Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nhận định của Đức Cha Nguyễn Văn Sang về sự cố Tòa Khâm Sứ

§ +GM FX Nguyễn Văn Sang

Nhật ký ngày 28.01.2008 của Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang

Tôi vừa bước ra khỏi cổng lớn của khu đất Tòa Khâm Sứ cũ, vừa qua một cuộc cầu nguyện nhớ đời của một giám mục vốn quê ở đất Hà Thành. Một cuộc cầu nguyện dưới những giọt mưa, dưới những giọt nước mắt cảm kích giữa đám đông tín hữu vừa trải qua một đêm mất ngủ vì giá lạnh.

80129KhamSu757.jpg

Đức Cha Sang đến khu Tòa Khâm Sứ kính viếng Đức Mẹ
Xem tập hình Đức Cha Nguyễn Văn Sang kính viếng Đức Mẹ Sầu Bi tại Tòa Khâm Sứ

Bỗng thấy một bàn tay đặt lên vai, tôi giật mình quay lại, ngỡ rằng: một vị công an chìm nào tới hỏi thăm.

- Bố già! Không nhận ra con à.

- Ờ… ờ…

Tôi thốt ra vài tiếng ngờ ngợ.

- Này, từ nay bố già có viết gì trên mạng đừng có ký tên tuồn tuột là FX. Nguyễn Văn Sang, Giám mục Thái Bình nữa nhé! Cứ lấy một bút danh nào như “Thợ Gặt”, “Thợ Rèn”, “Thợ Mộc”… hay như bố vẫn xưng: là đấng chăn trâu chân thật, không thì cả hai phía cứ nhằm đích danh bố mà cho ăn đòn đấy.

Tôi ngỡ ngàng phân phô: thì cứ ký đích danh để chịu trách nhiệm điều mình viết là sự thật, “chính nhân quân tử” lo gì. Vả lại, anh có thấy các Đức Giám Mục khi ký bao giờ cũng vạch một hình thánh giá trước tên. Muốn làm chứng cho sự thật thì phải kinh qua đau khổ. Đức Giêsu có bút danh bút hiệu nào đâu. Trên Thánh giá Chúa bị treo, có rõ ràng tên “Giêsu Nazaret”.

“Thôi biết rồi, nói mãi, khổ lắm”. Nhà văn “Thợ Gặt” đã nói một số anh em ở hải ngoại chụp cho tôi chiếc mũ đỏ từ lâu, bây giờ phía bên kia lại chụp cho một cái mũ đỏ nữa như thế là đủ hai. Hai mũ đỏ thì còn bằng mấy Đức Tổng Kiệt bị ông Thợ Gặt nghi là gây ra vụ đất Khâm Sứ để mai ngày kiếm chức Mũ Đỏ Hồng Y.

Thôi, bút gì thì bút:
Bút tre, bút sắt, bút lông
Sao cho chân chính lòng không vạy tà
An ninh, Hà Nội… nhà ta
Bút ấy mới sợ: bút ma, bút bùn!!!

Vậy tôi vẫn ký rõ ràng tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, giờ đây thêm tên chức vụ… và viết những sự thật thì lo gì… như tôi đã thường viết:

“Bước đi phía trước: Trời tươi sáng
Bỏ lại đằng sau: Đất bạc mầu
Bảy bảy cao niên, xin chấp nhận…
Cuộc sống lạc quan, ngẩng cao đầu”.

Cho nên tôi cả dám đề cập tới bài viết sau đây: “Khía cạnh pháp lý của sự kiện 25/1/2008 ở Tòa Khâm Sứ cũ”.

Pháp lý! Ghê chưa. Tôi chỉ là một giám mục học hành bậc trung, đỗ được cái tú tài ở trường Lít-sê cũ… đâu được tiến sĩ, cử nhân như các đấng bậc khác, lại làm giám mục của một giáo phận đồng chua nước mặn... vì thế, xin các vị luật sư như Lữ Giang, Trần Lê Nguyên tới phù giúp kẻo tôi nói càn nói quậy, lý sự cùn làm ố danh các vị luật sĩ.

80129KhamSu758.jpg

Đức Cha Sang bắt tay chị người Mường leo qua hàng rào
Xem tập hình Đức Cha Nguyễn Văn Sang kính viếng Đức Mẹ Sầu Bi tại Tòa Khâm Sứ

Sự kiện xô xát tại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ vào lúc 11 giừo 45, trước thanh thiên bạch nhật, trước mắt hàng 4 - 5 nghìn người, và tôi cũng có mặt trong đám đông… rõ ràng tôi đang trầm ngâm suy gẫm theo lời kinh tiếng hát, bỗng tai nghe rõ mồn một tiếng kêu la inh ỏi: “Bắt người… đánh người…”, nhìn qua khe hàng rào sắt, tôi thấy một phụ nữ dân tộc Mường tay ôm bó hoa chạy tới gốc đa có tượng Đức Mẹ… rồi tôi thấy một đám đông ước độ 5 - 6 người, nam có nữ có: nam thì vóc dáng, mặt mũi như các “anh hùng hảo hán” trong truyện Thủy Hử, nữ thì oai phong lẫm liệt như Chung vô Diệm đang múa đao ra trận; các vị đang túm chặt người dân tộc, xô đẩy về phía quán phở…

Rồi tôi lại thấy, một đấng mày râu… như tự trời rơi xuống… giơ tay múa chân như phân trần giải thích gì đó, nhưng rút cục cũng bị đám đông các vị dồn về quán phở, tưởng làm được bát phở tái nạm thơm ngon, ai ngờ bị… ăn một trận đòn rách tai vỡ mũi.

Tôi vội đi ngược về phía cổng 40 Nhà chung, gặp một anh đội mũ lưỡi trai, ngực đeo phù hiệu, tôi liền túm lại và nói “trong kia có vụ đánh người và bắt người… anh là công an (lo an ninh chung) anh phải can thiệp thả người, không được đánh người…”. Anh ta hốt hoảng phân trần: “Thưa cụ con có phải là công an đâu, con là bảo vệ trường học”.

Tôi lại chạy vào cổng 40 tìm xem có ông nào là bạn dân ở đó thì xin can thiệp. Bỗng thấy có một ông từ trời… (từ trên tường cao) bay xuống trước mặt tôi trấn an: “Cụ cứ bình tĩnh, tôi vừa nói với ông đồn trưởng rồi: ông đó ra lệnh không được đánh người và phải thả người…”. Tôi yên tâm trở về Tòa Tổng Giám Mục, nhai trệu trạo vài mẩu bánh mì rồi lên đường về giáo phận. Bao nhiêu công việc mục vụ đang chờ, không có giờ để ngồi xem truyền hình và đọc các báo chí như tờ An ninh, Hà Nội mới v.v… để tận mắt xem các phép lạ “Đổi trắng thay đen cũng nhiệm mầu” .

Theo các vị nhà báo đó thì đúng là ngược đời, nhưng chỉ thêm một chữ BỊ ĐÁNH, hoặc ĐƯỢC ĐÁNH vào là khác:

Người BỊ ĐÁNH trở thành người ĐƯỢC ĐÁNH. Chị phụ nữ Mường, ông luật sư Lê Quốc Quân BỊ ĐÁNH, nay trở thành người ĐƯỢC ĐÁNH cán bộ và anh em bảo vệ, và những gì gì nữa… như phá hoại tài sản của cơ quan nhà nước vv… mà tệ hại nhất là do Tòa Tổng Giám Mục “chủ mưu”. Tôi thấy mình không có khả năng biện luận và bút chiến nên chỉ vin vào lý lẽ của cha Chánh Văn phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã lên tiếng một cách cứng cỏi rằng: Sẵn sàng theo luật báo chí để thách thức phía bên kia cũng như phía mình trưng ra những bằng chứng và trả lời theo luật báo chí để tìm ra sự thật, và xin lỗi v.v…

Tôi chỉ dám đưa ra một nhận định do mắt thấy tai nghe: Rõ ràng tôi thấy chị phụ nữ dân tộc mặc váy đen, áo cánh trắng, đầu chít khăn trắng… bị xô đẩy, bị đánh… còn phía bên kia là mấy vị cán bộ, cả mấy chị bảo vệ quần din, áo chẽn, tóc để trần, có chị còn nhuộm tóc hoe hoe vàng…sao có thể nhìn nhầm để nói nhầm, viết nhầm NGƯỜI BỊ ĐÁNH, thành NGƯỜI ĐƯỢC ĐÁNH… Đằng khác, khía cạnh pháp lý của người con gái dân tộc sẽ ra sao:

Trước hết là người phụ nữ chân yếu tay mềm, thuộc dân tộc ít người, đơn sơ chất phác. Các vị công tác miền núi chắc đã hiểu biết hơn chúng tôi. Họ ăn nói đơn sơ thô thiển: ai cũng gọi là thằng, là nó; ví dụ: “Thằng…. nó bảo với tao rằng… vv….”, lại tay ôm bó hoa tươi thắm đi tới tòa Đức Mẹ để hiến dâng cho Mẹ yêu dấu của mình, thế mà các vị ngăn lại, xô đẩy, rồi tát, đấm vào bụng (sau này chị ta kể lại).

Đứng về khía cạnh pháp lý:

  1. Một là chị ta chủ quan, không hiểu biết mình mang hoa tới Tòa Đức Mẹ là vi phạm pháp luật. Vậy chủ quan, không biết mình vi phạm có thể cấu thành một tội đáng bạt tai và ăn đòn… đấm vào bụng không?
    Bao Công xử án nói rằng: Không biết thì không có tội. Sách luân lý của Đạo Công giáo cũng dạy như vậy.
  2. Hai là chị ta biết là có tội vi phạm pháp luật: cấm cầu nguyện ở Đất Tòa Khâm Sứ cũ, cấm không được dâng hoa cho Đức Mẹ tại nơi này (một luật cấm hơi kỳ dị như nhiều vị đã lên tiếng), thì bước đầu phải nhắc nhở, phân trần trái phải lấy quyền “phụ mẫu chi dân” mà phủ dụ, tại sao lại phải dùng tới đòn tra tấn vô nhân như vậy.

Các tòa án của chúng ta có làm như vậy đối với các phạm nhân đã bị kết án tỏ tường chăng?

Tôi còn nhớ thời bao cấp: một hôm tôi bị gọi ra cơ quan để “bị điều tra” về một số việc liên quan tới một vị giáo sĩ khác. Tôi được mời vào phòng khách lịch sự, có các ghế sa-lông êm ấm và sự hiện diện của các vị cán bộ cấp cao trong ngành. Tôi được mời ngồi xuống một ghế sa-lông lịch sự (tôi nghĩ lúc đó tôi là Tổng Thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nên được tôn trọng). Tôi đã ngồi dựa lưng vào ghế cho đỡ mỏi, bỗng nhiên tôi nghe một tiếng quát như sấm:

“SANG”.

Tôi giật mình chưa kịp thưa lại thì vị cán bộ đó đã nói: “Anh là phạm nhân mà trước mặt các vị cán bộ cao cấp lại “dám” ngồi dựa lưng vào ghế.”

Bầu không khí căng thẳng cho đến hết buổi gặp gỡ.

Sau đó có vị giám mục “xui” tôi kiện, vì chưa bị tòa kết án mà đã bị gọi là phạm nhân và bị quát mắng om sòm. Nhưng tôi nghĩ lúc đó là thời mình thấp cổ bé họng thì “con kiến đòi kiện củ khoai” làm gì. Hiện nay các vị đã qua đời cả rồi, đã mồ yên mả ấm. Xin khép lại dĩ vãng.

Tôi nghe nói ở Anh quốc dù bị đưa ra tòa, nhưng nếu chưa bị tòa kết án vẫn là VÔ TỘI và không bị coi là phạm nhân. Còn trường hợp ông Lê Quốc Quân, ông là luật sư nên khá hiểu biết luật… xin ông tự bào chữa!!!

Viết đến đây, tôi lại nghe phong phanh câu nói: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”, câu nói của rmột nhân vật trong truyện “Làm Đĩ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Vậy tôi xin chấm dứt bài hồi ký này, chẳng dám trách cứ và kết tội ai.

Xin những ai bị tôi vô tình xúc phạm, hãy rộng lượng tha thứ cho, nhất là trong những ngày Xuân thiêng liêng của đất nước này.

Thái Bình ngày 29/1/2008

+ F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

+GM FX Nguyễn Văn Sang

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 29.01.2008. 08:16