Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý kiến độc giả: "Việc gì phải đến sẽ đến"

§ Lại Thế Lãng

VietCatholic News (Thứ Sáu 11/01/2008)

Hồi đầu tháng tôi đã có một chuyến đi California, nơi cách chỗ tôi ở khoảng 3,000 miles. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thủ đô tỵ nạn. Thật ra tôi đã mong ước một chuyến đi Cali từ lâu vì ở đó tôi có nhiều thân nhân và bạn hữu nhưng rồi cứ ngài ngại vì sợ mình sẽ trở thành lạc hậu giữa chốn thủ đô. Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng Cali giống như thủ đô Sài gòn khi xưa còn chỗ tôi ở là Kontum hay Pleiku của vùng cao nguyên vậy.

Nhưng rồi có hai sự kiện đã khiến tôi hăng hái quyết định đi Cali một chuyến. Thứ nhất là dự lễ tấn phong hai linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế hải ngoại mà một trong hai linh mục này là con của một người bạn rất thân tình. Thứ hai là dự lễ kỷ niệm 50 năm hôn phối của một người bạn lâu năm khác.

Buổi sáng thứ Bảy 5/1 chúng tôi tham dự thánh lễ tấn phong tại nhà thờ Saint Christopher ở West Covina rồi dự tiệc mừng hai tân linh mục tại hội trường nhà xứ. Buổi chiều chúng tôi dự thánh lễ tại tư gia rồi dự tiệc mừng với gia đình cũng ở West Covina.

Ở cả hai nơi tôi đã có dịp tiếp xúc với một số quý vị đang sống tại Cali cũng như những vị từ các tiểu bang khác về tham dự một trong hai sự kiện trọng đại trên. Trong câu chuyện với những người vừa quen hay được gặp lại nhau, vô tình chúng tôi đã có những cuộc “thảo luận” sôi nổi. Đề tài chính của những cuộc “thảo luận” này là những tin tức thời sự liên quan đến biến cố tòa Khâm sứ đang gây chấn động khắp mọi nơi.

Tất cả ý kiến của những người tôi có dịp trao đổi đều tán thành việc Đức TGM Hà Nội kêu gọi cầu nguyện để yêu cầu nhà nước trả lại tòa Khâm sứ đã bị họ chiếm dụng từ lâu. Mọi người cũng cho rằng đã đến lúc người Công giáo phải mạnh dạn nói lên quyết tâm đòi hỏi công bằng và lẽ phải, đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo, trả lại tài sản của các giáo hội mà họ đã ỷ vào sức mạnh để ngang nhiên chiếm đoạt.

Tôi cũng được nghe nói đến một bức email có nội dung thật ngắn gọn nhưng dứt khoát “Việc gì phải đến sẽ đến”. Đây là câu trả lời của một vị chủ chăn khi có người đặt vấn đề về tình trạng tòa Khâm sứ. Tôi rất thích câu trả lời này. Lúc này không phải là lúc đặt vấn đề này nọ mà phải hành động. Hành động ở đây dĩ nhiên không phải là bạo động nhưng là hành động trong bác ái, yêu thương theo tinh thần Kitô giáo. Hơn lúc nào hết lúc này là lúc cần hiệp nhất một lòng một ý trong cầu nguyện và liên kết chặt chẽ với nhau thành một khối.

Mấy ngày ở Cali quá bận rộn với những cuộc gặp gỡ và không có phương tiện theo dõi tin tức tôi đã trở thành người lạc hậu đối với tình hình ở Hà Nội. Về đến nhà đọc email của một người bạn viết “Tổng Giáo Phận Hà Nội đang làm cho mọi người nức lòng” khiến tôi cũng thấy nức lòng. Tôi vội vào Vietcatholic mới biết trong thời gian tôi đang “rong chơi” ở Cali thì tại Hà Nội đã xẩy ra thêm một biến cố nữa.

Thì ra trong lúc giáo dân Thái Hà đổ dồn về cầu nguyện tại tòa Khâm sứ thì người ta đã lợi dụng cơ hội này để xâm chiếm đất đai của giáo xứ Thái Hà cũng là nơi đặt cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội. Không hiểu người ta nghĩ sao mà lại hành động như vậy? Họ nghĩ họ có thể trắng trợn xâm chiếm đất đai của Giáo hội hay là họ biết dù không thể “nuốt” được nhưng muốn khiêu khích? Cả hai việc làm đó đều không phải là hành động khôn ngoan trong tình hình hiện tại, khi mà càng ngày người Công giáo càng hiệp nhất trong lời cầu nguyện và trong tình liên kết.

Trước khi đi Cali tôi đã đọc bức thư ngỏ của Đức Cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục Giáo phận Thái Bình bày tỏ sự ủng hộ và hiệp nhất với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội trong việc đòi lại đất đai của tòa Khâm sứ.

Sau khi đi Cali về tôi đọc được thư của Đức cha Nguyễn Văn Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và hiện là Giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột. Bức thư bày tỏ sự hiệp thông với nguyện vọng chính đáng của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội yêu cầu chính phủ trả lại tòa Khâm sứ để đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội.

Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng đã gửi thư cho Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt bày tỏ lòng hiệp thông với Đức Tổng Giám Mục và giáo phận Hà Nội trong việc cầu nguyện để bảo vệ công bằng và chân lý. Tỉnh Dòng còn cho biết đã thông báo cho tất cả các tu viện của Tỉnh Dòng và những nhà thờ do Tỉnh Dòng đảm nhiệm để cùng hiệp thông cầu nguyện.

Mới đây nhất là điện thư của Dòng Đa Minh Việt Nam bày tỏ sự hiệp thông với Dòng Chúa Cứu Thế trong. Tôi thật phấn khởi với những lời lẽ dứt khoát trong những lá thư trên và mong rằng sẽ có thêm nhiều Giáo phận, nhiều Hội Dòng khác cùng lên tiếng hỗ trợ cho công việc chung. Xin đừng để những chiếc đũa riêng lẻ sẽ dễ bị bẻ gẫy xin hãy kết lại thành một bó đũa thì không ai có thể bẻ gẫy được.

Tôi cũng đã vào một số websites của các giáo phận và được biết tại website của Giáo phận Thái Bình có đăng thư của Đức cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục giáo phận. Trên website của Giáo phận Vinh có đăng thư của Đức cha Nguyễn Văn Sang và Đức cha Nguyễn Văn Hòa. Riêng tại website của Giáo phận Phú Cường thì có đăng đầy đủ thư cũng như những tin tức liên quan đến những gì đang diễn ra tại Hà Nội. Hoan hô Giáo phận Phú Cường và mong rằng các Giáo phận khác cũng làm như vậy để giáo dân biết được những gì đang xẩy ra có liên quan đến Giáo hội. Đồng thời cũng để giáo dân biết được đường hướng của chủ chăn của mình. Giáo dân không đọc được tin tức để biết những gì đang xẩy ra trong giáo hội trên các websites của Giáo phận thì còn biết tìm ở đâu. Xin hãy bày tỏ sự hiệp thông và tình liên kết giữa những người con cái của giáo hội. Đã xa rồi thời cái tinh thần “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Tinh thần đó không phải là cách hành xử của những người Kitô giáo.

Diễn biến của việc đòi lại tài sản của Giáo hội càng ngày càng phức tạp. Các buổi cầu nguyện từ tòa Khâm sứ đã lan rộng đến Thái Hà, Hà Đông và Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng và chắc chắn sẽ còn lan rộng đến nhiều nơi khác nữa nếu nguyện vọng của giáo dân không được nhà cầm quyền đáp ứng. Nhiều người lo ngại không biết rồi sẽ ra sao. Thiết tưởng là người tin theo Chúa chúng ta hãy tin tưởng và phó thác cho Chúa. Việc chúng ta có thể làm được là gia tăng cầu nguyện và liên kết chặt chẽ với nhau. Và rồi việc gì phải đến sẽ đến.

Lại Thế Lãng

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.01.2008. 19:06