Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư gửi người Cồn Dầu xa quê

§ Trần Văn Chương

Pleiku ngày 31 tháng 01 năm 2010

Anh L. thân mến.

Anh email xin tôi cho biết nhà cửa đất đai nơi quê nhà tới đâu rồi, liệu bà con có được yên ổn ăn Tết không, hay sau những tháng năm mò cua bắt ốc chắt chiu từng đồng để rồi một sớm một chiều cả làng trở thành đám người tan gia bại sản, những con nợ xã hội lang thang kiếm sống bên những khu nhà vườn sinh thái nằm trên đất mà trước kia mình và cha ông đã bao công khai phá gầy dựng. Âu cũng vì 135 năm trước đây, cố Thiên đã khéo chọn mảnh đất ven sông lập xứ đạo, tổ tiên bao đời bỏ công làm bờ kè ngăn nước biển để trị mặn, cải tạo đất phèn nên ruộng nên vườn, nay thành khu đất vàng bên cạnh các khu resort đẹp sang nhất nước!

Chắc anh còn nhớ lại câu thơ của Tế Hanh (?): Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Đối với những người làm khu du lịch sinh thái kia, xóm làng nhà quê anh chỉ là nơi đất ở, những lô đất được giá trên thị trường địa ốc. Nhưng với người dân Cồn Dầu thì đó thứ đất đã hóa tâm hồn, vừa gần gũi vừa thiêng liêng: đó là ‘chùm khế ngọt’, ‘cầu tre nhỏ,’ ‘đường đi học,’ ‘chiếc diều biếc;’ cũng là nơi chôn nhau cắt rốn, gia sản quí giá của tổ tiên, bao nhiêu mồ hôi, xương máu đã đổ ra trên đất này. Kỷ niệm ngày xưa, vui buồn gian khổ ngày nay và bao nguyện ước tương lai gửi gắm nơi mảnh đất này. Mảnh đất quá linh thiêng và vô giá giờ đây chịu những “thu hồi” “giải tỏa trắng,” “đền bù” với giá rẻ mạt rồi chia lô cắt bán cho những đại gia nào đó để từ nay trở thành thứ vật dụng kinh tế có thể mua bán đổi chác được. Ở đây không chỉ là đổi chổ ở một số hộ dân nhưng là vĩnh viễn xóa đi một mảnh đất thiêng mà đối với người quê không gì có thể thay thế được:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người
.

Báo Tuổi Trẻ ngày 23/12/2010 trang 6 viết: “thực tế hiện nay TP Đà Nẵng còn “nợ” tới 2.201 lô đất tái định cư vì chưa bố trí đất tái định cư cho số 61 hộ đã bàn giao mặt bằng cho Nhà Nước”. Con số thực chắc còn hơn thế nữa. ‘Đi là chết.’ Câu nói này sẽ thật đúng với người Cồn Dầu vì bỏ làng ra đi, họ sẽ sống tan nát mỗi người mỗi phương trên mảnh đất chia lô không hồn để từng ngày sẽ gặm nhấm nỗi thương nhớ khôn nguôi của những kẻ không còn quê hương để tìm về. Không lạ gì, trước mắt những người đến kiểm định, có những đã xin được sống và chết tại quê hương mình. Thử hỏi anh: ký giao quê cha đất tổ cho ai đó xa lạ để nhận món tiền quá ‘bèo’, họ không ‘cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời’ sao? Họ sẽ ăn nói thế nào với tổ tiên và với con cháu đói khổ mai sau trong ngày kỵ giỗ? Người Cồn Dầu muốn nói với vị đã ký lệnh thu hồi đất: "anh muốn thu hồi đất, kiểm định nhà, còn chúng tôi muốn giữ lại Quê Hương trong tất cả những gì thiêng liêng nhất để sống, để yêu, để cùng nhau xây dựng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”

Tôi cũng có nghe chuyện một cán bộ nào đó xin cha xứ Cồn Dầu dành ít phút trong lễ để động viên giáo dân cho ‘kiểm định.’ Cha xứ nói với ông: “Trong thánh lễ, chúng tôi rao giảng Lời Chúa, còn việc cho kiểm định nhà để làm khu sinh thái liên quan tới đời sống và quyền lợi của người dân, xin các ông nói với người dân.” Cha xứ có lý để xin người anh em đảm nhận nhiệm vụ của mình. Bao nhiêu cái khuất tất trong quản lý một dự án lớn như thế mà lại vận động một ‘ông cha nhà đạo’ lên tiếng động viên giáo dân mình. Linh mục nào mà không được dạy dỗ để đừng thương mại hóa hay chính trị hóa tôn giáo bởi lẻ việc đó chỉ tổ làm băng hoại tôn giáo mình phụng sự.

Nhiều vụ bế tắc trong dự án xây dựng, chỉnh trang lẻ ra giới hữu trách phải giải trình và có nhiệm vụ xử lý những biến số bất ngờ trong dự án cho Đảng, cho Nhà Nước, cho nhân dân, thì họ ‘đánh bùn sang ao’, đổ tội cho tín đồ hay chức sắc tôn giáo. Chuyện này đã có từ thời bạo chúa Nê-ron cho đốt phá thành Rôma rồi đổ tội cho người Kitô hữu. Tôi cho rằng nếu chúng ta không cảnh giác thì đấy là cách tinh vi gây chia rẽ chính quyền với giáo quyền, lương-giáo, và trong nội bộ Giáo Hội. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu vị dẫn đầu đoàn đi kiểm định hàng trăm người hôm đó trong một xô xát nhẹ, ngã lăn xuống đất, xùi bọt mép (thật hay chỉ giả vờ) trước cửa nhà một giáo dân nào đó không đồng ý cho kiểm định? (Nhưng kịch bản trên đây đã không xảy ra mà đã có một phụ nữ khi bị bắt ký giấy kiểm định đã quá hoảng sợ đến ngất xỉu phải gọi xe cấp cứu !)

Năm nay ngoài đó cả giáo phận Đà Nẵng mừng kỉ niệm 125 năm biến cố Đức Mẹ Trà Kiệu. Tháng 9 năm 1885, với chiêu bài ‘bình tây sát tả’ đám quân Văn Thân vây làng nghiêm ngặt để làm cỏ xứ đạo Trà Kiệu, bấy giờ vỏn vẹn 300 người dân. Đến hôm nay Trà Kiệu còn giữ lại tên tuổi mình không phải nhờ chông tre, gậy gỗ nhưng nhờ đức tin quả cảm, lời cầu nguyện và sức thiêng từ trời.

Người Cồn Dầu chắc hẳn không ai muốn giam mình trong ốc đảo của đói nghèo; ai trong họ lại không muốn giàu đẹp cho Quê Hương mình. Thế thì họ được ưu tiên để chọn lựa bởi lẻ xây dựng một quê hương cho ra một Quê Hương không chỉ là việc của máy cày xe ủi đất, của nhà qui hoạch hay của đại gia nhưng còn là việc của bàn tay, khối óc, trái tim của những con người yêu thương gắn bó muốn sống và chết cho Quê Hương mình.

Sự việc rồi sẽ đi về đâu? Thực tôi không biết nhưng nếu đây là vấn đề công bằng xã hội và quyền lợi chính đáng của người công dân thì xin hãy cầu cho những người dân cô thế vững tin vào sức mạnh của công lý, can đảm cho đến cùng để nói lên nguyện vọng của mình. Anh hãy cầu xin cho người dân quê hiền lành chất phác của chúng ta biết xác tín rằng: một khi đầu tư cho công lý, tất cả nhục nhằn gian khổ sẽ thành niềm hạnh phúc lớn lao như Chúa đã hứa: Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính vì Nước Trời là của họ.

Xin thắp lên ở đây một ngọn nến hiệp thông cùng nhau nguyện cầu cho Quê Hương, cho Đất Nước. Chào anh và mến thăm các cháu. Cầu chúc cho nhau một năm mới an lành.

Trần Văn Chương

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 05.02.2010. 16:14