Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

RFA: Những diễn biến mới nhất về vụ tranh chấp tại Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội

§ Trà Mi

RFA 20/08/2008 -- Báo chí trong nước mấy ngày gần đây đồng loạt lên án Ban Hành Giáo, đã "coi thường pháp luật", "lợi dụng, kích động giáo dân" đặt tượng, dựng thánh giá, bàn thờ, và liên tục cầu nguyện tập thể trong khuôn viên đất tranh chấp, gây mất trật tự an ninh xã hội.

Tiếp tục cập nhật về tình hình Nhà Thờ Thái Hà đòi lại đất đai tại số 178 Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), cũng như để rộng đường dư luận, Trà Mi hỏi chuyện Linh Mục Vũ Khởi Phụng, Chánh Xứ Thái Hà, giao dân và người dân tại khu vực đang xảy ra tranh chấp này.

Không thể giải tán theo lệnh chính quyền


Download (1.9 Mb)

Trà Mi: Kính chào Linh mục Vũ Khởi Phụng. Theo kết luận của Đoàn Thanh Tra Liên Ngành về vấn đề tranh chấp đất đai tại Giáo Xứ Thái Hà, thưa Linh Mục, thì đoàn thanh tra kết luận rằng đât đai dành cho sinh hoạt tôn giáo ở đây đã phù hợp và đã đủ với nhu cầu cho nên việc yêu cầu đất đai của giáo xứ là không thực tế?

Linh Mục Vũ Khởi Phụng (T): Dạ thưa hoàn toàn là chúng tôi không đủ, là bởi vì bất kỳ ai đến giáo xứ của chúng tôi những chiều Thứ Bày và những chiều Chủ Nhật đều thấy là người ta đã chật chội đến mức đứng chật cả bờ sân, đứng lan cả vào nhà ở của chúng tôi nữa, thì không thể nói là giáo xứ của chúng tôi đã có đủ.

Hơn nữa, trong một giáo xứ, ngoài chuyện có chỗ cho người đi lễ thì còn bao nhiêu là sinh hoạt khác có tính cách tôn giáo, văn hoá, từ thiện, thì dứt khoát là trong hoàn cảnh hiện nay chúng tôi không thể nào đủ chỗ được.

Trà Mi: Thế nhưng những lời yêu cầu của phía Giáo Xứ đưa ra để đòi lại những mảnh đất mà cho rằng thiuộc quyền sở hữu của mình thì phía nhà nước cho rằng không có cơ sở, phản hồi của phía Giáo Xứ như thế nào?

(T): Chúng tôi đã nghiên cứu cái vấn đề đó về mặt pháp luật và với sự góp ý của các luật sư, chúng tôi đã có phản bác. Cái mảnh đất của chúng tôi nó vẫn là mảnh đất của tôn giáo và nó không nằm ở trong diện những mảnh đất bị nhà nước trưng dụng. Cái mảnh đất đấy là mảnh đất mà ngày xưa chính các giáo dân đã góp tiền góp sức để mua, để mà xây dựng một ngôi nhà thờ, nhưng chỉ vì chiến tranh mà không xây dựng được.

Về phía chúng tôi, chúng tôi vẫn làm đơn từ 10 năm nay rồi, nhưng về phía anh chị em giáo dân thì từ đầu năm 2008 tới giờ họ phát hiện cái xí nghiệp đang sử dụng cái mảnh đất đó dự tính bán mảnh đất đó cho những người khác. Chính vì vậy mà giáo dân đã bức xúc mới phản ứng bằng cách là hàng ngày qua cái mảnh đất đó để mà cầu nguyện.

Trà Mi: Phía nhà nước cho rằng cái hành động này chỉ nhằm mục đích là “đem tranh chấp, giải quyết tranh chấp”, “trái với lời Chúa răn”, thì ý kiến của Linh Mục như thế nào?

(T): Về vấn đề nhà nước yêu cầu tôi giải tán những người đang cầu nguyện trên mảnh đất đấy thì xin thưa là tôi không có thể làm được bởi vì những người ấy đang xác tín họ là nạn nhân của những sự bất công, những tài sản đáng lẽ là của họ mà đã bị tước đoạt không chính đáng.

Nếu mà muốn tôi giải tán họ thì tôi cần phải có đủ lý do để tôi giải thích cho họ rằng việc làm của họ là sai trái, mà hiện nay tôi không thể chứng minh điều họ làm là sai trái được, cho nên tôi không có thể giải tán họ được theo chính quyền quận mong muốn.

Trà Mi: Thưa, báo chí Việt Nam, cụ thể là báo Hà Nội Mới, hôm nay đã nêu lên một câu hỏi là "Tại sao nhà thờ đã có các cơ sở thờ phượng khang trang nhưng lại đưa giáo dân ra hành lễ tại khu đất tranh chấp mất vệ sinh và nhếch nhác như thế?", thì câu hỏi này phía Giáo Xứ đáp lời như thế nào ạ?

(T): Các giáo dân của chúng tôi cầu nguyện ở mảnh đất đấy chứ chúng tôi không hành lễ ở cái chỗ đấy. Sở dĩ các giáo dân của chúng tôi cầu nguyện là bởi vì họ có cảm giác rằng cái mảnh đất tâm linh đã từ lâu bị chiếm dụng vì mục đích kinh tế mà thậm chí cũng không phải là những mục đích kinh tế có hiệu quả, còn hơn 12 ngàn mét thì vẫn bỏ không, cỏ dại mọc hoang, không làm gì cả.

Cho nên những người giáo dân họ đến đó để cầu nguyện, để bày tỏ một thái độ của người công dân đứng trước hoàn cảnh mà từ lâu những nhu cầu tôn giáo, những nhu cầu tâm linh đã quá bị lơ là.

Trà Mi: Thế nhưng phía nhà nước lại nhìn nhận những buổi lễ cầu nguyện này nằm trong “kế hoạch chiếm đất”, cáo buộc là Giáo Xứ Thái Hà coi thường pháp luật và tìm mọi cách để theo đuổi kế hoạch chiếm đất đó, mặc dù đã có quyết định của UBND về việc khiếu nại này.

(T): Tất cả những quyết định, ví dụ như là của Sở Nhà Đất, thì chúng tôi đều có thông báo lại cho giáo dân, nhưng mà anh chị em giáo dân họ không được thuyết phục bởi cái lý lẽ của nhà nước đưa ra. Ngay cả những lý lẽ đó thì cũng chỉ là những lý lẽ của Sở Nhà Đất mà thôi chứ không phải là một cái án tuyên của toà án nào cả. Vì thế cho nên họ lại càng muốn bày tỏ cái thái độ mà họ cho là họ đã bị đối xử bất công.

Trà Mi: Dạ vâng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn thời gian Linh Mục đã dành cho cuộc trao đổi này.

(T): Dạ. Xin cảm ơn chị.

Giáo dân bất bình

Giữa lúc truyền thông nhà nứơc mở chiến dịch lên án Ban Hành Giáo - Giáo Xứ Thái Hà thì sáng Thứ Ba, 19/8/2008, đông đảo giáo dân đang cầu nguyện tập thể tại linh địa Đức Bà Thái Hà và cư dân địa phương sinh sống ngay khu vực đó hết sức bất bình khi chứng kiến cảnh những ngừơi tháo vất ảnh tượng Công giáo xuống đất trứơc sự hiện diện của đông đảo lực lựơng an ninh.

Trong câu chuyện với Trà Mi, một số giáo dân có mặt tại hiện trường khi vụ việc xảy ra, thuật lại:

“Chúng tôi là người dân Thái Hà. Hôm nay chúng tôi rất là bức xúc mà nhìn thấy cái cảnh họ cho người trèo lên cắt lều bạt của chúng tôi giật xuống và đạp ảnh của Đức Mẹ rơi xuống.

Chúng tôi ra thắp hương Mẹ để cầu khẩn xin Mẹ gìn giữ cho Thái Hà chúng tôi được bình an. Tôi không hiểu tại sao mà lại phải dùng những hành động như thế, một hành động quá thô bỉ. Lực lượng công an cảnh sát hôm nay rất chi là đông, đứng bảo vệ để cho họ làm cái việc sai trái đó thì chúng tôi rất là bức xúc.”

Trà Mi: Dạ. Vì sao mà bà cho rằng là họ bảo vệ, thưa Bà? Họ có phản ứng như thế nào?

“Họ đứng đấy. Bởỉ vì chính họ đứng đấy mà chúng tôi kêu lên mà họ vẫn cứ làm ngơ coi như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật, nhưng mà trong khi đó thì pháp luật ngoảnh mặt làm ngơ. Mà không những bản thân chúng tôi mà kể cả lương giáo họ đứng xem họ cũng thấy quá bất bình sự việc làm này.”

Một giáo dân khác bức xúc:

“Tôi là một giáo dân, là một thương binh. Hôm nay tôi có mặt ở đây. Tôi thấy là cái chính sách như vậy là hoàn toàn quá là sai.”

Trà Mi: Dạ. Thế thì phía bà con giáo dân đã phản ứng ra sao?

“Chúng tôi thì chính bản thân tôi kêu hò công an, nhưng mà không có ai hề nói gì, mà công an trong lúc rất là đông, tới gần một trăm người chứ không phải ít. Đấy là ước tính. Vâng.”

Trà Mi: Thế thì sau sự việc có người trèo lên cây tháo vất ảnh tượng Công Giáo thì diễn tiến sau đó như thế nào, thưa Bà ?

“Sau đâu đấy thì là có một miếng bạt che để cho chúng tôi ngồi cho đỡ nắng một chút thôi thì họ bắt đầu hô là "Phá! phá!", thế là phá tất cả. Bên đấy là người ta phá, người ta kéo rớt cả tấm bạt đi. Xong đâu đấy thì họ về. Một chút cái là họ đến họ cướp cái tấm bạt mà chúng tôi che đấy.”

Trà Mi: Tức là sau việc họ tháo vứt ảnh tượng xuống rồi họ quay lại đạp đố tấm bạt mà bà con che nắng che mưa ở đó để cầu nguyện, phải không ạ?

“Họ đạp, họ kéo đổ. Xong đâu đấy thì là Cha nhà chúng tôi ra thì Cha nói với giáo dân rằng "Thôi, nếu họ cần thì cho họ", thì sau đó chúng tôi về.”

Một cụ bà đã ngoài 80 tuổi, tham gia các buổi lễ cầu nguyện tập thể ở đây với nguyện vọng kêu gọi công lý, cho biết thêm:

“Tôi già nhất mà tôi yếu lắm. Việc tôi là thờ phượng kính mến tôn sùng Mẹ và Chúa. Chúng tôi đến làm cái nhiệm vụ là đọc kinh cầu nguyện.”

Trà Mi: Nhà nước nói rằng giáo dân tập trung tới đây, đặt tượng rồi ở lại cầu nguyện mấy ngày nay là do bề trên yêu cầu. Sự thật như thế nào, thưa Bà ?

“Cái này là tự nguyện chứ chị. Mà đất đai như thế, bây giờ nhà thờ thì chật chội, các cháu nó không có chỗ học hành và đi lễ thì đứng chật ngoài đường. Giáo dân đông lắm chị ơi. Thứ Bảy, Chủ Nhật đông lắm. Tôi, thành thực là tôi bây giờ chỉ có gần kề sự chết, tôi không nói dối một câu nào. Tôi nói đúng sự thực là cài này là tự dân mình đến, tự nguyện mà đến để mà thờ phượng, mà cầu nguyện để chỉ xin đất lại để lấy nơi làm thờ phượng mà thôi.”

Một giáo dân khác tiếp lời:

“Ối giời ơi! Báo chí Việt Nam thì xưa nay vẫn là báo chí của Đảng thì đúng hơn. Có thể khẳng định là tất cả mọi điều ở trong Giáo Hội Công Giáo không ai có thể ép buộc ai làm được điều gì, kể cả giám mục cũng không thể ép được một người giáo dân nếu người ta không tự nguyện. Ở đó rõ ràng là một sự tự nguyện mà không phải tự nguyện vì quyền lợi nào của họ đâu, bởi vì họ có quyền lợi nào ở đó đâu.

Việc báo chí tuyên truyền thì xưa nay người ta đã bảo rồi, (báo chí) nói để mà nói lấy được mà thôi chứ không cần biết nguyện vọng của người dân như thế nào. Đài báo Việt Nam còn có những điều vu cáo nữa. Làm gì có chuyện bật loa ầm ỉ từ mười giờ đến một hai giờ sáng! Làm gì có chuyện đó!

Chỉ có nhà nước bắt cái loa cách đây mấy ngày để mà dẹp, chỉa thẳng vào nhà thờ cách đây một hai ngày, cứ đến giờ đọc kinh là họ chỉa loa vào la ầm ầm. Đấy là cách của nhà nước chứ đâu phải là của giáo dân. Bảo là căng biểu ngữ rồi chống chình phủ này khác, thì tôi chả thấy một biểu ngữ nào ngoài băng rôn ngay cửa nhà thờ là mừng lễ Mẹ.”

Ý kiến người dân địa phương

Ngoài ra, báo Hà Nội Mới Online còn loan rằng việc bà con giáo dân tập trung cầu nguyện tập thể tại khu vực này đã khiến cư dân địa phương ”phản đối quyết liệt, cực lực lên án hành vi coi thường kỷ cương phép nước của Nhà thờ Thái Hà".

Trà Mi có dịp hỏi thăm và ghi nhận cảm nghĩ của vài cư dân sinh sống trong khu vực:

Trà Mi: Thưa, bà có phải là một cư dân sinh sống gần ngay khu vực giáo xứ Thái Hà hay không?

“Dạ. Tôi ở ngay cạnh đấy ạ. Tôi nghĩ như thế này, này: Như thế là nhà nước bao dung cho những người làm trái pháp luật. Ảnh tượng thờ treo trên cây không ảnh hưởng gì đến họ mà tại sao lại dám ngang nhiên trèo lên cắt dây, xong rồi lấy chân đạp ảnh của Mẹ xuống. Khi chị chứng kiến cái cảnh đạp ảnh của Mẹ xuống, nói thật với chị, chị không thể tưởng tượng được. Có một em bé nhìn thấy nó ra nó ôm Đức Mẹ lên nó khóc. Chị phải hiểu chuyện đó đau lòng lắm (khóc).

Trà Mi: Thưa bà, báo chí Việt Nam nói về sự việc này thì có nói rằng nhân dân ở trong khu vực đó tỏ ra hết sức bất bình trứơc hành động của phía Giáo Xứ, tức là tụ tập cầu nguyện. Bà là một người dân sinh sống ngay vùng đó thì bà có ghi nhận điều này không?

“Tôi không hề ghi nhận điều này vì người ta nói sai sự thật.”

Trà Mi: Dạ. Thế thì ghi nhận của bà về phản ứng của người dân sinh sống trong khu vực đó như thế nào ạ?

“Một số người dân ở chung quanh chỗ chúng tôi đang ở đấy người ta rất đồng tình với chúng tôi. Thứ nhất, người ta bảo cái đất này là từ xưa là của nhà thờ thì nên trả cho họ.”

Trà Mi: Bà vừa nói là có một số có ý kiến như thế, còn số còn lại thì sao ạ?

“Vâng. Số còn lại thì người ta chỉ là bình thường. Người ta gần như là "mũ ni che tai", người ta không muốn dính dáng gì đến cái chuyện này cả.”

Trà Mi: Dạ vâng. Thưa bà, nhưng mà trong suốt những ngày mà giáo dân tập trung cầu nguyện thì người dân ở đó có thể hiện sự phản ứng như thế nào, có thái độ như thế nào đối với bà con giáo dân hay không?

“Lúc đầu thì cũng có một số người ta cũng có hơi phản ứng nhẹ bởi vì là người ta đang ở cái khu yên tĩnh quen rồi mà tự nhiên bây giờ thì người ta cũng hơi bất bình một tí, nhưng khi về sau người ta hiểu được cái ý nghĩa rồi, thì tự nhiên người ta rất chi là phấn khởi và người ta còn có người ra coi như là khích lệ.”

Một cư dân khác trong vùng trực tiếp chứng kiến sự việc xảy ra sáng 19/8, chia sẻ thêm:

“Cư dân quanh vùng đây người ta khi mà chưa nắm được thông tin rõ ràng thì họ cũng có những suy nghĩ sai lệch về dân Công Giáo, nhưng mà khi mà thực tế đã chứng kiến những văn bản và những công việc tại khu vực đó thì họ rất là hoan nghênh và đồng tình, thậm chí họ còn ra động viên nữa cơ.”

Trà Mi: Thưa, báo chí Việt Nam nói rằng dân chung quanh vùng rất là bất bình trước việc bà con tập trung cầu nguyện gây mất an ninh trật tự?

“Tôi xin đính chính lại với chị rằng vấn đề đó hoàn toàn không có. Họ bóp méo sự thật hết, bởi vì bản thân nhà nước đã xử sự sai mục đích thì giáo dân cầu nguyện để xin lại mảnh đất đó nhằm mục đích sử dụng phục vụ sinh hoạt an sinh xã hôi, hoặc giả là có xây nhà thờ chăng nữa thì cũng là làm đẹp cho xã hội, chứ không có vấn đề gì cả.”

RFA: Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến liên quan đến vụ tranh chấp đất đai tại Giáo Xứ Thái Hà để tường trình đến quý vị trong thời gian sớm nhất.

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.08.2008. 13:21