Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý niệm tiếp nhận trong hiệp thông (3)

§ Vũ Văn An

III. Tiếp nhận trong đại kết

Linh mục Hermann J. Pottmeyer, thành viên Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, người cùng học với Lonergan tại Đại Học Gregoriana tại Roma và dạy với Karl Rahner tại Đại Học Munster, có viết một bài về diễn trình tiếp nhận, dưới quan điểm đại kết, trên tờ America, số ngày 26 tháng 10 năm 1996. Theo cha Pottmeyer, hiệp thông là việc hợp nhất Kitô Giáo, trong khi tiếp nhận là đường dẫn tới sự hợp nhất đó.

Đối với cha, Giáo hội sơ khai luôn coi mình như một hiệp thông các giáo hội chị em, do đó, sợi dây sinh tử nối kết các giáo hội này lúc nào cũng được biểu lộ qua đối thoại với nhau và qua tiếp nhận các truyền thống hay các lối tuyên xưng đức tin để sau đó biến thành của riêng mình.

Hiện trạng

Cha Pottmeyer cho hay: trên tập san Una Sancta năm 1996, Đức Hồng Y Cassidy, lúc ấy là chủ tịch Hội Đồng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, có nhắc đến “vấn đề tiếp nhận”, coi nó như một trong những thách thức lớn nhất của thời đại. Trong cùng số báo ấy, Konrad Raiser (cựu tổng thư ký Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới) đề cập tới việc thiếu phối hợp trong các cuộc đối thoại song phương và đa phương và vấn đề khó khăn chưa đạt được một tiếp nhận có tính trói buộc đối với các kết quả do đối thoại mang lại. Theo ông, lý do là các giáo hội phân ly lấy mình làm điểm khởi hành để rồi cố gắng vượt qua chia rẽ bằng hội tụ hay đồng thuận. Việc ấy tuy là một bước tích cực đáng kể, nhưng có trở ngại lớn là khi lượng giá các tuyên bố hội tụ, họ lại dựa vào trạng huống giáo huấn chính thức của họ. Và do đó, diễn trình tiếp nhận không thể nhúc nhích gì được. Có thể nói, các giáo hội phân rẽ vẫn cứ loay hoay giam mình trong giai đoạn phòng ngự, cốt bảo vệ cho bằng được chính bản sắc của mình. Mà bản sắc thì bao giờ cũng làm mình khác với người khác. Tóm lại, chưa có một cái khung trói buộc để việc tiếp nhận có thể xẩy ra.

Bởi thế, Raiser đề nghị không nên coi các cuộc đối thoại song phương và đa phương chỉ như những tiếp xúc giữa các giáo hội phân ly với nhau. Đúng hơn nên coi các cuộc đối thoại đó và việc tiếp nhận chúng như những giai đoạn của một diễn trình “công đồng” (conciliar process) toàn diện. Theo ông, điểm khởi hành, trước khi có bất cứ hành động nào, là phải giả thiết rằng đã có sẵn một tính cộng đoàn thực sự giữa các Giáo Hội, chính tính cộng đoàn này đẩy các giáo hội tiến tới tính công giáo trọn vẹn. Tóm lại, các giáo hội cần có sự “hồi tâm” (conversion), thay vì chú tâm vào điều hiện làm mình phân rẽ, họ phải chú mục vào việc củng cố những gì vốn gắn bó họ với nhau nghĩa là củng cố và nới rộng tính cộng đoàn sẵn có giữa họ với nhau.

Định nghĩa tiếp nhận

Định nghĩa cổ điển về tiếp nhận là của Cha Yves Congar, như trên đã nhắc tới. Trong định nghĩa ấy ta thấy mấy yếu tố sau đây: 1. Tiếp nhận ít nhiều là một diễn trình dài. 2. Tiếp nhận bao gồm một thuận ý (assent) tích cực có nghĩa như một phán đoán độc lập nơi người tiếp nhận chứ không đơn thuần chỉ là một hành vi vâng lời một thẩm quyền cao hơn. 3. Người tiếp nhận, bất kể là một giáo hội đặc thù, một thượng hội đồng hay một công đồng, phải hành động một cách tương đối như các chủ thể độc lập. 4. Tư liệu tiếp nhận phát nguyên từ một nguồn ở bên ngoài cộng đoàn mình. 5. Tiêu chuẩn để tiếp nhận là nhận biết và cảm nghiệm rằng tư liệu đó không mâu thuẫn với truyền thống của người nhận và chắc chắn sẽ thăng tiến và phong phú hóa cuộc sống nội tâm của cộng đoàn.

Về phương diện đại kết, người ta thấy vấn đề tiếp nhận bắt đầu được đặt ra từ thập niên 1970; tuy nhiên, qua thập niên 1980, nó mới thực sự được định hình rõ rệt khi Hội Đồng Đức Tin và Mệnh Lệnh (Faith and Order Commission) chuyển Tuyên Ngôn Lima về Phép Rửa, Phép Thánh Thể và Thừa Tác Vụ (1982) cho các giáo hội và yêu cầu các giáo hội này xác định lập trường về tuyên ngôn này. Chính trong diễn trình này, người ta dần dần hiểu ra: định nghĩa cổ điển về việc tiếp nhận các bản văn công đồng không thể áp dụng nguyên con ở đây, mà đòi phải có sự điều chỉnh. Nghĩa cổ điển chỉ áp dụng cho một giáo hội tự hiểu mình như một hiệp thông các giáo hội. Vì giáo hội lúc ấy là một Giáo Hội thống nhất. Còn trong bối cảnh đại kết, ta thấy có yếu tố mới: đây là diễn trình tiếp nhận giữa các giáo hội phân rẽ vì dị biệt lịch sử, tín lý và cơ cấu. Không có sự hiệp thông giữa các giáo hội, diễn trình tiếp nhận phức tạp hơn gấp bội.

Tuy thế, theo cha Pottmeyer, ta vẫn học hỏi được nhiều điều từ nghĩa cổ điển của tiếp nhận. Thực vậy, các thần học gia vẫn cho rằng việc tiếp nhận các bản văn công đồng thực ra chỉ là một yếu tố trong việc tiếp nhận đại kết rộng rãi hơn. Nguyên sự kiện bước vào đối thoại, dù chưa đưa ra được một bản văn nào, cũng đã là một hành vi tiếp nhận hỗ tương rồi, hành vi này nhìn nhận cộng đoàn khác như chị em của cộng đoàn mình, hay ít nhất cũng như người chung phần (partner) vào đối thoại trên căn bản một hiệp thông đã có, một người chung phần mà ta nên bước vào hiệp thông trọn vẹn. Như thế, các yếu tố tiếp nhận lẫn nhau, nhất là tiếp nhận hỗ tương các bên liên hệ, đi trước việc diễn ra đối thoại và sẽ được đan kết vào các bản văn sẽ phát sinh trong diễn trình đối thoại. Do đó, bản văn cùng lắm chỉ có thể ví như “chỏm của khối băng đá” (tip of iceberg). Ngày nay các giáo hội đều hiểu nghĩa toàn diện của tiếp nhận như một diễn trình qua đó các giáo hội nhận làm của mình toàn bộ các kết quả do các cuộc gặp gỡ mang lại. Tiếp nhận là phần yếu tính của chuyển động tiến tới hiệp thông toàn diện.

Một yếu tố khác trong quan niệm mới về tiếp nhận, một yếu tố vốn thừa hưởng từ mô thức tiếp nhận cổ điển, là người ta hiểu rằng tác nhân của diễn trình toàn diện này bao gồm mọi chi thể Giáo Hội, mọi vai trò đặc thù của các nhà lãnh đạo Giáo Hội, của mọi tín hữu giáo dân và của mọi nhà thần học. Đức Hồng Y Willebrands quảng diễn ý tưởng này như sau: “Mọi đặc sủng và phục vụ đều can dự vào theo vị thế của mình: thần học gia với việc nghiên cứu, giáo dân với lòng trung thành và đạo đức, thừa tác viên giáo hội, nhất là giám mục đoàn, với chức năng đưa ra các quyết định tín lý có tính bó buộc. Tóm lại, thừa tác vụ và đặc sủng, tuyên xưng và thần học, thừa tác vụ huấn quyền và đồng cảm đức tin nơi giáo dân, tất cả đều cùng hành động với nhau trong diễn trình tiếp nhận” (The Ecumenical Dialogue and its Reception, 222).

Các phúc trình đại kết của Nghị Hội Thứ Sáu về Đối Thoại Song Phương và Sách Chỉ Dẫn của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo cũng đề cập tới ba tác nhân trên của tiếp nhận. Sách Chỉ Dẫn cũng nói tới bầu khí thiêng liêng mà trong một mình nó cũng có thể có sự tiếp nhận đại kết thành công rồi. Tất nhiên, sự hồi tâm là điều cần thiết cho một tiếp nhận hữu hiệu. Phúc trình của Nghị Hội Thứ Sáu về Đối Thoại Song Phương nói rằng: chuyển động của các giáo hội hướng tới hiệp thông trọn vẹn chỉ có thể có được khi các giáo hội ấy chịu canh tân. Việc cởi mở với nhau, việc loại bỏ các dị biệt về tín lý và mệnh lệnh, và việc hoà giải ký ức đòi ta phải thay đổi quan điểm và thái độ. Không có diễn trình canh tân thiêng liêng đó, sẽ không có bất cứ tiến bộ nào hướng tới hợp nhất hữu hình.

Sự đóng góp của Thông Điệp Ut Unum Sint

Ai cũng biết năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành thông điệp Ut Unum Sint (Để Chúng Nên Một). Sau khi đề cập tới tính hỗ tương, Đức Gioan Phaolô II viết rằng: cần phải từ bỏ não trạng tranh chấp, chống đối nhau để bước qua thái độ nhìn nhận nhau như người chung phần (partner). Khi bước vào đối thoại, mỗi bên phải giả thiết bên kia có ước muốn hoà giải, hợp nhất trong chân lý. Để việc ấy xẩy ra, bất cứ biểu hiện chống đối hỗ tương nào cũng phải mất đi. Chỉ có thế, đối thoại mới giúp ta vượt qua được chia rẽ và dẫn ta gần lại hơn sự hợp nhất (số 29).

Nhận định trên hoàn toàn phù hợp với đề nghị của Raiser: coi và chấp nhận các giáo hội khác không như các giáo hội phân rẽ mà như những người chung phần và cuối cùng như các giáo hội chị em. Vấn đề như thế là tiếp nhận lẫn nhau trước khi có sự tiếp nhận kết quả đối thoại và tiếp nhận toàn diện.

Thông điệp cũng mô tả đại kết thiêng liêng như “linh hồn” của quan niệm mới. Thông điệp nói tới “tính tối thượng của cầu nguyện”, và nói tới “canh tân và hồi tâm”. Hồi tâm giúp ta thay đổi cách nhìn sự vật, giúp nhìn các Kitô hữu và giáo hội khác dưới ánh sáng mới, dẫn ta tới việc khám phá ra sự phong phú của họ về đạo đức, về những người đàn ông đàn bà thánh thiện, về dấn thân Kitô Giáo của họ. Đồng thời, sự hồi tâm cũng giúp chính ta nhận ra các bất toàn và tội lỗi của mình trong việc chống lại các Kitô hữu khác và mở lối cho ta canh tân bản thân mình. Thông điệp minh nhiên nói tới việc tiếp nhận đại kết, coi nó như một thách thức mới: “Một trách vụ mới đang được đặt ra cho chúng ta: đó là tiếp nhận các kết quả đã đạt được. Những kết quả này không nên tiếp tục chỉ là tuyên bố của các ủy ban song phương nhưng phải trở thành gia tài chung” (số 80).

Giống các tài liệu đã nhắc, thông điệp này cũng nói tới ba tác nhân của tiếp nhận, rồi đề cập tới “diễn trình có phê phán nhằm phân tích các kết quả và mạnh mẽ thử nghiệm sự nhất quán của chúng với Truyền Thống đức tin, đã tiếp nhận được từ các Tông Đồ và được cộng đồng tín hữu đem ra sống” (số 80). Việc mô tả tiếp nhận như một diễn trình có phê phán hoàn toàn phù hợp với cái hiểu cổ điển về tiếp nhận. Nhưng cũng như thời Giáo Hội Sơ Khai, nó đặt ra vấn đề tiêu chuẩn cho tiếp nhận. Ở đây cũng như trong nhiều đoạn văn khác, tưởng nên để ý điều này: thông điệp không đơn thuần chỉ nhắc đến hiện trạng giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo mà thôi, nhưng là nói tới truyền thống các Tông Đồ như đang được giảng dạy và đem ra sống trong Giáo Hội ngày nay. Dĩ nhiên, khi nói đến truyền thống đó là nói tới truyền thống đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Thực vậy, trong một đoạn khác, khi nhắc tới sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio, thông điệp khẳng định rằng chân lý trọn vẹn của Chúa Kitô luôn được duy trì trong Giáo Hội Công Giáo (số 10-11). Nhưng kèm theo lời khẳng định ấy là nhiều minh xác. Như ở đoạn nói về đối thoại, thông điệp nói rằng: cùng với các giáo hội khác, Giáo Hội Công Giáo tự đặt mình dưới câu hỏi có tính phê phán sau đây “liệu họ có thực sự diễn tả một cách thoả đáng mọi điều Chúa Thánh Thần thông truyền qua các Tông Đồ hay không?” (số 16). Câu hỏi tự phê phán ấy chính là một phần của tiếp nhận, hiểu như một “diễn trình phê phán”. Thông điệp cũng nói thêm rằng “một số điểm trong mầu nhiệm Kitô Giáo đôi khi được nhấn mạnh một cách có hiệu quả hơn” trong các giáo hội khác (số 14). Thành thử ra, thông điệp không nằng nặc coi việc lên công thức đức tin từng được truyền lại cho chúng ta trong Giáo Hội Công Giáo là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý. Thông điệp cho rằng rất có thể, khi tiếp nhận cuộc đối thoại đại kết, ta mới thấy cách thế quen dùng để phát biểu chân lý đức tin trong truyền thống của ta tỏ ra không giúp ích mấy cho con đường hợp nhất đức tin. Thông điệp nói như sau: Tiếp nhận ý niệm được Đức GH Gioan XXIII phát biểu lúc khai mạc Công Đồng, Sắc Lệnh về Hợp Nhất nhắc đến phương thức lên công thức cho học lý như là một trong các yếu tố của việc canh tân liên tục… (Vì) học lý cần được trình bày một cách dễ hiểu đối với những ai Thiên Chúa muốn nhắn gửi (số 18-19). Chính vì thế, ở cuối phần nói về tiếp nhận, thông điệp viết rằng: “…về phương diện phương pháp luận, cần thận trọng để ý tới sự phân biệt giữa kho ký thác đức tin và công thức phát biểu đức tin” (số 81).

Cha Pottmeyer cho rằng: nếu hiểu không sai, thì chính Đức Gioan Phaolô II cũng áp dụng cùng một phương pháp luận trên vào vấn đề thẩm quyền Phêrô. Ngài chấp nhận “lời yêu cầu ngỏ với tôi để tôi tìm cách thi hành quyền tối thượng này dù không từ bỏ những gì chủ yếu đối với sứ mệnh của nó, nhưng vẫn có thể mở cửa chào đón tình thế mới”. Đức Gioan Phaolô II thận trọng phân biệt giữa chủ trương thi hành quyền tối thượng này theo khuynh hướng tuyệt đối và tập quyền thời nay, và thẩm quyền Phêrô theo Thánh Kinh và việc thi hành thẩm quyền ấy trong đệ nhất thiên niên kỷ, và ngài mời gọi các Kitô hữu khác “hãy cùng tôi dấn thân vào một cuộc đối thoại kiên nhẫn và huynh đệ về chủ đề này, một cuộc đối thoại trong đó, bỏ lại sau lưng các tranh chấp vô ích, chúng ta sẽ lắng nghe nhau, chỉ giữ lại trước mắt ta ý Chúa Kitô dành cho Giáo Hội của Người và để ta được lời khẩn khoản của Người thúc đẩy ta” tiến tới hợp nhất (số 96). Như trên đã rõ, cái hiểu toàn bộ về tiếp nhận tùy thuộc ở việc không nhấn mạnh tới phân rẽ nữa nhưng nhấn mạnh tới cơ sở chung hiện có và tính cộng đoàn giữa những người chung phần vào cuộc đối thoại. Về phương diện này, thông điệp Ut Unum Sint tỏ ra tiến bộ hơn Sắc Lệnh về Hợp Nhất. Rõ một điều các thông sáng của thông điệp cũng một phần do gợi hứng của nhiều cuộc gặp gỡ đại kết được ngài nhắc tới trong thông điệp.

Thông điệp cũng lưu ý tới những thay đổi ngôn từ phát sinh từ việc thay đổi quan điểm. Ngày nay, người ta ít nói tới “các anh em ly khai”, mà là “các Kitô hữu khác”, “những người chịu Phép Rửa khác” hay “các Kitô hữu thuộc các Cộng Đồng khác”. Sách Hướng Dẫn gọi các cộng đồng khác là “Các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo” (số 13, 47).

Ngoài hình thức tử đạo như dấu chỉ hiệp thông, có ở mọi thời đại và nhất là thời nay, trong đó các Kitô hữu đủ mọi tuyên tín đều có dự phần, thông điệp còn coi cuộc đối thoại đại kết như một cộng đồng hay ít nhất cũng đã nhìn nhận một mức độ hiệp thông nào đó rồi (số 49). Thiết tưởng sự hội tụ giữa Ut Unum Sint và các đề nghị của Văn Phòng Tổng Thư Ký Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới khá rõ rệt.

Những khó khăn tồn đọng

Cha Pottmeyer dựa vào cuộc đối thoại của hai Giáo Hội Công Giáo và Luthêrô, mà kết quả là Tuyên Bố Chung năm 1994 về Giáo Hội và Sự Công Chính Hóa, để trình bày một số khó khăn tồn đọng trong diễn trình tiếp nhận. Cha cho rằng thỏa hiệp trên rất căn bản, nhưng phần “Những Phạm Vi Còn Tranh Cãi” lại liệt kê khá nhiều các bất đồng còn tồn tại. Như thế, việc tiếp nhận tài liệu trên ra sao?

Theo cha, trước nhất cần minh định rằng nguyên việc cùng nhìn nhận các bất đồng còn lại cũng cho thấy đã có sự tiến bộ về đại kết rồi. Vì sự nhìn nhận chung này không làm ta sao lãng cơ sở chung và tính cộng đoàn hiện có. Trái lại, nó giúp nói lên và củng cố thêm cơ sở và tính cộng đoàn ấy. Chắc chắn đây là cách nhìn của thông điệp Ut Unum Sint, là thông điệp từng liệt kê ra 5 phạm vi như thế (số 79). Ngoài ra, các bất đồng này khác nhau về tầm quan trọng và không phải là không chịu ảnh hưởng bởi các nhất trí đã đạt được. Điều này đặc biệt đúng nếu nhìn chúng trong bối cảnh của diễn trình đối thoại và tiếp nhận đầy năng động, trong đó, người khác được nghiêm chỉnh coi như những người chung phần và các quan tâm của họ được coi như các đóng góp làm phong phú truyền thống của ta.

Theo cha Pottmeyer, trong diễn trình đối thoại và tiếp nhận, để xử lý các bất đồng tồn đọng, hai loại tiêu chuẩn phải được phân biệt rõ. Loại thứ nhất được mệnh danh là các tiêu chuẩn dị biệt hóa (differentiation) và đánh giá các bất đồng. Loại thứ hai được mệnh danh là các tiêu chuẩn chân lý. Đối với loại đầu, thông điệp Ut Unum Sint đưa ra 3 tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn thứ nhất đã được nói rồi, đó là phân biệt giữa kho ký thác đức tin và việc lên công thức phát biểu nó ra. Nếu một bất đồng có căn bản duy nhất hay chủ yếu trong lối phát biểu truyền thống, thì cần phải tìm ra công thức biết nắm vững thực tại trong toàn bộ tính của nó để vượt lên trên lối đọc phiến diện và loại bỏ những lối giải thích lầm lạc (số 38). Vì “yếu tố nào xác định được hiệp thông trong chân lý là có nghĩa chân lý. Biểu thức của chân lý có thể mang nhiều hình thức” (số 19).

Thông điệp đưa ra tiêu chuẩn thứ hai, đó là “phẩm trật chân lý, vì các chân lý có trình độ khác nhau trong tương quan của chúng với nền tảng của đức tin Kitô Giáo” (số 37). Thực vậy, việc cùng nhau tìm ra mối tương quan của những học lý đang được tranh cãi với nền tảng đức tin Kitô Giáo (nghĩa là với mầu nhiệm Chúa Kitô và việc xuất hiện của Nước Chúa) sẽ giúp ta nắm được tầm quan trọng khác nhau trong các bất đồng, hiểu ra những đồng thuận với người khác, và có lẽ cùng đặt ra được các ưu tiên mới, mở đường cho một nhất trí nào đó. Điều này cũng được đề cập trong Ý Niệm Phẩm Trật Chân Lý, Một Lối Giải Thích Đại Kết, một tài liệu được Ủy Ban Hỗn Hợp Công Giáo và Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới ủy nhiệm soạn thảo năm 1990.

Tiêu chuẩn thứ ba là: trong diễn trình tiến “tới sự hợp nhất hữu hình cần thiết và đầy đủ… người ta không nên áp đặt bất cứ gánh nặng nào vượt quá những điều thực sự cần thiết (xem Cv 15:28)” (số 78). Có tác giả đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tiêu chuẩn này: tiếp nhận như thế hoàn toàn lệ thuộc câu định nghĩa của thuật ngữ “id quod requiritur et sufficit” (điều cần và đủ) (Jean-Marie R. Tillard, "Reception"-. A Time to Beware of False Steps, trong Ecumenical Trends 14 (1985), 148).

Cả ba tiêu chuẩn trên cùng cho thấy khả thể một đa nguyên tính trong các lối phát biểu và sống thực đức tin, mà không làm hại hay giảm thiểu sự hiệp thông trong chân lý. Đa nguyên tính này đã được nhìn thấy trong các trước tác Tân Ước và trong các giáo hội thời đệ nhất thiên niên kỷ. Như thế, cả ba tiêu chuẩn để dị biệt hóa và lượng giá các bất đồng còn tồn đọng là một trợ giúp quan trọng để chứng tỏ liệu những bất đồng này có là trở ngại cho việc chấp nhận hiệp thông trọn vẹn hay không. Tiêu chuẩn chân lý thiết yếu có liên hệ với các tiêu chuẩn kia, nhưng phân tích đến cùng, nó là tiêu chuẩn quyết định.

Như trên đã nói, hiện nay, vấn đề là khuynh hướng các giáo hội chỉ tiếp nhận các tài liệu đại kết trên căn bản truyền thống riêng của mình. Tillard phê bình một quan điểm tương tự, chỉ chấp nhận trong bản văn đã thoả thuận những gì vốn luôn được nghĩ và công bố trong chính truyền thống của mình và bác bỏ bất cứ điều gì thách thức hay xa lạ với truyền thống ấy. Trong trường hợp này, truyền thống của nhóm trở thành thước đo của tiếp nhận, một chủ trương cho thấy họ ngầm bác bỏ "nguy cơ" phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh (tài liệu đã dẫn, tr.146).

Về tiêu chuẩn chân lý, theo Giáo Hội Công Giáo Rôma, thông điệp Ut Unum Sint liệt kê: “Sách Thánh và Truyền Thống vĩ đại của Giáo Hội. Người Công Giáo được Huấn Quyền sống động của Giáo Hội nâng đỡ” (số 39). Tuy nhiên, trên thực tế, vai trò qui phạm của truyền thống và huấn quyền bị tranh luận giữa các giáo hội với nhau. Trong số 5 lãnh vực vẫn còn tranh chấp, thông điệp Ut Unum Sint nhắc đến mối liên hệ giữa Thánh Kinh, thẩm quyền cao nhất trong các vấn đề niềm tin, cùng với Thánh Truyền, vốn tối cần cho việc giải thích Lời Chúa, và huấn quyền của Giáo Hội, được ủy thác cho đức giáo hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài, hiểu như trách nhiệm và thẩm quyền, nhân danh Chúa Kitô, giảng dạy và bảo vệ đức tin (số 79).

Việc minh giải và loại bỏ các bất đồng trên là trách vụ khẩn thiết ngày nay vì việc tiếp nhận đại kết nhiều hay ít tùy thuộc rất nhiều vào việc này. Theo cha Pottmeyer, có hai vấn đề riêng rẽ và việc lẫn lộn giữa hai vấn đề này đã đóng một vai trò quan trọng trong các bất đồng đã nhắc đến. Vấn đề đầu tiên và căn bản hơn phải được nhìn thấy nơi các giáo hội Cải Cách, có liên hệ tới việc chấp nhận vai trò qui phạm của Giáo Hội, truyền thống của Giáo Hội và huấn quyền của Giáo Hội trong việc chuyển thông và duy trì mạc khải. Vì chính các giáo hội này cho rằng Giáo Hội, đôi khi và một phần nào đó, đã thất bại trong chức năng này. Vấn đề thứ hai phát sinh từ các khó khăn trong việc giải thích truyền thống và đưa ra sự phân biệt cần thiết giữa “Truyền Thống” có tính trói buộc (Truyền Thống viết hoa) và “các truyền thống” chỉ có tính nhân bản. Vấn đề thứ hai này rất thường khi được gán cho một ý nghĩa nền tảng hơn vì bị lẫn lộn với vấn đề thứ nhất.

Về phương diện này, nên ghi nhận rằng trong việc giải thích sách thánh, các khó khăn giải thích không hề ít hơn. Ngoài ra cũng nên thấy điều này: tất cả các giáo hội nào bác bỏ truyền thống phổ quát như thước đo sự thật trong việc giải thích sách thánh và nhấn mạnh tới truyền thống đặc thù riêng của mình như tiêu chuẩn duy nhất của sự thật, đều không chấp nhận một quan điểm khả tín. Sau cùng, cần phải nói rằng các khó khăn giải thích cụ thể, phát sinh từ việc giải thích sách thánh và truyền thống giáo hội, tự chúng không tạo nên một vấn đề đặc thù nào cho bất cứ truyền thống nào và không phải là vấn đề nên phân rẽ các giáo hội. Dù sao, vấn đề ấy cũng từng phát sinh ngay trong Giáo Hội Công Giáo Rôma (như vấn đề đang được tranh luận về việc truyền chức cho nữ giới) và nó cũng phát sinh trong các giáo hội khác nữa. Ngay Giáo Hội thời đệ nhất thiên niên kỷ, dù chưa phân rẽ, cũng đã phải giáp mặt với vấn đề ấy như cuốn Commonitorum của Thánh Vincent thành Lérin thuộc thế kỷ thứ 5 đã chứng tỏ.

Thông điệp Ut Unum Sint nhắc tới các qui phạm của chân lý, được khai triển lúc các vấn đề thuộc đức tin “đòi được mọi người ưng thuận, từ giám mục cho tới hàng giáo dân, tất cả những ai từng đã tiếp nhận Chúa Thánh Thần. Cũng một Chúa Thánh Thần ấy đã hỗ trợ Huấn Quyền và làm phát sinh cảm thức đức tin (sensus fidei)” (số 80).

Vậy thì phải làm gì? Theo cha Pottmeyer, nhất trí đại kết đã được bắt đầu, liên quan tới vai trò qui phạm của Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Chúa và huấn quyền, và liên quan tới sự phân biệt nền tảng giữa “Truyền Thống” viết hoa và các “truyền thống” viết thường. Nhưng ta cần được minh giải thêm vì vấn đề này có liên quan mật thiết với vấn đề công chính hóa.

Còn về vấn đề thứ hai, tức việc nhất trí về “Truyền Thống” viết hoa, về việc thẩm định có tính giải thích của nó và về tính cách trói buộc của nó, điều ước ao là Truyền Thống của Giáo Hội chưa phân rẽ trong Thiên Niên kỷ thứ nhất, nhất là các sắc lệnh có tính tín lý về Kitô học và Ba Ngôi và tư cách hiệp thông các giáo hội của nó, phải được dành ưu tiên hơn hẳn các khai triển có tính hệ phái sau này của từng giáo hội đặc thù. Đây không hẳn là lời khẩn nài trở về với một thứ chủ nghĩa cổ điển đã thành xương khô. Điều được khuyến cáo ở đây đúng hơn phải là con đường kiên nhẫn tái tiếp nhận truyền thống vĩ đại và phổ quát kia cũng như các quyết định của nó, nếu nói theo kiểu của Cha Yves Congar. Việc tái tiếp nhận này không chỉ lấy phương hướng ở quá khứ, mà đồng thời còn lưu ý tới “những nhấp nháp của thời đại” (sips of the times), trên hết phải lưu ý tới các thúc đẩy của Chúa Thánh Thần dạy ta phải tiến tới sự hiệp đoàn trọn vẹn các giáo hội và nhu cầu phải có một rao giảng khả tín bởi một Kitô Giáo hợp nhất.

Các tuyên bố chung về việc tuyên xưng Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinốp, cũng như nhiều văn bản đại kết khác, đã đi theo con đường này. Giáo Hội Công Giáo Rôma đã minh nhiên đi theo nó trong mối liên hệ của mình với các giáo hội khác của Đông Phương. Nhiều tiếng nói từ Rôma cho thấy rõ Rôma đang cố gắng đạt được sự đồng thuận đại kết về thẩm quyền Phêrô trên căn bản đệ nhất thiên niên kỷ và thi hành quyền tối thượng trong thời gian đó. Trong thông điệp Ut Unum Sint, ta đọc thấy “Trong trọn thiên niên kỷ này, các Kitô hữu hợp nhất trong một hiệp thông đức tin và đời sống bí tích đầy tình huynh đệ thân ái… Nếu có bất đồng về đức tin và kỷ luật xẩy ra giữa họ, Tòa Rôma đều hành động như người phối trí, do thoả thuận chung” (số 95).

Năm 1982, lúc còn là Hồng Y Ratzinger, Đức Bênêđíctô XVI từng viết rằng “khi nói đến học lý về quyền tối thượng, Rôma không nên đòi hỏi Phương Đông nhiều hơn những điều đã được lên công thức và được giảng dạy trong thiên niên kỷ đầu tiên” (Joseph Cardinal Ratzinger, Theologische Prinzipienlehre. Bausteine zur Fundamentaitheologle, Munchen: Wewel, 1982, tr. 209). Đệ nhất thiên niên kỷ cũng cung cấp một mô thức cho việc tiếp nhận đại kết ngày nay. Dù đúng là “cần nhiều đồng thuận thần học để phục hồi sự hợp nhất hơn là để duy trì nó” và sau đó, có một dị biệt giữa việc tiếp nhận theo nghĩa cổ điển và việc tiếp nhận theo nghĩa đại kết hiện nay, Edward Kilmartin vẫn chính xác khi nói rằng “như trong trường hợp Nixêa thứ nhất, Canxêđoan và các công đồng tự gọi là chung khác của thiên niên kỷ thứ nhất, tiếp nhận xẩy ra nhờ một diễn trình ít nhiều phức tạp” (Reception in History, 38)

Để kết thúc, cha Pottmeyer trích dẫn nhận định năm 1985 của Hội Nghị Chuyên Đề Liên Chính Thống về Tài Liệu Lima. Nhận định này dựa trên nghĩa cổ điển của ý niệm tiếp nhận: “Trong giai đoạn này, tiếp nhận là một bước tiến trong diễn trình tăng trưởng của việc chúng ta cùng nhau tin tưởng hỗ tương… hướng tới đồng thuận tín lý và sau cùng hướng tới việc hiệp thông với nhau trong liên tục tính đối với các tông đồ và các giáo huấn của Giáo Hội phổ quát” (Max Thurian, ed., Churches Respond to BEM 1, Geneva: FOP 129, 1986, tr. 124).

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 24.05.2010. 09:20