Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vụ Thái Hà: giáo dân bất chấp những đe dọa từ chính quyền

§ Trà Mi

(Cuộc phỏng vấn 4 giáo dân Thái Hà ngày 12.9.2008 do Trà Mi của đài RFA thực hiện)

RFI 12.9.2008 -- Bất chấp các biện pháp trấn dẹp mạnh tay của chính quyền, các cuộc cầu nguyện tập thể yêu cầu nhà nước trả lại đất đai của nhà thờ bị trưng dụng cho mục đích thương mại vẫn tiếp diễn ôn hoà tại giáo xứ Thái Hà, thu hút ngày càng đông đảo giáo dân, giáo sĩ từ các nơi về tham gia.

Nghe (7:20) | Download (1.2 Mb) Cuộc phỏng vấn 4 giáo dân Thái Hà ngày 12.9.2008

80912tgmhanoi05.jpg

Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đến thăm giáo dân đang cầu nguyện hôm 12-9-2008

Nhà nước khẳng định sẽ điều tra, "xử lý nghiêm khắc" tất cả những ai "cố tình vi phạm" trong việc "tụ tập, cầu nguyện trái phép." Phản ứng của giáo dân trước những lời đe doạ của nhà nước ra sao? Trà Mi hỏi thăm một số giáo dân tham gia đều đặn các buổi cầu nguyện tại vùng đất tranh chấp từ suốt 8-9 tháng nay để ghi nhận ý kiến của họ.

Cầu nguyện từ 8, 9 tháng nay

Trước hết, một giáo dân cho biết:

(1) Bà Tâm: Tôi là Tâm Luận, người của Giáo Xứ Thái Hà. Tôi ở đây hơn 9 tháng đấy ạ.

Trà Mi: Có lời đe doạ từ phía chính quyền là sẽ truy tố giáo dân tham gia cầu nguyện. Bà nghe được những thông tin này thì bà không lo ngại là những rắc rối sẽ đến với bản thân của mình hay sao?

Bà Tâm: Nếu như mà có bị bắt đi chăng nữa thì đấy cũng là một hình thức là tử vì đạo. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự nếu như được chết như thế. Chỉ sợ là chưa đến lượt tôi vì có những người khác người ta còn hơn tôi, người ta đã được đi trước rồi.

Trà Mi: Từ bấy tới nay thì có bao nhiêu người bị bắt rồi, theo như chỗ bà được biết ạ?

Bà Tâm: Tất cả là 8 người bị bắt rồi ạ. Chưa được thăm nuôi ạ.

Trà Mi: Ngay tại hiện trường mà bà con cầu nguyện thì lực lượng an ninh có đông hay không ạ?

Bà Tâm: Những ngày đầu thì người ta mặc sắc phục, chúng tôi còn biết được. Còn bây giờ người ta mặc thường phục thì còn biết đâu là công an và đâu là giáo dân nữa cả!

Trà Mi: Bà có thể cho chúng tôi được thưa chuyện với một vài người khác được không ạ?

Bà Tâm: Được. Chị nói chuyện với chị bên cạnh.

(2) Bà Mai: Tôi tên là Mai ạ. Giáo dân ở đây cầu nguyện mỗi lúc một đông. Đến 10 giờ thì bắt đầu tự giải tán về. Còn một số bà con ở lại ngủ tại đấy từ 8 tháng nay rồi.

Trà Mi: Thế bà con tập trung đông như vậy rồi cái tình hình sinh hoạt như thế nào? Có gây mất trật tự lắm không ạ?

Bà Mai: Không hề bị mất trật tự một chút nào. Người ta cũng không quăng rác, tại vì người ta đã ăn uống ở nhà. Người ta ra đây thì cũng có những hàng quán bán chung quanh thì người ta cũng có thể là tự mua. Rất là cảm phục tấm lòng của tất cả mọi người. Có những hôm giời rất là mưa nhưng người ta đội cả áo mưa người ta đứng người ta cầu nguyện. Và có những hôm rất là nắng nhưng mà vẫn cứ đứng dưới cả nắng để cầu nguyện. Người ta trông chờ, người ta cầu xin cho cái sự công bằng của xã hội.

Bị xúi giục?

Trà Mi: Báo chí nhà nước có lên án là bà con tập trung cầu nguyện là do cái sự xúi giục của phía giáo sĩ, các hàng giáo phẩm. Không biết là thực tế như thế nào mà bà con lại bỏ công an việc làm, đời sống sinh hoạt hàng ngày để tập trung ở đây cầu nguyện, thưa bà?

Bà Mai: Tất cả là do cái tâm linh của người ta chứ không ai có thể xúi giục được. Tôi nói ngay như bản thân tôi, không có ai có thể xúi giục được tôi làm những cái chuyện đó, mà đây là tự lòng tin của tôi. Tôi trông cậy vào Thiên Chúa bởi vì mình quá nhỏ bé và người ta quá là áp lực đối với chúng tôi. Cho nên là cái ước nguyện nhỏ nhoi nhất của chúng tôi là chúng tôi đều hướng về Chúa, mong Chúa và Mẹ rũ lòng thương chúng tôi mà giúp cho chúng tôi bởi vì xung quanh chúng tôi không còn có ai để mà có thể trợ giúp được chúng tôi.

Tôi không có sợ bất cứ một cái gì hết cho dù tôi có phải chết. Đời người ai cũng phải chết nhưng chết làm sao để cho mọi người nhìn vào mình có một cái chết vinh quang. Chứ còn sống mà để cho người đời khinh bỉ thì tôi mới sợ, chứ còn chúng tôi sẵn sàng chết cho sự thật.

Trà Mi: Ở Việt Nam thì cũng thấy có những bài phóng sự người ta thực hiện ngay tại chỗ bà con đang cầu nguyện đó, thì có những người nêu lên bức xúc là họ bị nhầm lẫn khi đến đây cầu nguyện, v.v…

Bà Mai: Những người đấy là ở đâu chứ không phải phỏng vấn thực sự những người đang cầu nguyện đâu ạ. Có một hôm mà có 3 người ăn mặc rất là chỉnh tề tự xưng là giáo dân để quay phỏng vấn, thế nhưng mà được một số giáo dân ra hỏi đến tên thánh thì người ta ớ ra, người ta không nói được mới lộ tẩy ra là không phải Công Giáo, mà đem dến vùng đất đấy để quay phim để nói là đấy là giáo dân.

Trà Mi: Cảm ơn bà rất nhiều. Chúng tôi xin phép được hỏi thăm người kế tiếp được không ạ?

Bà Mai: Dạ vâng ạ.

80912tgmhanoi08.jpg

Bất chấp những đe dọa từ phía chính quyền, giáo sĩ và giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện.

(3) Ông Nam: Tôi là Nam.

Đã quen với những đe dọa

Trà Mi: Ông đã tham gia các buổi cầu nguyện này từ bao lâu rồi, thưa ông?

Ông Nam: Liên tục từ 8 tháng nay chị ạ. Nói chung là các giáo dân cầu nguyện ở đây thì nhiều thành phần. Ở cái tuổi về hưu như tôi cũng có, tuổi bà già cũng có, tuổi các em các cháu đều có hết.

Trà Mi: Báo đài mấy ngày nay loan tin thì những người cầu nguyện như vậy là vi phạm pháp luật và sẽ có biện pháp "nghiêm trị đích đáng", ông có cảm nghĩ ra sao?

Ông Nam: Chúng tôi là người dân sống ở Miền Bắc lâu rồi đâm ra chúng tôi quen với cái đó rồi. Chúng tôi không sợ bị vì chúng tôi đang làm công việc không sai. Chúng tôi muốn nhà nước giao lại cái phần đất mà của cha ông chúng tôi đã bỏ tiền ra mua để xây nhà thờ.

Trà Mi: Vâng. Trong trường hợp cái nguyện vọng đó không được đáp ứng mà ngược lại, có những điều đáng tiếc xảy ra với bà con giáo dân, hay là ngay cả chính bản thân ông, thì...

Ông Nam: Chúng tôi rất là buồn. Chúng tôi không biết làm gì khác cả. Chúng tôi chỉ biết có cầu nguyện. Cũng có một số bà con nhiệt tình, chính quyền nhà nước họ đến tận nhà hỏi han rồi cũng có làm cho người ta hoảng sợ, nhưng mà tôi thấy là tất cả những người đó đều không sợ. Hiện nay là các nơi vẫn kéo về Hà Nội, và thậm chí cả từ Vinh, rồi Miền Trung, Miền Nam họ cũng đã ra đây để cầu nguỵện cho công lý.

Trà Mi: Dạ. Cảm ơn ông rất nhiều.

(4) - Alô! Tôi là giáo dân của Thái Hà. Chúng tôi cầu nguyện ở đây như vậy là gần 9 tháng rồi. Chúng tôi chỉ mong muốn làm sao mà bây giờ thì nhà nước hô hào dân chúng tôi là "làm theo pháp luật và hiến pháp" vì vậy chúng tôi cũng yêu cầu nhà nước cũng phải làm theo pháp luật và hiến pháp.

Trà Mi: Nhưng phía nhà nước lại cho rằng cái hành động mà giáo dân tập trung cầu nguyện trái phép đã là phạm pháp rồi.

- Họ lên án như vậy là không theo đúng luật pháp. Nếu theo luật pháp thì chúng tôi được tự do tụ tập, tự do hội họp và có thể tự do đi lại, mà như vậy vừa rồi nó cản trở một số giáo dân chúng tôi về đây cầu nguyện.

Trà Mi: Cảm ơn ông rất nhiều. Chúng tôi mong được hỏi thăm một người từ xa đến.

(5) - Thưa vâng. Em là người từ Bắc Ninh. Cũng giống như tất cả những người giáo dân, không những ở Thái Hà này mà toàn giáo dân Công Giáo ở Việt Nam, chúng em cứ tự động mà tìm đến cầu nguyện cho công lý được thực thi.

Vai trò của truyền thông?

Trà Mi: Những thông tin là những người từ xa mà đến muốn tham gia cầu nguyện ở Thái Hà cũng bị cản trở không ít, nhưng riêng bản thân anh thì anh có gặp những điều đó không?

- Cái hiện tượng đó thì chị có thể hỏi cả ngàn người ở đây thì ai cũng trả lời một cách chắc chắn là có xảy ra, đặc biệt là những người giáo dân ở trong Miền Trung và Miền Nam.

Trà Mi: Số những người trẻ cũng tham gia cầu nguyện ở đây như anh, anh thấy có nhiều không?

Tất cả các cơ quan truyền thông đại chúng thì đấy là phục vụ cho lợi ích nhà nước chứ không phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân, chính vì thế mà họ nói đấy là việc của họ.

- Thanh niên rất đông. Họ trực cả ngày lẫn đêm. Họ rất hăng hái trong vấn đề tham gia bảo quản cho sự trị an, cho giáo xứ.

Trà Mi: Truyền thông nhà nước khẳng định rằng việc làm này là phạm pháp, thế thì chúng tôi muốn hỏi là phản ứng của những người chung quanh anh khi bíêt anh tham gia vào những việc mà được cho là phạm pháp đó thì họ nhìn anh ra sao?

- Tất cả các cơ quan truyền thông đại chúng thì đấy là phục vụ cho lợi ích nhà nước chứ không phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân, chính vì thế mà họ nói đấy là việc của họ. Những người có cái nhìn khách quan và trung thực thì họ đánh giá như vậy là không đúng.

Em chẳng có chút gì phải lo ngại và lo sợ cả. Việc của em vẫn là hàng ngày em đến đây và vẫn cầu nguyện cùng với mọi người. Tất cả mọi người đều hân hoan. Còn vấn đề cản trở thì lúc nào cũng có. Họ không dùng cách này thời họ dùng cách khác. Bây giờ công an họ không mặc sắc phục nữa mà họ mặc thường phục họ đến, họ lẫn lộn với giáo dân, họ cũng giống những người khác thì chúng em cũng chẳng biết họ là ai.

Trà Mi: Xin cảm ơn anh rất là nhiều.

- Dạ. Vâng. Vâng.

Vừa rồi là phản hồi của một số giáo dân túc trực cầu nguyện ngày đêm tại giáo xứ Thái Hà trước sự đe doạ từ phía nhà nước sẽ "hình sự hoá" vụ việc.

Chia sẻ với bức xúc của bà con giáo dân rằng nguyện vọng tha thiết của những người đòi hỏi công lý không được truyền thông nhà nước ghi nhận trung thực, Linh mục Nguyễn Văn Thậtthuộc giáo xứ Thái Hà, phát biểu:

Lm Nguyễn Văn Thật: Thật sự ở đây chúng tôi chẳng có tiếng nói gì cả. Mọi tiếng nói truyền thông thì chỉ nhà nước thôi, chứ còn tiếng nói của giáo dân chúng tôi đã có ai biết là chúng tôi nói gì, không có quyền nói. Khi người ta (nhà nước) nói một điều gì, những người không hiểu gì thì người ta cứ cho là chúng tôi đi chiếm đất. Thật sự nhà thờ với nhà chùa chả ai đi chiếm đất. Người ta muốn bắt thì người ta bắt thôi. Mà sự thật vẫn là sự thật

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật các diễn tiến liên quan đến vụ tranh chấp đất đai ở Thái Hà và thông tin đến quý vị trong thời gian sớm nhất.

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.09.2008. 22:59