Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những đức tính căn bản của Ls Lê thị Công Nhân

§ Tú Nạc

Mấy ngày hôm nay đọc báo, nhìn hình, nghe phỏng vấn tôi đã cảm nghiệm một thanh niên Công giáo mà đối với tôi, ở cái tuổi sáu mươi này phải gật gù lẩm bẩm “hậu sinh khả úy”. Không biết tôi nghĩ và nói như vậy có thậm xưng lắm không? Nhưng cứ khách quan nhận xét thì Ls. Lê Thị Công Nhân hội đủ bốn đức tính căn bản Thành-Tín-Trí-Dũngn nơimà một thanh niên Công giáo nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung cần phải tu đức, chiêm nghiệm.

Bất kỳ một quốc gia nào mà thế hệ trẻ chậm bước, quốc gia đó khó tiến triển. Tuổi trẻ là tuổi hăng hái nhất, sôi nổi nhất, năng động và là những bước tiên phong. Nhưng để có những bước tiên phong vững mạnh, đòi hỏi thanh niên phải thể hiện được bốn điều căn bản: Thành-Tín-Trí-Dũng.

Tôi còn nhớ lời trong Bài hát “Thanh niên” (Jeunesse):

“Cái dĩ vãng ganh hờn
Chết gục dưới chân ta,
Và tương lai là của chúng ta.”

(Te passé jaloux
Meurt à nos genoux.
Et l’avenir est la nous.)

Và, trong bài hát này cũng gọi thanh niên là “đóa hoa của nhân loại” (fleur d’humanité), đó là đóa hoa đầy đủ hương và sắc, cũng như người thanh niên đòi hỏi phải có một trình độ văn hóa và nột tư cách đạo đức ngang bằng – Trí và Đức. Chỉ người có trí và đức mới thể hiện một cách đích thực những yếu tố căn bản của THÀNH-TÍN-TRÍ-DŨNG. Ls. Lê Thị Công Nhân – Bốn trong Một.

Chữ “Thành” là gì?

Trong Kinh văn có nói: “Sở vi thành kỳ ý giả, vô tự khi giả” (thành kỳ ý nghĩa là mình chẳng dối mình). Như vậy ta nhận thấy ý nghĩa đầu tiên của chữ Thành là hiểu mình, không tự dối mình. Vậy không tự dối mình là thế nào? – Là làm theo mệnh lệnh của lương tri, đúng thì làm, sai thì bỏ, làm lành, lánh dữ. Điều thiện vốn là căn bản của con người. Không đi ngược với cai căn bản ấy tức là đã thực hiện được chữ Thành.

Ls. Công Nhân luôn thành thật từ lời nói đến việc làm của mình.

Xưa vợ chồng Tăng Tử đi chợ, con khóc đòi đi theo. Vợ Tăng Tử bảo con: “Con ở nhà rồi mẹ đi chợ về làm thịt lợn cho con ăn”. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử bắt lợn mổ. Vợ nói: “Tôi nói đùa con nó đấy thôi!” Thầy bảo: “Không nên nói đùa, không nên nói dối, phải giữ được cái đức thành với con và dạy cho nó ngay từ bây giờ cái đức thành của người quân tử.” Nói rồi thầy đi mổ lợn cho con ăn.

Cứ ngẫm thế mới hiểu được giá trị của chữ Thành. Với người lớn, kẻ nhỏ và bản thân cần phải giữ được lòng thành.

Nhưng muốn giữ được chữ Thành, bên cạnh ta cần phải trau giồi chữ Tín.

Chữ “Tín” là gì?

Tín trước nhất là lòng tin ở mình, ở người. tin mình là biết lượng sức mình, định được chữ thành trong lòng mình để hành động. Có tự tín mới có tự lực, tự cường, tự giải quyết mọi khó khăn trên đường đời.

Tín cũng là giữ đúng lời hứa với mọi người. Một lời đã hứa, dù vật đổi sao dời vẫn không hề thay đổi. Đó là chữ tín.

Tín còn là niềm tin, niềm cậy trong và phó thác vào đấng Tối Cao xét về mặt tín ngưỡng, không bị lay chuyển, lung lạc trước những vinh hoa, bổng lộc hay đàn áp, tù đày vì đức tin có thể chuyển dời được cả núi non.

Như vậy, đức tín và đức thành có nét tương đồng, cùng có nghĩa là giừ điều ngay thẳng, không điêu ngoa, xảo quyết để làm những việc lợi ích cho đời.

Ls. Công Nhân luôn thành tín từ lời nói đến việc làm của mình

Thầy Tử Cống ngày xưa đã nói: “Nhân vô tín bất lập” (người không có tín thì không đứng vững được). Ls. Công nhân do chữ tín và bằng chữ tín đã đứng vững trong hoàn cảnh của mình.

Xưa Duyên Lăng Quí Tử đi xứ nước Tấn có một thanh kiếm quí và sang chơi với vua nước Từ. Vua từ thấy thanh kiếm lấy làm thích lắm, ý muốn xin mà không dám nói. Quí Tử ý muốn cho nhưng ngặt phải lo tròn nhiệm vụ. Khi đi xứ về, vua Từ chết. Quí Tử đưa kiếm cho Tự Quân, Tự Quân không nhận. Ông bèn treo kiếm nơi mộ vua nước Từ. Ngẫm thế, ta mới thấy, chỉ mới hứa nơi lòng mình thôi mà Quí tử cũng không muốn thất hứa với lòng. Quả thật là người trọng chữ tín.

Nhưng thành và tín mà thiếu trí chẳng khác nào người có tâm mà không có mắt.

Chữ “Trí” là gì?

Trí trước tiên là sự thông minh, sáng suốt. Tâm cảm thì trí suy, thấu tình, đạt lý. Người trí nhận thức nhạy bén, xét đoán công việc một cách phân minh, tìm hiểu vấn đề một cách sâu rộng. Có như vậy mới giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng, kịp thời, xoay chuyển được tình thế, thu hút mọi người và lãnh đạo muôn dân.

Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc” (người có trí, chẳng có việc gì mê muội). chính vì thế ta mới nói trí là con mắt của tâm vậy.

Ls. Công Nhân thể chữ trí từ lời nói đến việc làm của mình.

Xưa Đào Duy Từ chơi với bọn trẻ. Đánh rơi quả bưởi xuống lỗ sâu, không ai biết cách làm sao để lấy. Nhưng ông đã biết múc nước đổ xuống lỗ, quả bưởi nổi lên và lấy được dễ dàng.

Thần đồng Hạng Thác có lần hỏi Khổng Tử: trên trời có bao nhiêu vì sao thì Ngài bảo hãy nói chuyện dưới đất. Hạng Thác hỏi: dưới đất có bao nhiêu ngôi nhà? Khổng Tử lại bảo nên nói chuyện trước mắt. Hạng Thác liền hỏi: lông mi có bao nhiêu sợi? Khiến Khổng Tử phải bật cười, khen là “hậu sinh khả úy” (người sinh sau đáng sợ). Trí là vậy ru.

Khổng Tử nói: “Nước mất không biết là bất trí, không liều là bất dũng”. Hai chữ trí và dũng vì thế mà di đôi với nhau.

Chữ “Dũng là gì?

Dũng tự nó là sức mạnh - mạnh thể chất và mạnh tinh thần. Dũng là cái chí khí của con người. Người có cái dũng thì ăn ngay nói thẳng. Thấy việc phải làm thì ra tay hành động; thấy nguy nan thì ra tay cứu vớt. Đó là người dũng. Bởi thế, Khổng Tử nói: “Kiến nghĩa bất vi, vô dũng giả” (Thấy điều nghĩa mà không làm thì không phải là kẻ dũng).

Chính vì thế mà khi Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga đã thẳng thắn mà rằng:

“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người như thế cũng phi anh hùng.”

Người dũng cũng là người anh hùng vậy, mà người anh hùng phải biết kết hợp cái dũng với thành, tín và trí để làm nện sự việc, giúp ích cho đời.

“Lạy Chúa, xin cho những thanh niên (Công giáo) hôm nay biết ý thức học hành, rèn luyện tư cách và trau giồi tâm hồn họ với những đức tính Thành-Tín-Trí-Dũng để họ có thể giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình; phục vụ Giáo hội cũng như xã hội trên căn bản công bình và bác ái.”

Noi gương Ls. Lê Thị Công Nhân, tuổi trẻ cần phải chăm lo rèn luyện tư cách đạo đức của mình, lấy bốn điều căn bản Thành-Tín-Trí-Dũng làm nền tảng đạo đức của mình – phương châm hành động.

Jos. Tú Nạc, NMS

Đọc nhiều nhất Bản in 12.03.2010. 19:18