Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Biến Cố Da Vinci Code

§ Đỗ Trân Duy

Trích Maranatha #78

LTS: Xuất bản năm 2004, cuốn The Da Vinci Code của tác giả Dan Brown trở thành cuốn best seller trong vòng hai năm qua. Cuốn sách này là một cuốn tiểu thuyết trinh thám giả sử. Người ta bị hấp dẫn vì kỹ thuật tạo tò mò và giải quyết các tò mò đó theo từng chương. Đồng thời, những mẫu chuyện giả sử dựa lên những tên tuổi và địa danh có thật tạo cho người đọc cái cảm giác rằng những dữ kiện xa xưa là ‘thật’ và qua đó mình đã ‘khám phá’ một sự thật dấu kín của một tổ chức đáng sợ là “Hội Thánh Công Giáo.” Dan Brown một nhà giáo và là một tiểu thuyết gia chứ không phải là một nhà sử học; và dù cho ông tuyên bố rằng tiểu thuyết của ông chỉ là một cuốn sách ‘hư cấu’ (fiction) mà thôi, thì các tình tiết có vẻ như thật trong tác phẩm khiến nhiều độc giả không biết hoặc ít biết về Công giáo có cái nhìn lệch lạc. Cuốn sách này ‘ăn khách’ đến độ năm vừa qua một bản dịch vội vã đã được phát hành tại Việt Nam và bị búa rìu dư luận phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, để cho độc giả không bị lung lạc bởi nội dung của một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn hư cấu, mà mục đích duy nhất là tìm lợi nhuận, Maranatha đăng bài nhận định sau đây của Đỗ Trân Duy. Cũng xin nói rõ rằng ngày 15-3-2005, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã chính thức phê phán cuốn sách này là ‘bóp méo sự kiện lịch sử’...


Năm ngoái (2005), nhân lễ kính thánh Mađalêna, tôi đã có dịp trình bày về vấn nạn Da Vinci Code (Maranatha, số 52). Dạo đó, chỉ dám nhắc đến cách xa xa. Gần đây, sự kiện Da Vinci Code nổ lớn khiến ai cũng biết. Nó trở thành một kiến thức thời trang, một biến cố thời đại, một công trình chống Chúa. Tôi xin phép trở lại vấn đề này một cách thẳng thắn hơn.

Da Vinci Code Là Gì?

“The Da Vinci Code” (mật mã của Da Vinci) là tên cuốn tiểu thuyết của Dan Brown. Xuất bản năm 2003. Từ đó sách vẫn đứng đầu có số bán cao nhất hằng năm. Hiện sách đã bán trên 40 triệu cuốn và được dịch ra 44 thứ tiếng. Vào giữa tháng 5, 2006 phim cùng tên sẽ được trình chiếu. Chắc chắn phim sẽ lôi kéo thêm nhiều triệu khán giả nữa. Brown cho biết cốt truyện dựa trên sử liệu của Robert Langdon, giáo sư Ký Hiệu Tôn giáo (Religious Symbology), Đại học Harvard và tài liệu của rất nhiều người trong số đó có Leigh Teabing, Margaret Starbit, Timothy Freke, Lynn Picknett, và Henry Lincoln (toàn là những cây viết nổi tiếng về bài bác Công Giáo). Để làm ra vẻ một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, Brown ghi lời cảm tạ những cơ quan đã giúp hắn thực hiện cuốn sách. Trong số đó có Catholic World News. (Chủ nhiệm của Catholic World News cho biết bài viết của hội được phổ biến miễn phí trên internet cho tất cả mọi người. Hội chưa bao giờ giúp Brown tra cứu bất cứ vấn đề gì.)

Truyện kể rằng Robert Langdon, trong khi khảo cứu những ký hiệu tôn giáo liên quan đến danh họa Leonardo Da Vinci, đã khám phá ra bộ mật mã ghi chú những bí ẩn của Công Giáo. Langdon trở thành mục tiêu săn đuổi của những tu sĩ dòng Opus Dei. Họ muốn diệt ông để bịt miệng. Những bí sử của Công Giáo được giải mật là: 1) Đức Giêsu là một người phàm. 2) Đức Giêsu lập gia đình với bà Maria Mađalêna. 3) Hai người sanh ra một người con gái. 4) Maria Mađalêna là chủ giáo hội và được tôn là nữ thần. 5) Đức Giêsu chỉ được phong là Thiên Chúa kể từ thế kỷ IV, do nhu cầu chính trị của vua Constantine. 6) Thánh Kinh chính thức của Công Giáo là Phúc Âm theo Maria Mađalêna. 7) Vatican tìm mọi cách diệt trừ hậu duệ của Đức Giêsu, để duy trì một tôn giáo do họ đặt ra.

Brown cho biết truyền thuyết về cuộc truy tìm Chén Thánh (chén rượu Đức Giêsu dùng trong bữa tiệc ly) chính là cuộc truy tìm Maria Mađalêna. Thân thể của bà là chén thánh vì cưu mang hài nhi, con của Đức Giêsu. Các hiệp sĩ trong cuộc truy tìm đã phải dùng mật mã để tránh cuộc tàn sát bịt miệng của Vatican. Sát thủ không gớm tay là những tu sĩ dòng Opus Dei. Họ là những người mặc áo chùng vải thô, ngủ trên chiếu rơm, tu theo lối hành xác. Họ làm bất cứ gì kể cả giết người, đầu độc, dối trá, vô luân, trộm cắp, để phục vụ Vatican. Brown vẽ ra Opus Dei là một dòng tu thần bí. Mục đích của Opus Dei là làm giàu và đoạt quyền bính. Dầu vậy chi họ của Đức Giêsu vẫn tồn tại cho đến ngày nay ở bên Pháp, nhờ sự bảo vệ của một dòng kín tên là Sion.

Thực Chất Của Biến Động “The Da Vinci Code”

Luợc theo dòng lịch sử chúng ta thấy luôn luôn có những tiên tri giả muốn định hướng cho số mệnh con người. Nietzsche cho Thượng Đế đã chết. Huxley cho vũ trụ tồn tại bởi chính nó. Heidegger cho đời sống chỉ là khoảng thời gian hướng tới cái chết. Marx cho tôn giáo là á phiện ru ngủ dân đen. Freud cho tôn giáo là một ảo ảnh và chỉ mang đến sự sợ hãi. Camus cho đời là vô nghĩa. Satre đặt câu hỏi tại sao tôi bị sinh ra… Dầu sao tư tưởng của những người này cũng chỉ giới hạn trong tầng triết thuyết, một tầng văn hóa người bình dân không biết tới. Vả lại theo thời gian, những kiến giải của họ đã lần lượt trở thành sai lầm. Duy có thuyết Marx-Lenin có tiềm lực tạo ra chế độ Mác-xít đầy quyền lực để tiêu diệt Kitô giáo. Nhưng sức mạnh vũ lực lại cũng đã thất bại. Sau 70 năm Nga Sô kiên trì xóa bỏ tôn giáo, cuối cùng chính quyền Liên bang Sô Viết sụp đổ, nhưng Chính Thống Nga giáo vẫn tồn tại.

Bây giờ, lần đầu tiên trong lịch sử, một phương cách mới chống Kitô ra đời. “The Da Vinci Code” (giống như loại truyện chưởng võ hiệp) thuộc loại pop culture (văn hóa thông tục). Cốt truyện hấp dẫn mọi người vì nó có một mối tình lãng mạn, một âm mưu kỳ bí, một cuộc phiêu lưu kinh dị, một đả kích đầy kích thích, một đòn tâm lý thỏa mãn lòng đố kị. Về mặt trí thức, nó tóm gọn mọi khuynh hướng của nền văn hóa duy lý cận đại vào một gói. Chúng là một thách đố về giáo quyền, một đòi hỏi nữ quyền, một phủ nhận thần quyền, một hoài nghi về chân lý do tôn giáo công hiến, một tự kiêu về khả năng cá nhân. Tất cả những chủ đề này đã có sẵn như trái bom âm ỉ của thời đại duy lý. Brown đã châm ngòi cho trái bom nổ tung. Nói một cách khác, Brown đã thành công mang đến cho mỗi người một cái gì đó mà họ muốn.

Điều đáng buồn là đối với nhiều người, pop culture là phương tiện duy nhất để họ nhận thức thực tại. Họ không thể tin Thượng Đế, nhưng lại rất dễ tin vào báo chí, phim ảnh, thuyết hoang tưởng, và lời hứa của những kẻ lộng ngôn. Văn hóa thông tục cung cấp cho họ những gì họ muốn nghe, muốn thấy, muốn cảm, bất chấp bản chất thật sự của nó. Thành viên của của nền văn hóa thông tục đa số là những người trẻ tuổi. Họ lớn lên trong không gian nhạc pop, nghệ thuật pop, thời trang pop. Họ đề cao chủ nghĩa cá nhân. Họ thích sống trong thế giới thả lỏng dục tính. Họ mau lẹ chấp nhận những khởi xướng đả kích cái cơ chế có luật lệ vững vàng, mà không cần có lý do chính đáng.

Những Sai Lầm Căn Bản Của Dan Brown

Brown đã sai lớn khi cho Opus Dei (tiếng La Tinh, có nghĩa là công việc của Thiên Chúa) là một dòng tu. Opus Dei chỉ là một hội đoàn do thánh Josemaría Escrivá sáng lập tại Spain vào năm 1928, được Tòa Thánh công nhận năm 1950. Hội được thành lập vì nhu cầu tâm linh sau cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Opus Dei chủ trương thánh hóa công việc hằng ngày như phương thức tu đức, để phụng vụ Thiên Chúa và cải thiện thế giới. Hiện nay hội viên có khoảng 84,000 giáo dân và 2000 linh mục, trải rộng trên 80 quốc gia. Riêng tại Hoa Kỳ số hội viên là 3000 người. Có một số hội viên khấn đời sống độc thân, nhưng họ không phải tu sĩ. Nếu nhìn vào con số nêu trên, tổ chức Opus Dei không tạo nên một ảnh hưởng lớn nào trong cộng đồng Công Giáo. Nhiều người còn không hề biết đến sự hiện hữu của tổ chức này. Cũng không hề có dòng tu Sion. Có một thời người ta đồn rằng có một nhóm chống Do Thái được thành lập ở Pháp lấy tên là Prieuré de Sion (1). Nhóm này có đăng ký với chính quyền năm 1956. Nhóm mập mờ ghi chú danh tánh các sư trưởng trong đó có cả Leonardo Da Vinci, Isaac Newton, và Victor Hugo. Câu truyện ngớ ngẩn này đã được làm sáng tỏ vào năm 1970. Làm sao Leonardo Da Vinci có thể nhân danh tu viện Sion, khi tu viện này không hiện hữu, để thi hành một sứ mạng mơ hồ nào đó.

Brown cho biết trong bức tranh “Last Supper” (Bữa Tiệc Ly) người ngồi bên phải Đức Giêsu không phải là thánh Gioan mà là bà Mađalêna. Bằng chứng là người đó có dáng dịu dàng và không có râu. Luận điệu một chiều này bất chấp sử liệu khi các thánh sử đều ghi rõ thánh Gioan là người trẻ tuổi không có râu. Về mặt hội họa, chẳng riêng gì Da Vinci, tất cả những tranh trong thời phục hưng khi vẽ thánh Gioan đều vẽ một chàng thanh niên không râu. Đó là biểu tượng văn hóa diễn tả một môn đồ, chưa trưởng thành, đang trên đường theo thầy học đạo.

Brown cho rằng lúc mới khai sáng, Công Giáo đã mượn giáo lý của những dị giáo đa thần. Giáo lý Công Giáo chỉ có khi vua La Mã Constantine khởi xướng, vào thế kỷ IV, vì mục đích chính trị. Brown đưa ra bằng chứng trước Công Đồng Nicê (năm 325) không ai tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Brown không hề nhắc tới Tân Ước đã được viết trước thời Constantine hằng 100 năm và những kinh điển, như thư của thánh Phaolô, đã phổ biến trước cả khi Phúc Âm được viết. Có lẽ ông ta cũng không biết Công Đồng Nicê quy tụ 300 giám Mục trong thế giới Công Giáo chỉ để công khai hóa đức tin đã có từ trước. Kinh Tin Kính với lời khẳng định Đức Giêsu là “Thiên Chúa từ Thiên Chúa, ánh sáng từ ánh sáng” là do Công Đồng Nicaê soạn ra.

Về sự liên hệ giữa Đức Giêsu và Mađalêna và vấn đề nữ quyền, sự kiện này tôi đã có dịp trình bày trong bài viết về thánh Mađalêna nên không nhắc lại ở đây. Tôi chỉ muốn thêm rằng Brown không giải thích được tại sao những người đàn ông lại tranh giành quyền hành với đàn bà, khi phần thưởng cho họ chỉ là những tù đày và xử tử. Không lẽ họ tranh thắng để được bị giết.

Brown nêu rõ tên Vatican và Công Giáo (Catholicism) làm đối tượng đả kích. Chủ ý của Brown là phê phán đạo lý của Kitô giáo là những lời nhuốm máu gian dối và khích động sự bạo tàn. Giáo Hội Công Giáo là một thể chế tàn ác, áp chế phụ nữ, và ghét những ai lập gia đình. Đức Giêsu thuần túy là người phàm, mọi thần tính chỉ là giả mạo, niềm tin cho Công Giáo là một tôn giáo chân chính bị loại bỏ. Thực ra Brown đã gom nhặt những mẩu truyện thần kỳ từ những thời xa xưa trong Ngụy Kinh và thuyết tân Ngộ Đạo (neo-Gnostis). Để cập nhật hóa, Brown trộn những mẩu truyện ấy vào tài liệu của những tác giả Thời Mới (New Age). Nhóm Thời Mới cho rằng mọi chủ đề của sự sống đều là vấn đề thuộc cá nhân, không phải là vấn đề của tôn giáo. Hấp lực chính câu truyện của Brown là sự hứa hẹn một con đường giải thoát từ thuyết Ngộ Đạo.

Ngụy Kinh (Apocryphal Gospels) là những kinh điển không được Giáo Hội Công Giáo công nhận. Apocrypha, tiếng Hy lạp, có nghĩa là “mật thư”. Danh xưng mập mờ này đã khơi động óc hoài nghi của những người “tân tiến”. Họ nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo loại bỏ những sách ấy vì muốn che dấu một sự thật kinh khủng nào đó. Giáo Hội loại bỏ Ngụy Kinh không phải để che dấu một sự thật khó nói, nhưng vì chúng có một giá trị rất thấp về thần học. Chúng đưa ra những chỉ dậy sai lầm về tín ngưỡng. Bạn có cần biết mắt Đức Giêsu không bao giờ chớp và bước đi của Người không để lại dấu chân trên cát? Đại loại đó là những “bí mật” được ghi trong Ngụy Kinh. Nguồn tài liệu này gồm có Phúc Âm (PÂ) theo thánh Phêrô, PÂ Tôma, PÂ Giacôbê, PÂ Maria [Mađalêna], PÂ Nicôđêmô, PÂ Giuđa. Ngoài ra còn có sách công vụ của các thánh Andrê, Phaolô, Phêrô, Philíp. Theo giáo sư Elizabeth A. Johnson, Ngụy Kinh được viết trong khoảng thế kỷ II và III. Vào thời gian ấy tất cả các vị tông đồ tiên khởi đã qua đời. Tuy nhiên kẻ hậu sinh đã tự nhân danh một vị tông đồ tiên khởi nào đó để có thẩm quyền trước tác, một tập tục thường có vào thời đó. Vì giá trị sử học của ngụy kinh không được xác thực nên nhiều ngộ nhận đã xảy ra.

Mới đầu, người ta kỳ vọng Ngụy Kinh sẽ là phần tài liệu bổ túc cho những phần thiếu sót của Tân Ước. Trái lại Ngụy Kinh chỉ thuật lại những gì vốn đã biết, nhưng với định kiến sai lầm. PÂ Giuđa chẳng hạn, cho biết Đức Giêsu bàn với Giuđa về kế hoạch bán Thầy. Đây là một công trình chạy tội cho Giuđa một cách vụng về. PÂ Phêrô cho biết khi Đức Giêsu bị đóng đinh, Người thản nhiên không hề đau đớn. Như vậy hóa ra Đức Giêsu không chịu cuộc khổ nạn hay sao? PÂ Maria kể rằng, một hôm Phêrô hỏi Đức Giêsu về vấn đề tội lỗi. Người trả lời không hề có cái gọi là tội lỗi. Đây rõ ràng là khái niệm tâm thức của Ngộ Đạo được gán cho Đức Giêsu. PÂ Tôma kể truyện Đức Giêsu phụ thánh Giuse đóng chiếc giường. Có tấm ván bị hụt chiều dài. Người bèn nắm đầu ván kéo nó dài ra cho bằng tấm ván kia. Không lẽ Đức Giêsu làm phép lạ để sinh sống? PÂ Nicôđêmô kể truyện tổ phụ Ađam ở trong hỏa ngục, ông sai con là Sét lên cửa Thiên Đàng xin dầu thánh để chữa bệnh suy nhược. Sau đó Đức Giêsu cứu Ađam khỏi tay Sa Tăng để lên thiên đàng. Ađam ở hỏa ngục sao? Nếu đã ở hoả ngục vẫn lên được thiên đàng sao?

Sách của nhóm tác giả Thời Mới đảo nghịch với Tân Ước 180 độ. Đức Giêsu được họ khám phá ra là người giầu có, được giáo dục kỹ càng để phục hồi ngôi báu David. Michael Baigent bật mí Đức Giêsu thoát nạn Thập Giá và vẫn sống bình an sau đó. Margaret Starbit dẫn giải nhà thờ xây theo kiểu Gothic là biểu tượng buồng dạ của người đàn bà. Đó là hiện thân của đạo thờ nữ thần của Công Giáo. Lynn Picknett tiết lộ tấm khăn liệm Turin là bức tự họa chân dung của Da Vinci. Mặc dù đây là nhưng điều quái dị, nhưng với trí thông minh, nhóm Thời Mới đã trình bày chúng trong dạng những tài liệu xác thực, nên có nhiều người tin họ.

Con người mới của thời đại duy lý cho “tự do” là nền tảng duy nhất của mọi giá trị. Những gì đi ngược với tự do đều bị chống phá và cấm kị. Kể cả trong tín ngưỡng, một tôn giáo chỉ đạt ấn tượng nếu tôn giáo ấy được trình bày như nguồn lực dẫn con người đến tự do. Vì vậy mà Ngộ Giáo được đề cao. Trên thực tế họ quan niệm tự do như một thứ nhân quyền, rồi sử dụng nó một cách quá trớn. Quyền tự do phát ngôn và trước tác chẳng hạn, đã bị lạm dụng để bóp méo chân lý. Nó đã phá hoại chính giá trị chân chính của tự do. Trong thông điệp Veritatis Splendor (Vẻ Huy Hoàng Của Sự Thật) đức Gioan Phalô II cho rằng thời đại chúng ta đang có cuộc khủng hoảng luân lý vì hai lý do: 1) tự do đã tách ra khỏi sự thật. 2) niềm tin đã tách ra khỏi luân lý. Có lẽ chúng ta không thể thay đổi được gì đối với những ai đã tin vào sách của Brown, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội để rao giảng chân lý cứu độ. Kitô hữu phổ biến rất nhiều tài liệu qua những hình thức: sách, tập nhỏ, và thư để giải thích sự lừa bịp của Brown. Đồng thời hơn 10 websites về giải mật (de-coding) của các cơ quan Công Giáo Hoa Kỳ được phát hành. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ (USCC) cũng có riêng 1 website: Jesudecoded.com.

Trên tất cả, chúng ta còn có tình thương để đáp lại. Trong dư hưởng của tuần Kính Lòng Thương Xót Đức Giêsu, chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Người kêu gọi chúng ta hãy đem tất cả những kẻ tội lỗi đổ vào trái tim của Người. Chỉ cốt để họ được tha thứ. Ông Marc Carroggio, đặc trách văn phòng liên lạc quốc tế của hội Opus Dei, nói, “Brown thuộc loại chủ nghĩa ăn bám. Tác giả nổi tiếng nhờ tấn công một khuôn mặt lớn. Nếu không có Đức Giêsu thì cuốn truyện chẳng ai thèm để ý… Tôi khảng định Opus Dei chỉ đáp lại bằng những lời hòa bình.” Một người ngoại đạo ở tận nước Thái Lan xa xôi, giáo sư Bono Publici nói, “Tôi thấy trên báo có bức hí họa George W. Bush đứng vấn kế Đức Giêsu làm thế nào để trở thành vị cứu thế. Có ai dám đăng hình tổng thống Iran nói chuyện với đức Mahômét không? Nhưng nếu họ đã đăng, chẳng ai nghĩ dân Kitô giáo sẽ đốt văn phòng của mình, nhưng người Hồi Giáo chắn chắn sẽ làm.”●

Đỗ Trân Duy


-------

(1) Chú thích của Maranatha, liên quan đến Prieuré de Sion.

Prieuré de Sion (Tu Viện Sion), được nêu tên lần đầu tiên năm 1956, là một tổ chức bí mật được bịa ra do một người Pháp tên là Pierre Plantard. Trong những tại liệu giả mà ông ngụy tạo năm 1976, với tên là Dossiers secrets d’Henri Lobineau (Hồ sơ mật của Henri Lobineau), Plantard trình bày tổ chức này là một hội dòng bắt nguồn từ năm 1099, liên quan đến Ordre du Temple (Dòng Đền Thờ) mà sứ mạng là giữ gìn bí mật cho dòng họ Mérovingien, để sau này khôi phục vương quyền cho triều đại Mérovingien tại Pháp.

Năm 1982, ba sử gia là Henry Lincoln, Michael Baigent và Richard Leigh dựa vào tài liệu này làm cơ sở để viết chung cuốn L’Enigme Sacré (Bí Mật Thánh), và thêm vào trong trong khảo luận này rằng dòng dõi Mérovingien là hậu duệ chính tông của Đức Giêsu và Maria-Mađalêna. Theo chiều hướng này, thì nhiệm vụ của Prieuré de Sion - mà ba đồng tác giả xem là có thật - ấy là dấu kín bí mật về ‘dòng dõi thánh’ này.

“Truyền Thuyết”: Tập tài liệu ngụy tạo ‘Dossier Secrets’ được xem như là ‘kinh thánh’ của Prieuré de Sion. Theo tài liệu đó, cộng đoàn này này từng có những thành viên nổi danh trong lịch sử, và ngoài Léonard da Vinci ra thì còn có những tên tuổi như: Nicolas Flamel, Isaac Newton, Claude Debussy, Botticelli, Victor Hugo, Charles Nodier, Jean Cocteau...Theo cuốn ‘L’Enigme sacré’, thì cộng đoàn Sion còn giữ nhiều bí mật khác, ví dụ như thuật giả kim, cũng như những huyền thoại liên quan đến thập tự chinh, các bí ẩn của dòng họ Sinclair và kho tàng Rennes le Château. (Những nhân vật, đia danh và dữ kiện được nói đến trong Da Vinci Code).

Sự thật: Đúng là Prieuré de Sion đã chính thức hiện hữu trong lịch sử. Tuy nhiên, sự thực thì chẳng có gì là bí mật và huyền hoặc cả. Đấy là một hiệp hội được thành lập theo bộ luật 1901 của Pháp, và do Pierre Plantard đăng ký vào ngày 7-5-1956, với bản nội qui còn lưu trữ tại tòa thị chính thị trấn Saint Julien en Genevois (Haute Savoie). Năm 1992, Plancard bị buộc tội là làm tài liệu ngụy tạo, và đã thú nhận trước tòa án Pháp rằng ông đã bịa ra ‘tổ chức bí mật’ kia, một tổ chức mà nhiệm vụ là phục hồi vương quyền tại Pháp cho miêu duệ của họ Mérovingien và của Đức Giêsu. Dù ông đã thú nhận rằng mình ngụy tạo tài liệu, thì nhiều tác giả nói tiếng Anh vẫn tiếp tục xem cuốn ‘Bí Mật Thánh’ là một tài liệu có cơ sở, rồi thêm thắt nhiều giả thiết vào đó.

Năm 1988, trong cuốn Le Pendule de Foucault (Con lắc của Foucault), Umberto Eco đã cho thấy rõ rằng những luận cứ để xác định sự hiện hữu của cái gọi là ‘tổ chức bí mật’ trên thì không hề có cơ sở. Thế nhưng 10 năm sau ngày thú nhận của Plancard, Dan Brown vẫn lấy lại hầu hết các chủ đề trong cuốn ‘Énigme sacré’ để tạo thành một cuốn tiểu thuyết câu khách: The Da Vinci Code.

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.05.2006. 02:26