Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bạn trả lời ra sao cho những người 'tin' vào Mật Mã Da Vinci?

§ Amy Welborn

VietCatholic News (15/05/2006)

Amy Welborn

Amy Welborn là tác giả của 13 cuốn sách, trong đó có "De-Coding Da Vinci: The Facts Behind the Fiction of the Da Vinci Code" (Giải Mã Da Vinci: Những Sự Thực Đàng Sau Các Hư Cấu của Mật Mã Da Vinci), "De-Coding Mary Magdalene: Truth, Legend and Lies" (Giải Mã Maria Mađalêna: Sự Thật, Truyền Kỳ và Những Điều Dối Trá), "The Da Vinci Code Mysteries: What the Movie Doesn't Tell You" (Những Bí Mật Của Mật Mã Da Vinci: Những Gì Cuốn Phim Không Kể Cho Bạn Nghe), tất cả đều do Nhà xuất Bản Our Sunday Visitor. Bà cũng là người sáng lập General Editor of the Loyola Classics series, chuyên in lại các tiểu thuyết lớn trong thế kỷ 20 có chủ đề tôn giáo.


Cũng như trong bất cứ đạo nào, có ba loại tín đồ tin theo Mật Mã Da Vinci:

* Những người tin rằng mọi khẳng định nói trong cuốn tiểu thuyết là thật. Những người này đã tới nghe các buổi nói chuyện của tôi, tay nắm chặt cuốn The Woman with the Alabaster Jar (Người đàn bà mang chiếc bình thạch cao) là một trong những tài liệu chính để Brown dựa vào mà viết nên cuốn tiểu thuyết. Họ đứng trước bản sao bức họa Bữa Tiệc Ly của Leonardo và trang trọng chỉ ra sự hiện diện của Maria Mađalêna trong đó.

* Những người ngạc nhiên về các khẳng định trong cuốn tiểu thuyết, hoài nghi vì trước đây chưa bao giờ nghe nói tới, nhưng đồng thời cũng chấp nhận khả năng có thể xảy ra. Họ thường thiếu căn bản học vấn về lịch sử và nghi ngờ rằng không có cách nào tìm biết được sự thật.

* Sau cùng là những kẻ thực sự không cần biết nội dung chính xác của Mật Mã Da Vinci ra sao, nhưng thích thú vì nó phá hoại Thiên Chúa giáo, và do đó “tin” một cách chung chung vào công trình đó và hoan hỷ chấp nhận.

Vậy bạn làm cách nào đối phó với họ?

Để trả lời cho những vấn nạn của những người thuộc hai nhóm đầu, bạn lúc nào cũng phải giữ từ ngữ “bằng chứng” (evidence) trong đầu, và đặt trọng tâm vào những điều căn bản.

Mật Mã Da Vinci là một mớ bòng bong, một mớ lộn xộn những lầm lẫn đến nực cười và những phát ngôn sai lạc trầm trọng. Mỗi trang sách đều có ít nhất một điều như thế. Có thể dễ bị sa lầy trong những chi tiết nhỏ, mất hàng giờ tranh biện về sự liên hệ giữa hình tượng Maria và Isis hoặc “ai với ai” trong bức họa Virgin of the Rocks của Leonardo. Tuy nhiên, cái may mắn là điều đó không cần thiết. Khi thảo luận về tính trung thực của Mật Mã Da Vinci, bạn chỉ cần dựa vào một vài điểm thiết yếu – và nhớ bám chặt vào những điểm đó.


Họ bảo…: ”Nhưng có một trang ở đầu cuốn tiểu thuyết nói về “Sự kiện có thật”. Trong cuốn tiểu thuyết còn liệt kê các sách vở tham khảo, cả trên mạng lưới điện toán – đó là những cuốn sách có thực – tôi đã thấy bày trong thư viện. Chẳng hạn như, những nhân vật của Brown nói rằng các sử gia tin là Giêsu và Maria Mađalêna đã kết hôn với nhau.”

Bạn hãy trả lời… Trong Mật Mã Da Vinci có đủ những sự thật đã bị xuyên tạc một cách trầm trọng. Đúng vậy, các nguồn ông ta liệt kê – như Holy Blood, Holy Grail và The Templar Revelation – đều có thật. Nhưng chúng không phản ảnh công trình học thuật đứng đắn về sử học. Bạn sẽ không thấy một phân khoa lịch sử tại một đại học nào trên thế giới xử dụng để làm giáo trình các công trình làm sườn cho các lý thuyết đề ra trong Mật Mã Da Vinci cả.

Còn có điều quan trọng là những tài liệu Brown không sử dụng tới. Có rất nhiều văn bản còn lưu lại được từ giữa thế kỷ I cho tới thời đại hoàng đế Constantinô ở thế kỷ thứ 4 chẳng hạn, cho ta biết rất rõ những điều các tín hữu thời sơ khai tin nhận. Trong những tài liệu đó Brown đã không sử dụng một tài liệu nào hết.

Nên hỏi – và thảo luận – tại sao lại như vậy. Những gì nói trong các nguồn tài liệu đáng tin cậy này mà Brown lại bỏ qua?


Họ bảo…: Chuyện này thật có sức thuyết phục, đó là Hội kín Sion đã bảo vệ bí mật về Maria Mađalêna, về con người thật Giêsu, và về Chén Thánh thật. Chuyện này rất đáng tin đối với tôi.

Bạn trả lời… Phải, có thể là như thế. Nhưng hãy xem đây:

* Hội Kín Sion (hay Tu Hội Sion), như Brown mô tả, thực ra đã không hề có thật. Hội Kín Sion là một nhóm nhỏ mấy người bất mãn theo chế độ quân chủ thuộc hữu phái bài Do thái thành lập năm 1956 tại Pháp. Các tài liệu Brown mô tả trong sách là các tài liệu họ giả mạo và đem lén lút vào các thư viện ở Pháp. Âm mưu giả mạo đã bị vạch trần rộng rãi tại Pháp vào đầu thập niên 1970. Xin lặp lại: Không có Hội Kín Sion nào cả để Leonardo có thể gia nhập và cất giấu các bí mật của ông.

* Thực tế không có chứng liệu nào để xác nhận cuộc hôn phối giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna là có thật. Các bài viết trong Ngộ giáo gợi ý đến mối liên hệ đặc biệt giữa hai người, chỉ được viết ra ít nhất một thế kỷ sau lúc sinh thời của Đức Giêsu, và phản ảnh, không phải những biến cố trong cuộc đời của Người nhưng là cách giải thích các biến cố đó theo đường lối Ngộ giáo. Vai trò của Maria Mađalêna là như một biểu tượng trong khuôn khổ các bài tường thuật đó, chứ không phải là một nhân vật lịch sử.

* Có nhiều vô kể những nghiên cứu đã được thực hiện về huyền thoại và truyền thuyết liên quan đến Máu thánh. Maria Mađalêna không phải là một yếu tố chính xác nào trong các nghiên cứu đó. Sự liên kết này là một phát minh mới của lịch sử giả hiệu trong thế kỷ 20.


Họ bảo…: Thế thì, có lẽ không có cách nào cả để biết được sự thật. Giêsu đã sống cách nay quá lâu, ta không biết chắc chắn ông ấy là ai hoặc ông ấy đã nói gì. Sự giải thích (trong cuốn tiểu thuyết) thì cũng được thôi, giống như bao nhiêu điều giải thích khác.

Bạn trả lời: Đơn giản là không phải vậy! Các sử gia áp dụng cùng những tiêu chuẩn về bằng chứng cho các tài liệu thời khởi đầu Kitô giáo cũng hệt như cho bất cứ văn bản nào khác, và điều kết luận chung là có một hình ảnh nhất quán về Đức Giêsu và phong trào Kitô giáo thời nguyên thủy nêu ra trong những văn bản đó. Có thể có những điều hàm hồ hoặc khác biệt khi giải thích chung cuộc, nhưng thường có những đồng thuận sau đây:

* - Đức Giêsu giảng dậy trong một môi trường Do thái, lấy từ các chủ đề và truyền thống xuất hiện trong kinh Cựu ước Do thái.

* - Trọng tâm lời giảng dạy của Người là “Nước Trời”

* - Người giảng dạy, làm các phép lạ, kể chuyện dụ ngôn, và sau cùng bị người Roma bắt giữ và hành quyết.

* - Các môn đồ của Người tuyên xưng rằng Người đã phục sinh từ cõi chết, và lấy đó làm chủ đề trung tâm các thuyết giảng của họ về Đức Giêsu.

Hãy chú ý coi những điều đó khác biệt từ gốc rễ với kịch bản dàn dựng trong Mật Mã Da Vinci. Nó khác biệt vì: chuyện kể trong Mật Mã Da Vinci là hoàn toàn bịa đặt và không hề có liên hệ nào với chứng cứ.

Đúng vậy, có thể có những lý giải khác nhau về cái mà Đức Giêsu gọi là “Nước Trời” hoặc là về hình thái chính xác của các cộng đoàn Kitô giáo lúc sơ khai. Nhưng hãy kiên trì bám chặt lấy chân lý căn bản này: Có thể có những lý thuyết khác biệt về một số khía cạnh của lịch sử KiTô giáo nguyên thủy, nhưng cuộc hôn phối giữa Đức Giêsu và Maria Mađalêna, về người được lựa chọn để kế thừa sự nghiệp của Người …đều không nằm trong những lý thuyết đó.

Vậy khi ta thảo luận về những điểm đặc biệt này thì đây là những gì ta cần đặt trọng tâm: Ta cần thách thức xem các chứng cứ dùng trong Mật Mã Da Vinci có chính xác không, đừng buông ra. Những tài liệu đó không phải là lịch sử đúng đắn. Tại sao lại dùng? Mà còn có nhiều văn bản hay, dễ dàng truy tầm được trên Internet, chắc chắn đưa ra được những điểm đúng đắn về KiTô giáo thời sơ khởi, nhưng tại sao lại không truy tầm, không rà soát lại?


Họ bảo…: Ồ, nhưng mà các tài liệu về Leonardo da Vinci rất là hấp dẫn.

Bạn nói… Có thể như vậy, nhưng tất cả đều sai lạc. Mật Mã Da Vinci sai lạc trong từng điểm một khi nói về Leonardo: ngay từ tên của ông cho đến niềm tin tôn giáo và triết học của ông, cho đến mỗi phát biểu về mỗi họa phẩm được cuốn tiểu thuyết kể ra: Mona Lisa, Bữa Tiệc ly, Madonna of the Rocks và The Adoration of the Magi.

Có lần tôi nói chuyện tại một trường đại học. Cuối buổi, một sử gia về nghệ thuật đứng lên và phát biểu với cử tọa. Bà nói: “Có nhiều người đến gặp tôi và hỏi họ có thể học hỏi được bao nhiêu về lịch sử nghệ thuật từ trong Mật Mã Da Vinci…Tôi bảo họ rằng họ chẳng học hỏi được gì hết từ cuốn tiểu thuyết này.”

Thực vậy, nếu bạn quả quyết với bất cứ một nhà sử học về hội họa nào rằng điều thực sự xuất hiện trong bức họa Bữa Tiệc Ly là Leonardo muốn tiết lộ cho ta biết Đức Giêsu và Maria Mađalêna kết hôn với nhau và bà đích thực là Chén Thánh…thì họ sẽ cười. Mà họ cười thật.

Ngoài ra, cứ tiếp tục lặp lại: Không có Hội Kín Sion. Không có Hội Kín Sion nào cả. Làm sao Leonardo có thể hoạt động nhân danh một nhóm người không có thực?

Dĩ nhiên, bạn sẽ gặp nhiều câu hỏi khác nữa. Nhưng cứ cố thủ ở những điểm căn bản và tiếp tục tra hỏi về bằng chứng, bạn sẽ cắt đứt được những giả định được đưa vào cuộc đối thoại

Nhưng còn nhóm người thứ ba thì sao?

Tôi đã gặp gỡ họ - họ viết thư cho tôi hoài – và có lẽ bạn cũng gặp gỡ họ như thế. Họ cũng lên Internet để thảo luận về Mật Mã Da Vinci nữa.

Đây là những người không mấy quan tâm bảo vệ các điểm đặc biệt trong Mật Mã Da Vinci, nhưng lại tin ở giả thuyết sau đây: Giáo hội Công giáo là kẻ thù của chân lý và đã dấn thân trong tấn tuồng quyền lực chính trị suốt hai ngàn năm

Nói thực ra, không có cơ may một thảo luận trí thức nào có thể thay đổi tâm trí những người đó được. Họ là những Tín đồ Xác tín, phần lớn lý trí không ảnh hưởng họ được. Nhưng có một số điều bạn có thể nói.


Họ bảo…: Thôi quên các chi tiết đi. Sự thực là đã có những cái nhìn khác về KiTô giáo và họ bị Giáo hội đàn áp tàn bạo để sự hiện diện của Maria Mađalêna bị xóa bỏ và tiếng nói của nữ giới bị bóp nghẹt hầu cho nam giới nắm giữ quyền hành.

Bạn nói… Ta hãy coi mấy điều này có hợp lý không trước khi đi vào các sự kiện.

* - Nếu các nhà lãnh đạo KiTô giáo thuở sơ khai quyết tâm loại bỏ vai trò của Maria Mađalêna trong lịch sử thì họ đã làm việc đó chẳng đến nơi đến chốn. Họ quên xóa bỏ các đoạn văn trong mọi cuốn Phúc Âm có đề câp đến Maria Mađalêna là người chứng thứ nhất đã thấy Ngôi Mộ Trống, chứng từ mà trên đó toàn bộ câu chuyện dựa vào.

* - Nếu Giáo hội qua dòng lịch sử quyết tâm bóp nghẹt tiếng nói và hạ thấp phẩm giá Maria Mađalêna, thì một lần nữa họ lại thất bại. Cứ xem ngày lễ kính bà được thiết lập vào thế kỷ thứ 8, và sau Đức Trinh nữ Maria, bà là vị thánh được tôn kính rộng rãi nhất thời Trung cổ. Còn trong Giáo hội Thiên Chúa giáo Đông phương, ngoài những danh xưng tôn kính khác ra bà còn được gọi là “Tông đồ cho các Tông đồ”.

* - Nếu nam giới nắm quyền lực trong thời sơ khai KiTô giáo muốn ém nhẹm câu “chuyện thực” về sứ vụ và mục tiêu của Đức Giêsu, thành thật mà nói bạn nên nghi ngờ xem họ có khùng không.

Cứ cho là có việc một nữ môn đệ điều khiển một phong trào dựa trên sự minh triết được một trong nhiều vị tôn sư lang thang rầy đây mai đó vào thời bấy giờ truyền đạt cho, thì có lẽ việc đó đã không làm cho một người Roma nào ở thế kỷ thứ I phải chớp mắt vì ngạc nhiên, chứ đừng nói chi đến truyện thúc đẩy được ai bắt giữ và hành hình những kẻ đi theo một phong trào như vậy…Bạn chắc phải tự hỏi tại sao những người đàn ông ham hố quyền hành này lại quyết định dựng đứng lên một câu chuyện mà vì chuyện đó họ bị bắt giữ và hành quyết, và rồi cứ khư khư bám lấy câu chuyện đó suốt trong cùng những lần bị bắt giữ, tra tấn và tuẫn đạo.

Điều này, theo kinh nghiệm của tôi, không phải là việc những người điên đảo vì quyền hành thường làm.


Họ bảo…: Sự thật nào lớn hơn mới đáng kể. Mặc kệ bạn muốn đón nhận câu chuyện về Giêsu thế nào cũng được. Nhưng bạn cần lấy cái nào đúng cho bạn, hợp với nhu cầu tinh thần của bạn. Đó là lý do tại sao Mật Mã Da Vinci mới là quan trọng. Nó khuyến khích người ta làm thế.

Bạn trả lời… Vấn đề thiết yếu trong Mật Mã Da Vinci không phải là “sự thực về tinh thần”. Nó là lịch sử. Và sự kiện là câu chuyện kể về Thiên Chúa giáo thời sơ khai không phải là một tổng hợp những xung đột, mà có thể tất cả đều là những câu chuyện có thật

Hơn nữa, hầu hết mọi người thường chú tâm đặt quan điểm và quan niệm của mình trên nền tảng sự thật, càng nhiều càng hay. Khi chúng ta có mối dây liên hệ hoặc có tình bạn, mà chỉ “tin tưởng vào sự thực” của mối dây liên hệ ấy không thôi thì không được. Nó phải đặt căn bản trên thực tại của cuộc sống chúng ta đang sống với nhau – điều chúng ta thực sự nói, điều chúng ta thực sự làm – mới là lịch sử đích thực của chúng ta.

Về tôn giáo cũng giống như vậy. Đức tin – quả vậy – là một bước đi tới sự phó thác. Nhưng nó không phải là mù quáng, và người Kitô hữu không bao giờ mô tả chúng như thế. Niềm tin của chúng ta xây dựng trên những điều mà các tông đồ nói về Đức Giêsu. Chúng ta tin những điều họ nói là thật, chúng ta tiến tới tín ngưỡng, và khi tin nhận, chúng ta gặp gỡ một Đức Giêsu đích thực giống như họ đã gặp, trên đường chúng ta đi vàoThánh thư, vào lời kinh nguyện và vào các nhiệm tích.

Không, không phải cái gì cũng đều là sự thật đồng thời trong cùng một lúc. Hoặc Giêsu là Chúa hoặc không là Chúa. Chúng ta biết các điều những tín hữu sơ khai tin nhận – không hoài nghi thắc mắc. Không phải chúng ta muốn là làm được, nếu chúng ta có đủ lương tri để tạo dựng ra một câu chuyện khác làm vui lòng ta. Nếu chúng ta không thích các điều các tông đồ tiên khởi đã nói, chúng ta chẳng cần phải lắng nghe làm gì. Nhưng nếu chúng ta có đủ lương thiện trí thức sống động và nếu chúng ta chấp nhận Đức Giêsu và phong trào của Người thì chúng ta sẽ lắng nghe. Quyết định sau cùng là do chúng ta tự tìm lấy. Nhưng lúc đầu, chúng ta phải lắng nghe các nhân chứng đã hiện diện tại đó và các điều họ truyền đạt lại những gì họ đã chứng kiến.


Họ bảo: Đức Giêsu trong Mật Mã Da Vinci thì có nhân tính hơn nhiều. Tôi có thể liên kết với Người dễ dàng hơn nhiều so với Đức Giêsu trong các sách Phúc Âm và Giáo hội.

Bạn trả lời: Đức Giêsu trong các văn bản Ngộ giáo thì “người” hơn Đức Giêsu trong các sách Phúc Âm và Giáo hội ư? Thật thế sao?

Nếu bạn tin như thế, bạn chưa bao giờ đọc Phúc Âm cả.

Nếu bạn tin như thế, bạn chưa bao giờ đặt chân đến một nhà thờ Công giáo cả.

Bởi vì, khi bạn đọc các văn bản Ngộ giáo, bạn gặp một con người rất mực trần tục, trừu tượng, bộc trực, buồn nản, và đúng vậy, chỉ trần trụi là một con người bạn có thể tưởng tượng ra được. Ông ta đi đi lại lại, nói, nói, và chỉ nói thôi. Ông ta không đau khổ và chắc chắn là không chết.

Nhưng khi bạn ngồi xuống và đọc một cuốn Phúc Âm, bạn thấy gì? Hoặc thấy …ai?

Bạn gặp một người do một phụ nữ sinh ra, một người như nói trong Phúc Âm của Luca “lớn lên càng thêm khôn ngoan”. Ông ta ăn uống với bè bạn, đi thăm viếng hỏi han, tham gia tranh luận, thỉnh thoảng phải tránh xa đám quần chúng, ông khóc, và cả sợ hãi nữa. Ông chết. Trên thập tự. Hấp hối và chết.

Bạn nói đấy không phải là nhân tính hay sao?

Cũng nên suy nghĩ về nghệ thuật hình tượng nơi KiTô giáo nữa. Đâu là hai cách thức thông thường nhất người ta thể hiện Đức Giêsu mà bạn thấy trong suốt 200 năm nghệ thuật sùng kính do một Giáo hội có ý định lấp liếm nhân tính của Đức Giêsu ?

Một hài nhi trên gối mẹ…một con người trong cơn đau hấp hối.

Bạn nói đấy không phải là nhân tính hay sao?

Thế thì, đúng vậy, những người thấy hứng thú và bị ám ảnh bởi Mật Mã Da Vinci, những người tin ở các điều dối trá trong đó, là những kẻ đang bị lừa mị. Bởi vì sự thật chính là điều trái ngược lại những gì nó muốn bạn tin theo: chính Giáo hội Thiên Chúa giáo đã bảo tồn, trong tình trạng căng thẳng bí mật nhưng cần thiết, nhân tính đầy đủ của Đấng mà Giáo hội tuyên xưng là Chúa Trời.

Đôi lúc tôi thắc mắc không biết tại sao người ta lại quá mê hoặc về Đức Giêsu trong Mật Mã Da Vinci và tại sao họ lại quyết tâm không đếm xỉa gì tới Đức Giêsu chúng ta gặp trong Phúc Âm và qua Giáo hội, tại sao người ta không coi trọng Đức Giêsu đó, tại sao người ta muốn xóa bỏ Người đi để mà chú tâm vào những bài diễn văn huyền bí, trừu tượng ồn ào về ánh sáng nội tâm do một nhân vật không hồn phát biểu.

Nhưng khi tôi trở lại nhìn vào Phúc Âm và đọc thấy: Hãy bán hết những gì bạn có và bố thí cho người nghèo khổ…hãy yêu mến kẻ thù của bạn…Hãy cho người đói ăn, cho người trần truồng quần áo mặc, viếng thăm kẻ bị tù đầy…Phúc cho người nghèo khó…cho người khóc than…người xây dựng hòa bình….Những gì bạn làm cho người nhỏ bé nhất là làm cho chính Ta…Người chót hết sẽ là kẻ trước hết…

Chắc chắn là thế. Không ngạc nhiên gì cả. Chẳng trách ta không muốn người ấy là một Giêsu đích thực. Không có gì đáng ngạc nhiên hết.

Phạm Hoàng Nghị chuyển ngữ

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 15.05.2006. 15:05