Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Mẹ La Vang

§ Lm Nguyễn Khoa Toàn

VietCatholic News (15/12/2005)

Một trong những nét đặc trưng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là sự liên kết mật thiết giữa Đức Mẹ và giáo dân. Số lượng nhiều không kể những kinh nguyện, bài hát về Đức Mẹ là một ví dụ cụ thể điển hình. Chúng ta đến với Chúa qua Đức Mẹ. Đó là con đường ngắn nhất. Chắc chắn nhất. Đầy ân phúc nhất. Đẹp lòng Chúa nhất.

Lòng tin vào sự cầu bầu phù trì của Đức Mẹ đã hun đúc và nung nấu đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Cầu xin cho gia đình được thuận hoà hạnh phúc bình an: có Mẹ cạnh bên. Cầu xin cho mùa màng tươi tốt, công việc êm trôi: có Mẹ cạnh bên. Cầu xin cho thuận gió xuôi buồm: có Mẹ cạnh bên.

Thật thế, lòng tin vào Đức Mẹ là Đấng Trung Gian hiện thật rõ nét khi cơn ‘địa chấn 30/4’ ập phủ muôn vàn tai ương xuống đầu giáo hội và dân tộc. Khi chúng ta phải đành đọa đau đớn lìa bỏ quê hương vượt sông vượt núi vượt biển ra đi. Thậm chí có những người đã không ngần ngại thay cả lời ca để nói lên thực tế thương tâm của những nguời tỵ nạn buồn: “Lạy Mẹ là Ngôi Sao Sáng, soi lối cho con lúc vượt biển… Thái Lan.”

Như Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Adelaide đã đặt tên nơi đang sinh hoạt: Trung Tâm Đức Mẹ Thuyền Nhân -một cử chỉ thành kính tạ ơn của những người con hiếu thảo vẫn còn luôn nhớ đến cội nguồn:

“Cây có gốc mới nở ngành sinh ngọn
“Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Thật thế, nước không nguồn thì mau cạn; cây không gốc thì dễ gẩy. Những người tỵ nạn Việt Nam, dẫu đã xa quê hương, đã vẫn còn nhớ đến Mẹ, người đã đưa chúng ta đến bờ bến bình an.

Sự liên hệ đặc biệt giữa Đức Mẹ và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là một điều hiếm thấy, so với những Giáo Hội khác anh em. Quả thật, nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử của cả dân tộc và giáo hội, rồi đem so sánh với cuộc đời Đức Mẹ, thì chúng ta sẽ nhìn thấy một điểm chung. Điểm chung ấy là sự triền miên chịu đựng khổ đau. Những khổ đau thầm lặng. Những khóc than không thành tiếng…

1. Đau khổ - Đoạn Trường:

Không có một dân tộc nào trong lịch sử cổ kim đã đau khổ đày đoạ hơn dân tộc Việt Nam chúng ta. Thật thế, lịch sử lập quốc của quê hương ta luôn đi liền với nô lệ, chiến tranh, ly tán… Và nếu dân tộc và giáo hội phải trăm đáng ngàn cay như thế, cuộc đời của cô thôn nữ quê làng Nazareth cũng đã không kém gian truân đoạn trường.

Vì vâng phục ý định của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã chấp nhận một sứ vụ lịch sử có một không hai là Mẹ Chúa Giêsu. Nhưng sứ vụ đó đã đòi buộc muôn vàn hy sinh khổ đau. Không chồng nhưng lại có thai. Rồi lại phải lặn lội bôn ba vất vả ngươc xuôi sống đời tỵ nạn. Cả đến khi nở nhụy khai hoa, Mẹ phải đứt từng khúc ruột sanh con mình trong chuồng lừa hơi hám. Rồi mất con. Rồi quằn quại nhìn con mình phơi thây trên thập tự giá. Có còn đau đớn nào hơn thế nữa không?

Cuộc đời Đức Mẹ quả là môt kiếp đoạn trường! Nhưng dẫu cho phải gánh chịu muôn vàn tai ương, muôn lời bóng gió gần xa như thế, trên đôi môi người thôn nữ Nazareth vẫn không một lời ta thán, nhưng là hai chữ ‘Xin Vâng’. Như dân tộc và giáo hội đã ‘xin vâng’, đã luôn cắn răng chịu đựng, đã “ngụp lặn miệt mài để tồn tại”.

lavang-1798-1998.jpg

2. Khiêm Cung:

Nếu đau khổ đoạn trường, chịu đựng hy sinh là điểm chung cho dân tộc, giáo hội và Đức Mẹ thì khiêm cung cũng là một điểm khác liên kết, tương đồng. Trong cuốn sách “Đức Mẹ và sự giải phóng con người”, thần nhọc gia Sri Lanka Tissa Balasuriya đã gọi Đức Mẹ là “tư tế đầu tiên trong Tân Ước”. Gọi Mẹ là ‘tư tế đầu tiên trong Tân Ước’ cũng chỉ là một cách nói, một cách xưng hô, bởi vì không có một danh xưng nào có thể diễn đạt hết vai trò thầm lặng nhưng tột cùng quan trọng của Đức Mẹ trong sứ vụ cứu rỗi.

Thật thế, tuy được chọn là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria không dùng tước hiệu ấy để nói về mình, nhưng là “này tôi là tôi tớ Chúa” “...Là tôi tớ Chúa”, bởi vì hơn ai hết, Mẹ hiểu rằng Mẹ được chọn không phải để được phục vụ mà là phục vụ. Mẹ muốn sống trọn vẹn nhân tính -một đời sống bình thường- vì Con Mẹ cũng sẽ mặc lấy nhân tính, và cũng sẽ sống một đời sống bình thường. Rất mực bình thường…

Và vì thế, Mẹ không thể là Mẹ Thiên Chúa nếu Mẹ không đứt ruột đẻ đau Con Thiên Chúa. Mẹ được thụ thai siêu nhiên, nhưng cuộc sinh nở lại hoàn toàn rất tự nhiên. Rất bình thường. Thậm chí, quá đỗi bình thường…Tôi tớ phải là tước hiệu duy nhất, bởi vì đó là tước hiệu trung thực nhất. Trọn vẹn nhất. Xứng đáng nhất. Tuy nhiên, tước hiệu rất khiêm cung này vô hình trung đã bị lãng quên, nhìn tự mọi khía cạnh tín lý, thần học, triết học. Hậu quả là, vì tập chú quá nhiều đến bản tính siêu nhiên, hoặc đúng hơn, phi tự nhiên, chúng ta đã có cái nhìn khá sai lạc về Đức Mẹ.

Ngày 17.05.2005, Ủy Ban Thế Giới về Đại Kết tái xác nhận vai trò quan yếu của Đức Mẹ trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa nhưng vai trò đó không phải là ắt có và đủ. Vai trò ấy thuộc về Chúa Giêsu và chỉ duy nhất thuộc về Chúa Giêsu mà thôi.

Yêu mến và sùng kính Đức Mẹ là một trong những nét đặc trưng của Giáo Hội chúng ta và cần luôn phát huy. Tuy nhiên, những việc thờ phượng thái quá hoặc những lời lẽ diễn đạt quên đi vai trò trung gian cầu bầu của Đức Mẹ cần nên chấn chỉnh lại

Thật thế, những tước hiệu tưởng như không cần thiết kia, chẳng những đã không phản ánh trung thực Mẹ Maria -một phụ nữ bình thường sống một đời sống bình thường- mà còn ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình đại kết. Một Giám Mục Anh Giáo đã chua chát nhận xét rằng: “…Càng nhiều tước hiệu bao nhiêu, càng nhiều chuớng ngại bấy nhiêu!!!”

Thêm vào đó, khi đến các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh, đa số các nhà truyền giáo Tây Phương, hoặc hữu ý hay vô tình, vẽ tạc Đức Mẹ rập theo khuôn mẫu quốc!!! Mũi Mẹ phải cao, phải dọc dừa; nước da phải hồng, phải trắng; bàn tay phải mịn, phải thon… Và thần học gia Balasuriya đã không ngần ngại gọi những tượng ảnh này là “Đức Mẹ tư bản, phong kiến, thực dân!”

Không cần phải là một thiên tài để hiểu rằng, tách rời Mẹ ra khỏi thực tế, khỏi những sinh hoạt hằng ngày, khỏi phong tục, tập quán, văn hoá của mọi dân tộc, là một sai lầm, nói theo lời Mahatma Gandhi, “vĩ đại hơn cả dãy Hy Mã Lạp Sơn”. Có thể nào giúp người dân bản xứ nhận biết Tin Mừng, khi Mẹ vẫn được nhìn qua lăng kính quá siêu nhiên -một người khách lạ- không sống trong lòng dân tộc, không quyện vào ngôn ngữ, không thiết tha đến tập quán, phong tục, văn hoá của quê hương? Có thể nào không!?

Tập chú đến danh xưng “tôi tớ” để nhắc nhở rằng, dân tộc ta chưa có nhiều thiên tài; giáo hội ta chưa có nhiều những thần học gia, triết học gia, các nhà chú giải Kinh Thánh có tầm vóc quốc tế. Nhưng điều mà chúng ta có thể cao đầu ngẩng mặt tự hào với những dân tộc khác, những giáo hội anh em, là chúng ta đã luôn biết mình biết người, biết sống khiêm cung, biết nhận thức những hạn hẹp có thực của mình.

Quê hương chúng ta không giàu, nhưng chúng ta cần kiệm liêm chính, chắt chiu chịu khó dậy sớm thức khuya. Giáo hội chưa có tầm vóc quốc tế, nhưng chúng ta đã không bao giờ ngừng chân dừng lại, tự mãn tự kiêu với những điều chúng ta còn non nớt biết. Chúng ta đã không ngừng học hỏi, không ngừng cầu tiến, không ngừng phấn đấu vươn lên. Từng tháng. Từng ngày. Từng mỗi cơ hội đến...

Ngày hôm kia, một người bạn gửi cho tôi một bức ảnh Đức Mẹ La Vang: Mẹ Tôi Tớ trong chiếc áo dài đằm thắm quê hương. Bàn tay không thon lắm; nước da không trắng lắm; mũi không cao lắm nhưng sao tôi cảm xúc đến lạ thường. Tự dưng, tôi nhớ đến mẹ tôi, người mẹ suốt một đời đau khổ, chịu đựng, khiêm cung cho hạnh phúc đàn con, cho tương lai đàn cháu. Mẹ tôi đã sống. Như Đức Mẹ đã sống, đã từng. Như quê hương và giáo hội đã kinh qua. Đã sống. Đã từng…

Và tôi tin rằng, chính sự đau khổ đã giúp mỗi một chúng ta biết chịu đựng, thông cảm, hy sinh, sẻ chia với những người cùng khốn. Chính tinh thần khiêm cung đã giúp chúng ta đi những đôi hia bảy dặm nhiệm mầu. Cho vinh quang Mẹ. Cho giáo hội Chúa. Cho quê hương và dân tộc chúng ta.

Lm Nguyễn Khoa Toàn

Đọc nhiều nhất Bản in 04.05.2006. 08:02