Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chúa Thánh Thần: Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa

§ Trần Mỹ Duyệt

Trích Tâm Linh Vào Đời, số 19 ngày 4.6.2006

“Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:16). Nhưng Chúa Thánh Thần chính là “tình yêu” của tình yêu ấy. Như vậy khi suy về Chúa Thánh Thần, hình ảnh và cảm nhận rõ ràng nhất, thực tế nhất, và đánh động tâm hồn Kitô hữu chúng ta nhất chính là tình yêu.

Con người là tạo vật duy nhất trên dương thế được chia sẻ cách trọn vẹn và tích cực tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy được biểu lộ và nhận biết qua tình yêu lứa đôi, tình yêu cha mẹ và con cái, tình yêu anh chị em, tình yêu những người cùng một nòi giống, và tình yêu nhân loại. Nhưng trên hết là tình yêu con người qui hướng về Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ tình yêu của Ngài cho chúng ta. Theo tâm lý tình yêu của Form cũng cho rằng đây là tình yêu cao cả nhất, cần thiết nhất, và đầy đủ nhất đối với đời sống tâm lý, tình cảm, và tâm linh con người.

“Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời.” Có nghĩa là có sự hiện diện của Ngôi Ba Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần. Ngược lại, nơi đâu không có tình yêu là vắng bóng Thiên Chúa, là không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Và nơi mà không có Chúa Thánh Thần, thì nơi đó có quỉ thần, có Satan, có tội lỗi, đau khổ và sự chết.

Mới đây những người Việt Nam ở Nam California lại cảm thấy rùng rợn về một vụ án trong đó một cặp vợ chồng trẻ, đứa con trai 7 tuổi bị giết chết cách dã man tại tư gia, và một bé gái 12 tháng tuổi bị đánh trọng thương nhưng không chết, sống sót và bò lê quanh nhà 3 ngày cho đến khi được phát giác và cứu sống kịp thời. Những hình ảnh này hoặc những hình ảnh về chiến tranh, khủng bố, ám sát, tra tấn, giết người, buôn bán trẻ em, khai thác và lợi dụng tình dục trẻ em vẫn thường thấy xuất hiện trên truyền thanh, truyền hình và báo chí. Tất cả đều nói lên rằng ở những nơi đó, ở nơi tâm hồn những người làm việc đó không có tình yêu. Không có Thánh Thần Chúa trong họ. Họ không phải là “đền thờ Chúa Thánh Thần”, trái lại, là hang trộm cướp, và là những người bị Satan chế ngự.

Con người ngày nay phát minh ra nhiều phương tiện tinh vi đem lại cho cuộc sống nhiều phung phú, khởi sắc và thoải mái hơn. Ngược lại, nó cũng là những phương tiện để con người có thể gây đau khổ cho nhau và dẫn đến hủy diệt hơn. Một điều mà có lẽ ai cũng dễ dàng nhận ra là Thiên Chúa xem như đã vắng mặt trong nhiều sinh hoạt của con người. Tình yêu của Ngài tức Thánh Thần trong những trường hợp ấy, cũng đã bị loại bỏ, bị khai trừ. Tư tưởng này cũng đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói lên khi đứng trước trại giết người Autschwitz của Đức Quốc Xã ở Ba Lan trong chuyến Tông Du Mục Vụ của Ngài cuối tháng 5 vừa qua: “Tại sao Chúa yên lặng?!” trong những tình huống đau khổ của con người như thế này!!!

- Làm sao Thiên Chúa hài lòng được trước những hành động và lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính?

- Làm sao Ngài vui khi thấy bao nhiêu gia đình bị tan vỡ, bao nhiêu trẻ thơ bị giết chết trong lòng mẹ, hoặc bị lợi dụng, bị bán vào những dịch vụ buôn bán hay phục vụ tình dục?

- Làm sao Ngài vui khi thấy từng đoàn lũ những người vô tội bị lùa vào những lò sát sinh tập thể, và hằng triệu triệu thai nhi bị giết chết hằng năm do chính cha mẹ của mình?

Nhưng vì “Thiên Chúa là tình yêu”, nên hoạt động của Thánh Thần vẫn tiếp tục nơi những tâm hồn ấy mặc dù họ chối từ Ngài, xua đuổi Ngài. Chính nơi những sự dữ kia lại là nguyên nhân giúp con người khám phá và tìm ra sự có mặt của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Con người ngày nay đang đói khát tình yêu. Khao khát sự hiện diện và tình yêu của Ngài.

Thánh Phaolô đã nhìn sự dữ bằng cái nhìn giải thoát khi Ngài cho rằng “mọi sự đều là hồng ân”. Thật vậy, trong khi con người bị đẩy vào tuyệt vọng, cũng chính là lúc con người cảm thấy cần đến tình yêu Thiên Chúa. Và vì thế, chỉ cần con người nhận ra sự thiếu thốn và bất lực của mình, biết mình đang bị tội lỗi và Satan chế ngự, thì lập tức tình thương Thiên Chúa đến để trám vào chỗ thiếu thốn, vô vọng, và đau khổ kia nếu linh hồn biết nhìn lên Ngài, vì Ngài là “tình yêu”.

Tóm lại, để suy về Thánh Thần Thiên Chúa, để nghĩ đến Ngài, và để khám phá ra Ngài, Kitô hữu chúng ta không cần nhiều đến những lý lẽ cao siêu, trìu tượng về Chúa Ba Ngôi, về Chúa Thánh Thần, mà chỉ cần suy nghĩ và khám ra ra tình yêu nơi chính mình, nơi tha nhân:

- Tình yêu êm dịu bao nhiêu là Thiên Chúa chúng ta dịu êm bấy nhiêu.

- Tình yêu ngọt ngào bao nhiêu là Thiên Chúa chúng ta ngọt ngào bấy nhiêu.

- Tình yêu đáng yêu, đáng qúi bao nhiêu là Thiên Chúa chúng ta đáng yêu, đáng quí bấy nhiêu.

- Tình yêu bao la bao nhiêu là Thiên Chúa chúng ta vỹ đại, tuyệt vời bấy nhiêu.

Và tất cả còn hơn thế nữa, tình yêu Thiên Chúa tuyệt vời, khôn ví như chính Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có tình yêu lớn lao hơn kẻ liều mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Gioan 15:13).

Vậy mỗi khi Kitô hữu chúng ta nghĩ về Thiên Chúa và cảm nhận được Ngài cũng là những lúc chúng ta xin Chúa Thánh Thần khởi động trong tâm hồn chúng ta lòng tri ân Thiên Chúa, yêu mến, và thiết tha phụng sự Ngài. Thái độ biết chia sẻ, lắng nghe, tôn trọng và tha thứ đối với anh chị em với một tấm lòng yêu thương, chân thật. Như vậy, là chúng ta chứng thật, xác quyết bằng hành động tình yêu Thiên Chúa, Ngôi Ba Thiên Chúa đang có mặt trong cuộc sống của chính chúng ta. Và như vậy là chúng ta xác nhận bằng hành động và niềm tin; đồng thời cảm nhận tình yêu Thiên Chúa tức là Thánh Thần trong cuộc đời và cộc sống mỗi người chúng ta.

“Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài”. Xin Ngài ngự đến ngôi đền mà Chúa Cha đã tạo dựng, Chúa Con đã cứu chuộc, và chính Ngài là Đấng thánh hóa. Con xin Ngài khai trí khối óc nhỏ bé, đốt nóng trái tim đơn sơ, trau chuốt đôi tay vụng dại, và những khả năng giới hạn của con để nhận ra sự hiện diện của Ngài, để con cảm nhận được Ngài, và để con ra đi làm tin mừng cho tình yêu thương Ngài là chính Thiên Chúa của con: “Ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát xuất ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần” (Act 2:1-4).

Trần Mỹ Duyệt

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.06.2006. 23:11