khi cho rằng Đức Giêsu kết hôn với bà Maria Mađalêna?

Không thể nào coi luận điệu ấy một cách nghiêm trọng.

Lý do mà ông Brown cùng với nhiều người khác (hầu hết là các tác giả New Age) tìm cách coi Maria Mađalêna như vợ của Đức Giêsu thì hiển nhiên: Bà là một trong vài phụ nữ theo Đức Kitô và được nổi bật, tên của bà được biết, và chúng ta không biết bà có kết hôn với ai không. Các phụ nữ khác theo Đức Giêsu đều được biết là đã kết hôn (thí dụ, bà Gioanna vợ của ông Chusa [Luca 8:3] hoặc không quá quan trọng ("bà Maria khác" [Mt. 28:1]) hoặc chúng ta không biết tên của họ (bà Syro-Phoenici [Mt. 15:28]). Nếu ai đó muốn buộc Đức Giêsu vào vai trò kết hôn, bà Maria Mađalêna phải là một trong vài phụ nữ nổi bật và sẵn sàng bị đẩy vào vai trò làm vợ của Đức Giêsu.

Hơn thế nữa, không có điểm gì trong Tân Ước xác định hay ám chỉ rằng Đức Giêsu kết hôn với bà Maria Mađalêna. Theo Tân Ước, bà là người đạo đức đi theo Đức Kitô và là một trong những người đầu tiên chứng kiến sự Phục Sinh của Người (x. Mt. 28:1), nhưng không phải là vợ. Không có chứng cớ gì trong Tân Ước hay các văn bản của các Giáo Phụ cho rằng bà kết hôn với Đức Giêsu.

Đức Giêsu còn nói những điều cho thấy rằng Người không kết hôn với ai. Người giải thích rằng một số người tự ý không kết hôn để có thể trọn vẹn tận hiến cho Thiên Chúa. Người nói rằng họ "tự ý là hoạn nhân vì Nước Trời" (Mt 19:12). Người trình bầy sự tự ý không kết hôn như hình thức cao nhất của việc tận hiến, và là vị lãnh đạo tinh thần của Kitô Giáo, khi đưa ra một chuẩn mực như thế mà chính mình thì không giữ được thì đó là điều kỳ lạ.

Hơn thế nữa, Giáo Hội tiên khởi đồng lòng coi Đức Giêsu là người không kết hôn. Đây không phải là một học thuyết sau này của các Giáo Phụ nhưng là điều được tìm thấy trong chính Tân Ước. Các tác giả Tân Ước thường miêu tả Giáo Hội như "nàng dâu của Đức Kitô" (2 Cor. 11:2; Eph 5:21-33; Kh 21:9-10). Điều ẩn dụ này sẽ không bao giờ thành hình nếu có một "bà Giêsu" bằng xương thịt đang sống đâu đó. Chỉ khi Đức Kitô độc thân thì Giáo Hội mới được miêu tả một cách ẩn dụ là nàng dâu của Người.

21. Dan Brown nói gì về vai trò của bà Maria Mađalêna trong Giáo Hội tiên khởi?

Brown khẳng định rằng trong các Phúc Âm nguyên thủy, bà Maria Mađalêna chứ không phải ông Phêrô được lệnh thành lập Giáo Hội:

Theo các phúc âm không bị biến đổi, ông Phêrô không phải là người được Đức Kitô ra lệnh thiết lập Giáo Hội Kitô Giáo. Chính là bà Maria Mađalêna... Đức Giêsu là người bênh vực quyền phụ nữ chính gốc.

Cũng không có căn bản gì cho luận điệu này. Không có một văn bản nào của Phúc Âm hay bất cứ trích dẫn gì trong Phúc Âm của các tài liệu Giáo Hội tiên khởi của các Giáo Phụ cho thấy điều này được nói ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử hình thành các Phúc Âm.

Viện dẫn đến các phúc âm "không bị biến đổi" bởi Constantine hay các người khác thời Giáo Hội tiên khởi là một điều ngờ nghệch. Không có chứng cớ gì là Constantine đã ra lệnh thay đổi bất cứ bản Kinh Thánh nào. Nếu ai đó muốn cho rằng ông ta đã ra lệnh như vậy, họ phải có thể hỗ trợ điều đó bằng cách kể ra một nguồn tài liệu đương thời, nhưng không có thể tìm thấy một câu nào như vậy. Không có một tài liệu nào còn sót lại trong thời kỳ đó-hay ngay cả các tài liệu của các thế kỷ sau-ghi nhận là Constantine hay ai đó muốn thay đổi văn bản của học thuyết này. Ông Brown tuyệt nhiên không có chứng cớ để hỗ trợ cho luận điệu này.

Nếu Constantine hay ai đó cố gắng thay đổi Kinh Thánh, người tín hữu Kitô chắc chắn phải từ chối. Giáo Hội Kitô đã từng trải qua một thời kỳ bách hại mà trong đó Kitô Hữu bị thiêu sống vì không chịu khước từ Thiên Chúa và Kinh Thánh mà Người đã ban cho họ. Để cho các văn bản này bị cắt xén là điều không thể tưởng được, và bất cứ toan tính nào muốn thay đổi sẽ tạo nên cuộc tranh luận lớn lao đến độ phải được nhắc đến trong các văn bản của thời đó.

Sẽ là một điều không thực tế để thay đổi Kinh Thánh, vì hàng ngàn cuốn đã hiện diện trên toàn thế giới Địa Trung Hải, từ Âu Châu cho đến Bắc Phi Châu. Vì không có một trung tâm đăng ký để biết những ai có sách Phúc Âm, do đó không cách chi để theo dõi và thay đổi được. Tuyệt nhiên là có quá nhiều ấn bản đang lưu hành.

Pt Giuse Trần Văn Nhật tổng hợp

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.05.2006. 00:29