Dân Chúa ? | Liên Lạc | RSS Feeds
Tháng 10/2020
Bài Mới
- Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Giới truyền thông mất mặt, đảng Dân Chủ thoái trào
- Hậu quả cuộc bầu cử 2020: Những ảnh hưởng với các chính sách Công Giáo
- Nghi Thức Trừ Tà Trên Đà Gia Tăng, Đặc Biệt Là Sau Những Cuộc Biểu Tình
- Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng và cảnh báo trò gian lận
- ĐTC ban hành tự sắc liên quan đến việc lập các hội dòng giáo phận
- Tòa Thánh kêu gọi bảo vệ tính chất thánh thiêng sự sống con người
- Giáo hội Pháp phản đối lệnh hạn chế cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự
- Giáo hội Pakistan vui mừng vì Arzoo, 13 tuổi, bị bắt cóc và ép theo Hồi giáo, được giải cứu
- ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện là bánh lái hướng dẫn cuộc đời chúng ta
- ĐTC và các giám mục trên thế giới đau buồn về các vụ tấn công ở Vienna
- Một linh mục California đã được huyền chức sau khi không công nhận Đức Thánh Cha Phanxicô
- Ở đất nước nơi từng được xem là Công Giáo nhất hoàn cầu, linh mục nào cử hành thánh lễ là đi tù
- Không khí cuộc bầu cử ngày 03 tháng 11. Các nước Á Châu hướng về Hoa Kỳ hồi hộp theo dõi kết quả
- Đức cha Mandagi kêu gọi giải quyết vấn đề Paqua bằng đối thoại
- HĐGM Bắc Phi mời gọi các tín hữu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn
- Các tổ chức tôn giáo Philippines kêu gọi điều tra quốc tế về vi phạm nhân quyền
- ĐHY Schönborn kêu gọi cầu nguyện cho các nạn nhân trong các vụ nổ súng ở Vienna
- Sáng kiến lần hạt toàn cầu cầu nguyện cho các thai nhi đã bị phá bỏ
- ĐTC dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu qua đời
- Làn sóng phản đối gia tăng tại Pakistan sau khi Toà án đồng thuận với vụ bắt cóc trẻ vị thành niên Công giáo
- Tuyên bố chung giữa Công giáo và Hồi giáo tại Bỉ bày tỏ mong muốn tôn trọng lẫn nhau
- Tính Thành Hiệu Của Bí Tích Giải Tội Tin Lành
- Thủ đô Vienna của Áo bị khủng bố Hồi Giáo tấn công
- Nguyên văn lá thư của Tòa Thánh giải thích tuyên bố của Đức Phanxicô về việc sống chung đồng tính
- Tòa Bạch Ốc đã bị bao vây bởi những người chống Tổng thống Trump
- Đức Tổng Giám Mục Philadelphia cầu nguyện, kêu gọi hòa bình sau nhiều ngày bất ổn
- Biden chào hàng ‘cảm hứng’ đức tin Công Giáo, mặc dù tiếp tục ủng hộ phá thai và đòi hạn chế tự do tôn giáo
- Tòa án Brazil cấm một tổ chức vận động phá thai dùng tên “Công giáo”
- Một ngàn giáo xứ chầu Thánh Thể trong ngày Hoa Kỳ bầu Tổng thống
- ĐTC bổ nhiệm Đức tổng giám mục Tomasi làm đặc sứ của ngài tại Hội Hiệp sĩ Malta
- Lễ phong chân phước cho cha Michael McGivney, đấng sáng lập Hội Hiệp sĩ Columbus
- Ý Nghĩa Bức Họa Chính Thức Về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
- Ngọn đuốc cho đời - Vì sao cho đạo
- Lễ Các Thánh Nam Nữ khai mạc tháng cầu cho các đẳng linh hồn tại Vatican
- Về Cội
- Tự Tình “Tháng Mười Một Các Đẳng”
- Phép lạ ngoạn mục, Y khoa không thể giải thích dẫn đến lễ Tuyên Chân Phúc cho Cha McGivney hôm 31/10
- Giáo hội và thế giới cần tình mẫu tử và nữ tính của Đức Mẹ Maria
- Phim mới về Cha Thánh Maximilian Kolbe
- Vị Hồng Y tân cử đang trông coi một Giáo phận chỉ có ba linh mục!
Sách Online
Nhân vụ Đồng Chiêm, nhớ lời Đức Thánh Cha dạy
§ Hà Minh Thảo
Khoảng ba tuần nay, chúng tôi có dịp đọc bài ‘Thấy gì qua vụ việc ở Đồng Chiêm?’ viết bởi Anh Quang, đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 27.01.2010.
Chúng ta biết Hà Nội Mới là cơ quan của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hà nội. Tờ báo này đã bị hai bà Ngô thị Dung và Nguyễn thị Việt có đơn khởi kiện về việc báo này đã thông tin sai sự thật xúc phạm đến danh dự công dân. Lãnh đạo Hà Nội Mới không dám đối chất với hai bà trước toà án quận Hoàn Kiếm bằng không làm những thủ tục mà toà cho rằng cần thiết phải thể hiện trong hồ sơ khởi kiện. Ngoài ra, Anh Quang đã viết bài ‘Dưới chiêu bài dối trá ‘Cầu nguyện cho công lý” đăng trong Hà Nội Mới ngày 26.04.2009 khiến số báo bị thu hồi lại vì ‘có điều nói sai về các Cha ở Thái Hà’.
Trong phần đầu bài báo, người viết cho là: "người dân Đồng Chiêm đã tự tháo dỡ những cây Thánh giá dựng trái phép, không còn tụ tập cầu nguyện ngoài nơi thờ tự và đã trở lại với cuộc sống bình thường." và đòi: "có nhiều câu hỏi được đặt ra cần lời giải đáp". Anh đặt câu hỏi: "Sao một việc như thế, bị xé ra to, để các tờ báo mạng phản động vội vã chộp lấy, rồi nhào nặn, bóp méo, thổi phồng lên, với những cảnh "đàn áp", "máu chảy"?...". Rồi, anh tự trả lời: "vì hành vi vi phạm nhiều luật (Đất đai, Xây dựng…) của linh mục chính xứ Nguyễn Văn Hữu và Ban Hành giáo xứ Đồng Chiêm và linh mục còn kích động giáo dân phạm pháp." và cho biết: "chính quyền Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp cương quyết nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng". Kế đến, anh phàn nàn: "các chức sắc của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội thay vì răn dạy giáo dân... lại liên tiếp ra hai thông báo hiệp thông với Đồng Chiêm, vu cáo chính quyền đàn áp giáo dân và đòi ‘các quyền cơ bản của con người được tôn trọng để có được nền hòa bình, công lý, dân chủ và văn minh thật’".
Khi viết: "… không có một đoàn ngoại giao, một đại sứ hay một tổ chức quốc tế nào đang có mặt tại Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ trước những hành vi vi phạm pháp luật ngày càng lộ liễu của một số chức sắc của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, các linh mục giáo xứ Thái Hà.", người viết cho thấy người cộng sản vừa đàn áp giáo dân Đồng Chiêm, vừa biết nghe ngóng phán xét từ ngoại nhân vì không tin hành động mình có chính nghĩa khi diễn ra trong đêm tối, lúc 2 giờ khuya. Năm, sáu trăm cảnh sát, công an các loại với dụng cụ hỗ trợ dùi cui, roi điện, mìn, pháo mù để trấn áp những giáo dân tay không và điên cuồng dùng mìn đập tan cây Thánh giá… là những điều họ khó có thể tưởng tượng. Sau gần 35 năm gọi là chấm dứt chiến tranh, máu người Việt vẫn tiếp tục chảy.
Các đại sứ đã thông suốt cách thức làm việc như thế nào của chánh quyền Hà nội. Họ còn nhớ chuyện khi được mời tới để nghe sự giải thích (hay muốn hơn nữa !) về trường hợp Đức cha Tổng Giám mục Hà nội nói sự thật mà không liên quan trực tiếp hay gián tiếp gì đến họ và càng không thuộc thẩm quyền của họ. Họ chỉ là những công chức ngoại giao hay nhân viên làm trọn trách nhiệm, cuối tháng lãnh lương.
Nếu là những dân cử, nhất là các dân biểu, họ lên tiếng để cử tri còn bầu phiếu cho họ vì đã làm theo ý muốn của người và sự thật. Bà dân biểu Patricia McKenna, đảng Xanh, Phó trưởng phái đoàn Nghị viện Âu châu đến thăm viếng Việt-Nam tháng 09.2002, đã nói với một nhóm người Việt, Miên và Lào tại Brussels (Vương quốc Bỉ):
"Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt-Nam, tôi cảm nhận một sự bưng bít, một xã hội bị kiềm chế, người dân không có quyền lập các tổ chức phi chánh phủ dưới bất cứ hình thức nào và những tổ chức phi chánh phủ mà chúng tôi gặp đều là những tổ chức quốc tế mà quyền lên tiếng hình như cũng bị hạn chế, nếu không sẽ bị mời ra khỏi nước. Sự kiện không có tự do truyền thông đại chúng, nên chúng tôi không thể tiếp xúc với báo chí.
Tôi chưa từng chứng kiến một quốc gia nào như thế. Cam bốt, với bao nhiêu vấn đề, nhưng ít nhất đối lập cũng được cho phép hiện hữu. Trái lại ở Việt-Nam, chẳng có một không gian nào cho bất cứ tư tưởng chánh trị nào, hiệp hội công dân nào và, trên hết, không có báo chí."
Bây giờ, chúng ta bàn đến những điều liên quan đến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và người tín hữu Công giáo:
1.- Tòa Thánh Vaticăng không hiệp thông với các linh mục vi phạm pháp luật.
a.- Chúng ta tạm chấp nhận cho người viết dùng cụm từ ‘Tòa Thánh Vaticăng’ (chữ của người viết) thay gì ‘Đức Giáo Hoàng’ hay ‘Đức Thánh Cha’ vì người ta không nói ‘linh mục hiệp thông với một quốc gia Tòa Thánh Vatican (Saint Siège, tiếng Pháp, hay Holy See, tiếng Anh).
b.- Nếu không biết thì người viết nên cần tìm học: thế nào là hiệp thông trong Công giáo. Nhờ đó, anh sẽ biết: không một Linh mục nào không hiệp thông với Đức Thánh Cha và Đức Thánh Cha cũng hiệp thông đáp trả với người tất cả anh em trong hàng Linh mục (Đức Giáo Hoàng cũng là một Linh mục, thi hành nhiệm vụ như chính Chúa Giêsu).
Khi dâng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha, Đức Giám mục và Linh mục hiệp thông nhau lúc đọc:
"Lạy Chúa,
xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu,
để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến,
cùng với Đức Giáo Hoàng T…
Đức Giám Mục T… chúng con và toàn thể hàng giáo sĩ."
Ngoài ra, hàng ngày, trọn 24 tiếng đồng hồ, trên mặt địa cầu, lúc nào cũng có Linh mục dâng Thánh Lễ và đọc lời nguyện đó, có thể nói, ngày này qua ngày kia… cho đến ngày tận thế.
Hơn thế nữa, việc hiệp thông với hai Linh mục và giáo dân Đồng Chiêm đã được thể hiện trong Hạt, qua Giáo phận, Giáo tỉnh, lan ra khắp Việt-Nam và tỏa toàn thế giới:
- các báo, đài phát thanh và truyền hình, qua mạng Internet đã loan tin để tín hữu Thiên Chúa giáo (Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo) hiệp thông cầu nguyện vì Thánh Giá bị xúc phạm và những người bị thương tích;
- Ngày 28.01.2010, Đức cha Thomas Collins, Tổng Giám Mục Toronto, đã gởi thư cho ông Nguyễn đức Hùng, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt-Nam tại Gia nã đại (Canada). Đức cha viết:
"Thưa ông Đại sứ;
Tôi sâu sắc quan tâm về việc gia tăng bách hại người công dân công giáo tại quý quốc và cách riêng các vụ bạo hành xảy ra gần đây tại Giáo xứ Đồng Chiêm.
Hình ảnh tuyệt vời của dân tộc Việt-Nam đã bị hoen ố trong con mắt mọi người trên thế giới khi những công dân Việt-Nam hiền hoà đã bị sách nhiễu và thậm chí bị tấn công bằng bạo lực chỉ vì Đức Tin của họ. Hành động này rất đáng tiếc và thật không cần thiết. Người tín hữu Công giáo là những công dân tốt của các quốc gia trên toàn thế giới, và việc tự do thực thi Đức Tin cũng như việc tôn sùng Thánh Giá của họ không phải là những mối đe dọa cho bất kỳ một quốc gia hay chính phủ nào. Thật vậy, người công dân Công giáo Việt-Nam là nguồn sức mạnh và sinh lực sống còn cho đất nước tuyệt vời của quý quốc. Thật là điều hổ thẹn khi họ không được tôn trọng.
Tôi khẩn cấp yêu cầu ông khuyến khích chính phủ của ông cùng làm việc trong một tinh thần hợp tác với người tín hữu Công giáo Việt-Nam, hỗ trợ họ trong việc thực thi Đức Tin, và qua đó, gia tăng sự thịnh vượng cho quý quốc và tăng thêm uy tín của Việt-Nam trên thế giới."
- Ngày 04.02.2010 đã được chọn là ngày Hiệp thông, Liên đới và Cầu nguyện cho Giáo hội tại Việt-Nam do sáng kiến của Ủy ban Truyền Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Ba lan và Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Ba lan. Trong ngày đó, nhiều buổi cầu nguyện cho Giáo hội Việt-Nam đã diễn ra trong cả nước Ba lan. Đức cha Tarnowski Wiktor Skworc, chủ tịch Ủy ban Truyền Giáo đã nhấn mạnh: "Nhà cầm quyền bất cứ ở đâu, kể cả nhà cầm quyền cộng sản Việt-Nam, cũng không thể cứ mãi bất chấp dư luận. Thành ra, chúng ta phải nói to lên cho mọi người nghe là Giáo hội đang bị bách hại tại Việt-Nam, và chúng ta không thể câm nín nhượng bộ được."
- Ngày 14.02.2010, nhân ngày mùng Một Tết Nguyên đán, các Đức Giám mục hay Linh mục ngoại quốc đến chủ tọa những Thánh Lễ mừng Năm Mới với tín hữu Việt-Nam đều mời mọi người tham dự cùng hiệp thông cầu nguyện cho Giáo hội Việt-Nam, giáo xứ Đồng Chiêm và Đức Tổng Giám mục Hà nội.
Trong khi nhà cầm quyền cộng sản đàn áp người dân nước mình và đập phá Thánh Giá thì những Kytô-hữu khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho người Việt-Nam.
2. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói với các linh mục quê hương:
Tác giả bài báo viết: "Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã răn dạy các linh mục: "Giáo hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo hội không đòi hỏi phải làm thay vai trò của các nhà chức trách của Chính phủ, chỉ mong rằng Giáo hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân"."
Trước khi trình giải về nội dung những dòng viết này, chúng tôi xin được nhắc lại lòng quý mến Việt-Nam của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI qua hai sự kiện gần đây:
a.- Sáng ngày 11.01.2010, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm Đại sứ 178 quốc gia và đại diện của chính quyền Palestine đến chúc mừng Tân Niên dương lịch. Quốc gia thứ 178 lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh trên cấp đại sứ và sứ thần là Liên bang Nga hồi cuối tháng 12 vừa qua.
Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.
Sau lời chào mừng Niên trưởng ngoại giao Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ Honduras, và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài đánh giá cao sứ mạng của các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh và nói:
"Tôi cũng nghĩ đến tất cả các nước khác trên trái đất: Người Kế Vị Thánh Phêrô mở rộng cửa cho tất cả mọi người và muốn có những quan hệ với tất cả mọi nước, những quan hệ góp phần vào sự tiến bộ của gia đình nhân loại. Từ vài tuần nay, quan hệ ngoại giao hoàn toàn đã được thiết lập giữa Tòa Thánh và Liên Bang Nga, đây là một động lực mang lại sự hài lòng sâu xa. Cũng vậy, thật là một điều rất ý nghĩa cuộc viếng thăm mà Chủ tịch Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt-Nam mới thực hiện nơi tôi, một quốc gia tôi rất quí mến, nơi mà Giáo hội đang mừng kỷ niệm sự hiện diện từ nhiều thế kỷ qua việc cử hành Năm Thánh."
Bao giờ Việt-Nam đáp lời mời chân thành của Người Kế Vị Thánh Phêrô để Đại sứ nước mình góp mặt vào Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh? Hỡi những giáo sĩ sao, năm 1975, đã ‘hồ hỡi’ xúc phạm đến Đức Khâm sứ Henri Lemaitre và đòi trục xuất Đức cha nay lại ‘tha thiết’ bang giao với Tòa Thánh ? Hãy nhớ: ‘đập phá thì dễ, xây dựng mới khó khăn’, tiền nhân đã dạy như vậy.
b.- Lúc trưa ngày 14.02.2010, nhân dịp Đầu năm Âm lịch, sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa thánh tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha gửi lời chúc mừng đến mọi người trên thế giới đang cử hành Tết Nguyên đán: "Hôm nay ở nhiều nước khác nhau ở Á châu - Tôi nghĩ đến Trung Quốc và Việt-Nam - và trong nhiều cộng đồng rải rác khắp thế giới, Tết âm lịch được đón mừng. Đây là những ngày đại lễ, những người mừng Tết có cơ hội đặc biệt để tái củng cố mối liên kết trong gia đình và giữa các thế hệ. Tôi cầu chúc tất cả mọi người sẽ duy trì và không ngừng nuôi dưỡng gia sản phong phú về các giá trị đạo đức và tinh thần được đâm rễ vững chắc trong nền văn hóa của các dân tộc."
Bây giờ, chúng ta trở lại bài báo đăng trên Hà Nội Mới.
Đây là đoạn trích trong Huấn từ do Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã đọc nhân dịp tiếp 29 Giám mục Việt-Nam đã đến Rôma để thực hành cuộc ‘Ad limina’ ngày 27.06.2009. Chúng tôi xin trích dài hơn để thấy trọn ý Đức Thánh Cha:
"Cũng như tôi, Anh Em biết rằng một sự cộng tác lành mạnh giữa Giáo hội và cộng đồng chính trị là điều có thể. Về vấn đề này, Giáo hội mời gọi mọi phần tử của mình hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính (juste, nguyên văn tiếng Pháp của Đức Thánh Cha), liên đới (solidaire) và công bằng (équitable). Giáo hội không hề muốn thay thế các vị hữu trách chính quyền, nhưng chỉ mong muốn có thể tham gia chính đáng vào đời sống quốc gia, trong tinh thần đối thoại và cộng tác tôn trọng, để phục vụ toàn dân."
Chúng ta có thể chia đoạn này ra làm 3 câu với ba ý nghĩa:
a. Sự cộng tác lành mạnh. Trong một quốc gia dân chủ và văn minh (nơi đó, các chánh trị gia và lãnh đạo các tôn giáo đều là những nhân vật trưởng thành và trách nhiệm, không ai muốn kiểm soát người khác), Nhà nước và các tôn giáo tuy mục đích hoạt động khác nhau, nhưng cùng chung một nhiệm vụ: phục vụ Dân Tộc, mang hạnh phúc đến Toàn Dân.
Muốn cho sự phục vụ đó đạt được kết quả mỹ mãn, nó đòi hỏi phải có một sự cộng tác lành mạnh giữa đôi bên. Nhận thấy các quốc gia khác đã thực hiện sự cộng tác đó và người dân nước họ đã đạt được kết quả tốt, nên vị Giám mục Roma đồng ý với các Giám mục Việt-Nam: "Cũng như tôi, Anh Em biết…(đó) là điều có thể". Nhưng ở Việt-Nam, Nhà nước từ chối ‘sự cộng tác lành mạnh’ đó, rõ rệt nhất trong lãnh vực giáo dục. Có thể, Giáo hội đang là nạn nhân của thành quả Giáo hội đã thực hiện trong lãnh vực này trước năm 1975. Chỉ vì sự nghi kỵ của một thiểu số người, tiền đồ Dân Tộc chịu nhiều thiệt hại.
b. Hãy chân thành dấn thân. Về ‘vấn đề này’ là ‘sự cộng tác lành mạnh’, Đức Thánh Cha nhắc mọi Kitô-hữu ‘hãy chân thành dấn thân xây dựng một xã hội công chính, liên đới và công bằng’, dù có hay không ‘sự cộng tác lành mạnh’.
Thật vậy, những biến cố đã xảy ra ở Tòa Khâm sứ cũ, tại Thái hà, Tam Tòa, Dòng Thánh Phaolô Vĩnh long, Đồng Chiêm… và biết bao công tác bác ái, xã hội mà các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân thực hiện vì những người anh em phải bỏ học, mang bệnh không được chửa trị vì không tiền…
c. Giáo hội không muốn làm thay vai trò của Nhà nước. Trong phần a., Đức Thánh Cha phân biệt đôi bên: Giáo hội và cộng đồng chính trị. Nói một cách giản dị, tuy đôi bên có những đường hướng và tổ chức khác nhau nhưng có cùng chung một mục đích: phục vụ tất cả người dân Việt-Nam, nên cần thiết phải có những cuộc hội họp. Do đó, chúng ta có thể nói rằng: các cuộc hội họp đó diễn ra ‘trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia’.
Ngoài ra, khi ‘Giáo hội không đòi hỏi phải làm thay vai trò của các nhà chức trách của Chính phủ’ thì chúng ta thiết nghĩ Chính phủ cũng nên sớm giải tán cái ‘Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam’, tuy mang danh Công giáo nhưng không do Giáo luật quy định cũng không do Hội đồng Giám mục Việt-Nam lập ra. Trong quá trình 27 năm hoạt động, ủy ban này chỉ phá đạo cho đến nổi Linh mục Nguyễn công Danh, trong thư trả lời Cha Chánh văn phòng Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam, ngày 05.02.2010, chỉ dám ký tên và không ghi chức vụ Chủ tịch ủy ban đó.
Ðể chấm dứt bài, là những tín hữu Công giáo, trong Năm Thánh 2010, chúng ta hãy gia tăng cầu nguyện Bình an và Hạnh phúc cho Dân Tộc cùng Công lý và Sự thật cho Giáo hội Việt-Nam và vững tin vào Lời Chúa trong Phúc Âm đọc trong Thánh Lễ ngày hôm nay 22.02.2010: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." (Matthiêu 16, 18).
Đọc nhiều nhất Bản in 25.02.2010. 23:26