Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chủ đích của tiểu thuyết Mật Mã Da Vinci

§ Phạm Hoàng Nghị

Đúng như dự liệu, nhiều người đã lên tiếng phản đối cách thức Dan Brown mô tả Đức Giêsu, bà Maria Mađalêna, giáo hội Công giáo, hiệp hội Opus Dei trong cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci. Tác giả bị kết án là phạm thượng, gian trá và báng bổ đạo Công giáo.Tuy nhiên, tôi ngờ là chủ đích của tiểu thuyết này nằm ở chỗ khác.

Điều chắc chắn là những khái niệm non nớt tác giả tung vào cuốn Mật mã Da Vinci liên quan đến Đức Giêsu và Maria Mađalêna chẳng nên gây sốc quá độ cho bất cứ ai. Khi các nhân vật giả tưởng trong tiểu thuyết của Dan Brown nói rằng Đức Giêsu không phải là Con Thiên Chúa mà chỉ là một hiền nhân, họ chỉ lặp lại điều mà hầu hết những con người bằng xương bằng thịt trên mặt đất này – những người theo Ấn giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Nhất thể giáo (Unitarians) và đủ loại người không phải là Kitô hữu – vẫn hằng tin tưởng như thế. Nói vắn tắt, nếu các nhân vật của Dan Brown lộng ngôn về điểm này, thì rất nhiều người trên thế giới cũng phạm thượng như vậy. Chung cuộc thì nếu Mật mã Da Vinci có dựa trên những chứng cứ nông cạn hời hợt đáng buồn cười mà “kết tội” Đức Giêsu - chẳng có điều gì hung hiểm hơn là đã không sống độc thân và không phải là Thiên Chúa – thì đó có thể là những lời dối trá, nhưng không phải là những chủ tâm xuyên tạc các sự kiện lịch sử khả dĩ chứng minh được.

Cả việc hiệp hội Opus Dei bị kết án một cách bất công cũng thế, mặc dù có nhiều mô tả sai lạc trong cuốn tiểu thuyết này. Người tu sĩ sát nhân màu da bạch tạng, đúng là phạm tội ác khi không tuân thủ lệnh truyền của “tổng quản chủ tịch” Opus Dei là Aringarosa, rõ ràng không mang ý nghĩa đó là một thành viên tiêu biểu, và rõ rệt là hiệp hội giả tưởng Opus Dei ở đây không phải là một tổ chức tội ác nhưng chỉ là một con cờ chốt trong tay tên hung phạm đích thực của cuốn tiểu thuyết. Thực tế là hầu hết những sai lầm của Dan Brown về hiệp hội Opus Dei dường như phản ảnh ý thích tạo chuyện giật gân và thiếu chứng cứ một cách giản đơn hơn là ác ý.

Không, nạn nhân thực sự của những xuyên tạc trong cuốn tiểu thuyết này là Giáo hội Công giáo. Nơi tiểu thuyết này, vô số sai lầm về những sự kiện trong lịch sử Giáo hội đều tất cả cùng phối hợp với nhau nhằm một mục đích duy nhất: không phải để phỉ báng Đức Giêsu hay hiệp hội Opus Dei, mà là làm cho Giáo hội Công giáo Rôma – theo ngôn từ của Dan Brown là “toà thánh Vatican” – hiện nguyên hình là kẻ hung ác, miệt thị phụ nữ, là kẻ đói khát quyền lực trong lịch sử thế giới.

Người ta đã viết nhiều về những mô tả sai lạc của Dan Brown về nghệ thuật, kiến trúc, các tổ chức và các tài liệu, nhưng những sai lầm này, ngoài việc làm cho các biên tập viên của ông ta phải mắc cở ra, thì tương đối gây ra ít tác hại. Cũng không có cái tác hại lớn lao nào gây ra do các giả thuyết và giải đoán được một số nhân vật hư cấu của Brown bàn tới, những điều này chắc chỉ là ở trong lãnh vực của phỏng đoán – phỏng đoán giả tưởng thôi.

Nguy cơ trầm trọng đích thực xuất phát từ cuốn tiểu thuyết này là những đề cập thường xuyên đến các sự kiện lịch sử không hề có thực: những vấn đề liên quan đến hoàng đế Constantinô, công đồng Nicea, các “sách phúc âm” Ngộ giáo, giáo tông Clementê V, hội Sion dỏm, hiệp sĩ thánh chiến, họa sĩ Leonardo da Vinci, lòng sùng kính đối với Mađalêna, việc hành quyết các phù thủy, và còn nhiều nhiều nữa. Mới đây, tài tử Jean Reno, người thủ vai thám tử Bezu Fache thuộc sở cảnh sát Paris, nói rằng sự kiện lịch sử tường thuật trong cuốn tiểu thuyết này “không phải là kiểu cách xảy ra trong thực tế.” Điều đó cần phải được nói lớn tiếng lên hơn nữa. Bảo rằng cuốn sách này là “tiểu thuyết giả tưởng” cũng chưa đủ, vì tiểu thuyết giả tưởng thường chứa đựng những sự thực của lịch sử. Không phải tiểu thuyết nào cũng chỉ đơn thuần là một sản phẩm của khoa học giả tưởng. Trong trường hợp của Mật mã Da Vinci, nhiều sự việc dường như có căn bản lịch sử đáng tin cậy lại là những điều hoàn toàn hư cấu.

Khi mà những điều đó không thể là những lầm lỗi do tình cờ - vì chúng do chủ tâm và có chủ đích – thì không có nghĩa là Dan Brown nhất thiết phải có ý định báng bổ người Công giáo hoặc Giáo hội. Có lẽ, để cho cốt chuyện có ý nghĩa, cuốn tiểu thuyết chỉ cần đến một tên ác nhân, và, số phận may rủi lại rơi trúng vào Giáo hội, Brown đã tiến hành, bằng đường lối phóng túng của thi ca và nhờ tiếng nói của các nhân vật giả tưởng, đã vẽ nên những nét rất to đậm. Điều chắc chắn là, để làm cho Giáo hội thành kẻ ác nhân, ông phải bịa chuyện ra, và biết rõ là ông đang bịa chuyện.

Rồi, dĩ nhiên, tiểu thuyết gia và các nhân vật hư cấu được phép phóng ra mọi điều dối trá họ muốn. Kết tội họ đã nói dối là điều vô nghĩa. Nếu mỗi độc giả thuộc nằm lòng những lời ghi nơi trang bản quyền trong cuốn tiểu thuyết thì hay biết mấy: “Trong công trình hư cấu này, các nhân vật, địa danh và sự việc đều là sản phẩm do trí tưởng tượng của tác giả hoặc đều hoàn toàn được xử dụng để hư cấu.” Quả thực, trong một số khung cảnh lý tưởng mà mỗi độc giả đều hiểu tường tận lịch sử Giáo hội, thì những điều vô nghĩa làm ra vẻ mô phạm do giáo sư Langdon và Leigh Teabing phun ra chỉ gây nên trò cười.

Nhưng chao ôi, chúng ta không sống trong khung cảnh đó, và nhiều người đã lầm lẫn coi những giả tưởng trong cuốn tiểu thuyết đó là sự thật.

Hơn nữa, đặt những lầm lẫn như thế sang một bên, chính tiểu thuyết lại là một hình thức truyền thông rất mạnh. Khi ta coi một cuốn phim hoặc đọc một cuốn sách, trí tưởng tượng của ta được hướng dẫn, được hình thành. Tình cảm được quấy động, câu hỏi được đặt ra. Cảm tưởng – có thể đúng, có thể sai – được định hướng. Liên tưởng được tạo lập.

Các cơ sở thương mại chịu chi trả hàng triệu mỹ kim cho mấy giây đồng hồ quảng cáo trong trận túc cầu Super Bowl. Ít có vấn đề đặt ra khi ai cũng biết các quảng cáo này không phải là phim tài liệu, được thực hiện nhằm để bán một sản phẩm. Dù sao thông điệp họ muốn truyền đạt đã được chuyển đi. Nếu mấy giây đồng hồ trên màn ảnh đáng giá như thế, thì hãy tưởng tượng xem sức mạnh của hàng giờ ta bỏ ra để đọc cuốn tiểu thuyết hoặc tác động thị giác của cả một cuốn phim ra sao.

Điển hình ở đây là hãng xe Mercedes-Benz chắc phải thích thú khi thấy chiếc xe Smartcar của họ xuất hiện trong cuốn phim Mật mã Da Vinci; họ tin tưởng là hình ảnh đó sẽ ảnh hưởng đến thái độ của người tiêu dùng. Cũng tương tự như thế, giáo hội Công giáo có đủ lý do để chẳng có gì thích thú với sự xuất hiện của mình trong cuốn phim. Trong trường hợp này, một hình ảnh sai lạc và xấu xa được truyền đi cho khắp thế giới coi, vì Mật mã Da Vinci đưa ra ấn tượng rõ rệt là Giáo hội không chỉ sai lạc – như tôi đã trình bày, trong ý nghĩa nào đó, dù sao thì hầu như cả thế giới đều tin như vậy – nhưng còn đồi bại và dối trá, một cơ cấu tội ác khổng lồ được tổ chức để bảo vệ một sự lừa bịp, nói theo Teabing trong truyện là “câu chuyện lớn lao nhất chưa ai rao bán”. Có phải quá đáng khi giả thiết rằng điều này sẽ ảnh hưởng lên thái độ của khán giả đối với Giáo hội ?

Sự công kích của cuốn tiểu thuyết có vẻ làm ra như không chủ tâm, bởi vì Dan Brown tỏ ra phần nào giả ngơ giả điếc về những gì là Công giáo. Ông chứng tỏ không có bất cứ “cảm nghiệm” nào về cách thức người Công giáo suy nghĩ và phát biểu. Thực vậy, dường như Brown không hiểu ý nghĩa thế nào khi là một thành phần của Giáo hội. Đối với người Công giáo, Giáo hội không phải chỉ là một hiệp hội đạo đức, một cơ cấu tôn giáo, hoặc một thực thể lịch sử đáng tôn trọng, mà còn hơn thế nhiều. Đối với người Công giáo, Giáo hội chính là điều mà tiểu thuyết Mật mã Da Vinci gợi ra đối với Maria Mađalêna, đó là: Hiền thê của Đức Kitô đã trở nên cùng xương thịt với Người. Trong Giáo hội, các Kitô hữu là thành phần trong một thân thể thần bí của Đức Kitô. Thực ra, chính một phụ nữ là thánh Joan thành Arc (nước Pháp) đã phát biểu: “Về Đức Giêsu Kitô và Giáo hội, tôi chỉ biết rằng cả hai đều chỉ là một, và chúng ta chẳng nên làm cho vấn đề đó thêm khó hiểu làm chi.”

Vậy mà Brown viết về thực thể huyền nhiệm và thánh đức này như thể đó là một Câu lạc bộ doanh nhân với dòng dõi có phần lâu đời hơn, kinh tởm hơn. Xét theo cách thức người Công giáo hiểu về Giáo hội, thì điều không thể tránh khỏi là cách mô tả Giáo hội sai lạc đến đớn đau của Brown - dù chỉ là giả tưởng – cũng sẽ được coi là xúc phạm chĩa vào cá nhân, vì lẽ tới mức độ rất sâu xa, đó chính là cá nhân.

Bằng phương pháp loại suy, hãy tưởng tượng phản ứng của bạn ra sao nếu một tiểu thuyết gia bảo bạn: “Tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về gia đình bạn, trong đó bạn và người thân được mô tả là một băng đảng tội ác và đồi bại. Tôi sẽ dùng tên thật của bạn, tên cha mẹ ông bà của bạn. Tất cả các sự việc liên quan đến gia đình bạn – trong thực tế một số đều có thật – và sẽ được trình bày như là thành quả đã được sưu tầm cẩn thận trong lịch sử. Nhưng – bạn dừng lo – đó chỉ là tiểu thuyết, rồi sau đó tôi sẽ để cho bạn có cơ hội đáp ứng lại những điều không đúng trong sách của tôi.”

Dĩ nhiên, người tác giả tưởng tượng đó có quyền xuất bản cuốn tiểu thuyết này. Câu hỏi đặt ra ở đây lại là chuyện khác: Có ai, với một ý thức ứng xử đứng đắn hoặc có trách nhiệm, lại đi viết một cuốn tiểu thuyết như vậy, và rồi – khi cuốn truyện trở thành một thành công trên khắp thế giới được nhiều độc giả coi trọng quá mức – lại đem cuốn truyện quay thành phim ảnh? Tôi thấy khó mà tin rằng đây là loại công việc mà hãng phim Sony và Dan Brown mong muốn được hình dung là họ đang thực hiện.

John Wauk là một linh mục người Mỹ thuộc hiệp hội Opus Dei. Ông sinh trưởng tại Chicago. Học lịch sử và văn chương thời Phục Hưng tại đại học Havard, và triết học tại Giáo hoàng Học viện Thánh giá tại Rome. Trong 10 năm qua ông sinh sống tại Rome, giảng dạy văn chương và đức tin Công giáo tại Giáo hoàng Học viện Thánh Giá.

(Nguồn: jesusdecoded.com, Bài của Lm John Wauk – Phạm Hoàng Nghị chuyển ngữ)

Phạm Hoàng Nghị

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 13.05.2006. 20:49