Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nguyên nhân và kết quả - Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?

§ JB Nguyễn Hữu Vinh

VietCatholic News (Thứ Năm 10/01/2008)

Vì đâu nên nỗi?

Diễn biến của việc đòi lại tài sản Giáo hội Công giáo thời gian qua đã làm nóng lên các phương tiện truyền thông thế giới, thu hút nhiều sự quan tâm của những người có lương tri. Với giáo dân và Giáo hội Công giáo, đây là một bước đi bất đắc dĩ khi bị dồn đến cuối chân tường, không thể dừng lại, không thể chờ đợi như đã chờ đợi quá lâu. Với nhà cầm quyền, có nguy cơ nó là một mồi lửa âm ỉ nhưng sức nóng và sự lan toả thì khủng khiếp. Nhưng làm sao đây, khi họ tự đặt mình vào hoàn cảnh:

80110BeHoa.jpg

• Xem hình ảnh mến thương của Em bé dâng Hoa cho Mẹ Sầu Bi bất chấp nguy nan Giuse Trần Ngọc Huấn

Nhỡ ăn vụng, ngậm quả cà
Nuốt vào thì mặn, nhả ra thì thèm

Cho đến nay, chưa biết sự việc sẽ được dẫn dắt tới đâu, vì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cầm quyền Hà Nội.

Người ta tự hỏi, vì sao nên nỗi? Vì sao mà người Công giáo vốn hiền lành, nhẫn nhục, lại bùng lên để cùng nhau đoàn kết một lòng đòi lại tài sản đất đai của mình, đẩy các cơ quan công quyền vào thế lúng túng, bị động như hiện nay?

Phải chăng, đến bây giờ người Công giáo mới sực tỉnh?

Thử phân tích một vài khía cạnh của sự việc, qua đó, may ra tìm được một giải pháp nào cho trọn vẹn chăng?

Việc cầu nguyện xưa nay vẫn cứ diễn ra. Từ khi đất nước vào tay Cộng sản, đất đai tài sản Giáo hội bị chiếm đoạt thì “Đơn xin lại” vẫn cứ đều đều đến hẹn lại lên ở các cơ quan công quyền. Còn hồi âm hay không, phụ thuộc vào ý thích của cơ quan đó, trả lời hay không, cứ… chờ nhé. (Điển hình là mới đây, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn mới nhận được công văn trả lời văn thư gửi cách đây mới có… 3 năm, thế đã là may mắn chán). Dù luật định về khiếu nại, tố cáo… vẫn đầy đủ và tốn nhiều giấy mực qui định thời gian nhận đơn, trả lời và trách nhiệm các cơ quan thế nào.

Ở Việt Nam, văn bản luật không thiếu, nhưng nếu thực thi đầy đủ, may ra chỉ có luật rừng. Mọi việc, giải quyết hay không, cách nào, phụ thuộc vào ý muốn của đảng Cộng sản. Ngay cả trước khi mở Tòa án, còn phải xin ý kiến bên đảng, và mấy ngành nội chính ngồi họp với nhau xem xét xử thế nào? Và khi đã thống nhất, có nghĩa là vụ án đã xong phần kết luận, án đã bỏ túi, ra tòa trình diễn là xong.

Còn luật, chẳng có gì là khó khăn, Quốc hội là của đảng (vì sao ư? Với gần 500 đại biểu Quốc hội, không quá 15% người ngoài đảng, trong khi đảng viên chỉ chiếm 1/40 dân số trong 84 triệu người Việt Nam trong nước). Vậy thì đảng muốn có luật nào mà chẳng được, Quốc hội có nhiệm vụ thông qua? Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, là cơ quan lập pháp, nhưng muốn thay đổi Hiến pháp, còn phải chờ Đại hội đảng cho cương lĩnh, chủ trương, đó là một ví dụ điển hình.

Mà với đảng Cộng sản vô thần, thì tôn giáo là ‘thuốc phiện của nhân dân”. Theo lý thuyết, thì ai lại tiếp tay cho nhân dân dùng thuốc phiện bao giờ. May ra chỉ có cán bộ đảng viên tiếp tay cho nhân dân dùng xì ke, ma túy thì có. Đảng viên Công an Vũ Xuân Trường là một trong hàng ngàn ví dụ.

Vấn đề nhà đất, là một chuỗi dài những điều bất cập trong xã hội Việt Nam hiện nay và luôn là điểm nóng của nơi nơi từ nam đến bắc. Hàng người xếp hàng, ăn chực nằm chờ hàng năm trời trước cửa tiếp dân. Hàng ngàn người dân phía nam biểu tình rầm rộ vừa qua là một bằng chứng. Đất đai luôn là một vấn đề nóng bỏng, làm đau đầu các nhà hành pháp của Việt Nam, làm bức xúc nhiều người dân trong quá khứ, hiện tại và chắc còn nhiều trong tương lai.

Vì sao có chuyện như thế? với hệ thống công quyền tham nhũng, lũng đoạn, mạnh ai nấy kiếm qua các vị trí của mình mà dư luận cho rằng nhiều vị trí có được bởi việc mua quan bán chức, thì việc đó là đương nhiên.

Khi sự công bằng xã hội không được đặt lên một tiêu chí có tính bắt buộc, mà mọi hoạt động chủ yếu là mệnh lệnh và nghị quyết từ đảng, từ những cá nhân, nhiều khi bất chấp ý muốn của nhân dân và quy luật của cuộc sống, đã tạo nên sự hỗn loạn đó.

Để có cho mỗi cán bộ từ trung ương đến địa phương có một vài, thậm chí ba bốn căn nhà giá trị hàng ngàn cây vàng, đương nhiên phải có người bị mất đất, có kẻ bị thu hồi, có nơi bị chiếm đoạt. Để có người được cấp, có kẻ được cho, có người được tặng, bán… Mà đất đai thì không tự đẻ ra và phình to ra như hệ thống cán bộ đảng, chính quyền, mặt trận và các cơ quan ngoại vi của đảng nhiều khi chẳng biết sinh ra để làm gì hiện nay.

Việc đòi lại tài sản đất đai của Giáo hội đến nay, đã có những bước mới, buộc cả hai phía phải đặt lên bàn làm việc.

Đã đến lúc chính quyền Hà Nội không thể làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của giáo dân, của Giáo hội Công giáo trong việc đòi lại đất đai, tài sản của mình. Vụ đòi lại Tòa Khâm sứ diễn ra từ lâu, mà đỉnh điểm là từ ngày 18 tháng 12/2007 đến nay. Những cuộc cầu nguyện đã thực sự có tác dụng, làm chấn động cả những nơi, những người mà xưa nay người ta vẫn nghĩ là chỉ có ‘kê cao gối mà ngủ’.

Để sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm, ngoài những yếu tố khách quan như vật chất, cơ sở của Giáo hội ngày càng không đáp ứng được nhu cầu, trong khi đất đai, tài sản bị mượn, bị cầm nhầm, bị chiếm đoạt hay cưỡng đoạt bao nhiêu năm nay mà việc trả lại chưa có cơ may được xem xét. Sự chịu đựng của con người đã hết giới hạn. Còn có một yếu tố rất lớn ở cách hành xử coi thường người giáo dân, coi thường Giáo hội của một số người trong hệ thống công quyền với não trạng đã được tạo ra qua mấy chục năm nay dưới chế độ cộng sản.

Trước hết, Tòa Khâm sứ Hà Nội, cũng như hàng loạt công trình, đất đai của Giáo hội không phải mới bị chiếm gần đây, mà đã hơn nửa thế kỷ nay. Việc sử dụng những nơi đó làm chốn ăn chơi vẫn cứ diễn ra đều đều bất chấp sự phản ứng của giáo dân và Giáo quyền.

Hàng năm, việc đơn từ xin lại không có nơi nào giải quyết vẫn cứ là bài ca muôn thuở. Nhưng với bản tính nhẫn nhục, khiêm hạ của mình, Giáo hội Công giáo vẫn kiên nhẫn chờ đợi một sự thiện chí, một đường lối hướng thiện khi Việt Nam bước vào sân chơi thế giới, sẽ nhìn ra lẽ phải, biết tôn trọng phẩm giá con người, để tiếng kêu của giáo dân sẽ được chấp nhận.

Nhưng, chính sự coi thường nói trên, đã dẫn đến những hành động của những năm 2000, Hà Nội cho đập phá ngôi nhà cũ để xây nên một trung tâm ăn chơi bên cạnh Tòa Giám mục thâm nghiêm. Đến đây, phản ứng buộc phải bật lên theo đúng quy luật của chính học thuyết Mác – Lê nin “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Việc xây dựng đã phải dừng lại. Nếu như lúc bấy giờ, có sự hướng thiện của những cán bộ công quyền, thì vấn đề đã được giải quyết êm đẹp.

Tuy nhiên, vẫn là não trạng Xin – Cho, vẫn với não trạng dùng sức mạnh của chính quyền, dùng dùi cui, súng đạn ép buộc phải khuất phục, sự dừng lại đó chỉ là một kế hoãn binh. Để rồi sau đó, họ đã biến nơi tôn nghiêm làm nơi chợ búa, việc biến cải trắng thành đen, chính thành tà, đã dẫn đến việc ngày hôm nay, khi mà một số cơ quan được đưa vào đó, đập phá, sửa chữa như chính nhà mình.

Việc đó đã thật sự là một cú đánh thẳng vào mặt Giáo hội và giáo dân. Văn thư phản đối quyết liệt, vẫn chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ. Hình như qua đó, họ muốn thể hiện thái độ của mình: “Không chấp” với những người mà họ cho là luôn luôn sợ hãi, bạc nhược.

Những phản ứng của Hàng Giáo phẩm và giáo dân Hà Nội thật ôn hòa, thật hòa bình, bằng phương châm: “…đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, …” thật là một sự khôn ngoan sáng suốt. Họ là những người dân hiền lành, chất phác, nhưng khi họ hiệp thông cầu nguyện, sức mạnh của họ đã làm cho lắm kẻ kinh sợ, và không một thế lực nào có thể đè bẹp, kể cả cái chết.

Vụ việc dẫn đến sự lúng túng, nhà cầm quyền Hà Nội chưa có giải pháp nào giải quyết. Thời đại này đã là thiên niên kỷ thứ 3 vì vậy, không dễ xảy ra một Thiên An môn thứ 2. Chính vì đã quá quen với bạo lực, nên họ lúng túng khi vấp phải sự ôn hòa. Nhưng sự ôn hòa đó đã để lại nhiều vết đen trên bộ mặt đang muốn sạch sẽ về hình ảnh nhà cầm quyền.

Vụ việc chưa có hướng giải quyết êm đẹp, thì việc tiếp theo ở xứ Thái Hà, càng như một hành động chữa cháy bằng xăng của chính quyền các cấp tại Hà Nội. Lòng tự trọng của Giáo dân đã bị chính những hành động đó khơi dậy mãnh liệt.

Điều đó phản ánh một nội bộ không thống nhất, sự chỉ đạo không có tính kiên định hướng thiện của hệ thống công quyền Hà Nội, thể hiện não trạng quá lạc hậu với thời cuộc, lạc hậu ngay với chính những nhận thức của giáo dân Hà Nội nói riêng, cũng như nhân dân Việt Nam nói chung.

Đó là sự coi thường sức mạnh quần chúng, coi thường lòng tự trọng của con người, và cái chính yếu, là coi thường lòng tin mến của người tín hữu Kitô.

Kịch bản nào sẽ diễn ra?

Với chính quyền, vụ việc càng để lâu, càng thêm bất lợi. Bởi chắc chắn một điều, người giáo dân nói riêng, người dân nói chung khi đã đồng lòng, thì trời rung đất chuyển là chuyện có thể xảy ra. Một tàn lửa có thể thành một cơn bão lửa. Nhất là khi lòng tin vào đảng, vào thể chế, qua những cán bộ thực tế trước mắt họ, đại diện cho một nhà nước vốn đã không được bổ sung vun đắp, nay lại càng mai một nghiêm trọng chính bởi những hành động của mình. Làn sóng lòng dân, là cơn bão của mọi ngọn sóng nhấn chìm tất cả những gì cản trở sự phát triển.

Với các chế độ cộng sản, việc dùng bạo lực trấn áp nhân dân đã từng diễn ra nhiều. Nhưng chỉ có thể khi mà chỉ có một nguồn thông tin từ miệng nhà nước, khi mà chỉ có một nhóm người bị cô lập như thời đại các đảng Cộng sản của Polpot, Mao Trạch Đông, Staline của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ luật rừng rú, hoang dã có cơ thực hiện và hoành hành. Trong thời đại ngày nay, điều đó nếu có, chỉ càng làm cho mình cô quạnh và không còn chỗ đứng.

Với giáo dân và Giáo hội, đến nay, đã vượt qua giới hạn chịu đựng cuối cùng từ lâu, nên chắc chắn họ sẽ không dừng lại ở chỗ chỉ để giữ nguyên hiện trạng bị cướp đoạt như trước. Người dân, nhất là giáo dân, họ đã ý thức được những giá trị của chính con người: Tất cả mọi con người, được Thiên Chúa dựng nên, đều bình đẳng và cần được yêu thương.

Ngoài ra, người Giáo dân đã hiểu, ngay cả với hệ thống pháp luật hiện hành, việc họ đòi lại đất đai, tài sản của mình là có cơ sở.

Cơ sở đó chính là: Để giữ bộ mặt của mình cho sạch sẽ, ngay cả khi hệ thống cộng sản đầy sắt máu nhất, vẫn chưa có một thời nào, cá nhân nào dám tuyên chiến với tôn giáo bằng cách tịch thu những tài sản hợp pháp của tôn giáo bằng văn bản pháp luật phù hợp. Do vậy, những viện dẫn cơ sở pháp luật trong việc giải quyết hiện nay của các cấp chính quyền, đều khập khiễng và không được tâm phục, khẩu phục.

Trong một nhà nước pháp quyền, giải quyết các vấn đề phải căn cứ trên cơ sở pháp luật, việc phán bừa theo ý thích hoặc dụng ý cá nhân mà không có cơ sở pháp luật là điều không thể chấp nhận.

Cách giải quyết khôn ngoan nhất, là nhà nước trả lại những cái đã vốn không phải là của mình. Không ai có thể để tồn tại những điều vô lý đó mãi mãi. Nó sẽ như một vết nhơ, một dấu ấn trên bộ mặt của mình chưa được gột rửa, sẽ còn tiếp tục làm đau đầu các thế hệ tiếp theo, sẽ còn làm lung lay niềm tin của những người có lương tri mà không có gì biện minh được.

Những tài sản đó, hiện không thể đưa sử dụng, là lãng phí một nguồn tài nguyên quý giá, mà vấn đề chỉ là sự công bằng, công lý chưa được thực thi. Điều đó làm hao tổn một nguồn lực không nhỏ một cách không đáng có cho cả xã hội đang vốn cần thắt lưng buộc bụng, vốn cần thời gian và nguồn lực cho sự phát triển của đưa đất nước đi lên vì cả thế giới đã tiến quá xa chúng ta.

Nếu hiện trạng không thay đổi, ít nhất là hệ thống công quyền luôn mang một món nợ chưa trả với lương tâm của những kẻ chiếm đoạt, thêm mệt mỏi, bạc nhược những người thừa hành. Tất cả những điều đó, đều là gánh nặng đặt lên vai người dân đen với vô vàn chi phí nhân lực công an, cảnh sát, dân phòng và hệ thống công quyền cũng như súng đạn xăng dầu… Những chi phí mà người dùng không thấy xót, nhưng tấm lưng của người dân thì ngày càng trĩu xuống, gánh nợ nước ngoài thì ngày cành nặng lên.

Nhiều khi, chỉ vì sự tự ái nào đó, mà bất chấp sự thật, bất chấp lẽ công bằng. Với tinh thần đổi mới mà đảng và nhà nước đã từng hô hào, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, giải quyết sự việc trên tinh thần pháp luật, có lý nhưng có tình. Việc trả lại đất đai, tài sản của Giáo hội có thể thực hiện bằng một phương cách nào đó khả dĩ chấp nhận được, cho vẹn cả đôi bề.

Bỏ qua cái khẩu ngữ nằm lòng “ai thắng ai” vốn có của cái học thuyết Mác – Lê nin - một học thuyết thiếu tính nhân bản, thiếu lương thiện đã được nhân loại dọn cho một chỗ trong sọt rác lịch sử - thì những điều đó được giải quyết đơn giản hơn nhiều.

Với Giáo hội và giáo dân, việc tự mình điều chỉnh hành vi để những việc làm, hành động của mình nằm trong khuôn khổ pháp luật, đúng theo tinh thần là chứng nhân Đức Kitô nơi trần thế: Biết “đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đêm chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Và với hệ thống công quyền, cần biết một điều đơn giản rằng: Trước khi làm bạn với các nước, hãy làm bạn với ngay chính nhân dân mình.

Được như vậy, sự việc sẽ chẳng có gì diễn biến phức tạp, mọi nhân tài vật lực được huy động đúng khả năng của mình phục vụ xã hội, phục vụ đất nước. Được như vậy, lòng dân mới an, tình người mới sâu đậm, và cái có lợi nhất với nhà cầm quyền, là chứng tỏ cho mọi người biết họ đang hướng thiện không chỉ bằng lời nói hay ho, mà bằng việc làm cụ thể.

Hà Nội, Ngày 10 tháng 1 năm 2008

J.B. Nguyễn Hữu Vinh

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.01.2008. 09:32