Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ý kiến độc giả: Mẹ Sầu Bi - từ vụ đập tượng ở Đồng Đinh đến việc đặt tượng ở Hà Nội

§ Lại thế Lãng

Đầu tháng 2/2007 giáo dân Việt Nam ở khắp nơi không khỏi bàng hoàng khi nghe tin vào đêm 29 rạng 30/1/2007 tượng Mẹ Sầu Bi ở giáo xứ Đồng Đinh thuộc giáo phận Phát Diệm bị đập phá.

Giáo xứ Đồng Đinh nằm trong lãnh thổ của xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Giáo xứ được thành lập ngày 16/4/2006 với 1895 giáo dân và linh mục Giuse Lê Đức Năng được bổ nhậm làm chánh xứ.

Hơn một năm kể từ ngày giáo xứ được thành lập, ngày 5/11/2007 Đức cha Nguyễn Văn Yến, Giám mục địa phận Phát Diệm đã tặng cho giáo xứ Đồng Đinh bức tượng Mẹ Sầu Bi. Giáo dân Đồng Đinh đã rước tượng từ Phát Diệm về đặt tại núi Gò (một địa điểm trong xã Thượng Hòa). Ở nơi đó có sẵn một thánh giá đã được dựng lên từ lâu đời.

Ngay sau khi vụ đập tượng xẩy ra, linh mục chánh xứ và giáo dân Đồng Đinh đã gửi đơn đến các cấp chính quyền xin điều tra và xử lý thích đáng đối với những kẻ chủ mưu đập phá tượng.

Trong văn thư trả lời linh mục chánh xứ và giáo dân Đồng Đinh, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết chiếu theo kết quả điều tra và đề nghị của công an huyện Nho Quan, UBND tỉnh đã chỉ thị cho UBND huyện Nho Quan xử lý kỷ luật đối với 8 viên chức va công an trong xã đã tham gia vào việc đập phá tượng. Văn thư cũng cho biết trong một buổi họp tại UBND xã Thượng Hòa, viên bí thư Đảng ủy xã, một người dính líu trong vụ đập phá tượng, đã thay mặt cho những người vi phạm xin lỗi chính quyền và giáo dân, đồng thời ông ta cũng xin chịu trách nhiệm bồi thường vật chất về vụ đập tượng.

Tại giáo phận Phát Diệm ngày 5/3/2007 đã diễn ra buổi họp giữa ĐGM Nguyễn Văn Yến với các linh mục trong Ban Tư vấn và Hội đồng linh mục của giáo phận. Buổi họp đi đến kết luận “khép lại đau thương và mở ra tinh thần Kitô giáo”. Lý do là vì những yêu cầu của giáo xứ Đồng Đinh đã được đáp ứng.

Sau biến cố ở Đồng Đinh người ta đã nói nhiều đến Mẹ Sầu Bi nhưng dường như người ta chỉ nói đến những khía cạnh khác hơn là nói đến những điều cần học hỏi nơi thái độ của Mẹ Sầu Bi:

Mẹ không oán, không hờn, trong thinh lặng
Nhìn Con Yêu, nhìn nhân thế mê man
Tình thương yêu vượt thắng mọi oan khiên
Cho thế gian được thoát vòng tội lỗi

(Thơ: Mẹ Sầu Bi- Trà Lũ)

Mẹ Sầu Bi ẵm xác Chúa Giêsu ngồi dưới chân thánh giá là biểu tượng của sự đau khổ. Vì vay khi gặp oan khiên, khi có nỗi đau, khi phải đối diện với những nỗi oan ức vượt quá sức chịu đựng thì thái độ khôn ngoan nhất của người Công giáo là chạy đến với Mẹ Sầu Bi để xin Mẹ cảm thông, nâng đỡ và ủi an.

Có lẽ chính trong ý hướng đó mà hôm 18/12/2007 giáo dân Hà Nội đã đồng lòng đặt tượng Mẹ Sầu Bi bên gốc cây cổ thụ trong tòa Khâm sứ để mọi người đến cầu nguyện với Me trong một tình thế mà họ không thể làm gì khác hơn được. Và rồi suốt từ ngày đó đến nay, đáp lời mời gọi cầu nguyện của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, giáo dân Hà Nội đã không ngớt chạy đến kêu cầu cùng Mẹ xin cho công lý được thể hiện để tòa Khâm sứ sớm được trả lại cho giáo hội. Những buổi cầu nguyện này có lúc qui tụ đến hàng ngàn người.

Xin đừng ai nghĩ rằng đây là những cuộc biểu dương, biểu tình phản đối hay đả đảo. Suy nghĩ lệch lạc sẽ sinh ra ngộ nhận và có thể dẫn đến những hành động không hay. Đây chỉ là những buổi cầu nguyện thuần túy. Cầu nguyện vốn là nhu cầu thiết yếu của người Công giáo. Đối với người Công giáo cầu nguyện cần thiết như nhu cầu ăn uống và hít thở vậy.

Người Công giáo cầu nguyện để khỏi sa chước cám do, để được bình tĩnh và sáng suốt mà khỏi đi vào con đường lầm lạc. Người Công giáo cầu nguyện để có sự khôn ngoan mà chọn đúng con đường phải đi. Người Công giáo cầu nguyện cho mình và cho mọi người, kể cả với những ai đối đầu với họ. Vì vậy cầu nguyện luôn luôn là điều tốt cần được khuyến khích và cổ võ chứ không nên ngăn cản hay gây trở ngại.

Cầu nguyện cũng là phương cách hiệp thông giữa những con cái Chúa ở khắp mọi nơi. Khi có nhu cầu cầu nguyện, nhất là khi cần cầu nguyện cho một công việc chung được thành tựu thì người Công giáo bất cứ ở đâu đều phải hiệp một ý. Không có tinh thần đó thì không phải là người Công giáo.

Trở lại với Mẹ Sầu Bi. Theo lịch phụng vụ của giáo hội thì lễ mừng kính Mẹ Sầu Bi là ngày 15/9 hàng năm. Lễ này diễn ra liền sau lễ suy tôn Thánh giá được cử hành vào ngày hôm trước 14/9. Phải chăng trong công cuộc đồng công cứu chuộc nhân loại Đức Mẹ không thể tách rời khỏi thập giá Chúa? Và phải chăng cũng chính vì ý nghĩa đó mà hôm lễ Giáng sinh, ngay sau thánh lễ nửa đêm tại nhà thờ chính tòa, hàng ngàn giáo dân Hà Nội lại kéo sang tòa Khâm sứ dựng cây thánh giá bên cạnh Mẹ Sầu bi mà họ đã đặt trước đó mấy ngày?

Theo tin tức thì khi ít khi nhiều những buổi cầu nguyện đã diễn ra liên tục trước tượng Mẹ Sầu Bi. Giáo dân Hà Nội rõ ràng đã đến với Mẹ Sầu Bi trong niềm tin phó thác. Thiết nghĩ nên biến những buổi cầu nguyện thành những buổi biệt kính Mẹ Sầu Bi để xin Mẹ đoái nhìn đến con cái Mẹ. Ngoài những hình thức cầu nguyện như hiện nay nên ngắm bảy sự thương khó Đức Mẹ hay là làm tuần cửu nhật trước tượng Mẹ Sầu Bi để xin Mẹ nâng đỡ, ủi an.

Trong vòng chua tới một năm đã có hai sự kiện liên quan đến Mẹ Sầu Bi: một lần đập tượng và một lần dựng tượng. Có phải đó là dấu hiệu kêu mời con cái từ khắp nơi chạy đến cùng Mẹ:Mẹ Sầu Bi, ôi Mẹ của tình thương!

Mẹ dạy con đức can trường yêu mến
Yêu chân thành, yêu sắt son, nồng thắm
Dù thế nhân có ruồng rẫy, lãng quên

Mẹ Sầu Bi, ôi Mẹ của tình thương!
Xin giúp con biết nhìn lên Thánh Giá
Nơi yêu thương hóa thành ơn cứu độ
Tình Chúa Trời tưới gội đất nhân sinh

Mẹ Sầu bi, Mẹ là Mẹ chúng con!
Xin Mẹ dẫn chúng con vào đường Chúa
Đường phục vụ quên mình, không tính toán
Đường mến yêu, trao tặng đến tận cùng

(Thơ: Mẹ Sầu Bi- Tà Lũ)

Theo tin tức thì hôm 30/12/2007 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Đức TGM Ngô Quang Kiệt và được Đức TGM hướng dẫn đến thị sát khu vục tòa Khâm sứ, nơi đã bị chiếm dụng từ lâu và đang có chiều hướng biến nơi này thành nơi kinh doanh, an chơi.

Tin tức này làm cho nhiều người lạc quan, nghĩ rằng tiếng nói của giáo dân Hà Nội đã đến tai người đứng đầu chính phủ và vấn đề tòa Khâm sứ sẽ được giải quyết mau chóng. Nhưng bên cạnh đó không ít người nghi ngờ thiện chí của thủ tướng Dũng khi ông đến thăm tòa TGM. Người ta cho rằng đây chỉ là một màn trình diễn rồi thì mọi sự sẽ lại vẫn như cũ, không có gì thay đổi. Theo thiển ý thì không nên quá lạc quan cũng không nên quá bi quan mà vấn đề là tiếp tục cầu nguyện.

Không chỉ giáo dân Hà Nội mà giáo dân ở khắp các giáo phận, giáo xứ ở Việt Nam cũng như giáo dân Việt Nam trên toàn thế giới cần hiệp ý cầu nguyện và làm tất cả những gì có thể làm được trong ôn hòa và nhẫn nại. Phần còn lại hãy phó thác trong tay Mẹ Sầu Bi.

Lạy Mẹ Sầu Bi. Mẹ là hình ảnh của Giáo hội Việt Nam xin đoái thương đoàn con cái của Mẹ.

(Vermont, 1/3/2008)

Lại thế Lãng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 03.01.2008. 17:21