Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chiến thắng đầy cam go cho người Công giáo Trung Hoa

§ Phụng Nghi

(VietCatholicNews 07/07/2007)

Sau đây là bài bình luận của Lm. Raymond de Souza, báo National Post (Canada)Trong lá thư lịch sử gửi người Công giáo nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhân danh người Công giáo Trung Hoa tuyên bố sự chiến thắng các nhà lãnh đạo Công giáo, một tuyên bố chiến thắng thầm lặng, không âm thanh.

Lá thư của Đức Thánh Cha được phổ biến cuối tuần qua, chính thức thu hồi các điều khoản đặc biệt dành cho Trung quốc trong nhiều thập niên qua, phục hồi Giáo hội Công giáo tại Trung quốc trở về trạng thái bình thường – hoặc là gần trạng thái bình thường càng nhiều càng tốt - dưới một chế độ cộng sản vẫn còn từ chối không cho công dân mình được hưởng đầy đủ quyền tự do tôn giáo. Nhưng sự trở lại gần với bình thường cũng đã là một chiến thắng to lớn cho đức tin của người Công giáo Trung hoa.

Tưởng cũng cần nhắc lại sơ lược về bối cảnh. Ngay sau khi chiếm được chính quyền năm 1949, những người theo chủ nghĩa Mao đã âm mưu triệt hạ tất cả mọi tôn giáo, như là lề thói trong các chế độ cộng sản. Nhưng đến cuối thập niên 1950, một chủ trương mới được tiến hành, mưu lược và ngấm ngầm hơn. Trung quốc lập nên tổ chức Công giáo biệt lập của mình – mệnh danh Giáo hội Công giáo Yêu Nước – ít nhiều cho phép người Công giáo sống đức tin của họ. Người Công giáo cũng có thể công nhận Đức Giáo hoàng làm vị lãnh tụ tinh thần, nhưng Trung quốc từ chối quyền Tòa thánh được cai quản Giáo hội tại Trung quốc như vẫn thường quản trị Giáo hội hoàn vũ. Đặc biệt hơn, chính quyền Trung quốc đặt nặng việc bổ nhiệm giám mục cho Giáo hội Yêu nước mà không cần lệnh của Đức Giáo hoàng – đó là một vi phạm nghiêm trọng giáo luật và gây ra tình trạng ly giáo.

Chiến thuật chia-để-trị khởi đầu đầy hứa hẹn. Nhiều giám mục và linh mục trở thành hội viên của Giáo hội Yêu nước, chấp nhận các hạn chế của nhà nước, coi đó như là điều sai trái cần thiết phải chấp nhận để được tự do thờ phượng. Một số vị khác không chấp nhận sự cộng tác như thế, coi đó là sự phản bội đức tin, và do đó một Giáo hội bí mật được khai sinh. Đối với người cộng sản, tình hình như vậy thật lý tưởng. Họ có thể bắt bớ giết hại những người thuộc Giáo hội bí mật mà đồng thời lại có thể chỉ tay vào cái Giáo hội Yêu nước bề ngoài trông mềm dẻo kia như là một tấm gương cho thấy có sự khoan dung về tôn giáo.

Về phần mình Tòa thánh từ chối không chấp nhận một sự xâm phạm quá mức như thế đến quyền lợi của người Công giáo. Đó là lý do tại sao Tòa thánh vẫn còn là một trong số ít các thành viên trong cộng đồng quốc tế không lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.

50 năm đã qua, tình hình đã biến chuyển. Chế độ toàn trị của Trung quốc đã mềm dẻo phần nào, cho phép tự do tôn giáo tại một số địa phương, ít ra về thực hành, không về luật pháp. Hơn thế, Giáo hội bí mật đã không tàn lụi mà lại mạnh mẽ, sống động và dũng cảm. Còn Giáo hội yêu nước thì, trớ trêu thay, lại ngấm ngầm tái khẳng định sự hiệp thông và trung thành với Tòa thánh Roma. Chỉ trừ một số rất ít còn hầu hết các giám mục thuộc Giáo hội yêu nước đã xin Đức Thánh Cha chấp nhận và do đó được coi là “hợp lệ”. Thực ra đó chưa phải là điều lý tưởng – vì sự hiệp thông bí mật với Tòa thánh Roma chưa chính xác là một sự hiệp thông đầy đủ, cụ thể thấy được – nhưng rõ ràng là Giáo hội yêu nước không thấy mình là một thực thể có thể thay thế cho Giáo hội Công giáo tại Trung quốc được. Không có hai Giáo hội tại Trung quốc, mà có một, và một này là thành phần của Giáo hội hoàn vũ. Cuối cùng thì bằng giá của bao nhiêu khổ đau và nhiều máu đào, người Công giáo tại Trung quốc đã không để cho người cộng sản chia để trị.

Lá thư của Đức Thánh Cha khuyến khích thành phần đa số các giám mục “yêu nước” đang hiệp thông với Tòa thánh Roma ra mặt công khai xác nhận điều đó. Còn đối với các giám mục thầm lặng, ngài yêu cầu chính quyền Trung quốc nhìn nhận họ; nói cho cùng thì nếu các giám mục “ái quốc” đã có hiệp thông với Roma, thì tại sao các giám mục thầm lặng lại phải sống lén lút để cũng hiệp thông như thế? Đối với toàn thể cộng đồng Công giáo, Đức Thánh Cha khuyến khích họ hòa giài với nhau và tha thứ các điều bất công trong quá khứ. Để cho những hạt giống chia rẽ mà người cộng sản tìm cách gieo rắc được nảy nở thành một mùa gặt tố cáo lẫn nhau là trao cho họ một chiến thắng sau này.

Trong lúc vấn đề Trung quốc là vấn đề đáng chú ý đối với Giáo hội Công giáo thì nó lại không chiếm vị trí cao trong nghị trình của người cộng sản Trung quốc; đối với họ đàn áp giáo phái Pháp Luân Công là một ưu tiên cấp thiết hơn. Nhưng đối với Thiên chúa giáo trên toàn thế giới, người Công giáo Trung hoa không phải là không quan trọng. Số người Công giáo tại Trung quốc chắc chắn là nhiều hơn số tín hữu Công giáo tại Canada, và xét về phẩm chất, người Công giáo Trung hoa đầy sức sống và tinh thần phúc âm hơn là giáo dân tại Canada hoặc ở Âu châu.

Vì vậy sự kiên trì trong đức tin của họ là lý do đáng cho ta vui mừng, là bằng chứng rằng có một Giáo hội nữa bị bách hại đã tồn tại được. Vẫn còn những bách hại và tự do tôn giáo cần phải được nhìn nhận. Vẫn còn một số giám mục và linh mục thuộc Giáo hội thầm lặng bị giam cầm. Nhưng trên hết cả là đã có một trận chiến có giao tranh, và đã có thắng lợi.

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.07.2007. 16:22