Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Tản mạn cùng Tết: Thời gian có thật là “vàng bạc”?

§ Alfonso Hoàng Gia Bảo

Thời giờ là vàng bạc” câu nói đi vào lòng mỗi người Việt Nam ngay từ lúc chúng ta mới tập tễnh bước chân đi học. Cộng thêm sự thông minh, cần cù sẵn có, một dân tộc như vậy lẽ ra từ lâu đã phải chiếm giữ những thứ hạng cao trong khu vực về các mặt. Nếu chưa thể bằng Nhật Bản chí ít nhất cũng phải ngang hàng cỡ Đài Loan, Hàn Quốc v.v... ấy vậy mà …. chẳng hiểu vì sao... ???

Ngẫm nghĩ sự thua kém thiên hạ của VN mình, sau khi hào phóng ‘xí xóa’ hết các lý do ‘khách quan’ (cứ tạm cho là vậy), như chiến tranh kéo dài và cả những sai lầm của nhà cầm quyền Csvn khi chọn XHCN làm con đường phát triển mà họ chưa bao giờ dám nhận, trong lúc băn khoăn chưa tìm ra đáp số nào hợp lý hơn, tôi chợt nhớ có lần nghe anh một bạn giáo sư bảo anh ta thường cố ‘sửa sai’ suy nghĩ cho nhiều thế hệ sinh viên, rằng “các em chớ bao giờ tự hào mình là học sinh nghèo học giỏi, mà hãy tự vấn xem vì sao mình giỏi mà vẫn cứ nghèo?”

Lời bảo ban này nghe thật chí lý! Vì từ đó suy ra cái cách mà chúng ta vẫn thường ‘bo bo’ tự hào về lịch sử 4.000 năm văn hiến của mình trước các cường quốc lâu nay (thậm chí còn lấy đó để đòi khinh thường họ) xem ra cũng chẳng khác gì việc một bác nhà nông vì thương con trâu ruột già nua lâu năm gắn bó với đồng ruộng nhà mình mà lại nỡ đi chê bai chiếc máy cày của hàng xóm! (cứ xem kiểu Hà Nội đang cố ‘gồng mình’ tổ chức 1.000 năm Thăng Long ra sao mới thấy đúng là “nền văn hóa đà điểu rúc đầu vào trong cát”)

Người Việt chúng ta ai nấy vốn được tiếng là “chăm chỉ”. Thế nhưng thỉnh thoảng phải ‘đối mặt’ với những ngày nghỉ kéo dài lê thê. Như Tết năm nay thủ tướng VN cho công chức được ‘off work’ luôn ngày thứ 6 (19/2), cộng thêm 2 ngày nghỉ thứ 7, CN mặc định vào nữa thế là mọi người tha hồ ăn Tết ‘xả láng’ cho ‘hết...tuần hết nghĩa’ luôn!!! (có ‘ông nhà nước’ nào mà lại chẳng biết cho hàng triệu CNV nghỉ làm kéo dài như vậy ít nhiều gì cũng sẽ gây ra những sự trì trệ nhất định trong một nền kinh tế chưa phải đã là ‘ngon lành’ gì cho lắm?)

Điều này càng có thêm lý do chính đáng để chúng ta có quyền nghi ngờ về cái thiện chí muốn dân ‘chăm chỉ’ làm việc của lãnh đạo nước mình. Mà nếu để ý thêm, có thể nhiều người cũng còn phát hiện ra rằng, trước nay các cụ nhà ta thường chỉ nói “cháu nó chăm chỉ làm lụng lắm!” mà chẳng khi nào nghe các cụ bảo ‘cháu nó chăm chỉ làm việc’ như một lời khen đích thực dành cho ai đó biết làm một việc có khoa học, ngăn nắp v.v…

Vậy, phải chăng từ lâu các cụ nhà ta cũng đã nhận ra cái sự “chăm chỉ, chịu thương chịu khó làm lụng” của người Việt mình là ‘có vấn đề’ trầm trọng? Dám lắm chứ chẳng đùa đâu!

Đụng chạm đến cái ‘quyền lợi’ nghỉ làm của hàng triệu ‘đầy tớ’ vào ngày Mùng Hai Tết này quả là làm chuyện…. ‘khôn nhà dại chợ’, dễ bị thiên hạ cho ‘ăn đòn’ lắm chứ chẳng chơi, thế nhưng liệu có ai dám chắc với người viết là không hề có bất kỳ sự liên quan nào giữa việc nước Nhật can đảm dứt bỏ khỏi tập tục ăn Tết ‘lề mề’ kéo dài theo Âm Lịch (mà thực chất là chịu ảnh hưởng bởi văn hóa TQ vì là Chinese lunar calendar) để chuyển sang ăn Tết theo lịch phương Tây kể từ năm 1873, dưới thời Minh Trị Duy Tân (Meiji Restoration) và việc họ sớm chiếm giữ vị trị cường quốc số một của Châu Á suốt hơn 100 năm qua?

Sở dĩ cần phải nêu, vì mấy chữ ‘dân giàu nước mạnh’ vẫn luôn là mơ ước của mọi người VN, trong lúc làm sao để sớm đi đến đích ấy, thì một Nhật Bản giàu mạnh cách ta không xa lắm đã từng trải qua. Vậy chẳng lẽ họ không có gì đáng để học hỏi?

Về tập tục ăn Tết của người Nhật, mặc dù dân chúng nước này vẫn duy trì các nghi thức cổ truyền được biết dưới tên gọi ‘Oshogatsu’, nhưng nay chủ yếu chỉ còn diễn ra vào ba ngày đầu của tháng Giêng dương lịch hằng năm. Kể từ ngày 4/1 mọi sinh hoạt đều trở lại bình thường.

“Nhìn người lại ngẫm đến ta”…

Ngẫm nghĩ cảnh cả một quốc gia “nghỉ xả hơi” nguyên tuần (đó là chưa kể cảnh làm việc ‘ngáp ruồi’ trước và sau tết), rồi lại nghe văng vẳng đâu đó câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi”… người viết bất giác ‘giật mình’!

Chỉ riêng sự khác biệt về cách ‘chi tiêu’ thời gian ăn Tết giữa Nhật và VN thôi cũng đã có thể lý giải được phần nào, vì sao cái ‘vòng kim cô’ nghèo đói đang bao trùm dân tộc cả nước vật vã với nó suốt mấy thập niên mà vẫn không ai biết chắc đến ngày nào mới thoát ra khỏi nó?

Sàigòn, Mùng Hai Tết Canh Dần

Alfonso Hoàng Gia Bảo

Đọc nhiều nhất Bản in 18.02.2010. 10:06