Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài câu chuyện về đạo lý theo cái nhìn của dân nghèo Thái Hà

§ Nguyễn Ngọc Huỳnh

Tôi không có chuyên môn về pháp luật, nên thú thực cũng chẳng hiểu rõ những chuyện tranh cãi về pháp lý giữa chính quyền với nhà thờ Thái Hà. Cứ thấy mấy con số và mấy chữ ghi tắt tên của những nghị quyết hay quyết định là tôi phát khiếp! Rồi những chữ như “thống nhất nhà nước quản lý”, “cải tạo xã hội chủ nghĩa”… cứ như là những tiếng phèng phèng bên tai, làm tôi phát hoảng! Nhưng nói chuyện với mấy người giáo dân đến Thái Hà cầu nguyện, tôi thấy cách họ nghĩ và nói về công lý sao mà dễ hiểu và nhẹ nhàng quá.

1. Có bà cụ bảo với tôi:

dcct_9930.jpg

Ấy anh xem. Cái chỗ nhà nguyện Giêrađô bây giờ đấy. Đất ấy là của Nhà Thờ. Có thời tự nhiên người ta thấy mấy xí nghiệp gì gì đến chiếm, bảo rằng chính quyền đã giao chỗ ấy cho họ. Rồi họ mua đi bán lại thế nào chả biết. Cuối cùng nó bị bỏ đấy, thành như một bãi đất hoang. Mà không phải chỉ là đất hoang đâu. Bọn hút chích xì ke ma tuý vào đấy chích choác. Bọn cờ bạc vào đấy sát phạt nhau. Ngay đầu nhà thờ nhá! Đám đất ấy đã thành ổ tệ nạn. Còn cái nhà nguyện nhỏ trong ấy thì gần sập.

Thế là chúng tôi ra tay dọn dẹp, biến đám đất ấy thành chỗ để xe sạch sẽ như bây giờ. Cái nhà nguyện cũ thì được sửa lại. Chứ mà không sửa thì nó sập, đè chết người như chơi ấy chứ! Vậy là chấm dứt cái ổ tệ nạn ngay đầu nhà thờ: giáo dân đi lễ có chỗ để xe này, khỏi gây ách tắc giao thông này… Mấy đứa bé có chỗ chạy chơi khi đi học giáo lý nữa…

Thế rồi mấy ông chính quyền mò đến, bảo là họ sẽ lấy chỗ đất ấy làm nhà văn hoá. Ơ hay! Lúc đám đất ở ngay đầu nhà thờ đấy còn là hang ổ của những tệ nạn xã hội, thì chẳng thấy họ đến dọn dẹp. Bây giờ, họ mặc kệ giấy tờ của Nhà Thờ về quyền sở hữu chỗ đất ấy. Họ bảo: phải để cho họ làm nhà văn hoá.

Vậy mà họ bảo là có công lý! Cứ như chuyện đùa vậy, phải không anh?

Nhưng mà nói thật với anh nhá. Họ chẳng làm nhà văn hoá đâu. Hay có thì cũng chỉ mấy bữa thôi. Rồi quy hoạch đi quy hoạch lại, miếng đấy ấy lại bị chia lô bán mất lúc nào, ai biết được?! Thành ra chúng tôi chẳng dại gì mà tin họ.

2. Một chuyện khác của mấy bà đến cầu nguyện tại Phố Đức Bà:

Cái đám đất mà chúng tôi đang đến cầu nguyện này cũng là đất của Nhà Thờ từ xửa xưa. Ai ở Hà Nội từ xưa cũng biết vậy. Khi xưa, đất của giáo xứ rộng hơn 6 vạn thước vuông cơ đấy. Cái bệnh viện Đống Đa này, cái trụ sở uỷ ban kia, cái trụ sở Hội Chữ thập đỏ đấy, cái nhà kho bạc kia, cái trường học kia, cái Trạm 4 kia, rồi biết bao nhiêu nhà cửa của dân chúng đây, đều là chỗ đất của giáo xứ Thái Hà đấy. Người ta đã lấy của giáo xứ gần hết đất đai rồi. Bây giờ cái chỗ nhà thờ nó chật chội quá. Nên giáo xứ xin lấy lại cái mảnh đất bé tý này, chắc chỉ khoảng một phần tư chỗ đất xưa thôi. Mà không phải là xin lấy đất này để làm của riêng đâu nhá. Cũng là để cho mọi người có chỗ mà thờ phượng thôi.

Vậy mà báo đài lại lu loa ầm ỹ như thể chúng tôi đi ăn cướp không bằng! Mà chúng tôi vẫn còn giấy tờ chủ quyền trên đám đất này đấy!

Anh thấy không, công lý là ở chỗ chúng tôi đấy chứ! Chưa kể là người ta đang sử dụng phần lớn đất đai của giáo xứ Thái Hà này, kể cả sử dụng cho các cá nhân nữa! Mà họ chẳng biết uống nước nhớ nguồn là gì, phải không anh? Họ phải trả lại cho nhà thờ Thái Hà một ít đất chứ! Mà Nhà Thờ có đòi lại hết cả đâu.

Họ càng lu loa chửi bới cha con giáo xứ Thái Hà chúng tôi, họ lại càng giống bọn ăn cháo đái bát. Đúng không anh?

3. Một người đàn ông kể:

Cái chỗ đất đang tranh chấp kia là của giáo xứ chúng tôi từ xưa. Trước đây chính quyền đem cho xí nghiệp Dệt thảm len. Nhưng mà chính quyền tự lấy vậy thôi, chứ họ đâu có ký cái quyết định hợp pháp nào để trưng thu cái mảnh đất này! Cha Già Bích cũng chẳng giao đất này cho họ.

Rồi người ta bán đi bán lại, mảnh đất thành ra của Công ty cổ phần may Chiến Thắng. Rồi công ty này lại đem bán. Thấy họ đem bán, Cha Già Bích thay mặt giáo xứ đòi lại. Hồi ấy là năm 1996, tức là 12 năm rồi.

Mà này nhé, bây giờ Cha Già qua đời rồi họ mới bảo là ngài đã bàn giao đất này cho nhà nước quản lý. Sao họ không đưa giấy bàn giao mà họ bảo là Cha Già đã ký xưa để từ chối đơn đòi đất của Cha Già? Thì Cha Già có ký đâu mà họ dám nói vậy khi ngài còn sống! Thế là tôi biết Cha Già đã chẳng bàn giao gì cho họ. Chứ không thì họ đã hò hét từ 12 năm trước cơ!

Nhưng cuối năm ngoái, khi chúng tôi đang đòi lại mảnh đất này, thì chúng tôi phát hiện ra người ta đang bán chác cái mảnh đất này. Thế là chúng tôi lên tiếng. Nhờ vậy mà bây giờ mảnh đất này mới còn đây. Chứ không thì nó đã bị chia lô và bán mất rồi. Vậy là nhờ chúng tôi đấy nhá.

Thế mà bây giờ chính quyền bảo là họ tịch thu đám đất này để làm công viên và bảo là chúng tôi phạm pháp! Công lý mà vậy à?

Mà nếu để cho họ lấy làm công viên, thì cũng chẳng có gì chắc chắn rằng vài năm nữa, nó lại chẳng bị phù phép thành của riêng… Vì vậy mà chúng tôi muốn mảnh đất này được giao lại cho Nhà Thờ. Vì như vậy, chắc chắn nó vẫn còn là của cộng đồng, của dân chúng…

Đấy là vài câu chuyện trong số rất nhiều câu chuyện mà người ta có thể nghe được ở Thái Hà về công bình và đạo lý. Những câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi hiểu tại sao những người nghèo này lại can đảm và tích cực với công việc của Nhà Thờ tại mảnh đất này như vậy…

Tôi cầu xin cho công bình và đạo lý thực sự được tôn trọng.

Nguyễn Ngọc Huỳnh, 28/8/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 28.08.2008. 11:01