Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Yêu Em Mùa Giáng Sinh

§ Nguyễn Duy-An

Mỗi lần Giáng Sinh về, mặc dầu là người ngoại đạo, tôi cũng cảm thấy lòng mình rộn rã vì những cảnh trang hoàng lộng lẫy khắp nơi, và đi đâu cũng nghe tiếng nhạc rất vui nhộn nhưng có nhiều câu nghe hơi ngộ nghĩnh và nghịch lý.

Lễ Giáng Sinh năm trước, lúc còn học tại đại học Sư Phạm ở Thành Phố, tôi theo bạn bè đi bát phố, rồi ghé vào nhà thờ Tân Định xem lễ nửa đêm. Nhà thờ tuy lớn nhưng cũng không đủ chỗ vì số người tham dự quá đông. Người ta đứng dọc các lối đi bên trong nhà thờ, đứng phía cuối nhà thờ và ngay cả ngoài hành lang cũng không còn chỗ chen chân. Đám chúng tôi, vì không biết giờ lễ nên tới sớm cả tiếng đồng hồ, và tìm được chỗ ngồi phía trước hang đá để xem cho rõ. Nhưng cũng vì ngồi vào chỗ tốt nhất này mà chúng tôi trở thành trò cười cho thiên hạ. Vì là người ngoại đạo, chúng tôi không biết lúc nào đứng, lúc nào ngồi, rồi thỉnh thoảng lại quỳ nữa nên cả bọn cứ lúng ta, lúng túng làm những người chung quanh trợn mắt nhìn đám chúng tôi tỏ vẻ khó chịu lắm. Suốt buổi lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, mấy đứa bạn thỉnh thoảng lại than phiền vì đông người nên ngộp thở và nóng quá:

- Biết thế bọn mình đứng ngoài đường thì hơn!

Một bà cụ ngồi kế bên quay sang mắng nhỏ:

- Im lặng cho người ta dự lễ, nhà thờ chứ có phải rạp hát đâu mà cứ nói linh tinh.

Tôi nghĩ chắc bà cụ này chẳng bao giờ vào rạp hát nên mới nói thế! Với chúng tôi, vào nhà thờ xem lễ Giáng Sinh hay đi xem hát thì cũng đại khái không khác gì nhau... Tới lúc nghe ông cha nói “anh chị em ra về bình an” thì chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đột nhiên tiếng đàn vang lên thật lớn, và tất cả mọi người cùng “hét” lên: Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa... Tôi chợt phì cười. Thằng Quang mới bị bà cụ mắng lúc nãy nên hơi khớp, quay sang bảo nhỏ tôi:

- Cười lớn thế! Bà ấy lại quát cho bây giờ!

- Người ta đang bận rộn “hét” hò, ai nghe mà sợ.

- Nhưng có gì hay đâu mà cười?

- Đằng ấy không nghe gì à? Nóng chảy mỡ ra mà lại hát “Đêm đông lạnh lẽo”, rồi cái hang đá kia giăng đèn xanh đỏ, giây kim tuyến sáng lóng lánh, quà cáp chất đầy chung quanh chứ có thấy “máng lừa hôi tanh gì đâu!”

- Ừ nhỉ. Cậu phân tích hay đấy. Để mai mốt hỏi ông cha nhà thờ xem ý nghĩa nó ra sao.

Chúng tôi chỉ nói cho qua thế thôi, chứ làm gì có chuyện đi hỏi ông cha. Nhưng đó là chuyện Giáng Sinh năm trước, còn năm nay... tôi bắt đầu có “TIN YÊU”. (Đức Tin và Tình Yêu? - Hy vọng thế).

* * *

Sau khi nhận tờ giấy bổ nhiệm công tác từ nhân viên Phòng Giáo Dục, tôi lững thững đi tìm bến xe đò Bà Rịa - Bình Giả mà lòng nơm nớp lo sợ bâng quơ, buồn nhiều hơn vui. Đối với tôi thì dạy ở đâu trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu này cũng thế thôi, vì ngoại trừ được ở lại Thành Phố Vũng Tàu hay Thị Xã Bà Rịa, bất cứ chỗ nào khác trong tỉnh này cũng chỉ là những vùng “đất cày lên sỏi đá” như nhau. Tuy nhiên, khi biết tin mình được bổ nhiệm về dạy Toán tại trường cấp II Bình Giả, tôi cũng hơi run vì... Bình Giả là một làng dành riêng cho người Công Giáo di cư gốc Nghệ Tĩnh. Gia đình tôi cũng được gọi là “di cư”, nhưng trễ mất 25 năm! Tôi không có đạo! Và khi tiếp xúc với người miền Trung, tôi phải hỏi đi, hỏi lại dăm ba lần mới hiểu! Nhưng từ hôm nay tôi trở thành một ông giáo tại cái làng đặc biệt này, liệu rồi phụ huynh và con em ở Bình Giả có chấp nhận tôi không?

Buổi tối đầu tiên ở Bình Giả, tôi không tài nào chợp mắt nổi vì suốt đêm cứ nghe văng vẳng bên tai tiếng côn trùng rả rích, rồi tiếng chó sủa, gà gáy... nên cứ trằn trọc mãi trong dãy nhà dành cho cán bộ và giáo viên ở xa tạm trú. Chắc phải gần sáng tôi mới hơi thiu thiu ngủ thì tiếng chuông nhà thờ lại vang lên inh ỏi, rồi tiếng người gọi nhau ơi ới thúc dục đi lễ. Tôi liếc mắt nhìn đồng hồ, thấy mới 4 giờ sáng! Cũng may là còn mấy ngày nữa mới tựu trường, bằng không sáng nay sẽ có vài đứa học sinh bị phạt oan vì suốt đêm qua tôi mất ngủ. Tôi cố gắng nằm nán lại trên giường để dỗ giấc ngủ, nhưng mới được mấy phút, tiếng cầu kinh ê a từ phía nhà thờ lại vang lên, nghe còn thảm não hơn tiếng côn cùng đêm qua! Tôi đành nằm mộng nghe kèn mãi cho tới lúc không còn nghe tiếng cầu kinh từ nhà thờ vang đến nữa, mới chỗi dậy, đánh răng rửa mặt rồi lang thang ra phía chợ kiếm ly ca phê cho tỉnh táo.

Vừa bước ra sân, tôi sững sờ chết sững khi chạm mặt một bóng hồng vừa bước ra khỏi cửa nhà thờ. Không, phải nói là bóng trắng mới đúng, vì nàng mặc áo dài trắng trông như một tiên nữ, và nét mặt trông thật dịu hiền, dễ thương không bút mực nào tả được. Tôi nghe tim mình đập bình bịch như tiếng chày giã gạo đêm khuya mà tôi đã có lần được chứng kiến ở một làng quê Bắc Việt. Tôi sững sờ nhìn không chớp mắt. Nàng chỉ gật đầu chào tôi rồi chậm rãi bước đi. Khi tôi bình tâm trở lại thì bóng nàng đã mất hút. Tôi quên cả cơn buồn ngủ và chẳng thèm đi ra chợ kiếm cà phê nữa. Tôi trở về phòng nằm tiếp để tưởng nhớ lại nét mặt quá dễ thương của nàng. Tôi phải tìm cách làm quen người đẹp càng sớm càng tốt kẻo tới lúc “ván đã đóng thuyền” lại ngồi thương trộm nhớ thầm vô ích và uổng công. Cô bé trẻ đẹp và dễ thương thế kia, và lại tốt đạo nữa vì hình như nàng là người cuối cùng rời khỏi nhà thờ hôm đó, chắc cũng có cả trăm chàng trồng cây si.

Bị hớp hồn vì bóng hình người đẹp, sáng nào tôi cũng chịu khó ra nhà thờ sớm hơn mọi người vì chỗ tôi tạm trú chỉ cách vòng đai nhà thờ có một khoảng sân nhỏ. Gần hai tuần sau tôi mới biết chắc chắn chỗ nàng ngồi hằng ngày trong nhà thờ: Ngay phía trước tượng Đức Bà. Khổ nỗi, nam nữ ngồi riêng biệt trong nhà thờ nên tôi phải thử đi, thử lại bao nhiêu lần mới tìm được một chỗ ngồi lý tưởng bên nam, nhưng chỉ cần liếc mắt là có thể ngắm nàng “nghiêng nghiêng nửa mặt”, trông còn xinh đẹp và dễ thương hơn là nhìn thẳng từ phía trước. Đúng là Chúa đã không phụ kẻ có lòng thành! Tôi đã thử vài lần ngồi nán lại sau lễ, chờ nàng chuẩn bị đứng lên tôi mới bước ra trước, chờ sẵn ở cửa, hy vọng có dịp nói chuyện làm quen với nàng, nhưng ngày nào cũng thế, nếu gặp tôi, nàng chỉ gật đầu rồi quay mặt bước đi. Tôi cũng không hiểu nàng cầu xin những gì mà ngày nào cũng nán lại ít là 15 phút, đợi mọi người về hết nàng mới đi ra. Tôi đã “làm con chiên ngoan đạo” gần hai tháng trời nhưng cũng chẳng tiến thêm được bước nào. Tuy nhiên tôi cũng an tâm vì không thấy có chàng trai nào đi theo nàng... Dẫu sao tôi cũng là “ông thầy giáo” nên phải giữ gìn sĩ diện, không dám sỗ sàng, cứ âm thầm chiêm ngắm nàng xa xa.

Mặc dầu tôi vô nhà thờ chỉ để ngắm nàng, nhưng không biết tự bao giờ, tôi cứ tự nhiên đối đáp trong lễ không khác gì những người có đạo thứ thiệt. Những lúc thầm liếc nàng trong nhà thờ, tôi chợt nhận ra nàng có nét hao hao giống khuôn mặt của tượng Đức Bà, không biết hai người có liên hệ ruột thịt gì không. Tôi chưa tìm được câu trả lời thì một hôm ông cha già của xứ đạo gặp tôi ngay cửa nhà thờ:

- Chào thầy Hiếu.

Nghe lời chào của vị linh mục lão thành với mái tóc lẫn lông mày không còn lấy một sợi mầu đen, tôi đâm ra luống cuống:

- Chào cha. Sao cha biết tên con hay vậy?

- Thầy về đây dạy học đã 3 tháng nay, ngày nào cũng đi lễ, ai ai cũng biết chứ đâu phải một mình tôi. Nghe nói thầy chưa vô đạo mà sáng nào cũng đi lễ, tôi lấy làm cảm phục lắm.

- Thú thật với cha, từ hôm về đây, sáng nào con cũng giật mình thức giấc vì tiếng chuông nhà thờ, không làm sao ngủ lại được nên theo dân chúng đi nhà thờ luôn. Bây giờ đâm ghiền, hôm nào không đi thấy nhơ nhớ.

- Quý hóa quá. Nếu thầy còn giờ, mời thầy vào nhà xứ uống cà phê nói chuyện.

- Vâng, con xin phiền cha già.

- Có bao giờ thầy nghĩ sẽ học đạo không? Trước là học cho biết đã... rồi từ từ suy nghĩ cầu nguyện thêm.

- Con tưởng cứ đi nhà thờ là được rồi, chứ con đâu biết phải học làm sao đâu cha. Lâu nay con cũng đọc theo được vài câu kinh, và hiểu chỗ nào phải đứng, phải quỳ, chứ không phải ngồi suốt từ đầu tới cuối như những lần theo bạn bè đi lễ Giáng Sinh ở Thành Phố.

- Tôi biết chứ. Tôi cũng thấy thầy có lòng thành nên mới tìm gặp thầy hôm nay để nói chuyện, vì tôi sắp sửa cho khai giảng lớp Giáo Lý Dự Tòng vào Mùa Vọng này để cho kịp Rửa Tội vào Lễ Phục Sinh. Nếu thầy thích thì ghi tên học cho biết, mỗi tuần học 2 buổi tối.

Tôi nghe ông cha nói một tràng, những tiếng nghe rất lạ tai, nhưng đã lỡ phóng lao rồi, biết làm sao hơn. Tôi đành nói liều:

- Vâng, nếu cha cho phép thì con cũng xin thử một lần cho biết.

Uống cà phê và nói chuyện với cha già một lát, tôi xin phép kiếu từ để về chuẩn bị lên lớp. Lần đầu tiên được tiếp xúc thân cận với một vị linh mục hiền từ và nhân hậu, tôi rất cảm động, và đánh tan trong đầu những ý nghĩ về các ông cha bên đạo. Tôi không ngờ cha già biết nhiều thứ quá, và những ưu tư lo lắng của ngài dành cho xứ đạo thật đáng trân quý. Tiễn tôi ra cửa, ngài tặng tôi một cuốn sách dày, với tựa đề “Kinh Thánh Cựu và Tân Ước”:

- Biếu thầy cuốn Kinh Thánh, đọc trước cho biết; và Chúa Nhật mời thầy ghé qua nhà xứ dùng bữa cơm thân mật với một số bạn trẻ ngoài Ruộng Tre, Tầm Bó... cũng sẽ theo học lớp Giáo Lý Dự Tòng vào Mùa Vọng năm nay.

Hôm nay đã Thứ Tư rồi, nhìn cuốn sách dày cả ngàn trang, tôi hãi quá, phải hỏi lại cho chắc ăn:

- Thưa cha cuốn sách này con đọc cả năm chưa chắc xong, còn có vài ngày nữa làm sao con...

Tôi chưa nói hết câu, ngài đã lên tiếng:

- Không, tôi chỉ biếu thầy để xem những lúc rảnh rỗi... Tôi học cả đời cũng chưa hiểu hết ý nghĩa những lời trong Kinh Thánh.

- Con lại tưởng cha muốn con đọc hết cuốn sách này trước hôm khai giảng.

- Thầy đừng suy nghĩ nhiều quá mà rối trí. Cứ theo học cho biết, rồi việc gì đến sẽ đến.

- Vâng, con xin phép cha.

Từ hôm đó, mỗi lần đến nhà thờ, tôi cảm thấy gần gũi hơn, nhưng cũng bắt đầu lên giọng cải lương thầm thì với Đức Bà nhại theo một bài hát quen thuộc: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên cao...” Tôi cũng đã bắt đầu đọc cuốn Kinh Thánh của ông cha già, thấy nhiều đoạn cũng hấp dẫn, tương tự như một cuốn tiểu thuyết giã sử... Điều tôi vui nhất là sáng Thứ Bảy kế đó, tôi được nói chuyện với người đẹp lần đầu tiên. Thôi thì khỏi nói, các bạn cũng hiểu là tôi vui mừng đến độ nào. Từ mấy hôm nay, sáng nào tôi cũng cầm theo cuốn Kinh Thánh ra nhà thờ ngồi đọc, thay vì bắt chước những người khác đọc kinh. Càng đọc tôi càng thích thú vì khám phá ra nhiều điều hay, nhiều câu chuyện ngụ ngôn giá trị. Sáng Thứ Bảy đó tôi đang mê mải đọc chuyện Xuất Hành, người ta về hết lúc nào không hay, tới lúc nghe tiếng ghế kêu lạch cạch, ngẩng lên thấy người đẹp chào Đức Bà ra về, tôi vội vã đứng lên đi nhanh ra cửa. Cả hai chúng tôi tới cửa nhà thờ cùng lúc, tôi nhường nàng ra trước rồi mỉm cười gật đầu chào người đẹp như nàng vẫn thường gật đầu chào tôi. Tôi mỉm cười vì chẳng biết nói gì, nhưng nàng lại mở miệng:

- Thầy Hiếu siêng quá hỉ? Lễ xong còn ngồi lại suy gẫm Thánh Kinh nữa.

Tôi gặp ít nhiều khó khăn để thực sự hiểu được ý nàng nói gì, nhưng lòng vui mừng khôn tả vì nàng biết tên tôi. Chắc lâu nay người đẹp đã để ý tới mình và dò hỏi mấy đứa học sinh mới biết tên... Tôi đánh liều:

- Tôi chỉ đọc cho vui thôi vì ông cha mới biếu cho mấy hôm trước. Đâu như cô, ngày nào cũng quỳ cầu nguyện với Đức Bà... Mà cô tên gì nhỉ?

- Tôi tên Hạnh. Hình như thầy đang học đạo?

- Ồ, tôi mới ghi tên vì ông cha nói hay quá, không nỡ từ chối.

- Quý hóa thế. Tôi sẽ cầu nguyện thêm cho thầy. Thôi, tôi phải về, gặp lại thầy khi khác.

Tôi đã can đảm hơn nên mạnh dạn lên tiếng.

- Cám ơn Hạnh. Tôi nghĩ Đức Bà sẽ thương tôi nếu Hạnh xin dùm.

Nàng chẳng nói gì nữa, chỉ gật đầu chào tôi lần nữa rồi quay mặt bước đi. Tôi mừng quá. Mấy câu ngắn ngủi vừa rồi cũng đủ cho tôi thêm niềm tin. Nàng cũng đã để ý đến tôi. Đức Bà ơi, con xin tạ ơn. Tôi quay vào lại nhà thờ, đứng xa xa nhìn lên tượng Đức Bà thầm thì: “Xin cho con lấy được nàng, con sẽ học đạo thật giỏi và theo đến cùng. Amen.” Tôi bắt chước nàng bái quỳ chào Đức Bà rồi mới ra về. Tôi âm thầm ghép tên hai đứa liền nhau, đọc nghe cũng gieo vần và êm tai lắm: “Hiếu – Hạnh” nghe được quá đi chứ. Hôm nay trong lớp có đứa nào không thuộc bài tôi cũng sẽ cho điểm 10 để ghi nhớ ngày “tình yêu lên ngôi”. Chỉ còn hơn tháng nữa lại tới lễ Giáng Sinh. Tôi hy vọng năm nay sẽ được cùng nàng “quỳ bên hang đá nguyện cầu” chứ không phải “lơ ngơ láo ngáo” với mấy đứa bạn ngoại giáo như Giáng Sinh năm trước nữa. Ôi cuộc đời đẹp quá!

Tôi là con chiên đặc biệt của Chúa, nên tôi không đi lễ ngày Chúa Nhật. Lý do tôi không đi lễ ngày Chúa Nhật cũng đơn giản lắm: Nhà thờ đông người quá, tôi chẳng trông thấy nàng. Thêm vào đó, Chúa Nhật nào cũng lễ 3 lần, tôi không biết nàng đi giờ nào để theo. Thôi thì mình theo kiểu làm việc của Chúa trong Truyện đầu tiên ở cuốn Kinh Thánh cũng tốt: Làm việc 6 ngày, còn một ngày nghỉ ngơi. Nhưng chiều Chúa Nhật này tôi phải đi lễ vì sau đó còn qua nhà xứ ăn tiệc chuẩn bị khai giảng lớp Giáo Lý Dự Tòng của ông cha vào tuần kế đó. Sau thánh lễ, tôi theo mọi người sang nhà xứ ăn “bữa cơm thanh đạm” nhưng rất linh đình. Hết ông cha nói, rồi mấy ông mấy bà kính thưa... tôi chỉ biết vỗ tay theo mấy người ngồi cùng bàn và “chén anh, chén chú” tưng bừng, vì tôi đang vui, vì tôi đang yêu, và hy vọng cũng đang được yêu...

Tiệc tàn, cha già chánh xứ lên nói mấy lời với các học viên lớp Giáo Lý Dự Tòng, trong đó có tôi: “Kể từ tuần tới, chúng ta sẽ bắt đầu học. Mỗi tuần 2 tối Thứ Hai và Thứ Năm. Sẽ có sơ Hạnh giúp tôi thường xuyên để đặc biệt hướng dẫn các bạn trẻ. Tôi rất tiếc là sơ Hạnh mới đi về nhà dòng Mẹ cấm phòng từ sáng hôm qua nên không có mặt với chúng ta tối nay...” Ông cha còn nói thêm khá dài, nhưng cái tên “sơ Hạnh” làm tim tôi rung động. Tôi hy vọng đây chỉ là trùng hợp vì nhiều người có cùng một tên là chuyện bình thường, nhưng không hiểu tại sao tôi cứ linh cảm làm sao đó. Mặc dầu chưa đi đạo, tôi cũng biết là mấy bà sơ Công Giáo không lập gia đình. Nếu đúng là “nàng” thì tôi “thua to, mất cả vốn lẫn lời!” Tôi cứ nhấp nhỏm lúc đứng lúc ngồi, chỉ mong người ta về hết để tôi có dịp hỏi cha già xem “sơ Hạnh” có phải là “người trong mộng” của tôi hay không. Ông cha già cũng tinh mắt lắm! Thấy tôi cứ thấp tha thấp thỏm, ngó trước ngó sau, ngài tới gần hỏi:

- Vui không thầy Hiếu? Thầy đang kiếm ai, phải không?

- Dạ. Tiệc xong con muốn nói chuyện riêng với cha vài phút.

- Chúng ta ra ngoài hành lang nói chuyện bây giờ cũng được. Mấy người lâu lâu mới có dịp gặp nhau, chắc họ còn ở chơi lâu. Đây là “nhà chung” mà.

Nói rồi ngài đi trước, tôi lẽ đẽo theo sau. Ra tới hành lang nhà xứ, tôi hỏi ngay:

- Lúc nãy cha nói sơ Hạnh nào vậy cơ?

- Thì chính sơ Hạnh thầy vẫn thường gặp đó.

- Con có quen bà sơ nào đâu!

- Hôm kia tôi còn thấy thầy nói chuyện với sơ Hạnh lúc lễ xong mà.

Tôi giật thót cả người:

- Chết con rồi cha ơi! Con đâu biết nàng là bà sơ.

- Không sao đâu. Sơ ấy còn trẻ nhưng giỏi giang và đạo đức lắm.

Tôi nghe mà ngao ngán cõi lòng! Tôi đành “bắt đền” ông cha vậy:

- Cha có biết tại sao con siêng đi lễ mỗi ngày không? Ngay hôm đầu tiên về đây, con gặp nàng từ cửa nhà thờ đi ra, trông đẹp như tiên nữ, và con đã thầm yêu trộm nhớ từ đó. Con đi lễ mỗi ngày chỉ để có dịp ngắm nàng thôi. Con đồng ý theo cha đi học đạo cũng với hy vọng được cùng nàng quỳ bên hang đá vào lễ Giáng Sinh năm nay, để cùng nắm tay nhau bước vào tình yêu. Bây giờ cha bảo con phải làm sao đây?

- Thầy vẫn tiếp tục đi lễ mỗi ngày, thầy vẫn có thể ngắm sơ Hạnh, chỉ đừng nghĩ bậy thôi.

- Thế thì được nước non gì cha. Con lỡ tìm hiểu đạo rồi, bây giờ bỏ ngang cũng uổng, nhưng con bắt đầu tìm hiểu đạo vì nàng, bây giờ nàng là bà sơ, con còn được gì nữa đâu! Con phải bắt đền tượng Đức Bà mới được. Con đã cầu xin, đã dâng tình yêu hai đứa cho Đức Bà, bây giờ con chẳng được gì nữa cả. Thế thì thiệt cho con quá. Cha đồng ý không?

- Thánh ý Thiên Chúa nhiệm mầu lắm thầy Hiếu à. Ngài có thể dùng bất cứ biến cố, dữ kiện, hay hoàn cảnh nào trong cuộc sống để kêu gọi chúng ta đến với Ngài. Tôi nghĩ đây cũng là ý Chúa, thầy cứ bình tĩnh suy nghĩ và cầu nguyện rồi ơn trên sẽ soi sáng cho thầy biết phải làm gì.

- Con đâu có biết cầu nguyện gì đâu. Con chỉ xin với Đức Bà cho con và nàng “hai đứa thương nhau” mà thôi.

- Bây giờ tôi với thầy vào quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ La-Vang. Được không? Nếu thầy không muốn cũng không sao.

- Được cha. May ra Đức Bà lại cho con người khác.

- Biết đâu được. Nhưng cũng có thể đây là dấu chỉ Thiên Chúa muốn dùng thầy làm một việc gì riêng cho Ngài. Ta cứ cầu nguyện rồi từ từ hãy quyết định.

Tôi chẳng biết nói gì hơn, đành theo cha già vào quỳ trước tượng Đức Bà. Tôi thấy ông cha có vẻ chăm chú cầu xin gì đó, miệng cứ lẩm bẩm những gì tôi không nghe được. Tôi đành giương mắt ngắm tượng Đức Bà, lòng có ý hờn trách... “Cũng tại bà đó. Bà xui khiến cho con gặp nàng, nhưng lại không cho con biết nàng là bà sơ, để con lỡ yêu rồi. Nếu Bà giỏi thì nói cho con hay nàng có còn cô em gái nào giống nàng hay không, hoặc giới thiệu cho con một người như thế cũng được.” Tôi quỳ suy nghĩ vớ vẩn một lát, tự nhiên thấy mình xin như thế cũng không được, mình đã yêu sơ Hạnh rồi, bây giờ lại xin cho được tình yêu em gái nàng (nếu có), hay một cô khác tương tự thì hóa ra mình chỉ là một thằng “sở khanh”!

Trong lúc tôi đang suy nghĩ lan man thì ông cha vẫn chăm chú cầu kinh. Trông nét mặt ngài có vẻ thanh thản, bình an và hạnh phúc quá. Kể cũng lạ, ông ấy sống một mình, suốt ngày long đong vất vả lo cho con dân mà không thấy dấu hiệu gì là mệt mỏi, mặc dầu tuổi đã cao. Ông ấy phải thương dân lắm mới làm được như vậy. Tôi chỉ mới “hơi thương” một người đã thấy lòng bất an, tại sao ông cha này lại có được sự “bình an thư thái” như vậy nhỉ? Tôi tự hỏi và không biết trả lời ra sao. Tôi cứ quỳ đó, chẳng thèm xin gì nữa. Để mai mốt có dịp mình hỏi ông cha xem làm sao ông ấy tìm được hạnh phúc trong vất vả nhọc nhằn thế kia... Tôi đã nuôi hy vọng là mùa Giáng Sinh năm nay tôi sẽ có được Đức Tin và Tình Yêu. Nhưng bây giờ, Đức Tin chưa được và Tình Yêu lại theo gió bay cao vì tôi thương lầm một bà sơ! Văng vẳng đâu đây có tiếng hát vọng về:

Từ rất xa khơi, Người đã gọi tôi
Đi giữa lòng đời rao truyền Tin Mới.
Từ rất xa khơi, Người đã gọi tôi
Đi vào thế giới rắc gieo tình người...

Tôi nghe lòng thanh thản lạ thường. Tôi ngẩng đầu lên, không thấy cha già quỳ bên cạnh nữa, không biết ngài đã đi đâu. Tôi nhìn lên tượng Đức Bà và thấy có vẻ như Bà ta đang mỉm cười với tôi. Tôi thẹn thùng gục mặt và lòng thầm thì khấn nguyện... Tôi biết tôi không thể yêu “sơ Hạnh” được nữa rồi! Nhưng tại sao tôi không thử theo ông cha già một lần cho biết... Không yêu được một người cũng buồn lắm, nhưng chắc mình cũng sẽ bình an thanh thản như ông cha già khi yêu hết mọi người. Đức Bà ơi! Có phải Chúa dùng nàng để dẫn con theo một con đường mới? Tôi hỏi rồi lại tự trả lời: “Không đúng. Tôi còn chưa có đạo nữa là...!” Tôi còn đang băn khoăn thì nghe có tiếng cha già nhỏ nhẹ bên tai:

- Thầy Hiếu về nghỉ kẻo trễ. Cứ tiếp tục suy nghĩ và cầu nguyện. Nếu Chúa muốn thì việc gì cũng có thể.

Tôi không hoàn toàn hiểu ý câu nói của cha già, nhưng tự nghĩ chắc Chúa không muốn mình quấy rối cuộc sống tu trì của sơ Hạnh. Không biết Chúa có muốn mình theo cha già “đi vào thế giới rắc gieo tình người” hay không... Và lần đâu tiên trong đời, tôi bật miệng thốt lên một lời nguyện bộc phát tự đáy lòng: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”

Nguyễn Duy-An

Đọc nhiều nhất Bản in 20.12.2007. 14:11