Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chương 6: Thông Điệp Redemptoris Mater, Sự Hiện Diện Của Đức Maria

§ Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

(tiếp theo... Mẹ Maria - Trung Tâm Công Trình Của Đức Gioan Phaolô II)

. Một Năm Thánh Mẫu (1987-1988)

Ngày 20 tháng Giêng năm 1987, Đức Gioan Phaolô II loan báo sẽ khai mạc một Năm Thánh Mẫu, được tổ chức từ ngày 7 tháng 6 năm 1987 (lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) đến ngày 15 tháng 8 năm 1988. Tin này làm ngạc nhiên nhiều người. Giới báo chí không được thông báo trước như thường lệ. Trước đó, ngày 20 tháng 7 năm 1982, Đức Giáo Hoàng đã trả lời “không” cho các thỉnh nguyện xin ngài cử hành lễ sinh nhật thứ hai ngàn của Đức Maria. Vậy tại sao lại có một Năm Thánh Mẫu vào niên biểu ấy? Thông Điệp Redemptoris Mater ghi ngày 25 tháng 3 năm 1987, tức ngày lễ Truyền Tin trong Năm Thánh Mẫu, sẽ cho câu trả lời. Một lý do xác định sáng kiến của Đức Giáo Hoàng là việc kề cận Thiên Niên Kỷ của nước Nga (1988): “Trong năm kính Đức Maria sẽ có ngày kỷ niệm ngàn năm lễ rửa tội cho thánh Vladimir, ông hoàng vĩ đại của Kiew (năm 988) ngày khai sinh Kitô giáo trong các lãnh thổ người Rous thời ấy (Rous= Russia) và rồi trong nhiều lãnh thổ khác của Đông Âu. Cho nên Ta muốn, đặc biệt trong Năm Thánh Mẫu này, hiệp lời cầu nguyện, cùng với tất cả những người cử hành Ngàn Năm của việc Rửa Tội này, với cả người Chính Thống giáo và người Công giáo”. (Redemp-toris Mater số 50). Có liên đới nào giữa thiên niên kỷ ấy của người Nga và Năm Thánh Mẫu? Câu trả lời sau đó khá rõ ràng đó là Fatima.

Trong Sứ điệp của Đức Mẹ tại Fatima, có vấn đề nước Nga trở lại. Đức Giáo Hoàng biết rõ những biến cố lay chuyển năm 1987-1988 khối Đông Âu. Trên đường sụp đổ đế quốc Sô-viết. Đức Giáo Hoàng đặt Năm của Đức Maria. Một năm sau, tức năm 1989, người ta không thể tưởng được, bức tường Bá Linh ở Đức quốc cũng sụp đổ!

Sau khi ban hành ba khảo luận về Ba Ngôi trong ba Thông Điệp đầu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dâng Thông Điệp thứ ba cho Đức Maria năm 1987: Thông Điệp Redemptor Hominis 1979 dâng cho Chúa Con, Thông Điệp Dives in Misericordia 1980 dâng cho Chúa Cha, Thông Điệp Dominum et Vivi-ficantem dâng cho Chúa Thánh Thần. Trong luồng sóng dấu lưu ấy của cả ba bản văn, là Thông Điệp Redemptor Mater 1987 khảo luận về “Đức Nữ Trinh Maria diễm phúc trong đời sống Giáo Hội lữ hành”. Qua phụ đề này, Thông Diệp về Đức Maria của Đức Gioan Phaolô II tỏ ra trung thành thừa kế Công Đồng Vaticanô II. Sơ đồ bản văn chứng minh điều ấy. Đó là sơ đồ ba phần

. Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô
. Đức Maria trong Giáo Hội lữ hành
. Việc trung gian hiền mẫu.

Hai phần trước tương ứng với tựa đề Chương VIII trong Hiến Chế Lumen Gentium: “Đức Nữ Trinh Diễm Phúc Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô (I) và mầu nhiệm Giáo Hội (II). Phương diện lịch sử trội hơn phương diện hữu thể học. Suy tư không còn khởi đi từ địa vị của Ngài trong nhiệm cục Thiên Chúa cứu độ. Đây là “Thánh Mẫu Học có tính chức năng” được khai triển trong Thông Điệp cũng như trong Công Đồng Vaticanô II.

. Cuộc Lữ Hành Trong Đức Tin

Lần đầu đọc Redemptoris Mater, ta đã cảm kích bởi sức năng động mạnh, xuyên suốt bản văn của Đức Giáo Hoàng. Đây là vấn đề tiến bước, tăng trưởng, hành hương. Hình như Đức Gioan Phaolô II cảm hứng đặc biệt từ một đoạn trong Lumen Gentium số 58 nói về “lữ hành Đức Tin” của Đức Maria cho tới cây Thánh Giá. Nối tiếp theo Công Đồng, Đức Giáo Hoàng nói đến Kênose,( sự tước bỏ, tự hủy) vì Đức Tin mà Đức Nữ Trinh Maria biết được trên Núi Sọ: “Nhờ Đức Tin như thế, Đức Maria được kết hợp hoàn toàn với Chúa Kitô, trong việc từ bỏ mình. Quả vậy, Đức Giêsu Kitô là Ngôi Thiên Chúa mà không dành cho mình ngang hàng bằng Thiên Chúa. Nhưng chính Ngài đã tự hạ như không, mang thân phận nô lệ và trở nên giống như mọi người chúng ta”. Chính trên Núi Sọ “Chúa hạ mình hơn nữa, vâng phục cho đến chết và chết trần trụi trên Thập Giá!” (Phil. 2, 5-8).

Dưới chân Thánh Giá, Đức Mẹ Maria nhờ Đức Tin, tham dự vào mầu nhiệm lạ lùng làm ta ngỡ ngàng. Mầu nhiệm tước bỏ ấy, chắc chắn đây là “tước bỏ, là tự hủy”(Kênose) nhờ Đức Tin sâu xa nhất trong lịch sử nhân loại. Nhờ Đức Tin, Đức Mẹ thông phần vào cái chết của Con mình, vào cái chết cứu chuộc” (Redemptoris Mater sô 18). Ở đây ta lại gặp một trong những điểm nhấn mạnh của Đức Gioan Phaolô II: việc ngài hằng ngày suy gẫm kinh Stabat Mater: Đức Mẹ Maria đứng bên Thánh Giá. Đồng thời ta hãy nhớ những cuộc Ngài hành hương tới Kalwaria và linh đạo dòng Carmêlô từng có dấu ấn trên thầy Karol Wojtyla.

Thánh Gioan Thánh Giá khai triển chủ đề “Đêm tối Đức Tin”. Có thể Đức Giáo Hoàng đã cảm hứng tư tưởng này khi nói về việc “tước bỏ trong Đức Tin”.

Trong bài thơ “Pourquoi je T’aime, O Marie!” (Tại sao con yêu Mẹ? lạy Mẹ Maria!). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thành Lisieux có trước Công Đồng, đã tỏ bày cuộc lữ thứ của Đức Maria. Thánh nữ viết: “Chính qua con đường chung, kính thưa Mẹ khôn ví, mà Mẹ thích bước đi dẫn chúng con về Thiên Cung”. Cuộc lữ hành này không chỉ là của Mẹ. Đức Maria đi vào cuộc lữ hành vốn là cuộc hành hương của toàn dân Thiên Chúa, của Giáo Hội lữ hành đang tiến bước.

Một nét nổi bật khác của Thông Điệp là mầu sắc chủ ý theo Thánh Kinh. Trung thành với Giáo huấn của Công Đồng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn Thánh Mẫu Học được dựa trên nền tảng vững chắc của Thánh Kinh. Để xác tín điều này ta chỉ cần so sánh Tông Hiến Munificentissimus Deus (Thiên Chúa Vô Cùng Quảng Đại) của Đức Piô XII với Redemptoris Mater. Từ văn kiện này đến văn kiện kia, người ta đi từ im lặng dầy đặc không mấy trưng dẫn Thánh Kinh, qua việc trực tiếp và chú ý suy gẫm được dưỡng nuôi bằng Thánh Kinh. Trong Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, không những Tân Ước và Cựu Ước được trưng dẫn dồi dào, mà cả hai còn cung cấp những dòng tư tưởng suy gẫm sâu sắc nữa. Đức tin của Đức Mẹ được sánh ví với Đức tin của Tổ phụ Abraham. Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catéchisme de l’Eglise Catholique, Mame 1998, số 144-149) trình bày cả hai Vị như gương mẫu “sự vâng lời theo Đức Tin” mà thánh Phaolô nói (xem Rm. 1,5). Cả hai vị đều có Đức Tin vào Thiên Chúa, khi mà, nói theo cách của loài người. Các vị phải sống như cưỡng lại những lời Chúa hứa. Tổ phụ Abraham sửa soạn hy tế con lời hứa của cụ. Đức Maria trên Núi Sọ thấy người ta treo Con mình lên cây khổ hình như một thứ để chế diễu khinh dể. Chính Đấng mà Thiên Thần xưa báo tin cho Đức Mẹ biết Đấng ấy là “Con Đấng Tối Cao và Nước Ngài trị sẽ không cùng”!(Lc. 1, 26-38).

. Trung Gian và Hiện Diện

Chắc chắn phần thứ ba của Thông Điệp là mới mẻ, độc đáo nhất, nơi đây sắc thái đặc biệt trong Thánh Mẫu Học của Đức Gioan Phaolô II cho ta cảm thấy nhất. Hai từ tóm tắt được tính đặc thù của tư tưởng này: Trung gian và Hiện diện. Chúng tôi đã nói có những tranh cãi mà khái niệm “trung gian” và từ ngữ “Đấng Trung Gian” đã lôi cuốn vào Công Đồng. Đức Gioan Phalô II thời ấy đã không ngần ngại dùng nhiều lần một từ mà hình như Công Đồng tìm cách tránh. Người ta đếm được hàng mười chín lần dùng từ “sự trung gian” nói về Đức Maria trong Thông Điệp Redemptoris Mater, trong khi từ ngữ ấy không bao giờ thấy có trong Lumen Gentium. Tuy nhiên, nếu từ đấy không thấy dùng, nhưng thực tại cũng vẫn chắc chắn khẳng định, Đức Gioan Phaolô II viết: “Giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II trình bày chân lý về trung gian của Đức Maria như sự trung gian với nguồn duy nhất, là sự trung gian của chính Chúa Giêsu. Qua thế, chúng ta đọc được rằng: Vai trò phụ thuộc này của Đức Maria, thì Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, Giáo Hội không ngừng cảm nghiệm được vai trò ấy. Giáo Hội truyền gửi vào lòng các tín hữu điều ấy, để sự nâng đỡ và cứu giúp của Mẹ giúp họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Chuộc là chính Chúa Giêsu” (Lumen Gentium số 62) Vai trò này của Đức Mẹ lập nên chiều kích thực sự của việc Đức Mẹ hiện diện trong mầu nhiệm cứu thế của Chúa Giêsu và của Giáo Hội. (Redemptoris Mater số 38).

Câu sau cùng gồm một từ thiết yếu trong tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II về Đức Maria: từ “hiện diện”. Toàn Thông Điệp muốn là một “hiện diện” tác động và mẫu mực (Redemptoris Mater số 1) của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô và trong đởi sống của Giáo Hội. Chắc chắn đây là một trong những khái niệm chủ chốt trong Thánh Mẫu Học của Đức Gioan Phaolô II. Từ “hiện diện” trở lại đến hai mươi lần trong Thông Điệp. Sự hiện diện của Đức Trinh Nữ Maria là mẫu mực (số 44), thân mật (số 26 và 28), bền bỉ (số 35 và 44), giúp đỡ (số 52) và nhất là “thân thương hiền mẫu (số 24,28 và 52).

Có lẽ phải tự hỏi về xuất xứ và tầm vóc triết học của khái niệm này về sự “hiện diện”, trong tư duy của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhất là trong luồng hiện-tượng-luận. Hiện diện, (praesen-tia, gốc từ Latinh Praeesse: “ở trước” (adsum, adesse: có ở trước, chi huy). Từ ngữ này có một nghĩa thụ động: ở đó, đáp lại tiếng gọi. Song từ ngữ này cũng mang nghĩa tác động: làm cho mình hiện diện, có mặt nơi việc người ta làm, đi lên phía trước, đón lấy, vượt lên.

Chính theo nghĩa tác động này mà ta phải hiểu sự hiện diện của Đức Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội. Sự “trung gian” cũng là một dạng đặc biệt của “hiện diện”. Sự trung gian là sự hiện diện hòa giải, giao hòa. Giả thiết có sự thân cận với những người hay những nhóm cần phải hoà giải, giao hoà. Trong cảnh điển hình là tiệc cưới ở Cana, Đức Nữ Trinh Maria “tự đặt mình vào giữa” (số 21) (trung gian), giữa Con của Đức Mẹ và những người trong cơn thiếu thốn. “Mẹ Chúa Giêsu ở đấy” (Gioan 2,1), Thánh Sử ghi nhận điều ấy. Đức Maria là “trung gian” vì một trật Mẹ vừa là Mẹ Chúa Giêsu, vừa là Mẹ chúng ta trong trật tự ơn sủng. Khi tuyên xưng Chúa Kitô là Trung Gian Duy Nhất, thư gửi cho Timôthêô (1Tm. 2, 5-6) loại trừ mọi trung gian khác song song xuất phát, huống hồ là cạnh tranh với Trung Gian Duy Nhất, nhưng không loại trừ sự trung gian tùy thuộc vào như sự trung gian của Đức Maria (Triều yết chung ngày 1 tháng 10 năm 1997).

Việc trung gian và hiện diện của Đức Nữ Trinh Maria chỉ có thể hiện hữu và thi hành nhiều cách dưới tác động cụ thể của Chúa Thánh Thần. Thông Điệp Redemptoris Mater hằng qui chiếu vào Chúa Thánh Thần. Ở đây, Đức Giáo Hoàng thực hành ý muốn của Công Đồng là “đưa vào Thánh Mẫu Học sức mạnh của Chúa Thánh Linh học”. Chúa Thánh Thần, Đấng “thổi nơi Ngài muốn”, Ngài muốn – vâng, chính Ngài cũng muốn là “Đấng Hiện Diện” theo cả hai nghĩa mà từ ngữ tiếng Pháp này-(nhất là từ latinh như nói ổ trên) – vẫn có. Chúa Thánh Thần là Hồng Ân Thiên Chúa, hằng ban tặng và tác động. Chính Hồng Ân ấy nhờ “Quan Phòng kỳ diệu” như lời trong Công Đồng hằng hướng dẫn dòng thời gian (xem Gaudium et Spes, số 26). Đức Maria, Bạn thanh sạch Chúa Thánh Thần, cũng hiện diện và hành động, trong địa vị và vai rò phụ thuộc của Mẹ, vào lịch sử loài người.

(còn tiếp)

Lm Gioakim Nguyễn Đức Việt-Châu, SSS

Tr Trước | Mục Lục | Tr Sau

Đọc nhiều nhất Bản in 24.01.2005. 23:45