Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phân Tích Pháp Luật Về Sự Kiện Tại Thái Hà – Hà Nội

§ Một giáo dân

“Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32)

I. Về khu nhà-đất thuộc giáo xứ Thái Hà:

1) Báo Sài Gòn Giải phóng thứ bảy, ngày 30/8/2008 có đăng bài "UBND TP. Hà Nội họp báo về vụ vi phạm pháp luật của một số công dân Giáo xứ Thái Hà" (trang 3).

Theo nội dung này "Ông Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) nhắc lại nguồn gốc và quá trình quản lý tại Khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng. Theo đó, ngày 24/10/1961, Linh mục Vũ Ngọc Bích đã bàn giao toàn bộ nhà đất do Dòng Chúa Cứu Thế quản lý tại 116 Nam Đồng (trừ diện tích nhà thờ) gồm 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ trên diện tích khoảng 60.000m2 đất giao sang cho Nhà nước quản lý...

Như vậy, Khu nhà đất tại 116 Nam Đồng (nay là 178 phố Nguyễn Lương Bằng, P. Quang Trung, Q. Đống Đa) trước đây của Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội đã được Nhà nước thống nhất quản lý (trừ khu vực nhà thờ). Việc các Ông Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Tiến Đức, Nguyễn Văn Khải, Trịnh Ngọc Hiên - Linh mục nhà thờ Thái Hà và một số giáo dân khiếu nại đòi quyền sử dụng nhà đất tại 116 Nam Đồng (nay là 178 Phố Nguyễn Lương Bằng, P. Quang Trung, Quận Đống Đa) mà Nhà nước quản lý trong thời kỳ thực hiện chính sách cải tại nhà cửa từ năm 1960 theo Thông tư 73/TTG ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay do Công ty Cổ phần May Chiến Thắng đang sử dụng là không có cơ sở giải quyết...".

Xin hỏi:

(i) Khu nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế thì Linh mục Vũ Ngọc Bích lấy tư cách gì để ký bàn giao sang cho nhà nước quản lý?

(ii) Tại sao Linh mục Vũ Ngọc Bích lại phải ký bàn giaovà tại sao nhà nước lại quản lý?

(iii) Chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, và Linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao từ ngày 24/10/1961 làm sao lại "theo Thông tư 73/TTg ngày 7/7/1962" có sau một, hai năm được?

2) Sự thực là Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Phủ Thủ tướng là về quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị (1). Thông tư này cũng quy định rõ "xóa bỏ chế độ chiếm hữu đất cho thuê ở nội thành, nội thị, đồng thời chấm dứt tình trạng chiếm hữu và sử dụng bất hợp pháp của tư nhân về các loại đất vắng chủ, đất công, đất sa bồi, đất bỏ hoang... Và tại khoản 2, mục II QUY ĐỊNH CỤ THỂcó liên quan đến tôn giáo là "đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do nhà nước trực tiếp quản lý. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào".

Đến ngày 4/2/1963, Phủ Thủ tướng có Thông tư số 10/TTg giải thích Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc quản lý đất tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị (2). Khoản 2, phần III CHÍNH SÁCH CỤ THỂ nêu rõ:

"2. Đối với các hội hè, tôn giáo:

Tất cả các hội hè, tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất như ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử )(3) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:

- Của các đình, đền, phe pháp, bản làng...
- Của các tổ chức tư nhân và hội hè khác.
- Của các tổ chức Thiên Chúa giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.

Riêng đất cho thuê, cho sử dụng nhờ của các tổ chức tôn giáo thì chúng ta cần chú ý làm tốt về mặt chính trị, cho nên tùy từng trường hợp của từng loại đất cho thuê của họ mà giải quyết như sau:

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi ngoại tự thì Nhà nước quản lý theo chính sách.

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi nội tự thì Nhà nước không quản lý đất này, nhưng Nhà nước xóa bỏ quan hệ thuê mướn đối với đất đó, người chủ đất không được thu tiền thuê đất nữa. Nhà nước chỉ cho phép người nào hiện đang sử dụng đất đó được tiếp tục sử dụng và đóng thuế. Mặt khác, nếu người sử dụng đất đó là người tín đồ muốn giúp đỡ cho nhà thờ, nhà chùa là tùy thuộc họ.

Ruộng đất trước đây, trong cải cách ruộng đất, có để lại cho nhà thờ, nhà chùa để dùng trong việc thờ cúng và cho những người tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo mà nay họ đem cho thuê lại thì: nếu những người thuê đất này là xã viên hợp tác xã thì nên vận động họ đưa ruộng đất đó vào hợp tác xã; nếu người thuê đất đó không phải là xã viên hợp tác xã thì Nhà nước quản lý đất này và cho phép người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và đóng thuế.

Trong khi thực hiện quản lý cho thuê của các tổ chức tôn giáo thì cần chú ý: những người tu hành chuyên nghiệp nay già yếu, mất sức lao động, nguồn sống chỉ dựa vào tiền cho thuê đất thì nhà nước tạm hoãn quản lý đất cho thuê của họ. Nếu trường hợp đất cho thuê của họ quá nhiều thì chỉ hoãn cho họ một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Mức ruộng đất để lại bao nhiêu do Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh xét và giải quyết".

Như vậy, có thể thấy rõ nếu khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế không cho thuê, không cho người khác sử dụng nhờ thì không thuộc đối tượng quản lý theo quy định tại Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Phủ thủ tướng như Ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói được. Và ngay cả có cho thuê thì nhà nước cũng tiếp tục cho người đang sử dụng tiếp tục được sử dụng... chứ không bắt ký bàn giao để chuyển sang cho người khác.

3) Còn về chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, theo Nghị định số 19-CP ngày 29/6/1960 của Hội đồng chính phủ về chính sách đối với việc cho thuê nhà của tư nhân ở các Tỉnh, TP và thị xã; Nghị định số 24-CP ngày 13/2/1961 của Hội đồng chính phủ bổ sung chính sách quản lý thống nhất nhà cho thuê ở các TP và thị xã; đặc biệt Thông tư số 110-BCT ngày 26/5/1961 của Ban cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam v/v tiếp tục giải quyết một số vấn đề thuộc về chính sách cụ thể trong cải tạo và quản lý thống nhất nhà đất hiện nay (4) đều quy định về quản lý nhà cho thuê.

Như vậy, nếu nhà của Dòng Chúa Cứu Thế không cho thuê, thì không bị quản lý theo các chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960.

4) Về việc ký-bàn giao, hay hiến nhà-đất: Trước đây có thông tin Linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký giấy hiến, cho nhà-đất của Dòng Chúa Cứu Thế cho nhà nước quản lý;

(i) Tại Thông tư số 110/BCT của Ban cải tạo CTN tư doanh BCH TW Đảng Lao động Việt Nam ngày 26/5/1961 đã nêu trên có quy định về vấn đề xin giao nhà cho thuê (dưới diện cải tạo) qua nhà nước quản lý, nhà nước cũng hết sức thận trọng, và quy định rõ "Đối với các chủ nhà nói trên, hiện nay chính sách của ta là vẫn thừa nhận quyền sở hữu nhà cửa cho thuê của họ. Do đó, ta không đặt vấn đề vận động thuyết phục họ giao nhà, cũng nhưng không đặt vấn đề vận động "hiến"... Khi chấp nhận yêu cầu của họ ta cần xem xét thật cụ thể về các mặt: đời sống của họ sau khi giao nhà cho nhà nước có gì khó khăn trở ngại? Nhà nước nhận thì có gì khó khăn cho nhà nước? Bản thân gia đình họ có thực sự tự nguyện, tự giác không, hay là có sự thúc ép. Giải quyết như trên là phù hợp với tinh thần chính sách của TW đã nêu trong mục 4 của Nghị quyết số 9/NQ-TW ngày 2/2/1961...". Rõ ràng, việc "hiến" nhà không phải dễ dàng gì.

(ii) Nếu việc ký bàn giao (nếu có) của LM Vũ Ngọc Bích không phải là để nhà nước quản lý theo chính sách nhà-đất cho thuê thì việc ký bàn giao hay "hiến", "cho" là quan hệ giao dịch dân sự. Căn cứ Sắc lệnh số 85-SL ngày 29/2/1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH (5) thì việc cho nhà cửa, ruộng đất bắt buộc phải trước bạ rồi mới được sang tên trong địa bộ và sổ thuế (Điều 1). Trước khi đem trước bạ, văn tự phải đưa Ủy ban Kháng chiến hành chính xã hay thị xã nhận thực chữ ký của người cho là chủ sở hữu của nhà cửa, ruộng đất đem cho (Điều 3).

Văn tự phải đem trước bạ trong hạn 4 tháng kể từ ngày lập văn tự (Điều 6) và Thuế trước bạ ấn định là 8%... (Điều 4). Như vậy là nếu có việc ký bàn giao tức đem cho nhà đất thì phải được nhận thực người cho là chủ nhà cửa, ruộng đất, phải trước bạ và sang tên trong địa bộ và sổ thuế. Như vậy, giả sử có sự ký bàn giao, cho nhà đất mà nếu chưa thực hiện các bước trên thì xem là "Hợp đồng vô hiệu, tức là Hợp đồng không có hiệu lực, vì nó trái với pháp luật, không phù hợp với yêu cầu của chính sách và pháp luật của nhà nước" (theo quy định tại Công văn số 1477-DS ngày 11/12/1965 của TANDTC về trách nhiệm dân sự trong hợp đồng ký kết giữa cơ quan nhà nước với hợp tác xã và tư nhân) (6).

Và "các Ủy ban thị thực phải chịu trách nhiệm về việc thị thực không đúng về căn cước người đương sự, ngày tháng thị thực và quyền sở hữu trên bất động sản đem bán hay đem cầm cố.

Nếu xảy ra thiệt hại đến tư nhân vì sự thị thực không đúng, công quỹ của làng hay của TP phải bồi thường". (Điều 3 Sắc lệnh số 59-SL ngày 15/11/1945 ấn định chế độ thị thực các giấy tờ - được in trong sách đã dẫn trang 327).

Ngoài ra, theo Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì: "người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình..." và "Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của 2 bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu" (Điều 12 và Điều 13).

Như vậy, nếu việc ký bàn giao (nếu có) do LM Vũ Ngọc Bích - mà nếu LM Vũ Ngọc Bích không phải là chủ nhà đất - lại được ủy ban thị thực thì chẳng những vô hiệu theo quy định pháp luật thời đó và hiện hành (7) mà công quỹ của làng hay của TP phải bồi thường theo đúng quy định trên.

5) Cuối cùng, nếu việc ký - bàn giao (nếu có) nhà-đất của Dòng Chúa Cứu Thế không phải là thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN như các quy định pháp luật kể trên thì không thể áp dụng Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội để giải quyết khiếu nại được. Vì lẽ Nghị quyết số 23/2003/QH11 là về nhà đất do nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991.

II. Về khởi tố vụ án hình sự

Về khởi tố vụ án hình sự tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS:

1) Về tội gây rối trật tự công cộng:

(i) Kết luận của Chánh án TANDTC tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995 (từ ngày 29 đến 31/1/1996) (được in ở trang 137 cuốn “Các văn bản về hình sự, dân sự và tố tụng” – TANDTC – Hà Nội – 1996) có hướng dẫn rõ: "Điều luật này chỉ quy định hành vi gây rối trật tự "ở nơi công cộng", còn la hét, làm huyên náo ở đám cưới, đám giỗ... trong phạm vi khuôn viên nhà riêng hoặc trong nhà riêng thì không phải nơi công cộng, nên chỉ bị xử phạt hành chính mà thôi. Nếu gây rối dẫn đến ẩu đả gây thương tích thì xử về hành vi cố ý gây thương tích. Nếu các hành vi nói trên gây ra ngoài đường phố, ngoài hàng rào nhà riêng thì có thể xét xử về tội gây rối trật tự công cộng".

Như vậy, nếu "gây rối trật tự công cộng trong khu đất của Công ty CP May Chiến Thắng" (như Báo SGGP đăng) tức trong khuôn viên của Công ty thì không phải "ở nơi công cộng" và chỉ bị xử phạt hành chính theo hướng dẫn kể trên.

(ii) Theo Điều Luật 245 BLHS, người có hành vi gây rối trật tự công cộng phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị xử lý hình sự.

Hậu quả nghiêm trọng, theo điểm 5.1, khoản 5 mục I Nghị Quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn một số quy định của BLHS nêu rõ:

"5.1 Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự":

a) Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b) Cản trợ sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c) Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d) Chết người;
đ) Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
e) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thệit hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

2) Về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng (8) tài sản (Điều 143 BLHS):

(i) Theo Bình luận Khoa học BLHS của tác giả Đinh Văn Quế - Thạc sĩ Luật học TANDTC - Nhà Xuất bản TP. HCM năm 2002 (trang 294) thì "Hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được...". Còn "làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục lại được (có thể không khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần)".

(ii) Theo quy định tại Điều luật 143 BLHS thì thiệt hại gây ra do hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phải từ 500.000 đồng trở lên thì người có hành vi này mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu bắt buộc. Cũng xin lưu ý, hậu quả là giá trị sử dụng của tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng chứ không phải giá trị sử dụng ban đầu của tài sản. "Ví dụ: 1 xe ô tô có giá 700 triệu bị hư hỏng phải sửa chữa hết 20 triệu thì hậu quả do hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản là gây thiệt hại 20 triệu chứ không phải 700 triệu". (Bình luận khoa học bộ luật hình sự - SĐD - trang 296).

Như vậy, nếu muốn ghép tội một số giáo dân Thái Hà vào Điều 143 BLHS thì bắt buộc phải tiến hành giám định thiệt hại, cụ thể là mảng tường cũ dài 6m, chứ không thể bắt họ một cách vô chứng cứ như chính quyền đã làm.

Sài Gòn, ngày 9 tháng 9 năm 2008
Một giáo dân – chuyên viên Luật

Chú thích:

(1) Thông tư này có thể tìm đọc tại trang www.luatvietnam.com.vn

(2) Thông tư này có thể tìm đọc tại trang www.luatvietnam.com.vn

(3) Xin lưu ý, theo quy định tại khoản 2, mục I Thông tư số 73/TTG của Phủ thủ tướng ngày 7/7/1962, và khoản 1 mục I Thông tư số 10/TTG của Phủ thủ tướng thì không liệt kê nhà là bất động sản trên đất. Bất động sản được quy định có trên mặt đất chỉ là: cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, ao, hồ nuôi cá, giếng nước và các di tích lịch sử.

(4) Các Nghị định và Thông tư kể trên được in trong sách Luật lệ cần thiết cho việc xét xử về dân sự (1945 - 1982) của TAND tối cao - Nhà xuất bản pháp lý (năm 1984) và có thể tìm đọc trên trang www.luatvietnam.com.vn.

(5) Sắc lệnh này được in trong sách đã dẫn kể trên và có thể đọc trên trang www.luatvietnam.com.vn

(6) Công văn này được in trong sách đã dẫn trên trang 305.

(7) "Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận..." (khoản 1, khoản 2 Điều 137 BLDS 2005).

(8) Báo SGGP viết sai Điều luật 143 BLHS thành "tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý hủy hoại tài sản".

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.09.2008. 08:41