Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thử một lời giải chính trị

§ Peter Đoàn Thiện Nhân

Lấy mốc Giáng Sinh làm chuẩn thì hai ngàn năm là một thời gian quá dài để nhìn lại tiến trình lịch sử loài người với biết bao nhiêu nền văn minh, biết bao nhiêu triều đại đã đến và qua đi. Hai ngàn năm đó cũng ghi đậm dấu ấn của chiến tranh, và cho đến tận hôm nay, không một giây phút nào mà không có tiếng súng nổ ra đâu đó trên thế giới. Tuy nhiên những thập kỉ cuối của hai ngàn năm dài lê thê đó nhân loại chứng kiến một sự kiện mang tính bước ngoặt của nhân loại đó là sự ra đời của cộng đồng chung Châu Âu. Có hai lí do khiến cho sự kiện này mang tầm vóc lớn lao như vậy:

Lí do thứ nhất là đặc tính không biên giới của cộng đồng chung này. Cư dân của các nước thuộc cộng đồng này có thể qua lại biên giới các nước thành viên một cách dễ dàng như đi từ con phố này sang con phố khác. Đặc tính không biên giới của các quốc gia này còn thể hiện ở sự đa sắc tộc đa văn hóa của xã hội các nước thành viên Âu Châu. Có thể tìm trong các thành phố lớn của Anh, Pháp, Đức hầu như tất cả các sắc dân có trên thế giới. Mô hình của cộng đồng chung Châu Âu này phản ánh rõ nét xu hướng toàn cầu hóa. Đặc tính không biên giới này là dấu hiệu của một thế giới đại đồng trong đó các dân tộc quốc gia bình đẳng, cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và giảm thiếu thấp nhất những tranh chấp. Sự bình đẳng giữa các dân tộc quốc gia làm nền tảng cho sự bình đẳng giữa các cá nhân với nhau – những nhân tử tạo nên các tập hợp dân tộc quốc gia đó. Đặc tính không biên giới này là một trong những giá trị phổ quát mà nhân loại nhắm đến.

Lí do thứ hai là cái giá phải trả để có được cộng đồng này là một cái giá quá đắt, đó là hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người mà nguyên nhân đơn giản là tư tưởng độc tôn dân tộc bệnh hoạn. Chính các nước Châu Âu đã lao vào một cuộc chạy đua khốc liệt để giành phần thắng về cho dân tộc mình bằng bất kì phương tiện nào kể cả là nô lệ hóa các dân tộc khác. Và khi ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa bốc lên tới mức không kiểm soát được đã dẫn đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa các cường quốc và giữa các dân tộc bị trị đối với dân tộc thống trị.

Hai lí do trên khiến sự ra đời cộng đồng các quốc gia Âu Châu trở nên một bước ngoặt mang tính lịch sử, một bài học giá trị lớn lao cho nhân loại.

Ngàn năm thứ ba mới bắt đầu được mười năm và thế giới lại đang chứng kiến một cuộc chạy đua dân tộc chủ nghĩa mới giữa các nước châu Á. Nhiều chục tỉ đô la đã được nhiều nước bỏ ra để tân trang lại quân đội, sắm sửa súng ống, đạn dược cho cuộc chạy đua này. Phải chăng các nước châu Á muốn đi lại vết xe đổ của các nước châu Âu? Phải chăng bài học các nước châu Âu phải trả để có được như ngày nay chưa đắt giá cho đủ khiến các nước châu Á muốn trải nghiệm một lần nữa? Hay phải chăng các nước châu Á quá tự tin rằng mình hoàn toàn có thể phanh lại được ngọn lửa dân tộc cực đoan khi nó bốc lên cao độ và vì thế mình có thể chơi đùa với ngọn lửa này được?

Một đặc điểm của các chế độ độc tài là họ luôn nhuốm màu dân tộc chủ nghĩa bệnh hoạn. Hãy nhớ lại các chế độ độc tài phát xít đã lợi dụng sự kiêu hãnh dân tộc của công dân nước họ như thế nào trong hai cuộc chiến tranh thế giới gần đây. Cũng như vậy, ngày nay các chế độ độc tài các nước châu Á sử dụng con bài dân tộc chủ nghĩa để bảo vệ tính chính danh và củng cố địa vị chính trị của mình. Ý thức tự hào dân tộc lành mạnh là cần thiết và tốt đẹp, song lợi dụng nó cho mưu đồ chạy đua chính trị trong vùng và theo đuổi chủ nghĩa độc tôn dân tộc là một lối suy nghĩ bệnh hoạn mang tới bất bình đẳng giữa các dân tộc và hậu quả tất yếu là một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Giữa những chế độ độc tài thủ lá bài dân tộc chủ nghĩa có Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi màu sắc dân tộc chủ nghĩa của cộng sản Trung Quốc biểu hiện thô thiển qua ý đồ bành trướng đại Hán, thì màu sắc dân tộc chủ nghĩa của cộng sản Việt Nam thể hiện qua sự láu cá đu dây giữa các cường quốc nhằm lợi dụng sự cạnh tranh đố kị giữa các cường quốc. Đây chính là lí do khiến cho cộng sản Việt Nam còn cố gắng duy trì chế độ cộng sản toàn trị một thời gian ngắn nữa. Dẫu trong một chừng mực nào đó, đường lối chính trị của chính quyền cộng sản Việt Nam thể hiện một sự quan tâm đến vận mệnh quốc gia (còn phần nhiều là đến lợi ích cá nhân) nhưng đường lối này không hợp lý và khôn ngoan vì 5 lý do sau đây:

1. Đường lối này chỉ phản ánh ý chí chính trị của một thiểu số cầm quyền mà đi ngược lại nguyện vọng của đa số quần chúng.

2. Để duy trì đường lối này (cố kết với thể chế cộng sản) chính quyền cộng sản Việt Nam phải hy sinh những nguồn lực dân chủ, và những mầm xanh của xã hội dân sự đang nở rộ trong nước. Đây chính là dòng sinh khí của một quốc gia mang đến nội lực là niềm tự hào dân tộc một cách lành mạnh.

3. Cộng sản Việt Nam với đường lối đu dây giữa các cường quốc làm mất thể diện trên trường quốc tế của cầm quyền cộng sản Việt Nam. Việt Nam sẽ mãi là một con chốt đá qua đá lại giữa các cường quốc. Để thoát khỏi thân phận con chốt mà các cường quốc đem ra đổi chác ngầm với nhau Việt Nam cuối cùng cũng phải chấm dứt trò đu dây để tự do lựa chọn một con đường và tìm một đồng minh trung thành.

4. Việc Việt Nam bám víu vào chế độ độc tài cộng sản để du dây với các cường quốc khác là “thêm dầu vào lửa” cho xung đột mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Trong khi đó nếu Việt Nam từ bỏ độc tài cộng sản để xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam là yếu tố hóa giải nguy cơ chiến tranh trong cả một vùng Á châu rộng lớn.

5. Nếu chiến tranh xảy ra trên diện rộng như trên, Việt Nam với vị trí địa lý cửa ngõ quan trọng sẽ lại một lần nữa trở thành bãi chiến trường của các cường quốc và của chính mình. Trong khi đó nếu chấp nhận nền dân chủ đa nguyên sớm thì những xáo trộn xã hội nếu có cũng vẫn có thể kiểm soát được, và cả dân tộc không phí phạm thời gian chờ đợi vô ích, vì một nền dân chủ tất yếu cũng sẽ phải trải qua trên đất nước này.

Nói tóm lại, việc bám víu vào chế độ độc tài cộng sản để đu dây chính trị giữa các cường quốc là kế hạ sách chẳng giúp Việt Nam thoát ra khỏi khuynh hướng chiến tranh với màu sắc dân tộc cực đoan mà ông bạn phương bắc đang cắm đầu vào. Trong khi đó, việc xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên là chìa khóa xây dựng nội lực dân tộc, mang lại trọng lượng cho lời nói của mình trên trường quốc tế, là chìa khóa hóa giải chiến tranh vùng Châu Á Thái Bình Dương, giúp cho các nước châu Á tránh được vết xe đổ mà khối quốc gia châu Âu đã trải qua, làm cho khả năng xây dựng một vùng “không biên giới” giữa các nước Đông Nam Á (vốn đã rất cách biệt) trở nên hiện thực hơn.

Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam đủ bản lĩnh, nhất là trong thời điểm quý báu ngàn năm có một hiện tại, thì sẽ giúp cho không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác không phải tốn hàng tỉ đô la đổ ra mua khí tài hủy diệt lẫn nhau, nhưng có thể sử dụng số tiền lớn lao đó để cùng nhau tháo gỡ những vấn nạn mang tính khu vực và toàn cầu như nước biển dâng, các vùng thiên tai, và lo cho những người nghèo đói còn đầy rẫy trong xã hội Á châu.

Lời ngỏ với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Thưa bác tiến sĩ, cháu cảm nhận được sự trằn trọc băn khoăn với những ưu tư trĩu nặng, những căm giận trào dâng mà bác đã trải qua trong những đêm lo lắng cho các bạn đồng chí và cho những số phận của biết bao nhiêu người dân thấp cổ bé miệng khác. Cháu hình dung được vì chính cháu cũng đã nhiều đêm băn khoăn lo âu cho đất nước, cho người dân lầm than, cho các anh chị dấn thân cho nền dân chủ của đất nước. Cháu rất cảm phục thế hệ các bác đã hết lòng vì đất nước, đã không quản ngại dấn thân, đánh đổi sự an toàn bản thân cho những thân phận nghèo hèn khác. Cháu mong bác giữ gìn tinh thần được vững mạnh, luôn tin tưởng vào đường lối đấu tranh bất bạo động tuy cam go nhưng đầy chắc chắn, và tất thắng. Cầu mong bác mạnh giỏi và bình an, vượt qua những gian nan trước mắt.

Một giáo dân Hà Nội

Peter Đoàn Thiện Nhân

Đọc nhiều nhất Bản in 08.02.2010. 09:38