Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chuyện Da Vinci Code

§ Lữ Giang

VietCatholic News (17/05/2006)

Trong bốn năm qua, cuốn tiểu thuyết “The Da Vinci Code” (Mật mã của Da Vinci) của Dan Brown được coi là thuộc loại “best seller” trên thế giới và đã gây ra rất nhiều tranh luận. Cuốn tiểu thuyết này được xuất bản vào tháng 3 năm 2003. Kể từ đó, nó đã được dịch sang 42 thứ tiếng và bán được trên 60 triệu bản. Một bản dịch tiếng Việt cũng đã được in tại Việt Nam. Tuy nhiên, bản dịch này bị chỉ trích là dịch ẩu và có nhiều thiếu sót. Đây là một hiện tượng xuất bản. Sau đó, cuốn tiểu thuyết đã được đóng thành phim và sắp chiếu vào cuối tháng 5 tới đây. Tác giả đã hài lòng khi thấy cuốn The Da Vinci Code gây nhiều tranh luận. Tác phẩm này đã chứa đựng những gì mà gây nhiều phản ứng như vậy?

Cảm Hứng Của Dan Brown

Dan Brown sinh ngày 22.6.1964 tại thành phố Exeter, tiểu bang New Hampshire, Hoa Kỳ. Cha là một giáo viên dạy toán và mẹ là một nhạc sĩ thường trình diễn thánh ca. Dan tốt nghiệp trung học năm 1982 tại Exeter Academy, một trường trung học dành cho con nhà giàu, nơi đó cha ông dạy toán và mẹ ông trình diễn thánh nhạc. Sau đó ông đến học tại Amherst College ở Massachusetts. Sau khi tốt nghiệp, ông đến Los Angeles làm việc như là một nhà sáng tác âm nhạc, rồi qua Seville, Tây Ban Nha, theo học ngành nghệ thuật. Không thành công với nghề nghiệp của mình, năm 1993 Dan trở về Exeter và dạy Anh văn ở trường cũ.

Có lần, sau khi đọc truyện của Sidney Sheldon, Dan cao hứng tuyên bố với vợ rằng nếu ông viết tiểu thuyết thì sẽ viết hay hơn. Từ đó, vợ ông là bà Blythe, một sử gia về nghệ thuật, thường khuyến khích ông viết văn.

Dan Brown cho biết ý tưởng viết một cuốn sách về Leonardo Da Vinci đã chớm nở trong ông khi ông đang theo học ngành lịch sử nghệ thuật tại đại học của thành phố Seville, Tây Ban Nha. Tại đây ông được học về những bí ẩn trong những hoạ phẩm của các đại danh họa. Một hôm, khi quan sát kiệt tác “The Last Supper” (Bữa tiệc cuối cùng hay Bữa tiệc ly) của đại danh họa Leonardo da Vinci, mô tả cảnh Chúa Jesus đang ngồi dự tiệc với 12 môn đệ trong đêm trước ngày Ngài đi chịu tử nạn, Dan Brown phân tích nhiều bí ẩn trong bức ảnh này, nhất là hình ảnh của John (tiếng Việt là Gioan), một môn đệ trẻ đẹp ngồi cạnh Chúa Jesus. Ông cho rằng hình ảnh người trẻ đó nhất định không phải là một người đàn ông, mà là một người đàn bà, và ông nghĩ rằng đó là bà Mary Magdalene. Từ ý nghĩ đó, ông quyết định viết một cuốn tiểu thuyết có nhan đề là “The Da Vinci Code”, tức Mật mã của Da Vinci, dựa trên sự khám phá đó!

Trên trang Web của đài BBC ngày 16.5.2005, dưới đầu đề “Cuốn sách nổi tiếng nói gì về Chúa Giêsu”, đài này ghi rằng “cuốn Da Vinci Code lấy ý từ “mật mã” nhà khoa học vĩ đại Leonardo Da Vinci để lại trong bức tranh Mona Lisa...”. Nhưng điều này không đúng. Cuốn Da Vinci Code đã lấy ý từ “mật mã” của bức họa “The Last Supper”.

Như vậy cảm hứng của Dan Brown đã bắt nguồn từ bức họa “Last Supper” của đại danh họa Leonardo da Vinci và sự liên tưởng đến hình ảnh của bà Mary Magdalene trong Thánh Kinh. Vậy chúng ta cần tìm hiểu qua hai nguồn cảm hứng này:

1.- Đại danh họa Leonardo da Vinci và kiệt tác “The Last Supper”: Leonardo da Vinci sinh ngày 15.4.1452 tại Anchiano, gần Vinci, thuộc Cộng Hòa Florence ngày xưa, nay nằm trong nước Ý. Ông qua đời ngày 2.5.1519 tại Cloux (nay là Clos-Lucé) ở Pháp. Ông là một họa sĩ, một nhà vẽ đồ án, một nhà điêu khắc, một kiến trúc sư và là một kỹ sư có thiên tài. Ông để lại nhiều tác phẩm danh tiếng, nhất là hai bức danh họa kiệt tác “The Last Supper” (1498) và Mona Lisa (1506). Các tranh của ông được coi là chứa đựng nhiều ẩn ý.

Kiệt tác “The Last Supper” được khởi sự sáng tác năm 1495 dưới sự bảo trợ của Công Tước thành Milan là Ludovoco Sforza, nhưng phải mất 7 năm mới hoàn thành. Đây là tác phẩm mô tả lại “Bữa tiệc cuối cùng” (The Last Supper) của Chúa Jesus và 12 môn đệ được nói đến trong Phúc âm Thánh John, chương 13, khái lược như sau:

Trước lễ Vượt Qua, Chúa Jesus biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian về với Đức Chúa Cha, nên trong một bữa ăn tối với 12 môn đệ, Người đứng dậy, lấy khăn thắt lưng và bưng chậu nước đi rửa chân cho từng môn đệ để dạy họ về tinh thần phục vụ và biết thương yêu nhau, sau đó Ngài nói những lời nhắn nhủ rất quan trọng và rất cảm động. Người cũng báo trước “có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” để ám chỉ Judas Iscariost. Mọi người đều xao xuyến. Trong số các môn đệ, có một người được Chúa Jesus thương mến (đó là John, người trẻ nhất), đang ngồi ăn đầu tựa vào lòng Chúa, nên Simon Peter liền ra dấu cho John hỏi Thầy muốn nói về ai. Chúa Jesus liền trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy.”

Đây là cốt lõi câu chuyện phải được Leonardo da Vinci mô tả lại một cách sinh động trong tác phẩm “The Last Supper”. Muốn vậy, Leonardo da Vinci phải dùng hình ảnh những người sống để làm mẫu cho ông vẽ.

Vai trước tiên được chọn để vẽ là vai Chúa Jesus. Hàng trăm thanh niên trẻ đã được đưa đến cho Leonardo da Vinci ngắm nhìn. Ông đòi hỏi người đó phải là người có khuôn mặt và nhân cách của một người không bị ảnh hưởng bởi tội lỗi. Cuối cùng, một thanh niên 19 tuổi đã được chọn. Ông đã vẽ đi vẽ lại hình Chúa Jesus trong 6 tháng mới hoàn tất. Sâu đó, ông tiếp tục chọn và vẽ các môn đệ khác. Cuối cùng, ông mới vẽ Judas Iscariost, kẻ phản bội. Một tù nhân được ông chọn để đóng vai Judas. Người này phải ngồi trước ông 6 tháng, ông mới hoàn tất được hình vẽ của Judas!

Quả thật, khi nhìn hình John đang ngồi bên phải Chúa Jesus trong tranh, được Simon Peter lấy tay kéo nằm ngửa người ra để nói nhỏ nhờ hỏi Chúa Jesus ai là kẻ phản bội, chúng ta thấy John gióng một người đàn bà đang lả lơi hơn là một người đàn ông, đúng như Dan Brown đã nghĩ.

2.- Hình ảnh Mary Magdalene trong Thánh Kinh: Có lẽ Phúc âm của Thánh Luke là cuốn phúc âm nói về hình ảnh nhân vật Mary Magdalene (tiếng Việt thường viết là Maria Madalêna) một cách rõ ràng nhất:

Đoạn 7: Đoạn này dài, xin tóm lược như sau: Khi Chúa Jesus đang ăn cơm ở nhà một người Pharisees, bỗng có một người phụ nữ ở trong thành là người tội lỗi (sinner), đến đứng đàng sau Chúa mà khóc, nước mắt rớt ướt chân Người. Cô ấy lấy tóc mà lau, rồi lấy dầu thơm mà xức. Một người Pharisees tên là Simon nghĩ bụng: Nếu ông này là ngôn sứ chắc phải biết người đang đụng đến mình là thứ nào: một người tội lỗi! Chúa Jesus liền nói với người Pharisees đó: Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy lấy nước mắt tưới lên chân tôi. Dầu ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn cô ấy lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: “Tội chị ấy rất nhiều, nhưng đã được tha...” Rồi Chúa nói với người phụ nữ: “Tội của cô đã được tha rồi.” Bây giờ những người đồng bàn liền hỏi: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Chúa Jesus đã nói với người phụ nữ: “Lòng tin của cô đã cứu cô. Cô hãy đi bình an.” (Luk. 7: 36-50)

Đoạn 8: “Sau đó Đức Jesus rảo qua các thành phố, làng mạc và rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có Nhóm 12 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Mary gọi là Mary Magdalene, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Joanna, vợ ông Chuza quản lý của vua Herod, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp Đức Jesus và các môn đệ.” (Luk. 8: 1-3)

Trên đây là hai nguồn cảm hứng mà Dan Brown đã dựa vào đó để xây dựng hư cấu cho cuốn tiểu thuyết The Da Vinci Code.

Hư Cấu Đã Được Xây Dựng

Dựa trên những cảm hứng nói trên, Dan Brown muốn viết một câu truyện mô tả Chúa Jesus đã không bị đóng đinh trên thập giá, mà lại cưới bà Mary Magdalene và qua đời một cách bình thường. Chúa Jesus đã quyết định truyền ngôi cho bà. Chúa Giêsu thực sự là một nhân vật hoạt động cho nữ giới bình quyền, nhưng Giáo Hội đã che đậy đi tất cả những điều ấy bằng các thứ dối trá về thần tính của Người.

Với những ý nghĩ như thế, tác giả đã cố gắng đi tìm các sử liệu có thể giúp xây dựng một kết cấu câu chuyện nghe cho nó có vẻ hợp lý. Dan Brown đã tự nghỉ việc để miệt mài ngồi viết. Vợ ông, bà Blythe Brown, đã giúp ông rất nhiều trong việc tra cứu các tài liệu.

Dan Brown đã khôn khéo liên kết những nhân vật, những biến cố, những câu chuyện, những tổ chức... riêng rẻ có thật, lại thành một một tổng thể dính chặt vào nhau để tạo cho hư cấu của câu chuyện có vẽ như là một chuyện có thật một trăm phần trăm.

Cuối Da Vinci Code được viết theo loại chuyện trinh thám, mở đầu bằng một vụ án mạng. Trên trang Web của BBC ngày 16.5.2005, đài BBB có tóm lược câu chuyện này, nhưng không được đúng lắm, có lẽ vì người tóm lược không biết nhiều về những câu chuyện trong Kitô giáo và không nắm vũng các danh từ chuyên môn trong lãnh vực này.

Trong một chuyến kinh doanh tại Paris, đang đêm giáo sư Robert Langdon, nhà biểu tượng học Mỹ thuộc đại học Harvard, đã nhận được một cú điện thoại cho biết: người quản thủ già của Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris đã bị ám sát ngay trong viện. Cảnh sát đã tìm thấy bên xác chết của ông một cuốn sổ để phá các mật mã.

Trong cuộc điều tra nhằm giải án vụ này, giáo sư Langdon đã hết sức bàng hoàng khi khám phá ra cuốn sổ nói trên đã ghi những “mật mã” trong các tác phẩm của đại danh họa Leonardo da Vinci, những “mật mã” mà ai cũng thấy hiện lên trong cả tác phẩm, nhưng đã được Leonardo da Vinci che giấu một cách rất khéo léo.

Vì thế, Giáo sư Langdon đã hợp tác với một chuyên viên phá mật mã đại tài người Pháp là bà Sophie Neveu để khám phá các bí mật. Bà này chính là cháu gái của người quản thủ thử viện bảo tàng vừa bị giết. Trong khi điều tra, họ khám phá ra rằng người quản thủ viện bảo tàng đó có dính líu tới một hội kín phát sinh từ Tu Viện Kín Sion (The Priory of Sion) cổ xưa. Theo Dan Brown, khi đến chiếm đóng thánh địa Jerasalem vào năm 1099, một số hiệp sĩ của Tòa Thánh đã khám phá ra một số tài liệu lịch sư quan trọng liên quan sự sống còn của Giáo Hội. Biết được chuyện này, Giáo Hội đã tìm cách tiêu diệt họ. Họ đã phải thành lập một hội kín để bảo toàn các tài liệu này. Trong những tài liệu đó có cả sách Phúc âm của Mary và Phúc âm của Phillip đã được tìm thấy ở thư viện Nag Hammadi và những cuộn giấy tìm được ở Biển Chết (Dead Sea Scrolls). Dan Brown cho rằng đây là những sách Phúc âm mà lúc tiên khởi đã bị Toà Thánh Vatican cho là ngụy thư và loại khỏi Thánh Kinh. Qua thời gian, hội kín này đã quy tụ nhiều nhà bác học lừng danh như Leonard da Vinci, Victor Hugo, Isaac Newton, Botticelli... Leonard da Vinci đã mã hóa những bí mật khám phá được vào tác phẩm The Last Supper của mình.

Dưới vai trò những con buôn thương mại hay chính trị, những nhà mối... giáo sư Langdon và Neveu đã thực hiện những cảnh truy lùng đầy kỳ thú và không biết sợ sệt, từ Paris qua London, để khám phá cho xong sự thật, vì sợ rằng nếu không khám phá được, sự thật lịch sử sẽ bị giấu kín mãi mãi.

Khi truy lùng sự thật lịch sử, Robert Langdon và Sophie Neveu còn bị một nhóm bí mật bám sát để tìm cách thanh toán, đó là nhóm Opus Dei, một “giáo phái” được Tòa Thánh Vatican công nhận!

Trong thực tế, Opus Dei (có nghĩa là “Kỳ công của Thiên Chúa”) là một tu hội công giáo được Giám mục Jose Maria Escriva de Balaguer y Albas thành lập tại Tây Ban Nha ngày 2.10.1928 và được Tòa Thánh phê chuẩn vào cuối năm 1950. Mục tiêu của tu hội này là quy tụ những giáo dân công giáo muốn thánh hóa đời sống của họ và dấn thân phục vụ tha nhân giữa dòng đời. Hiện nay tu hội có khoảng 77.000 hội viên và 1500 Linh mục linh hướng. Đây là một tổ chức thực hiện được nhiều công tác rất hữu ích và chẳng bao giờ làm những công việc như thế.

Trên đường truy lùng, hai người cũng phát hiện ra rằng người ông của Sophie Neveu vừa bị giết là người cuối cùng giữ bí mật về Grail, vốn được coi là bí mật lớn nhất của văn minh Thiên Chúa Giáo. Hội kín nói trên đã thề bảo vệ Grail mãi mãi, mặc dầu Giáo Hội đã bác bỏ “sự thật” về Grail, còn một nhóm trong Vatican tìm cách tiêu diệt bí mật đó.

Grail là gì? Grail - còn được gọi là Holy Grail - là cái chén thánh. Theo truyền thuyết Trung Cổ, chén này đã được Chúa Jesus dùng trong buổi tiệc cuối cùng (the Last Supper) và được ông Joseph Arimathé dùng để hứng những giọt máu cuối cùng của Chúa Jesus trên Thánh Giá, thường được hiểu là biểu tượng của tinh thần Kitô giáo tinh tuyền đã bị mất đi.

Nhưng Dan Brown đã lấy ý từ “mật mã” trong tranh “The Last Supper” của đại danh họa Leonardo da Vinci, cho rằng Grail không phải là gì khác mà chính là bí mật về cuộc hôn nhân giữa Chúa Jesus và Nữ Thánh Mary Magdalene.

Nhìn trang phục của Chúa Jesus và John mà Dan Brown cho là Mary Magdalene, Dan Brown thấy rằng trang phục của Jesus và Mary Magdalene đối xứng nhau về màu sắc: Chúa mặc áo trong màu đỏ, áo choàng màu xanh, còn Mary Magdalene mặc áo trong màu xanh, áo choàng đỏ. Hình dáng hai người ngồi kế nhau tạo thành một chữ M, tượng trưng cho Mary Magdalene. Dan Brown kết luận rằng Chúa Jesus và Mary Magdalene là một cặp vợ chồng.

Theo Dan Brown, Magdalene đã trốn tránh đến tận xứ Gaule (ngày nay thuộc Pháp) để bảo vệ huyết thống của Chúa Jesus. Giáo Hội từ khởi thuỷ đã dùng mọi thủ đoạn khám phá ra dòng dõi này để thủ tiêu, nhưng không thành công. Con trai của hai người đã đến Pháp và truyền lại dòng máu “Vương triều” đó cho một số người Châu Âu. Tòa Thánh, hay ít ra một số Giám mục trong tổ chức Opus Dei, đã tìm cách chiếm đoạt và che giấu những dấu tích của cặp Jesus và Mary Magdalene để lại.

Với những lập luận này, tác giả cho rằng từ trước đến nay Tòa Thánh Vatican luôn nhấn mạnh đến quyền lực của phái nam và triệt hạ uy tín của phái nữ, phỉ báng Nữ Thánh Mary Magdalene, mặc dầu Chúa Jesus muốn truyền ngôi lại cho bà chứ không phải cho Peter. Tác giả gợi ý rằng đã đến lúc ngôi vị thiêng liêng này phải được trao lại cho nữ giới trong kỷ nguyên của Nữ đang đến.

Cuốn truyện kết thúc với cảnh Robert Langdon và Sophie Neveu thoát mọi hiểm nguy và yêu nhau. Cô Sophie Neveu được mộ tả như là hậu duệ của Chúa Jesus và Thánh Mary Magdalene.

Những Phản Ứng Tất Nhiên

Trong 20 thế kỷ qua, những sách và tài liệu bổ báng Kitô Giáo như kiểu The Da Vinci Code nhiều vô số kể và nó còn xuất hiện dài dài, như "Jesus Did Not Die on the Cross but Jesus Did Ascend Into LightMary Magdalene", hay "Knights Templar Recover Jesus’ Truths", hay “The 21st Century Descendants of Jesus and Mary Magdalene Welcome You". v.v.

Giáo sư thần học Mark Shea ở Seatle nói rằng qua lịch sử, chúng ta thấy gần như mỗi thời đại đều có người muốn tạo ra một “Chúa Jesus thật” (!) theo họ tưởng tượng để phục vụ cho những mục tiêu mà họ muốn theo đuổi, chẳng hạn như: Trong giai đoạn phát triển doanh thương bừng rộ vào thập niên 1920, dân chúng được giới thiệu một “Chúa Jesus thật” là một thằng bé dán quảng cáo cho việc buôn bán. Vào thập niên 1939, Đảng Nazi của Đức nói đã khám phá ra một “Chúa Jesus thật” là một người Aryan chứ không phải người Do Thái, trong khi đó Cộng Sản lại tuyên truyền một “Chúa Jesus thật” là một kẻ chủ trương chủ nghĩa Maxít tiên khởi! Vào thập niên 1960, một “Chúa Jesus thật” này lại xuất hiện như là một bé bông hoa trong cuốn “Godspell” và là một kẻ hâm mộ những thứ nấm gây ảo giác, một con người dẫn giải tất cả mọi thị kiến và phép lạ một cách tuyệt vời. Vào thập niên 1970, một “Chúa Jesus thật” lại là một ‘siêu minh tinh’ theo các tay diktats của văn hóa nhạc rock, v.v.

Tuy nhiên, ít khi các giáo hội Kitô Giáo hay giáo dân có phản ứng mạnh vì ảnh hưởng của những thứ tài liệu nhảm nhí như thế thường không đáng kể. Nhưng với cuốn Da Vinci Code, người ta không thể coi thường được. Dan Brown đã khéo léo tạo được một hư cấu cho câu chuyện rất hấp dẫn để đưa những điều ông muốn nói vào lòng người. Cứ xem số sách đã bán được trong một thời gian ngắn thì biết rõ kết quả đó. Vì thế, các giáo hội Thiên Chúa Giáo đều phải lên tiếng. Hình thức phản ứng và mức độ phản ứng túy thuộc từng tổ chức và cá nhân. Đa số lên tiếng để chận đứng những ảnh hưởng không tốt mà họ cho rằng cuốn tiểu thuyết và cuốn phim The Da Vinci Code có thể đem lại.

Trong một cuộc phỏng vấn kéo dài 30 phút tại trụ sở của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ở Vatican, Đức Hồng Y Bertone đã lên tiếng khuyên tất cả mọi người tín hữu như sau: “Đừng mua quyển sách này, và cũng đừng đọc nó vì đó là một loại thức ăn hôi thối và bệnh hoạn. Có rất nhiều cuốn tiểu thuyết rất hay và đáng đọc, thế nhưng rủi thay, cuốn sách này thì không, vì nó chỉ gây ra sự nguy hại, sự nghi ngờ và những điều không hay khác nữa.” Đức Hồng Y cũng khuyến cáo “Các nhà sách Công Giáo nên loại bỏ ngay cuốn sách giật gân này ra khỏi kệ sách và lên án tác giả của cuốn sách, ông Dan Brown, một người Hoa Ky,ø về thái độ ‘ngạo mạn’ của ông ta".

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có lẽ đã thấy được rằng mặc dù đã có khuyến cáo đừng nên đọc hay xem những thứ đó, nhiều tín hữu vẫn sẽ tìm đọc hay xem để biết trong đó đã nói những gì, nên Tiểu Ban về Truyền Thông của Hội Đồng đã biên soạn và cho phổ biến tập sách có nhan đề “Đức Jesus đích thực” để phản bác những sai lầm mà cuốn tiểu thuyết ‘The Da Vinci Code” đã đưa ra. Tập sách cũng trình bày giáo huấn chân thực của Công Giáo về Chúa Jesus và thần tính của Người, về Tân Ước, về Giáo Hội, về chủ thuyết bất khả thần tri, về nữ giới... Tập này được trình bày dưới hình thức vấn đáp nên rất dễ đọc.

Một cuốn phim tài liệu dưới tựa đề “Jesus Decoded” (Phá mật mã Chúa Jesus) với nội dung gồm giáo huấn Công Giáo thực sự về Chúa Giêsu Kitô sẽ được trình chiếu trên các đài truyền hình NBC bắt đầu vào cuối tuần lễ thứ ba của tháng năm. Cuốn phim tài liệu này sẽ cho thấy những chi tiết chính xác về bản thân Chúa Jesus, về môn đệ của Người và việc hình thành các cuốn sách thành sổ bộ Tân Ước, cùng với ba thế kỷ đầu liên quan tới việc phát triển của lịch sử Giáo Hội. Cuốn phim còn có cả những cuộc phỏng vấn các học giả về nghệ thuật, lịch sử và Thánh Kinh... để phân biệt chân lý Công Giáo với tiểu thuyết trần tục.

Ngoài ra, một trang Web của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có địa chỉ là www.jesusdecoded.com, vừa được thiết lập để hướng đẫn cho thấy cuốn tiểu thuyết và cuốn phim The Da Vinci Code chỉ là chuyện nhảm nhí. Trang Web cũng có một trang trả lời những câu hỏi của độc giả.

Một cuốn sách và DVD có tên là “Decode Da Vinci Code” (Giải mã Mật mã The Da Vinci) của cô Amy Welborn cũng đã được phổ biến để nói về những sai lầm trong cuốn The Da Vinci Code.

Về phía các giáo hội Tin Lành, tại Houston, Texas, nhiều nhà thờ Tin Lành đã mở các cuộc hội thảo về các đề tài “The Da Vinci Code, fiction or facts?” (Cuốn The Da Vinci Code, sự thật hay giả tưởng) hay “The Da Vinci Code, the anti-Christ book” (Da Vinci Code, cuốn sách chống Chuá Kitô?), v.v.

Trong một bài báo được đăng trên tờ Los Angeles Times hôm 11.5.2004, ký giả Stephanie Simon cho biết các giáo hội thuộc Giáo phái Tin Lành Evangelical khắp nước Hoa Kỳ đang mạnh mẽ phát động nỗ lực truyền giáo bằng cách đề cập tới truyện phim “The Da Vinci Code” mà nhiều người Kitô giáo khác cho là “phạm thánh”.

Mục sư Garry Poole ở Chicago đã lấy đề tài “Phim Da Vinci Code” quảng cáo và giảng về Chúa Jesus chân chính và sứ điệp của Ngài, vào Chúa nhật cuối tháng tư vừa qua, thu hút khoảng 22.000 người tham dự. Một mục sư ở Coast Hills, Aliso Viejo, đã phát ra miễn phí 325 máy iPods trong đó có bài giảng giải thích về Da Vinci Code cho các bạn trẻ. Tại thành phố Denver, Mục sư Gene Barron đưa ra chương trình 5 tuần hội thảo về “The Da Vinci Code”, v.v.

Ảnh Hưởng Như Thế Nào?

Tờ USA Today số ra ngày 25.4.2006 cho biết theo cuộc thăm dò của tạp chí Catholic Digest, có 73% người công giáo nói rằng cuốn The Da Vinci Code không ảnh hưởng gì đến niềm tin của họ. Và có đến nhà thờ sau khi đọc cuốn sách này. Có 23% đã đọc toàn bộ hay một phần cuốn sách và 63% cho biết họ không đọc cuốn sách hoặc không thích đọc những cuốn sách giả tưởng (fiction) như thế. Và 91% cho rằng việc đọc một cuốn sách như thế chẳng có gì là sai cả.

Đa số người Mỹ và người Âu châu nói chung, dù theo Thiên Chúa Giáo hay không theo, dù trẻ con hay người lớn, đều có một kiến thức khá cao, phân biệt được một cách dễ dàng đâu là sự thật (facts) và đâu là giả tưởng (fiction), họ lại đã biết nhiều về lịch sử Thiên Chúa Giáo, nên cuốn truyện và phim The Da Vinci Code khó ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Sở dĩ họ tìm đọc hay xem là vì tính tò mò. Do đó, những nỗ lực giải thích của các giáo hội tại Hoa Kỳ như hiện nay có thể được coi là vừa đủ. Trái lại, cuốn sách và cuốn phim đó, nếu được phổ biến tại các dân tộc có trình độ văn hóa thấp, chắc chăn nó sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ của người đọc hay xem ngay. Trong trường hợp này, những sự hướng dẫn rất cần thiết.

Henri Lacordaire nói: “La réligion, fut-elle fausse, est un élément necessaire à la vie d’un people.” Tôn giáo, dù nhảm nhí chăng nữa, vẫn là một yếu tố cần thiết cho một dân tộc. Vì thế, không bao giờ nên bổ báng nó.

Lữ Giang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.05.2006. 15:08