Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tình hình Đồng Chiêm một tháng sau

§ Gia Minh

RFA 07/02/2010. Đúng một tháng trước đây, giáo xứ Đồng Chiêm trở thành điểm nóng thu hút chú ý của nhiều người, nhất là giáo dân Công Giáo, sau khi Thánh Giá bằng bêtông được dựng lên tại đỉnh Núi Chẽ bị triệt hạ.

Suốt những tuần sau đó, tình hình càng lúc càng nóng thêm khi một số giáo dân ngay tại Đồng Chiêm bị bắt bớ, đánh đập và những giáo dân từ nơi khác đến hiệp thông bị ngăn trở và hành hung.

Sau một tháng, tình hình tại giáo xứ Đồng Chiêm ra sao?

Rạng sáng ngày 6 tháng giêng vừa qua, khu vực Núi Chẽ mà giáo dân xứ Đồng Chiêm lâu nay gọi là Núi Thờ, xuất hiện một lực lượng cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ các phương tiện chống biểu tình như khiên, lựu đạn cay, súng ống, và cả chó nghiệp vụ. Hẳn nhiên còn có chính quyền địa phương xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hiện diện để tiến hành cho phá sập cây Thánh Giá bằng bê tông mà giáo dân xứ Đồng Chiêm dựng lên trên đỉnh núi. Núi này được giáo dân cho hay từ cả trăm năm nay là nơi họ chôn cất các thai nhi bị bỏ rơi, những người chết trong nạn đói năm Ất Dậu…Và thông thường tại nghĩa địa nơi chôn cất kẻ đã chết, người theo đạo Công giáo dựng lên Thánh Giá bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như dấu chỉ cho biết đó là nơi an nghỉ của một linh hồn được Thiên Chúa mà họ tin gọi về. Phía chính quyền thì cho rằng việc xây dựng một Thánh Giá trên đỉnh Núi Chẽ là vi phạm pháp luật của Việt Nam, và sau nhiều lần yêu cầu giáo xứ Đồng Chiêm tháo dỡ bất thành, chính quyền phải hành động.

Trong sáng ngày sáu tháng giêng, có hai nữ giáo dân phản đối việc lực lượng công quyền đông đảo triệt hạ Thánh Giá của giáo xứ đã bị thương nặng. Suốt thời gian sau đó, nhiều giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội đã tìm đến hiệp thông với giáo xứ Đồng Chiêm về việc biểu tượng niềm tin tôn giáo của họ là Thánh Giá bị triệt hạ. Trong số những người đến với giáo xứ Đồng Chiêm có người ngoài việc bị ngăn trở bởi chính quyền địa phương, còn bị đánh đến trọng thương như trường hợp ông Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội, thầy Nguyễn Văn Tặng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Đến nay tình trạng của những người này ra sao?

Vẫn còn đau

Linh mục Nguyễn Văn Khải, người phát ngôn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, đồng thời là người theo dõi sát tình hình giáo xứ Đồng Chiêm suốt thời gian qua, cho biết:

“Vết thương của họ đã lành và họ về nhà rồi. Chúng tôi có nghe nói khi họ về địa phương ép họ điều gì đó, nhưng không theo dõi được. Vết thương của thầy Nguyễn Văn Tặng vết khâu đã lành. Cái răng của ông Nguyễn Hữu Vinh gãy thì cũng mất rồi, môi rách cũng lành rồi. Ba sinh viên gốc Vinh bị công an mời về hỏi cung một ngày, nay họ về quê ăn tết rồi.”

Trong thời gian qua, chính quyền xã An Phú, huyện Mỹ Đức còn mời nhiều giáo dân trong xứ Đồng Chiêm đi làm việc, và một trong những người bị làm việc đó cho biết trong lúc làm việc đã bị đánh và tình hình của anh ta đến nay như sau:

“Sức khỏe chưa hồi phục lắm, còn đau. Từ khi về đau chỉ tiêm thuốc, hôm nay thấy đau quá đi khám được biết bị gãy xương sườn thứ chín.”

Xoa dịu?

Cùng với việc mời giáo dân đến làm việc về hoạt động dựng Thánh Giá và một số bức xúc khác, chính quyền địa phương sử dụng hệ thống loa truyền thanh để thông tin ý kiến của chính quyền và báo chí Nhà nước về vụ việc ở Đồng Chiêm; tuy nhiên đến nay, người dân xứ Đồng Chiêm không còn phải nghe những thông tin đó nữa như phát biểu của hai người dân sau. Chính quyền địa phương còn phát gạo và tiền trợ cấp cho người giáo dân xứ Đồng Chiêm như phát biểu của hai giáo dân sau:

“Nay chỉ thông báo về sản xuất chứ không nói về Thánh Giá nữa.

Cách đây hai ba tuần thì không còn thông báo trên loa nữa.

Không còn nói về chuyện giáo xứ nữa.”

Chính quyền địa phương còn phát gạo và tiền trợ cấp cho giáo dân xứ Đồng Chiêm:

“Đợt trước Hà Nội về có cho mỗi khẩu 15 cân gạo, và gần đây mỗi nhà hay mỗi khẩu chừng 240 ngàn đồng.

Họ cũng cho cả dân mỗi khẩu chục cân gạo, và quà tết mỗi gia đình tổng cộng được chừng 200 nghìn.”

Và tình hình thực tế hiện nay cũng được giáo dân cho biết:

“Hai ba ngày hôm nay, công an không canh nữa. Dân cũng trở lại bình thường rồi. Trước đến giờ họ canh ở những lối vào Đồng Chiêm.

Hai hôm nay tất cả công an giao thông, và công an có chức quyền đứng gác, không còn nữa; chỉ còn công an viên. Giáo dân chỉ đi đọc kinh trên nhà thờ, không có gì nhộn nhịp nữa.”

Chúng tôi cũng tìm cách liên lạc với vị chủ tịch và trưởng công an Xã An Phú để hỏi thăm tình hình giáo xứ Đồng Chiêm mà họ quản lý về mặt hành chính nhà nước, nhưng điện thoại di động của hai vị reo và sau đó tắt không trả lời máy.

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Đọc nhiều nhất Bản in 09.02.2010. 23:39