Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vu vơ hồi ức về một vài kỷ niệm của một tân tòng

§ Nhật Hà

Gia đình tôi không có đạo nhưng tuổi thơ tôi ngập tràn tiếng chuông ngân. Khu phố nơi gia đình tôi ở người dân thường gọi là “phố Tây” bởi nó được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ, Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành… là những nơi mà lũ trẻ hàng xóm và anh em tôi thường chạy chơi suốt buổi chiều mà không lo bị nắng.

Nghỉ hè thì khỏi nói, đó là khoảng thời gian hạnh phúc và sung sướng nhất trong năm, bởi khi đó bọn trẻ chúng tôi được tự do nhất, tha hồ đi đến những nơi mình muốn đến, và chơi những trò mình muốn chơi. Bố mẹ đi làm cả ngày, anh em tự trông nhau, mà không hề phải lo lắng về những tai ương bất trắc như bọn trẻ bây giờ.

Tôi nhớ, cứ theo bóng mát của những hàng cây, lũ chúng tôi có thể tha thẩn mà chơi rồi đến lúc giật mình thì đã xa nhà tới hai cây số, khi ấy lại hò nhau chạy thi về nhà thật nhanh.

Ôi! những con phố của tuổi thơ tôi đầy bóng mát, thật khó quên cái cảm giác được sờ những thân cây xù xì khi mùa đông đến, rồi khi trở lại mùa hè như ai đó mặc cho một lớp áo rêu xanh mịn mượt như nhung, ngửa cổ nhìn lên ngọn cây thấy cao vời vợi, những dây leo tầm gửi như vẫy gọi mà không sao lên tới được. Trong trí óc trẻ thơ bấy giờ, tôi cứ tưởng bất kể loài dây leo nào đang sống trên thân cây cổ thụ đó đều là “phong lan” và một ngày nào đó nó sẽ có hoa, tôi thầm chờ đợi và theo dõi.

Riêng tôi, có một nỗi thèm muốn khác, tôi tò mò muốn biết được phía trong bức tường kín và cánh cổng gỗ sơ sài kia, “nhà thờ” là thế giới như thế nào? Tuy nhiên, tôi cảm nhận được rằng người lớn không muốn nhắc đến hai chữ “nhà thờ” mà chỉ bảo lũ trẻ là không được vào trong đó, người ta sẽ đuổi ra hoặc sẽ bắt nhốt lại…

Tôi không tin, bởi tiếng chuông êm đềm và những giai điệu du dương sâu lắng từ trong đó vọng ra đã làm tôi mê mẩn. Ngó qua khe cổng, một góc làng quê xinh xắn hiện ra, thấp thoáng những bóng áo chùng đen dưới gốc nhãn, bóng những người phụ nữ giống mẹ tôi bên luống rau cải, rau diếp xanh mướt… Tôi thấy có gì đáng sợ đâu?

Rồi đến một ngày lợi dụng lúc cánh cổng đang mở, không có người ở đó tôi đã lẻn vào, mải miết ngó nghiêng, ngôi nhà thờ hoang vắng, u tịch … và cũng cảm thấy sờ sợ vu vơ không cắt nghĩa được, rồi ra đến cổng chính lúc nào không hay, gặp một cụ già (sau này đọc sách mới biết thường gọi là “cụ bõ già”). Tôi không còn nhớ cụ đã nói gì với tôi nhưng chỉ còn lại cái cảm xúc ngây thơ rằng ở đây có cái gì đó vừa lãng mạn, huyền bí và lại cũng rất đơn sơ và giản dị.

Phía bên kia đường, đối diện cổng chính là một trường tiểu học (Đinh Tiên Hoàng), ngôi trường đó cũng luôn gợi cho tôi một cảm giác khác bởi kiến trúc của nó thâm nghiêm và cổ kính chứ không giống như những ngôi trường khác… hơn nữa phía bên ngoài là bức phù điêu không còn nguyên vẹn nhưng cũng đủ nhận ra hình tượng một người đàn bà nhân từ bồng đứa trẻ và cúi xuống đưa tay ra cho một đứa trẻ khác…

Vì là một đứa trẻ, không biết cách tìm hiểu, không được ai hướng dẫn nên những cảm xúc, hay cảm nhận thưở ấy đều rất mơ hồ và không có cơ sở. Tuy nhiên, cũng không hiểu vì đâu mà tự nhiên tôi có sự liên tưởng rằng bức phù điêu đó và ngôi nhà thờ là một khối liên hoàn, hẳn có sự liên quan đến nhau.

Sau này tôi mới biết ngôi trường đó vốn là của nhà thờ, là nơi để các bà sơ học tập, tu hành và làm việc bác ái như dạy học và cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ… Sau này, khi chính quyền tiếp quản, người Công giáo chắc di cư nhiều, thời buổi nhốn nháo, nhá nhem… chính quyền bèn lấy làm trường tiểu học…

Và đến bây giờ thì rất nhiều các hộ dân cư từ trong ngôi trường ấy trổ cửa ra mặt phố, một trong những con phố đẹp và sạch nhất thành phố.

Chừng hai mươi năm sau, khi bước chân vào ngôi trường đó với tư cách là một giáo viên, trong tôi dâng tràn một cảm nhận khác mà thưở nhỏ tôi chưa nhận thức được, về ngôi trường mà người Pháp để lại trên quê hương tôi, đó là sự khâm phục!

Bước chân vào bất kỳ phòng học nào cũng là ánh sáng tự nhiên chan hòa, mùa hè thoáng gió, mùa đông ấm áp, hành lang rộng rãi (3 mét) trẻ con có thể tổ chức nhiều trò chơi tại đó nếu không thích xuống sân, hoặc hôm nào trời mưa không chơi dưới sân được. Học trò ngồi trong lớp không hề bị nắng chiếu vào, cửa sổ vừa cao vừa rộng khiến ngồi trong phòng học nhìn ra khung cửa là không gian mênh mang trời xanh và nắng gió…

Tôi không hiểu gì nhiều về khoa học kiến trúc hay xây dựng nhưng cho rằng ngồi học trong không gian kiến trúc ấy, con người không chỉ được đảm bảo về sức khỏe (hít thở không khí trong lành, phòng ốc đủ ánh sáng…), mà còn có thể nảy nở và nuôi dưỡng những tâm hồn thanh sạch.

90812kyuc.jpg

Thành phố quê hương tôi có không ít những ngôi trường như vậy, và cũng từ đây không hiếm những tài năng phát lộ và thành danh. Đó là những Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… và sau này rất nhiều nhân vật khác nữa, từng học ở trường Saint Joseph (nay là trường Ngô Quyền 2, Ngô quyền 3- có thời còn gọi là trường Dân chính). Họ đã không chỉ được ngồi học trong những ngôi trường tuyệt vời mà hơn nữa còn được tiếp cận với một nền văn hóa ưu việt nhất châu Âu – văn hóa Pháp, bởi các thầy dòng, các giáo sư người Pháp. Để rồi, với trái tim yêu quê hương Việt Nam, họ đã có những tác phẩm để đời mang dấu ấn của thi pháp châu Âu. Dòng sông Bạch Đằng không chỉ gợi ký ức một trang sử oanh liệt thời Ngô Quyền mà đã là cảm hứng cho “Bến Xuân” của Văn Cao. Khúc sông Tam Bạc lam lũ bến thuyền đã thôi thúc Nguyên Hồng viết nên “Bỉ vỏ”…

Đừng cho tôi hoài tiếc quá khứ nô lệ nhưng chẳng phải những gì là tinh hoa nhất đều thuộc về nhân loại sao? Và có phải mọi dân tộc, mọi màu da đều có quyền được hưởng lợi từ nó và biến nó thành của mình sao?

Tôi muốn nói đến một Công trình khoa học, một tác phẩm Văn học nghệ thuật, một pho Lịch sử đồ sộ mà trong đó chứa đựng bao nhiêu ước mơ, khát vọng, niềm tin của loài người qua mấy nghìn năm vẫn không hề cũ đi. Đó là KINH THÁNH.

Đã có biết bao nhiêu giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật và trước hết là giá trị nhân bản của con người được khai thác từ đây, biết bao nhiêu nhân tài, những tinh hoa nhân loại đã bắt đầu từ đây. Ở đó, con người hiểu mình hơn, hiểu vạn vật vũ trụ hơn, hiểu được con người sinh ra từ đâu, để làm gì và phải làm gì. Chính điều đó đã xây dựng nên một xã hội loài người sống nhân bản, chan hòa, hòa bình và luôn hướng thiện. Chính điều đó giúp cho việc xây dựng nên một đất nước luôn được sống trong bình an, nhân bản và phát triển. Điều đó không ai có thể phủ nhận.

Vậy mà sao, người Việt Nam đến bây giờ vẫn không được tin, không được tìm hiểu, không được biết về Kinh Thánh, trong khi đó có thời người ta đã áp đặt các thầy, các cha phải học bao nhiêu đơn vị học trình môn “triết học Mác-Lênin” ở chủng viện (!) Điều này, thật sự là một cuộc cưỡng bức tôn giáo trắng trợn bằng cách bắt từ bỏ niềm tin, tôn giáo của nhân dân để áp đặt một thứ tôn giáo tanh tưởi mùi máu và sặc mùi bạo lực.

Mấy chục năm trước, một học giả người Việt đã nhận định: “có ba trụ cột để tạo nên một xã hội văn minh, đó là Thần thoại Hy Lạp, Thiết chế chính trị La mã và Kinh Thánh Cơ đốc giáo”. Người Việt hiện nay đã, đang và sẽ có gì, xã hội mà người Việt chúng ta đang sống là cái văn minh gì?

Mỗi một thế hệ có quyền chọn lựa cho mình một lý tưởng, một con đường tiếp cận với văn minh nhân loại, mỗi con người đều có quyền lựa chọn cho mình một tín ngưỡng, một đức tin. Song nhiều chục năm qua các thế hệ người Việt Nam dù muốn cũng không có nhiều con đường để lựa chọn. Có một nỗi đau khác là dường như người Việt hiện nay vẫn còn chưa ý thức được về quyền của mình: quyền được tin cái mình yêu và yêu cái mình tin, mà vẫn quen chấp nhận để người khác áp đặt niềm tin và tình yêu cho mình.

Những con đường đó, những tò mò của tuổi thơ, những bí ẩn đằng sau bức tường kia đã ăn sâu vào tâm trí tuổi thơ tôi… rồi những ngày bước chân vào những ngôi trường đó với tư cách một giáo viên với bao nhiêu suy nghĩ nghiêm túc về con người, số phận và những giá trị cần có khi tôi đứng trước những gương mặt học trò thơ ngây như tôi ngày nào chui trộm vào nhà thờ để thám hiểm…

Và rồi như một sự tình cờ nhưng với niềm tin của tôi thì đó là Hồng Ân - tôi được bước vào để làm “Con cái Chúa”.

Phải chăng đó là định mệnh? Nhiều người cho rằng, đó là một điều ngẫu nhiên. Còn riêng tôi, tôi không nghĩ vậy. Bởi niềm tin, lòng tin, Đức tin, thì vô cùng khó khăn nếu mình không thực sự có trong lòng. Tôi tin rằng ngoài những Hồng Ân mà tôi đã được, ngoài ơn kêu gọi mà tôi được nghe thấy để bước vào làm con cái Chúa, hẳn sâu lắng trong lòng tôi đã có một cơ sở vững chắc từ những kỷ niệm tuổi thơ tôi đã trải qua và những năm tháng lớn lên, học hành và trải nghiệm cuộc sống ở một góc quê hương này.

Từ một góc quê hương, nơi tuổi thơ tôi gắn với nhiều kỷ niệm, đặc biệt ngôi Thánh đường ngày nào là xa lạ, nay đã trở thành nơi chốn đi về thân thuộc của tôi. Tôi hồi tưởng, suy tư và mơ ước về một sự thay da đổi thịt không chỉ ở một thành phố nhưng là trên quê hương Việt Nam, để mỗi người Việt Nam thực sự hạnh phúc và tự do.

Viết từ Hải Phòng, ngày lễ quan thầy Thánh Lôrensô, 10/08/2009

Nhật Hà

Đọc nhiều nhất Bản in 12.08.2009. 14:36