Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Phái đoàn Tòa Thánh thăm Việt Nam: Những hy vọng và mong ước

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Ngày 15/2/2009, phái đoàn Bộ Ngoại giao Toà Thánh Vatican đã đến Việt Nam theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đoàn do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Toà Thánh Vatican làm trưởng đoàn, cùng đi có Đức ông Phanxico Cao Minh Dung, đặc trách vùng Đông Nam Á của phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, Thư ký Bộ Truyền Giáo.

Bấm vào hình để xem toàn tập
90216HanoiV10.jpg

Đây là sự kiện rất được quan tâm của 1/10 dân số Việt Nam là người công giáo. Nhưng thông tin về cuộc thăm viếng này hầu như rất ít trên phương tiện nhà nước. Báo chí nhà nước đưa tin ngắn: “theo đề nghị của Vatican”. Nhiều người thắc mắc: Về ngoại giao, hầu như những thông tin về cuộc thăm viếng nào cũng được mở đầu bằng: Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc của ông, bà nào đó.

Riêng các phái đoàn của Vatican thì chắc vì các vị ở Vatican cứ thế mà sang chứ chẳng ai thèm mời? Cũng như trước đây, khi ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới thăm Tòa Thánh thì được báo chí Việt Nam đưa tin bằng tựa đề: “Vatican muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam” kèm nội dung: “Trong chuyến thăm Cộng hòa Italia cuối tháng 1/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Tòa Thánh và có cuộc hội kiến với Giáo Hoàng Benedict XVI. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican sang thăm Việt Nam”.

Như vậy, qua cách đưa tin, báo chí nhà nước muốn người ta hiểu rằng: Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên Việt Nam và Vatican, chủ yếu là do Vatican muốn là chính. Còn Việt Nam không cần thiết lắm? Việc ông Dũng đến thăm Vatican chỉ là chuyến ông đi chơi qua đó và được Giáo Hoàng quá mong muốn nên đón tiếp mà thôi? Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là do Vatican cần thiết nêu lên và “được” Việt Nam “ghi nhận”?

Nhiều người đọc mẩu tin này cười nửa miệng, rằng: “Đúng thôi, Trung Quốc đã mời đoàn nào của Toà Thánh đâu, đã có quan chức chính phủ nào dám đến thăm Toà Thánh đâu? Cứ xem những hành động của Trung Quốc, thì biết Việt Nam sẽ làm gì, người ta nói câu này từ lâu: “Nếu thấy Hà Nội cầm ô, thì lúc đó Bắc Kinh đang mưa”, kể ra hành động này của ông Dũng cũng đã là dũng cảm”.

Phái đoàn Toà Thánh và nguyện ước của Giáo dân

Chiều 15/2, phái đoàn Toà Thánh đã thăm Tòa Giám mục và dâng lễ tại Nhà thờ Lớn Hà Nội. Bên ngoài, dù không được thông báo chính thức nhưng giáo dân vẫn nô nức kéo về Nhà thờ Lớn đông như hội.

Gặp Đức ông Pietro Parolin và hai Đức ông đi cùng trước giờ ra dâng lễ, tôi nhận thấy ở đây sự ấm áp và thân thiện, dù mới lần đầu được tường mặt các Ngài. Khi được tiếp chuyện với Đức ông Thứ trưởng, tôi cảm nhận sâu sắc được sự hiệp nhất của người tín hữu đem đến cho ta những gì. Chỉ mới gặp mặt đã trở thành tin cậy và thân mến. Ngài đề nghị cùng cầu nguyện cho Giáo hội Hoàn vũ và Giáo hội Việt Nam, đặc biệt cách riêng cho Tổng Giáo phận Hà Nội và Đức Tổng Giuse. Những lời của Ngài làm tôi thật sự xúc động. Đó là tâm tình của một người cha lo lắng cho đàn chiên của Chúa nơi xa xôi này.

Các đoàn thể thiếu nhi, thanh niên, hội kèn đồng Hàm Long và các đoàn thể đã tập trung đội hình thật đẹp đón phái đoàn. Một Thánh lễ trọng thể đã được cử hành. Trong nhà thờ không còn một chỗ trống. Ngoài sân và hai bên nhà thờ, người người chen chúc dự lễ.

Trong Thánh lễ, Đức ông Pietro Parolin, qua lời dịch trực tiếp của Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương, kêu gọi sự hiệp thông trong Giáo hội để Giáo hội ngày càng có sức mạnh và vượt lên những khó khăn.

Từng hồi vỗ tay vang lên không dứt trong quá trình Đức ông Trưởng Phái đoàn giảng lễ và cảm ơn cuối lễ.

Giáo dân Hà Nội đã dành cho phái đoàn tất cả sự yêu mến để nói lên lòng hiệp nhất, thông công với Toà Thánh Vatican, nhất là với Đức Thánh Cha.

Bấm vào hình để xem toàn tập
90216HanoiV08.jpg

Giáo hội Việt Nam, dù qua bao sóng cồn bão nổi, vẫn hướng tới một mục đích và đi theo con đường tông truyền, thông công và hiệp nhất với giáo hội Hoàn vũ. Dù có những khi tưởng chừng như dưới cả hai cuộc chiến bằng bom đạn và đồng thời là cuộc chiến về ý thức, tư tưởng đã làm tan nát Giáo hội. Nhưng không, Giáo hội Việt Nam vẫn đứng vững và kiên cường.

Được đón phái đoàn Toà Thánh lần này, khi mà cả Giáo hội Việt Nam vừa qua cơn sóng dữ của trận đòn hội chợ truyền thông gây sự thù hằn, kích động chia rẽ, kỳ thị tôn giáo, người ta càng thấm hơn giá trị của sự nâng đỡ, sự hiệp thông của Giáo hội có sức mạnh to lớn biết nhường nào.

Khắp cả Tổng Giáo phận Hà Nội nói riêng, và cả Giáo hội Việt Nam nói chung đang chú ý những bước đi của quan hệ hai bên: Nhà nước Việt Nam và Toà Thánh Vatican.

Là cộng đồng tôn giáo có số lượng giáo dân đông thứ 2 ở Đông Nam Á, tín hữu Việt Nam luôn mong muốn đất nước này có mối quan hệ tốt đẹp với Toà Thánh, để đất nước được mở mày mở mặt với thế giới bên ngoài hòng học hỏi được điều gì tốt hơn, và bản thân họ thì có sự thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt tôn giáo của mình.

Toà Thánh Vatican đã có quan hệ ngoại giao với phần lớn các nước trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế lớn. Việt Nam trong quá trình hội nhập vào thế giới chung sau khi bỏ qua thời kỳ “là trí tuệ nhân loại” nhưng đói kém đến kiệt cùng. Con đường hội nhập đã đem đến những thay đổi lớn. Nhân dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc thành phần nào đều mong muốn đất nước, dân tộc này tiến bộ đuổi kịp văn minh nhân loại, đem lại cuộc sống ấm no, dân chủ, hạnh phúc.

Con đường đó, không phải đơn giản mà đã gặp vô vàn chướng ngại. Người tín hữu Việt Nam, từ trong thẳm sâu của tim mình, mong muốn cho đất nước và Giáo hội vững mạnh và phát triển. Những điều đó thể hiện qua tâm tư của những tín hữu mà chúng tôi gặp xung quanh cuộc đón tiếp này.

Người ta cứ thầm hỏi nhau và dự đoán về kết quả của chuyến thăm lần này mà theo họ được biết là để bàn việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican.

Tuy nhiên, tuỳ mức độ thông tin và nhận thức, mỗi người chỉ có thể dự đoán một kiểu. Tại một quán nước vỉa hè, đám giáo dân đang ngồi bán tán, một người quả quyết: “Nhất định là đợt này chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ đặt vấn đề với phái đoàn Toà Thánh để thuyên chuyển Đức Tổng của chúng ta. Tôi tin là họ đã nhầm, chắc chắn Toà Thánh sẽ không nghe vì chẳng có lý do gì để chuyển Ngài đi theo yêu cầu của cái ông Thảo mà chính ông ấy đã vi phạm pháp luật khi tự nhiên làm công văn cảnh cáo Đức Tổng vô căn cứ. Ở nước ngoài người ta không làm ăn kiểu quan chức thích thế nào thì được thế đâu, quan chức vi phạm pháp luật cũng phải xử lý”.

Một người đáp lại: “Kể cả việc Toà Thánh có thể không đủ thông tin, muốn những vấn đề khác tốt đẹp hơn mà di chuyển Đức Tổng, thì đừng có nói chuyện giáo dân Hà Nội chấp nhận sự thoả hiệp hay im lặng, chúng tôi đã lớn lên nhiều. Đức Tổng đến bất cứ đâu, ở đó sẽ là nơi giáo dân được nâng đỡ và sẽ vững vàng hơn. Tôi tin là Chúa Thánh Thần sẽ lo liệu việc đó”.

Một người khác thì vung tay: “Tôi thì không tin là lần này chính quyền Việt Nam có thể bàn bạc được vấn đề gì về quan hệ ngoại giao, họ đang nhìn sang thằng Tàu xem nó làm gì. Nó chưa làm thì Việt Nam chắc còn lâu. Nhưng nếu chuyển Đức Tổng đi nơi khác, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối”.

Một người có vẻ bình tĩnh hơn: “Tôi lại nghĩ rằng nếu nhà nước mình khôn ngoan, thì kỳ này đừng khơi cái chuyện nhục nhã kia ra nữa, như vậy càng thối tha thêm. Vatican đâu phải trẻ con. Tốt nhất là dũng cảm gác lại những điều không hay, để tiến tới một mối quan hệ tốt đẹp mà chúng ta là người Việt Nam thừa biết là chỉ có lợi mà thôi. Nhưng nếu họ không nghe, cứ đặt vấn đề Đức Tổng Giám mục, có nghĩa là họ đang tiếp tục lấn sâu vào con đường không có lối thoát”.

Thật là lòng dân, mỗi người một ý, chẳng biết đường nào mà lần. Nhưng trong đó nổi lên một ý lớn: Tất cả đồng yêu mến Đức Tổng Giám mục của họ.

Nghe chuyện của họ, tôi mới hiểu được lòng kính yêu Đức Tổng Giám mục Giuse nơi họ lớn lao chừng nào. Từ khi hệ thống truyền thông cố tình bịa đặt, bôi nhọ, bóp méo để kết tội Ngài một cách bất nhân, tạo nên cơn lên đồng tập thể cuồng tín nhằm vào Ngài, tất cả giáo dân luôn đứng bên cạnh Ngài trong từng ý nghĩ và hành động.

Còn Đức Tổng thì vẫn bình thản và tươi cười, mỗi khi Ngài đi đến đâu, từng đoàn người níu kéo lại, muốn gần Ngài lâu hơn, muốn được hôn lên chiếc nhẫn của Ngài. Những em bé, những bà mẹ luôn dõi theo bước Ngài đi với nụ cười hân hoan đã nói lên tấm lòng của giáo dân Hà Nội dành cho vị chủ chăn đáng kính đã hết lòng vì họ.

Khi biết phái đoàn Toà Thánh sẽ đến dâng lễ tại Nhà thờ Lớn, giáo dân đã tự in hàng trăm tờ giấy với nội dung: “Chúng con yêu mến Đức Tổng Giuse của chúng con”, “Chúng con kiên quyết đứng bên cạnh Đức Tổng bất cứ nơi nào” “Xin Chúa chở che, quan phòng giữ gìn Đức Tổng Giám mục của chúng con” để đón chào phái đoàn và nói lên mong muốn của mình.

Nhưng Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã giải thích với họ: “Đừng để Phái đoàn Toà Thánh có cách nghĩ khác thường trong việc này. Đừng nên gây bất cứ sự áp lực hoặc sự chú ý nào về vấn đề đó để phái đoàn làm việc vì lợi ích của Giáo hội” và Ngài đã cho thu lại tất cả những tờ giấy đó.

Những mong ước của giáo dân, nguyện vọng và ý chí của họ luôn là những vấn đề thường trực. Họ hi vọng một ngày nào đó, khi quan hệ ngoại giao hai bên được thiết lập, việc bổ nhiệm các chủ chăn không buộc phải qua nhà nước như hiện nay, để không xảy ra việc thiếu chủ chăn trầm trọng trong giáo hội Công giáo Việt Nam.

Điều đó cũng để giáo hội có một hàng giáo phẩm kiên vững, sống và làm việc đúng chức năng, phận sự và chu toàn nhiệm vụ của Chúa đã giao phó: Chăn dắt đoàn chiên ngày càng trở nên thánh thiện.

Chúng ta hiệp cùng tất cả nỗi lòng, nguyện vọng của cộng đồng dân Chúa Hà Nội và toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung, cầu chúc cho phái đoàn được lãnh nhận ơn khôn ngoan, sáng suốt, được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh để mở đường và dẫn dắt Giáo hội Việt Nam đi tới bến bờ vinh quang của sự hi vọng trên nền Sự thật – Công lý – Hoà bình.

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 2009

JB Nguyễn Hữu Vinh

Đọc nhiều nhất Bản in 17.02.2009. 03:13