Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

RFA: Làn sóng tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với chính quyền đang lan rộng

§ Mặc Lâm

ProtestGiuse200.jpg

Giáo dân biểu tình trước toà nhà số 16 đường Phước Long, Nha Trang, để phản đối việc xây dựng công trình trên đất của Dòng Thánh Giuse. Photo courtesy of Joac syhung

RFA 08.01.2008 -- Tuần qua, hàng trăm giáo dân và linh mục thuộc giáo phận Hà Nội đã tập trung trước khu đất trước kia là Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện. Họ hy vọng nhà cầm quyền sẽ trao trả lại tòa nhà này vốn thuộc tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Toà nhà vốn được dùng làm tòa đại sứ Vatican tại Việt Nam trước năm 1959, đã bị chính quyền trưng thu sau khi trục xuất Khâm Sứ của tòa thánh là Đức cha John Dooley. Mặc Lâm có bài về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.

Sau cuộc viếng thăm bất ngờ tòa Tổng Giám Mục Hà Nội vào dịp cuối năm dương lịch của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua, giáo dân Hà Nội đã hy vọng nhà cầm quyền sẽ giải quyết những tồn đọng, sau bao năm việc thờ phượng cũng như hoạt động của giáo hội gặp trở ngại vì mặt bằng quá chật hẹp.

Tuy nhiên, qua lời tuyên bố của một viên chức trong Ủy Ban Tôn Giáo nhà nước thì niềm hy vọng này đã tiêu tan. Vì thế mà hàng trăm giáo dân cùng tu sĩ đã quyết định bất chấp những nguy cơ bị đàn áp, bằng cách tập trung trước cổng tòa Khâm Sứ cũ để cầu nguyện. Họ hy vọng rằng mảnh đất thiêng này sẽ trở về với giáo hội Việt Nam.

Các vụ tranh chấp đất đai đã gây nhiều làn sóng phản đối đặc biệt trong các cơ sở tôn giáo. Sau ngày 30 tháng 4 sau khi kiểm soát toàn bộ đất nước thì nhà cầm quyền đã trưng thu hàng ngàn cơ sở tôn giáo như trường học, nhà chung, giảng đường, hay bệnh viện do các tôn giáo quản lý.

Tình hình ấy đã tạo nên những vụ khiếu nại và tranh chấp đất đai giữa Giáo Hội Công Gáo và nhà nước tại nhiều tỉnh thị. Một trong những vụ nổi tiếng là Nha Trang. Vụ tranh chấp đất đai của giáo xứ thành phố biển này đã kéo dài hàng chục năm qua nhưng chính quyền không tỏ ra có thiện chí để giải quyết. Lm Lưu Minh Hoàng là người đang dẫn dắt giáo dân Nha Trang tranh đấu đòi lại đất đai của giáo xứ trong nhiều năm qua cho biết:

Lm Lưu Minh Hoàng: Bây giờ thì chúng tôi chắc chắn là trông ơn trên, bây giờ mình chỉ có cái xuống đuường dám xuống đường chớ họ không bao giờ trả hết. Chắc có lẽ sau này chắc là chúng tôi sẽ tiến tới, vòng vòng anh em rồi các thầy, các cha, các xơ, tất cả những người trong nhà, tất nhiên là sẽ mặc nhung phục rồi đến tịa chỗ đó mà yêu cầu họ trả, bởi vì đó là khuôn viên của nhà dòng mà chứ đâu có phải nhà trường.

Lúc thì họ nói họ sẽ trả, lúc thì họ không trả, bây giờ có thể họ chiếm để họ xây trường rồi đó. Trong những ngày tới chắc chúng tôi phải có biện pháp, nhưng ngày hôm nay chúng tôi sẽ lên nói với tỉnh rằng chúng tôi sẽ có biện pháp nếu như các vị mà không có dứt khoát, không có đường hướng rõ rệt nào hết, thì chắc chắn là chúng tôi cũng phải giống như ở Hà Nội, giống như Sài Gòn đó.

Mặc Lâm: Thưa Linh Mục, chúng tôi cũng muốn hỏi thăm Linh Mục về vấn đề Toà Khâm Sứ mà Linh Mục vừa từ Hà Nội về. Ngài có nhận định gì về những diễn biến mới đây, thưa Linh Mục?

Lm Lưu Minh Hoàng: Chắc cái vụ Hà Nội các anh biết quá rồi. Giáo dân thì họ rất là hăng say và họ, về khía cạnh đó, cầu nguyện. Nói tiếng cầu nguyện chứ họ sẽ làm tất cả những gì mà họ đã làm trước đây. Ông Dũng ổng cũng tới và gặp Đúc Cha Kiệt rồi, cho nên tức là họ cũng có một giải pháp.

Nhưng mà cái đó thì chưa dứt khoát bởi khi tôi ra Hà Nội thì nhiều khi ban đêm tôi ngủ không được bởi họ chơi, cả khu dó họ biến thành piccin để tắm, rồi thức ăn, cho nên không còn cái thể thống gì của Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và cả Toà Khâm Sứ nữa, cho nên chắc chắn là phải có một biện pháp mà nhà nước phải có cách đối xử với tôn giáo, chứ nếu như thế này thì chắc chắn là không chịu nổi được rồi. Hết sức chịu nổi rồi.

Mặc Lâm: Liên quan tới một tuyên bố mới đây của một quan chức trong Uỷ Ban Tôn Giáo của nhà nước khi ông ấy cho rằng không có việc trả lại Toà Khâm Sứ vì nhà nước không hề lấy toà nhà này. Theo ý Linh Mục, tại sao lại có chuyện có thể coi là trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy?

Lm Lưu Minh Hoàng: Trước đây những cái mà chúng tôi cho mượn thì ảnh nói mượn sẽ trả, cái đó dĩ nhiên là vậy thôi, không lấy ví dụ gì cao xa nhưng bây giờ họ lại nói ngược lại. Bây gìơ chủ trương của họ tất nhiên đất là đất toàn dân, cho nên bây giờ chắc chắn là họ (lấy cớ) không có đất của ai hết, chỉ có đất của toàn dân.

Cái điều họ nói lơ lửng mà rồi mình hổng bao giờ hy vọng, đó là khi cần thì họ cấp cho. Ví dụ bữa trước họ cũng nói là nhà thờ có dự án thì họ sẽ cấp đất, nhưng mà rồi cuối cùng cấp thì họ hổng cấp nhưng mà họ lại lấy thêm. Cho nên tôi thấy không có đi đến đâu hết mà chắc là ngạt thở lắm rồi.

Mặc Lâm: Thưa Linh Mục, Linh Mục có cho rằng có thể các cấp chính quyền cấp dưới không thi hành chỉ thị của cấp trên trong việc trao ỷtả lại tài sản của Giáo Hội hay không?

Lm Lưu Minh Hoàng: Người ta muốn làm gì thì làm, nói trước khác, nói sau khác. Không có cái gì là nhất quán hết trong chủ trương của nhà nước và nhất alf của chính quyền địa phương các tỉnh đó. Nhiều khi ở trên cứ bảo xuống duới làm rồi sẽ báo cáo lên trên, cho nên mình cứ như chuột chạy ống tre, cho nên mình không thể nào biết được đường lối nào hết.

Mặc Lâm: Xin được cảm ơn Lm Lưu Minh Hoàng.

Lm Lưu Minh Hoàng: Vâng. Cảm ơn Mặc Lâm.

Vừa rồi quý vị đã theo dõi câu chuyện về việc giáo dân tập trung cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ cũ thuộc giáo phận Hà Nội, cầu nguyện với hy vọng nhà nước sẽ trả lại nơi này cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam lên tiếng yêu cầu nhà nước Việt Nam trả lại tài sản đã bị chiếm giữ. Hơn thế nữa, mảnh đất đựơc coi là trang nghiêm này đang đựơc sử dụng vào những mục tiêu giải trí không lành mạnh, gây bất bình cho giáo dân cũng như các chủ chiên trong nhiều chục năm qua.

Mặc Lâm

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.01.2008. 07:47