Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

"Nhà Nước" Sơn La

§ An Dân

Nguồn: chuacuuthe.com

Đọc bài Noel Buồn (Ghi chép dịp lễ Giáng Sinh 2007 tại Sơn La) của tác giả Hà Thạch và bài  Chính quyền tỉnh Sơn La xử dụng cả quân đội để ngăn cản người Công Giáo đón Giáng Sinh của Giuse Lương Văn Tuấn, tôi cũng buồn, nhưng lại chẳng ngạc nhiên, bởi tỉnh Sơn La từ trước tới nay vốn là tỉnh có chính sách đàn áp tôn giáo một cách bài bản và có hệ thống nhất, bất chấp các qui định của Hiến Pháp và luật pháp về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

1. Những qui định thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản pháp qui về quyền tự do tín ngưỡng

- Điều 26, Hiến Pháp 1959, ra ngày 31.12.1959, trong chương III: qui định về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, viết: “Công dân Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

- Điều 70, Hiến Pháp năm 1992, kế thừa Hiến Pháp 1946, 1959, 1980, tái khẳng định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tín ngưỡng tự do tôn giáo...”

- Sắc lệnh 234/SL, ngày 14/6/1955, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, chương I, nêu rõ: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm tới quyền tự do ấy”.

- Nghị quyết số 297/CP, ngày 11.11.1977 của Hội đồng Chính phủ, về một số chính sách đối với tôn giáo, quả quyết: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân...”

- Nghị định 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 và Nghị định 26/1999/NĐ-CP, cùng nhất loạt khẳng định: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của công dân, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

- Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, cũng đã nêu rõ: “Công dân có tín ngưỡng cũng như tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các sinh hoạt lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý mà mình tin theo...”

2. Sơn La và chiến dịch đàn áp, tuyên truyền bôi nhọ Kitô giáo

80101SonLa.jpg

Bất chấp các qui định đã được ghi trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật trước đây cũng như bây giờ, tỉnh Sơn La luôn đi đầu trong công tác triệt hạ tôn giáo.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, cần thiết phải nhắc lại ở đây một chút lịch sử hình thành các cộng đoàn công giáo đang hiện diện tại tỉnh Sơn la. Theo thống kê của Hội thừa sai Balê thực hiện vào năm 1939, thì thời đó đã có các thừa sai làm tuyên uý cho vùng Sơn La – Lai Châu. Công việc phục vụ của các thừa sai chủ yếu là dành cho các quân nhân và gia đình quân nhân. Tuy nhiên, không có con số thống kê cụ thể số các tín hữu của giai đoạn này. Từ đó đến nay, số tín hữu công giáo không ngừng gia tăng. Hiện nay, theo ước tính của chúng tôi số tín hữu công giáo đang sinh hoạt tôn giáo tại Sơn La vào khoảng 3000 người, không kể những người vì không trụ lại được sau những cuộc đàn áp tôn giáo, nay đã “tạm thời nghỉ đạo”, và rất nhiều người còn “chưa dám xưng mình có đạo”. Trong số các tín hữu còn thực hành đạo, có khoảng 2000 tín hữu người Kinh gốc dưới xuôi lên Sơn La làm ăn kinh tế, một số khác lên Sơn La diện “đi làm kinh tế mới” theo chương trình của Chính phủ và khoảng 1000 anh chị em người H’Mông, có đạo từ khoảng hơn hai mươi năm nay.

Trước năm 2004, nghĩa là trước khi “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” ra đời, các tín hữu công giáo người Kinh tại Sơn La, do sự cấm cách ngặt nghèo, nên chỉ dám bày tỏ đức tin cách âm thầm tại tư gia. Mỗi năm đôi lần, họ về quê tham dự các nghi thức thánh. Từ khi “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” ra đời, nhận thấy chính sách nhà nước về tôn giáo đã cởi mở và thông thoáng hơn, các cộng đoàn dần hình thành. Ban đầu là những nhóm nhỏ, sau lớn hơn. Sau một thời gian sinh hoạt ổn định, cuối năm 2005, các cộng đoàn công giáo tại Sơn La đã chính thức đệ đơn lên các cấp chính quyền, đăng ký được phép sinh hoạt công khai theo như Pháp lệnh đã qui định. Cũng trong giai đoạn này, nhiều lần Toà Giám mục Hưng Hoá đã gửi công văn tới Chính quyền Sơn La “đề nghị cho các linh mục lên làm việc mục vụ tại Sơn La”, nhưng đều bị Chính quyền Sơn La từ chối với một lý do lãng nhách: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chính sách đàn áp tôn giáo ở Sơn La chia làm hai thời kỳ: trước khi có Pháp lệnh và sau khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời. Thời kỳ nào thì việc đàn áp tôn giáo tại Sơn La cũng diễn ra một cách quyết liệt.

Trước khi Pháp lệnh tín ngưỡng ra đời, đối tượng đàn áp chủ yếu mà chính quyền Sơn La nhắm triệt tiêu là các tín hữu công giáo H”Mông. Tại một số bản làng chúng tôi đến, điều dễ nhận thấy là, ngay giữa bản luôn hiện hữu một đồn biên phòng với chức năng duy nhất: “Cấm đạo”. Điều này chính các chiến sĩ biên phòng nói với chúng tôi. Ngoài việc, luôn có các chiến sĩ biên phòng thường trực tại bản, tỉnh Sơn La thường xuyên tổ chức các chiến dịch đàn áp tôn giáo một cách qui mô, từ việc dỡ bỏ bàn thờ, khủng bố, đe doạ bỏ tù và nhất là cắt hết mọi nguồn trợ cấp kinh tế, không chấp nhận cho vay vốn xoá đói giảm nghèo... Những người kiên quyết không bỏ đạo, thì chính quyền thường xuyên mời lên uỷ ban, đe doạ và áp dụng những hình phạt như: đánh đập, quỳ gối trong tư thế giang hai tay... như cán bộ nói là để “giống Chúa Giêsu”.

Sau khi pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ra đời, thay vì có những thay đổi cho thích hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo, chính quyền Sơn La gia tăng sự đàn áp không chỉ đối với các tín hữu Công giáo, Tin lành người H”Mông mà ngay cả các tín hữu người Kinh đang làm ăn sinh sống tại tỉnh này. Ngoài việc ngăn cản không cho các tín hữu Công giáo tự do sinh hoạt thờ tự, chính quyền tỉnh Sơn La còn mở cả một chiến dịch lớn, quy mô, vừa thuyết phục giáo dân bỏ đạo, vừa tuyên truyền vận động các đoàn thể nhân dân chống lại người công giáo, gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa những người lương dân và người công giáo. Tại các trường học, chính quyền áp lực với các giáo viên nêu danh sách các em học sinh công giáo trước toàn trường và công bố hình phạt nếu các em không bỏ đạo... Tại các tiểu khu, chính quyền đến từng gia đình trong tiểu khu vận động các gia đình không có đạo chống lại gia đình có đạo...

Hỗ trợ cho chiến dịch đàn áp này, tháng 6 năm 2006, Ban Dân vận tỉnh uỷ đã ban hành một tập tài liệu phổ biến rộng rãi trong toàn dân, với tiêu đề: “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách tôn giáo của Nhà nước”. Mục đích của tập tài liệu này cốt để huy động toàn dân tham gia vào “công tác triệt hạ tôn giáo”. Tập tài liệu nêu rõ:

“Ở Sơn La, từ xưa tới nay, các tổ chức hoạt động tôn giáo đều trái phép vì không thoả mãn những nội dung cơ bản sau: giáo lý, giáo luật, chức sắc, nghi lễ, cơ sở vật chất như nhà thờ, chùa chiền... Tôn giáo ở Sơn La chưa đủ điều kiện để hoạt động.”

Phần ba của tập tài liệu nói về “Tác hại của hoạt động tôn giáo trái phép ở Sơn La” mới đáng quan tâm. Tập tài liệu viết:

“Hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở một số nơi (chủ yếu là Công giáo và Tin lành) đã và đang làm tổn hại đến truyền thống đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, nó trực tiếp gây chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo ngay trong từng gia đình, trong từng bản, từng dòng họ, làm băng hoại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, bỏ thờ cúng tổ tiên ông bà, người sinh thành dưỡng dục mình để thờ Chúa Giêsu; và ảnh hưởng xấu tới quan hệ thân tộc.

Bản thân người theo đạo phải mất rất nhiều thời gian lao động nhất là vào mùa vụ gieo trồng, bởi vì ngày chủ nhật là ngày “nghỉ xác” không làm việc chỉ có làm việc đạo.

Hoạt động tôn giáo trái pháp luật ở một số nơi bước đầu đã làm giảm uy tín và vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành của các cấp uỷ, chính quyền cơ sở, làm giảm uy tín của trưởng bản, trưởng dòng họ.”

3. Nhà nước Sơn La!!!

Không cần bàn luận về tập tài liệu này, bởi tự bản chất, tập tài liệu không chỉ đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước Cộng sản, mà nó còn “vi hiến” một cách trắng trợn và nghiêm trọng. Nó cho thấy có một “Nhà nước Sơn La” tự trị, bất chấp các qui định của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bất chấp các qui định của luật pháp Việt Nam liên quan tới các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề tự do tôn giáo.

Điều dễ nhận thấy là tập tài liệu đã để lại những di chứng nặng nề, tạo nên một dư luận xã hội không tốt về chính sách của Nhà nước về tôn giáo, và nhất là tập tài liệu đã gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa người lương và người theo đạo, gây nên sự hiểu lầm giữa các đảng viên cộng sản với một bộ phận dân chúng; biến những vị cán bộ - đầy tớ nhân dân, trở thành những ông quan hách dịch, ngu muội trong nhận thức, điên cuồng trong các chiến dịch đàn áp tôn giáo tại tỉnh này. Dịp Giáng sinh vừa qua là một minh chứng cụ thể. Khi tôi đang viết những dòng này thì được biết em Nguyễn Thị Xuân, vừa bị Ban giám hiệu Trường phổ thông Trung học Cò Nòi mời lên Ban Giám hiệu làm việc theo đề nghị của uỷ ban nhân dân xã Cò Nòi, vì đã dám “chơi đàn” trong đêm Giáng Sinh 2007 vừa qua.

Hiện nay, có một dư luận tại tỉnh Sơn La cho rằng: “ông Thào Xuân Sùng – một người H’Mông - Bí thư tỉnh uỷ, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, thực chất là một “vua Mèo” mới, chính phủ biết ông làm bậy nhưng chẳng làm ‘chó’ (xin lỗi dân người ta nói vậy) gì được!!!”.

Tôi nghĩ chính phủ làm được, nếu chính phủ thật có tâm và có lòng với những anh em vùng cao, những người đang chịu cảnh đàn áp, ức hiếp của công quyền. Tôi nghĩ rằng, chính phủ cần phải làm gấp để tránh những hậu quả đáng tiếc khác có thể xảy ra, giúp xã hội Việt Nam ổn định, nhất là để người dân đừng nghĩ rằng: “Cái Thông tư của thủ tướng đề nghị chính quyền Sơn La tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng lại là cái Thông tư cấm đạo” như ông bạn của Hà Thạch đã nghĩ.

An Dân, 1/1/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.01.2008. 14:38