Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nỗi lòng qua những hồi chuông nhà thờ khắp TGP Hà Nội

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

Tòa Khâm sứ, ngày thứ hai khi nhà nước “thực hiện dự án

Ngày thứ hai trong quá trình thi công “Dự án công viên” tại Tòa Khâm sứ, người ta thấy những chiếc xe chạy ra vào chở những đống gạch vụn, một máy phá ngôi nhà ba tầng đổ ầm ầm phía sau. Khói bụi bay mù trời Tòa Tổng Giám mục Hà Nội. Những chiếc bình đựng cây cảnh trong Tòa Giám mục vỡ tan tành.

Tòa Giám mục và giáo dân chẳng biết kêu ai, bụi thì chịu khó mà nín thở, bẩn thì lau. Vì dự án này, biết ban quản lý dự án ở đâu mà đến khiếu nại, đi ra hiện trường để kêu thì không thể qua hàng rào dây thép gai, cảnh sát và chó.

“Dự án” bí mật bất ngờ này được thực hiện cả ngày lẫn đêm, tập trung đầy đủ nhân tài, vật lực để cho xong một câu chuyện của nhà nước. Một câu chuyện khó hiểu và để lại nhiều dư vị đắng cay.

Nhưng công viên xong mà câu chuyện đó có xong được không, lại là vấn đề khác.

Chiều nay, tôi nghẹn ngào khi nhìn thấy một cụ già, đầu cúi gập xuống nền đất hướng về Tòa Khâm sứ đang bị xe máy ầm ầm phá dỡ bên kia bức tường.

Bức tường mà giáo dân Hà Nội mệnh danh là “Bức tường ô nhục”. Bức tường đó ngăn cách hai trạng thái hoàn toàn khác nhau ở hai bên, một bên là chó nghiệp vụ, là kẽm gai, là tiếng gầm rú của xe máy vô tri, một bên là những lời kinh, tiếng hát và những ngọn nến rực cháy.

Luật pháp và lòng dân

Hãng Thông tấn BBC ngày 15/9/2008 có bài viết: “Pháp luật Việt Nam 'gần đội sổ châu Á". Ông Robert Broadfoot, giám đốc phụ trách Perc nói "việc thi hành luật ở địa phương tại Việt Nam còn rất yếu. Việt Nam gần 'đội sổ' về môi trường pháp lý ở châu Á theo điều tra của Perc, tổ chức tư vấn chuyên đánh giá rủi ro kinh tế và chính trị”.

Với môi trường pháp lý đó, nhiều vấn đề được đặt ra trong đời sống xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến nguyện vọng của dân chúng.

Khi làm một công việc, một dự án có những điều bức xúc của dân, mà phải dùng đến cảnh sát và chó săn, hàng rào dây thép gai như chiến lũy, thì điều đó là thể hiện sự bất lực trong đối thoại.

Người Công giáo vốn có đức nhịn nhục và vâng lời, họ sống trong tình nhân ái, tha thứ bởi chính con đường họ đang đi, vậy thì đối thoại có khó đến thế hay không?

Hãy nhìn nạn nhân của vụ xịt hơi cay ở Thái Hà, khi họ đã nắm tận tay kẻ xịt hơi cay, nhưng thủ phạm đưa ra lời xin lỗi, họ đã bỏ qua. Điều này, tôi nghĩ là các lực lượng của nhà nước không thể không biết.


Sự chờ đợi của họ hơn cả chục năm nay, có nói lên tinh thần của họ hay không? Những buổi cầu nguyện của họ chỉ nói lên niềm tin và mong ước của họ, có làm cho thiên hạ đại loạn không?

Khi nhu cầu, ước mong của họ là chính đáng, họ có thể không cần cả khu đất, họ không cần những tài sản đã bị chiếm đoạt, bị tước đoạt hay (bắt buộc phải tự nguyện) mà họ cho là vô lý, bởi vì những thứ đó quá nhiều. Họ chỉ cần một tiếng nói công bình, một lời giải thích thỏa đáng để họ tâm phục, khẩu phục.

Tôi nhớ câu chuyện của phim Trung Quốc, (thời nay, mở đài Truyền hình nào cũng đầy rẫy, đến độ có người thét lên “Chúng ta đang bị xâm lăng trên mặt trận giáo dục lịch sử thông qua phim chuyện truyền hình”, một câu chuyện kể về Bao Công, bao giờ cũng phải để cho tội nhân “tâm phục, khẩu phục" mới ra lệnh trảm.

Câu chuyện đó, đã cách đây dễ đến cả ngàn năm, sao chúng ta vẫn thấy nó xa lạ và nhiều khi là niềm ao ước trong nhiều trường hợp của ngày nay, khi mà án oan, đơn kêu vẫn là câu chuyện thường ngày. Và khi mà trong xã hội, những người oan khuất vẫn đầy rẫy. Những oan khuất đó, may mắn thì được một câu xin lỗi, còn thì xin cứ đợi xuống âm phủ.

Nói về vấn đề pháp luật và tòa án ở Việt Nam hiện nay, tôi nhớ câu chuyện chất vấn Đại biểu Quốc hội ngày 27/11/2006 với ông Nguyễn Văn Hiện - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, khi ông Lê Văn Cuông nói: “Tiếng kêu oan của người dân chánh án phải trăn trở, không thể nói 'pháp luật qui định đến đâu, tôi làm như thế'”.

Cũng tại kỳ họp này, “theo Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh, có nhiều thẩm phán 'cố tình đạp lên pháp luật mà đi', và lấy dẫn chứng vụ nhà 83 Đội Cấn (Hà Nội) đã được các ĐBQH đặt vấn đề qua năm kỳ họp QH rồi mà vẫn chưa giải quyết được”. (Báo Tuổi Trẻ ngày 28/11/2006)

Vậy, với những vụ việc như Tòa Khâm sứ, Thái Hà hiện nay, không chỉ là vấn đề của một con người, một cộng đồng, mà là vấn đề của toàn Giáo phận Hà Nội, một nguyện vọng của cộng đồng Công giáo Việt Nam, các cơ quan đã xem xét một cách thấu tình đạt lý hay chưa? Sao vụ việc này có những cách hành xử khó hiểu đến thế?

Tôi lại nhớ câu trả lời của ông Hiện trong kỳ họp đó: “Nhưng, thực tế thì một số vụ án phức tạp, khó khăn về đánh giá chứng cứ, ảnh hưởng nhiều đến chính trị, trật tự an toàn xã hội được dư luận quan tâm thì lãnh đạo các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án địa phương cũng có nghe báo cáo, nhưng không quy định cho mức án trước”.

Vậy vụ việc Tòa Khâm sứ và Thái Hà hiện nay, có được các cơ quan xem xét hay không? Tại sao đến sáng 20/9/2008, các quan chức Hà Nội vẫn cứ một mực khăng khăng những điều đã nói trước đó gần cả năm mà không xem xét việc để Tòa Khâm sứ, đất đai Tài sản của Thái Hà trở lại với cộng đồng để họ có thể yên tâm việc mình là những người con cháu có hiểu với công lao của tổ tiên?

Những hồi chuông từ các nhà thờ khắp các giáo phận Hà Nội nói lên điều gì?

Hai ngày qua, tôi thấy mọi người cứ râm ran về việc cả khoảng 500 nhà thờ khắp cả mấy tỉnh Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam và Nam Định dóng lên những hồi chuông liên tục cách nhau độ 1 giờ.

Nhiều người cũng như tôi, cứ ngỡ ngàng một câu chuyện chưa thấy bao giờ. Hỏi ra mới biết, đó là những hồi chuông được dóng lên để nhắc nhở mọi tín hữu hiệp thông cầu nguyện cho Tổng Giáo phận, dù họ ở nơi đâu, khi giáo phận đang lúc khó khăn và ngặt nghèo.

Quả là một điều khó nói lên cảm xúc, không hiểu những hồi chuông đó có tiếng vang đến tận đâu, có đến tai nhà cầm quyền để nói lên ước vọng của giáo dân Hà Nội?

Khi hỏi người dân từ Nam Định đến Tòa Khâm sứ chiều nay, những hồi chuông đó nói lên với họ điều gì? Câu trả lời từ một bà nông dân làm tôi ngạc nhiên: “Chuông báo cho chúng tôi biết có những khó khăn trong giáo phận, mà chúng tôi là giáo hữu phải biết hiệp ý cùng nhau cầu cùng Thiên Chúa để mọi việc được giải quyết đúng đắn với sự thật

Tôi hỏi tiếp, “Nếu bà đến đây, với lực lượng cảnh sát đông đúc và chó nghiệp vụ như vậy, nhỡ xảy ra chuyện gì nguy hiểm đến tính mạng mình thì sao?”. Câu trả lời không cần suy nghĩ của bà làm tôi suy nghĩ nhiều hơn: “Khi đó, toàn Tổng Giáo phận sẽ không chỉ kéo chuông, mà sẽ treo cờ để tang tôi đấy chú ạ, họ sẽ kỷ niệm ngày này đã là ngày có một đấng Thánh”.

Câu trả lời nhẹ nhàng làm tôi ớn lạnh.

Tối nay, truyền hình đưa nhiều hình ảnh về Đức TGM Ngô Quang Kiệt với những lời lẽ rất nặng nề, không biết điều gì sẽ còn xảy ra? Khi một vị chủ chăn sẵn sàng hiến mình, một cộng đồng giáo dân đầy nhiệt thành, lòng tin mến và còn đó một vụ việc chưa được lời giải đáp thật thỏa lòng dân.

Ôi, Tòa Khâm sứ và dự án công viên, dự án này có thể được hoàn thành nhanh chóng, nhưng vụ việc Tòa Khâm sứ liệu có xong theo? Khi mà lòng dân vẫn đinh ninh những điều mình không thấy thuận, khi mà cả cộng đồng tôn giáo đang thấy mình chưa được thật sự tôn trọng với những ước nguyện chính đáng với tôn giáo của mình. Lòng tin tôn giáo, quả là lớn lao và có nhiều khó hiểu.

Cầu mong cho tất cả những con người liên quan, hãy biết nhìn con đường sáng, hãy để cho ánh sáng của Công lý và Sự thật dẫn đến đường ngay, nẻo chính để lòng dân là một, đất nước này là một, ở đó nhân phẩm của mọi con người đều được tôn trọng và bảo vệ.

Xin đừng để câu Kinh Thánh này được thực hiện với bất cứ ai:
Quân gian ác chết vì tội ác,
kẻ ghét người lành chuốc án phạt vào thân
”.
(Thánh Vịnh - Chương 34 – 22)

Hà Nội, ngày 21/9/2008

JB Nguyễn Hữu Vinh

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 20.09.2008. 22:46