Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Những điều trong thấy... mà vui trong lòng...

§ Bình An Nhân Thế

Ai đến Âu Châu vừa có ý nghỉ hè vài tuần, cũng vừa muốn có thời gian thăm viếng đó đây. Trọ nhà một người bạn bên bờ hồ Geneve Thụy Sĩ. Tôi có cơ hội đi thăm những vườn nho, xanh mượt bát ngàn, trải dài theo những triền đồi nghiêng nghiêng thật đẹp. Thụy sĩ, một đất nước nhỏ bé, nhưng đẹp cả ngoại cảnh và con người.

Dường như nhà nào cũng sơn phết sạch sẽ, cố gắng phô bày nét thanh tao, lịch sự và dễ thu hút người khác. Những chậu bông hoa nhiều màu sắc sặc sỡ được đặt trước mái hiên nhà hay treo lơ lững chung quanh nhà. Đường phố đông người, quán xá khá sầm uất, nhưng thật bình an và vui mắt. Vui mắt vì màu sắc nhà cửa và dinh thự. Bình an vì rất ít tiếng ồn ào. Cái bình an bộc lộ rõ nét qua tính ôn hòa, lịch sự trong cách cư xử với nhau. Không bao giờ nghe tiếng quát tháo, văng tục hay rượt bắt hỗn độn trên đường phố. Trong quán ăn cũng thế, không bao giờ nghe được tiếng gọi như “Ê! bồi!’ trịch thượng hay những cười cợt kém giáo dục như tôi đã từng thấy.

Bước vào nơi tiền sảnh rộng của văn phòng dành cho du khác đển thăm Liên Hiệp Quốc. Mắt tôi chụp ngay tấm bảng to khổ, dựng sừng sửng “Map of Hunger.” Chương trình của Liên Hiệp Quốc cứu trợ những nơi đói khổ được tô màu đỏ đậm trên bản đồ thế giới. Cố dò tìm, nhưng không thấy Việt Nam trong bản đồ những nơi đói khổ nầy. Nhân viên Liên Hiệp Quốc cho biết: năm 2008, Việt Nam tuyên bố chính thức xóa tên khỏi những quốc gia nghèo đói trên thế giới. Vậy bây giờ Việt Nam xếp vào hạng nước giàu hay ấm no hạnh phúc trên thế giới chăng? Nhân viên trả lời: Tôi không biết! Việt Nam có cái gì khó hiểu!!!

Tôi lần lượt đi thăm viếng và tìm hiều sinh hoạt, cũng như tổ chức của Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Phòng họp khoảng đại thật rộng lớn có đến hàng mấy trăm ghế ngồi trang bị loa nhỏ và mi-crô-phone xếp theo hình bán nguyệt. Thấy một ghế ngồi ở khá xa bàn chủ tọa đề “Quan sát viên thường trực – Tòa Thánh Vatican” Tôi thắc mắc về chuyện Tòa Thánh chỉ là quan sát viên thường trực và không có chỗ ngồi quan trọng trong số thành viên Liên Hiệp Quốc. Hướng dẫn viên trả lời: Tòa Thánh Vatican không là thành viên. Tòa Thánh Vatican không bao giờ xin gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Tôi à lên một tiếng! Toàn thế giới có 195 quốc gia độc lập. Trong số nầy, 192 quốc gia được vào tổ chức Liên Hiệp Quốc. Như vậy, Liên Hiệp Quốc cũng chỉ là một tổ chức liên kết các quốc gia muốn liên kết với nhau. Còn lại một vài quốc gia không độc lập và không được vào Liên Hiệp Quốc. Vatican là một quốc gia, nhưng Tòa Thánh Vatican luôn muốn liên kiết với tất cả mọi quốc gia. Khi gia nhập một tồ chức, dù muốn dù không, cũng dễ trở thành “phe cánh” đánh mất vị trí trung lập của Tòa Thánh. Ở đây chúng ta hiểu được tại sao Giáo Sĩ Công Giáo không được tham gia đảng phái chính trị. Có đảng phái là có phe cánh, có đối lập và có kẻ thù. Giám Mục, Linh Mục… phải là người của mọi người, chứ không là người của một tổ chức đảng phái chính trị.

... mà đau đớn lòng

Chúng tôi tiếp tục thăm viếng cơ sở và cách tổ chức sinh họat của Liên Hiệp Quốc. Tôi yêu cầu được đến thăm viếng và lưu lại khá lâu với nhiều vấn nạn liên quan đến gian phòng lịch sử gọi là Geneva Conference. Nơi đây, từ ngày 8 tháng 5 cho đến ngày 21 tháng 7 năm 1954 đã diễn ra hội nghị giữa các quốc gia liên hệ nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam sau trận chiến Điện Biên Phủ. Kết quả, ngày 21 tháng 7 năm 1954 Việt Minh và Pháp đã ký Hiệp Ước Geneva (Geneva Accords). Nội dung Hiệp Ước Geneva gồm ba điểm: Ngưng bắn, chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 và tổng tuyển cử vào năm 1956. Sau ngày ký hiệp định Geneva, nửa triệu người Miền Bắc di cư vào Nam và hơn năm chục ngàn người từ Miền Nam tập kết ra Bắc.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! Hiệp định Geneva, gọi là hiệp ước ngưng chiến hay đình chiến. “Ngưng và đình” đều không có nghĩa là chấm dứt hay kết thúc. Nên sau đó chiến tranh lại bộc phát theo nhịp độ leo thang và tiến dần đến thảm hại. Một hiệp định được ký kết để quyết định về vận mệnh của một quốc gia, nhưng lại được ký giữa hai anh lính tham chiến: Pháp và Việt Minh. Việt Minh, đảng cộng sản ở Việt Nam chứ không là Việt Nam. Việt Nam không có chữ ký trong hiệp định Geneva. Việt Nam, một ngàn năm bị Tàu đô hộ, một trăm năm bị Thực Dân Pháp chiếm đóng. Bây giờ vẫn tiếp tục bị khống chế bởi những thế lực đảng phái chính trị để phục vụ quyền lợi đảng viên.

100227daisu0.jpg

Những ngày thoải mái và hữu ích của tôi bên bờ hồ Geneva bị tan biến dần sau ngày viếng thăm phòng họp của Liên Hiệp Quốc, nơi ký Hiệp Định Geneva năm 1954. Và nhất là vào một buổi sáng…. Khi tôi theo người bạn đến Văn Phòng Thường Vụ Lãnh sự quán của Việt Nam ở Geneve (Mission Permanente et consulat du VietNam a Geneve) để xin Visa nhập cảnh Việt Nam, về tổ chức lễ giỗ giáp năm cho bà mẹ. Tôi ăn mặc khá tế chỉnh vì nghĩ mình đang đi đến chốn văn minh, quan quyền, sẽ gặp những nhân viên thường vụ của lãnh sự quán Việt Nam.

Xe vừa dừng hẵn trước tòa nhà, nơi đặt văn phòng thường vụ lãnh sự quán, bạn tôi và tôi kẻ trước người sau tiến vào văn phòng trực. Thấy chúng tôi, một anh người Miền Bắc răng hô, má lồi, ăn mặc rất đơn giản, áo sơ mi, quần dài, chân đi dép, đang ngồi ngay bậc thềm hút thuốc lá vội đứng dậy nhoẽn miệng cười hỏi:

Các bác đến đây sớm có chuyện gì thế? Chắc xin Visa về thăm quê hương chứ gì?

Tôi có cảm tưởng như mình đang đi lạc ở Lạng Sơn hay Mống Cáy.

Bạn tôi ấp úng trả lời: Dạ phải!

Nhân viên Thường Vụ lãnh sự quán bảo:

Dễ thôi, các bác vào trước đi! Để tôi bảo các cô thư ký cứu xét khẩn trương cho các bác. Anh giới thiệu tên và chức vụ là trưởng văn phòng thường trực. Anh vừa chìa tay bắt tay chúng tôi vừa bảo:

Chúng tôi nhiệt tình giúp đỡ đồng bào ruột thịt mình lắm, chả nệ khó chi cả! Anh vào điền đơn xin Visa, đóng tiền giấy mực và dịch vụ, ba ngày sau trở lại đây là có ngay.

Chúng tôi bước đến ô cửa có bàn viết nơi có nhân viên tiếp dân. Tôi đưa mắt nhìn vào bên trong văn phòng: Anh nhân viên Trưởng văn phòng vừa đẩy cửa bước vào, hai cô thư ký, tôi đoán vậy, ăn mặc xoề xòa, đơn giản, đang ngồi nói chuyện! Hai đứa bé đang nô đùa dưới nền gạnh. Anh Chánh văn Phòng bước đến, tay bồng một cháu bé, tay kia kéo hộc bàn lấy mấy mẫu giấy đưa cho anh bạn tôi. Tôi đứng ngay sau bạn mình, hoàn toàn im lặng, đưa mắt quan sát căn phòng và tự hỏi: Văn phòng? Phòng ăn? Phòng ngủ… ? tôi không phân biệt được! Nó qui tụ khá đầy đủ những yếu tố của các thứ phòng khác biệt tôi vừa liệt kê. Họ nói chuyện với nhau to tiếng, toàn giọng Bắc đặc sệt như đài phát thanh Hà Nội mà tôi không bao giờ dám nghe. Thật sự tôi không quen với loại âm thanh sắc nhọn, đanh đá và xáo rỗng ở ngoài đó. Nhiều năm sống chung với người bên nầy, tôi thấy thích kiểu ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ và thuyết phục hơn là những thứ chanh chua, đấu tranh hay trịch thượng kiểu ngoài đó.

100227daisu1.jpg

Để người bạn ở lại văn phòng làm việc của Thường Vụ lãnh sự quán, tôi im lặng rút lui, đảo một vòng quanh tòa nhà. Tòa nhà xây bằng gạch đỏ hai tầng, kiến trúc khá kiên cố theo lối cỗ. Lá cờ đỏ sao vàng to bay phất phới để nói lên bộ mặt của Việt Nam ở Geneve hay để phân biệt với những nhà thường dân chung quanh. Tôi đi về phía cuối tòa nhà. Một căn nhà không có gi khang trang dựng tạm nối liền với tòa nhà xây. Chung quanh thật nhiều rác và những đồ vật hư hỏng và phế thải như vỏ xe hơi, vài chiếc xe đạp cũ kỹ, thùng xách nước, vài cây chổi cùn…. Kế đó dưới bóng cây râm mát, có lẽ làm chỗ vui chơi cho gia đình nhân viên, tôi thấy một đóng củi khô, vài cái ghế cũ, đồ nướng thịt và một chiếc shopping cart còn khá tốt. Từ đâu ra? Chắc chắn tứ một cửa hàng nào gần đây? Nhân viên Thường vụ lãnh sự quán Việt Nam không chỉ đưa người sang đây làm việc mà còn cả cái tính cộng sản thiếu tôn trọng sở hữu của người khác. Dùng xe cửa hàng đi mua sắm, rồi đầy cả đồ mua và xe của người khác về làm của riêng. Đây là Thường Vụ Lãnh Sự Quán của Việt Nam ở Geneve? Đây là bộ mặt thật của Việt Nam trên phương diện ngoại giao?

Bộ veston lịch sự tôi đang mặc để tỏ lòng tôn trọng với nhân viên chính phủ Việt Nam giờ thành lố bịch. Chỉ cần chiếc áo sơ mi, quần xoàng, chân đi dép, ngồi bệt trước thềm nhà hút thuốc cũng là nhân viên chánh văn phòng của Thường Vụ lãnh sự quán chứ cần gì phải như tôi. Ăn ngủ, làm việc hay nấu nướng có cần chi chỗ đặc biệt theo kiểu quan liêu, điền chủ. Chỉ cần một căn phòng, quân ta có thể bố trí thành đa dạng với nhiều chức năng. Đấy mới là trí tuệ và sáng tạo chứ! Bên Việt Nam những cửa hàng đều có nhân viên an ninh xềp hàng, nhiều khi trang bị cả súng ngắn súng dài. Bên nầy, họ không biết thuê an ninh xử lý. Quân ta ha hồ thao túng! Xá gì một hay hai hay mười chiếc xe mua đồ. Tất cả là của chung. Dân có quyền xử dụng theo nhu cầu….

Tôi đi về phía cuối khuôn viên tòa nhà. Thêm một anh thanh niên quần áo loàng xoàng và một em bé trai chừng 10 tuổi đang đùa vui với nhau. Thấy tôi, anh thanh niên to tiếng: Bác đi ra, không được phép vào. Đây là khu gia cư dành riêng cho nhân viên cán bộ của Thường Vụ Lãnh Sự quán. Tôi làm bộ ngơ ngác không hiểu, hỏi lại bằng tiếng Anh: What are you saying? Anh lặp lại lời xua đuổi cũng cứ bằng tiếng Việt với cử chỉ hung hăng và quyết liệt hơn. Tôi lững thững quay ra, đến trước cửa chính của tòa nhà.

Một người đàn Ông Việt Nam khá đứng tuổi vận veston màu đen đang chào tạm biệt một người đàn Ông ngoại quốc ngay trên những bậc thang trước nhà. Họ nói những câu từ biệt rất vui vẻ bằng tiếng Pháp. Người đàn Ông Việt Nam, tôi đoán chính là Chánh Ủy Viên Thường Vụ Lãnh Sự Quán Việt Nam, thấy tôi, Ông sẵn giọng hỏi: Bác làm chi ở đây? Tôi ú ớ không hiểu. Ông chuyển sang tiếng Pháp “Que fais-tu ici?” Tôi càng ú ớ không hiểu! Vừa lúc đó, bạn tôi cũng vừa xong công việc. Bạn tôi ra dấu, chúng tôi đi nhanh ra cỗng.

Tôi yêu cầu bạn mình đánh một vòng hồ Geneve trên đường về. Tôi hình dung mình đang vòng quanh hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Tôi nhìn thấy thật sống động những cảnh sống khắc khổ cùng cực gần như đọa đày mà tôi có dịp gặp ở quê hương mình. Những Thường vụ lãnh sự quán, hay sứ quán của Việt Nam ở các nước trên thế giới là những món thù lao béo bỡ, bù đắp cho những năm tháng chiến đấu sống chết nơi rừng sâu, nơi địa đạo hay giao thông hào trong chiến tranh Việt Nam. Còn gì sướng bằng được đại diện cho Việt Nam để đi nước ngoài, sống phè phỡn giữa những nước văn minh tư bản giàu có. Làm việc nửa đùa nửa thật, nguệch ngoạc ít chữ, ký tên, cấp giấy chiếu khán nhập cảnh Việt Nam, ngày kiếm bạc ngàn dễ dàng. Rồi sống ky cóp, dành dụm sau về quê hương sống đời đế vương. Thật không bõ chút nào máu xương của bao anh hùng tử sĩ!

Không buồn. Không giận. Không hận. Hãy giữ tâm hồn bình lặng như mặt nước hồ Geneve. Nhưng…đau đớn lòng… vì những điều trông thấy. … Thấy Việt Nam ở hải ngoại không là một Việt Nam đáng tự hào. Thấy những người làm việc cho Thường Vụ Sứ Quán Việt Nam ở đây hay chỗ khác chỉ là thành phần của đảng phái chính trị. Thấy người ta bám vào đảng, sang đây thừa hưởng công khó chiến đấu nhiều xương máu ngày xưa. Thấy người ta tự gán cho mình vai trò lãnh đạo đất nước. Thấy người ta tự nhận mình đại diện cho nước Việt Nam. Những điều trông thấy ….mà đau đớn lòng….. vì xem chừng kém văn hóa và nghèo nàn sĩ diện dân tộc quá!!

Pax Hominibus – Bình An Nhân Thế!

Bình An Nhân Thế

Đọc nhiều nhất Bản in 27.02.2010. 04:42