Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Từ Thánh Giá ở Núi Thờ đến Đồi Ngàn Thập Giá

§ Tam Biên

Việc nhà cầm quyền csVN ngang ngược triệt hạ cây thánh giá trên Núi Thờ tại Đồng Chiêm gây đau buồn và phẫn nộ cho bao người. Nhưng cách họ phá cây thánh giá cho thấy (1) sự nhát đảm của những kẻ có quyền hành mà phải huy động vài trăm người với vũ khí cùng mình, và (2) phải hèn hạ luồn lách lén lút trong bóng đêm để thi hành kế hoạch phá hoại! Điều đó cho thấy họ là những người tuy có quyền lực nhưng lại là những kẻ yếu đuối khiếp nhược. Họ giống những lũ người dùng gươm giáo gậy gộc và lợi dụng bóng tối đi bắt Chúa Giêsu, một người không có gì để tự vệ, cũng như bắt bớ các tôi trung của Chúa qua các thời đại.

HillofCross.jpg

Thật ra, điều csVN làm tại Đồng Chiêm hoặc hạ tượng Đức Mẹ tại Bầu Sen không phải là điều mới lạ. Tại nước Lithuania, trước đây bị sát nhập vào Liên bang Xô-viết, cũng đã xảy ra việt triệt hạ thánh giá – không chỉ một lần mà nhiều lần, không chỉ một cây thánh giá mà vô số.

Lithuania (diện tích 65.200 km và dân số ngày nay, 3.555.179 người, tương đương với dân số Hà Nội) là nước cuối cùng ở Âu châu đón nhận Kitô giáo vào thế kỷ XIV, nhưng nổi tiếng là thuần thành Công giáo trong những thế kỷ sau đó. Một dấu hiệu của lòng sùng đạo nơi đây là có vô số các nhà thờ trên toàn quốc. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là Đồi Ngàn Thập Giá (Hill of Crosses) độc nhất vô nhị trên thế giới.

Đồi Ngàn Thập Giá ở gần thị trấn Siauliai, với ít nhất là 50.000 (năm mươi ngàn) cây thánh giá lớn nhỏ, được làm bằng đủ thứ nguyên liệu, được cắm xuống đất hoặc treo dưới các thánh giá khác. Ngoài ra nơi đây còn có nhiều tượng Đức Mẹ, các chuỗi Mân côi, các tượng ảnh của các thánh và các vị anh hùng.

Người ta không rõ là những cây thánh giá đầu tiên đã được dựng lên tại đây từ bao giờ. Nhưng theo nhiều người thì những cây thánh giá đã được dựng ở đồi này sau cuộc nổi dậy chống lại Nga hoàng vào năm 1831.

Từ trên xa lộ Siauliai – Ryga, cách Siauliai 16 km, bạn sẽ thấy một ngọn đồi, bao phủ bằng một rừng thập giá. Thoạt tiên bạn có thể nghĩ đây là một nghĩa địa, nhưng không phải như vậy. Thực ra đây là một đồi có ý nghĩa như một “đài” tôn vinh niềm tin và sự bền bỉ của người tín hữu Công giáo Lithuania.

Theo một truyền thuyết thì vào thế kỷ XIV tại đây có một lâu đài và người ta gọi đây là đồi lâu đài Domantai hoặc Jurgaiciai. Đến thời tiền bán thế kỷ XIX, dân chúng bắt đầu gọi chỗ này là Đồi Ngàn Thập Giá, khi những người Lithuania và Ba-lan đã nổi dậy chống lại đế quốc Nga là nước đã nuốt gọn phần lớn lãnh thổ Lithuania từ cuối thế kỷ XVIII. Người ta kể lại rằng những người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy này không được cho an táng, nên gia đình của họ đã bắt đầu mang những cây thánh giá đến cắm ở đồi Domantai như dấu hiệu than khóc của họ. Từ đấy, ngọn đồi được gọi là Đồi Ngàn Thánh Giá.

Về sau, khi quân Xô-viết chiếm đóng Lithuania vào thập niên 1940 và biến nước này thành một cộng hòa Xô-viết, ngọn đồi này cũng trải qua những cơn sóng gió. Vốn theo chế độ vô thần công khai, nhà cầm quyền Xô-viết đã tìm mọi cách loại trừ ảnh hưởng của Chính thống giáo, Công giáo, Hồi giáo, Do-thái giáo và các tôn giáo khác trong 15 cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết, trong đó có Lithuania.

Điện Kremlin đã cực kỳ khó chịu, không thể chịu được cảnh một ngọn đồi với hằng chục ngàn cây thánh giá như dấu hiệu niềm tin của nhân dân. Vì vậy họ đã ra lệnh cho tay sai ở địa phương đốt phá hoặc nhổ các cây thánh giá đưa đến lò luyện kim, rồi dùng máy ủi đất để càn quét những gì còn sót lại. Thế nhưng, cứ đêm về thì dân chúng lại lũ lượt dựng lên những cây thánh giá mới để phản đối, và con số thánh giá còn nhiều hơn trước! Nhà cầm quyền đã ba lần đưa xe ủi đến đây, lại còn dùng nước gây lụt chung quanh đồi hoặc chặn đường không cho xe tới đây, nhưng lần nào cũng thất bại. Rốt cuộc, bạo quyền Xô-viết phải chịu thua. Họ ngang ngược, nhưng ít nhất còn có chút liêm sỉ, biết chịu thua nhân dân.

100108biada.jpg

Bia đá tạc lời của ĐTC Gioan Phaolô II: “Xin cám ơn dân Lithuania, vì Đồi Ngàn Thập Giá đây làm chứng trước mặt các quốc gia Âu châu và toàn thế giới về niềm tin của dân chúng đất nước này.”

Sau khi Liên bang Xô-viết mục nát và tan rã, Đồi Ngàn Thập Giá được thế giới biết đến và thành một nơi hành hương thu hút khách thập phương. Vào ngày 7 tháng 9 năm 1993, một tuần trước lễ Suy tôn Thánh giá, ĐTC Gioan Phaolô II đã đến viếng đồi này và gọi Đồi Ngàn Thập Giá là đồi hy vọng, bình an, tình thương và hy sinh. Sau đó, vào năm 2000, một cộng đoàn tu sĩ Phanxicô đã được thiết lập ở gần đây.

Ngày nay Đồi Ngàn Thập Giá vẫn còn đó trong hiên ngang, và con số thánh giá tiếp tục gia tăng. Theo tập quán tốt lành, những ai đến đây kính viếng thường để lại một cây thánh giá dù là nhỏ bé. Vì vậy không ai biết đích xác là có bao nhiêu cây thánh giá tại ngọn đồi này.

Cây thánh giá bị “đốn” một cách thô bạo ở Núi Thờ bởi những kẻ có quyền mà chết nhát đã được thay thế bằng hai cây thánh giá tre thô sơ. Nhưng quan trọng hơn, như lời giảng cảm động của cha Giuse Triệu tại nhà thờ Đồng Chiêm, bạo quyền có hạ được một cây thánh giá bằng xi măng nhưng hằng ngàn cây thánh giá vẫn đứng và “mọc lên” hiên ngang trong lòng người dân Đồng Chiêm mà không ai có thể triệt hạ.

HillofCrosses.jpg

Tam Biên

Đọc nhiều nhất Bản in 08.01.2010. 13:00