Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Người Công giáo Tam Tòa vác Thánh Giá

§ Hà-Minh Thảo

Một tháng đã trôi qua… Chiều ngày 20.07.2009, khi chỉ liếc nhìn tựa đề bài ‘Công An Đồng Hới Quảng Bình đánh đập và bắt đi 19 giáo dân Giáo xứ Tam Tòa, Giáo phận Vinh’, một sự xúc động mạnh xuất phát từ con tim tôi. Đọc xong bản tin, tôi phải nghẹn ngào thốt lên: “Máu người Việt đã đổ ra từ thời Tàu, Pháp và Mỹ. Ngày nay, ngoại bang đô hộ và chiến tranh khuynh đệ tương tàn không còn, nhưng dưới sự cai trị của người Việt cộng sản, máu người Việt vẫn tiếp tục đổ…”

Nguyên nhân nào đã tạo nên sự kiện thảm thương như vậy?

I. LỊCH SỬ GIÁO ĐƯỜNG TAM TÒA

Giáo xứ Đông Hải (còn gọi là Họ Lũy) xây dựng nhà thờ này từ năm 1631. Năm 1774, Chúa Trịnh chiếm Đàng Trong và san bằng lũy Thầy, giáo xứ được chuyển về Cầu Ngắn, đổi tên thành giáo xứ Sáo Bùn. Năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với lối 1200 giáo hữu, có Viện Dục anh nuôi trẻ em nghèo và Tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục. Năm 1886, quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Đông Hới lánh nạn.

Cha sở Claude Bonin (cố Ninh) và giáo dân Tam Tòa về bên bờ sông Nhật Lệ, giữa cầu Nhật Lệ và cửa biển Nhật Lệ, và nhận lại tên giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Nhật Lệ được hiểu nôm na là ‘nước mắt đổ từng ngày’ thì rất thích hợp với giáo xứ đau khổ tại đây. Năm 1850, khi Giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.

Nhà thờ Tam Tòa rất cổ kính được xây dựng năm 1887 theo kiểu kiến trúc Bồ Đào Nha, bởi Cha Clause Bonin. Năm 1940, Cha René Morineau (cố Trung) tái thiết cho khang trang hơn. Năm 1953, sau khi nhận chức Linh mục, Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Đức Giám mục Giáo phận Huế bổ nhiệm về trông coi giáo xứ Tam Tòa.

Năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi Đất Nước, phần lớn giáo dân Tam Tòa di cư vào Đà nẵng và thành lập giáo xứ Tam Toà tại đây. Từ đó, Tam Tòa chỉ còn lại một số ít tín hữu Công giáo sống trong cảnh đe dọa của chế độ cộng sản kể từ năm đó.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích (?), đổ nát và vẫn duy trì cho đến ngày nay. Vì số giáo dân còn lại quá ít, không đủ khả năng tái thiết, nhưng Tổng giáo phận Huế vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà Cha Ông họ đã dày công xây dựng.

Sau 1975, chính quyền Đồng Hới biến khuôn viên nhà thờ thành công viên và nhà thờ chỉ còn lại trơ trọi ngọn tháp với 4 bức tường rêu phong, đổ nát.

Khi chiến tranh kết thúc ngày 30.04.1975, và cuộc sống dần dần ổn định trở lại, Đồng Hới cũng hồi sinh với nhiều người dân trở về, cũng như di dân đến sinh sống.

Ngày 26.03.1997, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một di chứng tội ác chiến tranh, không tham ý chủ sở hữu là Tổng Giáo phận Huế và giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Từ năm 1997, Đức Tổng giám mục giáo phận Huế nhờ Giáo phận Vinh cử linh mục vào giúp giáo xứ Tam Tòa, nhưng giúp một cách kín vì chính quyền lúc đó không nhất trí. Năm 2006, Ban Tôn giáo chính phủ yêu cầu Tổng Giáo phận Huế bàn giao sự quản lý về mặt tôn giáo Giáo hạt Nam Quảng Bình (trong có giáo xứ Tam Tòa) sang Giáo phận Vinh thì mới cho linh mục vào làm mục vụ. Do đó, ngày 15.05.2006, việc chuyển giao đã được thực hiện và Đức cha Phaolô Maria Cao đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh, đã bổ nhiệm Linh mục Phêrô Lê thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm Chính xứ Tam Tòa. Lúc đó, Giáo phận Vinh có đề nghị tái lập giáo xứ Tam Tòa tại nhà thờ đã bị tàn phá. Lúc đầu thì chính quyền nói tại Đồng hới không có giáo dân, nhưng sau đó, Giáo phận có đưa ra giáo dân gồm 600 tín hữu, cùng với nhiều người nhập cư làm ăn và sinh viên nên số giáo dân lên đến 1.000, sinh sống tại địa bàn thành phố Đồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.

Hiện nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía Tây Bắc. nhưng rồi số giáo dân đông lên nên không thể làm lễ tại nhà giáo dân đó. Vì thế, Giáo phận Vinh đang làm thủ tục lấy lại đất này, xây dựng nhà thờ Tam Tòa, đảm bảo quyền lợi thực tế chính đáng của công dân. Đây là điều hoàn toàn có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý.

Từ năm 2008 đến nay, Cha xứ và giáo dân cử hành Thánh Lễ trên nền nhà thờ đổ nát giữa Miền Trung khắc nghiệt của gió Lào và gió biển, của mưa nguồn và bão biển. Đức Giám mục và Cha Tổng đại diện cũng đến dâng Thánh Lễ vài lần, như ngày 13.02.2008 và vào dịp Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh ngày 02.02.2009, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã về dâng Thánh lễ cầu bình an đầu năm cho dân chúng tại địa phương này. Thánh Lễ được cử hành trên nền nhà thờ đổ nát này với bàn Thánh tế lễ lộ thiên. Buổi chiều cùng ngày, Đức Cha Cao Đình Thuyên đã đến làm việc với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Chính quyền tỉnh Quảng Bình đã hứa giải quyết thỏa đáng theo sở nguyện của giáo dân Tam Tòa và giáo phận Vinh. Nay chính quyền muốn trở mặt?

Ngoài ra, Giáo phận Vinh cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình trả lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng lại, phục vụ nhu cầu của đông đảo giáo dân ở đây là điều chính đáng, đúng pháp luật.

Vừa rồi, tỉnh Quảng bình nói nên để phần đất đó để làm di tích chiến tranh và nếu Tòa Giám mục muốn có đất để xây nhà thờ thì họ sẽ cấp cho nơi đẹp và thuận lợi. Tòa Giám mục đã đề nghị nhiều lần, nhưng họ không trả lời. Lúc gần đây, họ có chỉ cho 5 phần đất nhưng không thể xây nhà thờ được vì quá xa thành phố.

Về vấn đề này, chúng ta có thể đọc những trả lời của Linh mục An-Tôn Phạm Đình Phùng, Chánh Văn Phòng - Tòa Giám Mục Xã Đoài, cho phóng viên Gia Minh, đài Phát thanh Á châu Tự do, ngày 26.07.2009:

Chưa đồng nhất chuyển giao khu đất.

Gia Minh: Trên các phương tiện thông tin truyền thông như là báo Nhân Dân thì người ta cũng có đăng là Tòa Giám Mục và Ủy ban Nhân dân đã thống nhất là chuyển giao khu đất đó rồi mà, thưa Linh Mục?

LM Phạm Đình Phùng: Cái đó không phải như vậy. Chưa bao giờ Tòa Giám Mục và Ủy ban Nhân dân tỉnh chuyển giao phần đất đó cho nhau mà qua một cuộc gặp gỡ hai bên đã ký vào một văn bản gọi là Văn Bản Ghi Nhớ rằng có thể là phần đất Tam Tòa đó để làm một chứng tích nhưng mà nhà nước phải cấp một mảnh đất thật đẹp, thật tiện cho giáo dân Tam Tòa xây nhà thờ. Bao lâu việc đó được hoàn thành thì mới có sự thực hiện. Đó chỉ là một ý tưởng mà thôi, chứ còn việc thực hiện thì chính quyền tỉnh Quảng Bình họ chưa thực hiện điều đó.

Năm phần đất không thể xây nhà thờ được.

Gia Minh: Thưa Linh Mục, trên tờ Nhân Dân đề ngày 22 tháng 7 cũng có nói rằng phía tỉnh Quảng Bình cũng đã giới thiệu cho Tòa Giám Mục những địa điểm ở trong thị xã Đồng Hới, vậy thì thông tin đó như thế nào?

LM Phạm Đình Phùng: Tôi khẳng định chính tôi là đại diện Tòa Giám Mục nhận lời mời của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình vào đi xem đất. Trước đó mấy tháng thì chính quyền tỉnh Quảng Bình nói rằng chúng tôi cứ đề nghị chọn nơi nào thuận tiện nhất, đẹp nhất để xây dựng nhà thờ thì chính quyền sẽ sẵn sàng đáp ứng ngay. Chúng tôi đã đề nghị hai địa điểm, một địa điểm cạnh Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình trên con đường Quốc Lộ 1 ở trung tâm thành phố, và một địa điểm thì hơi xa trung tâm thành phố một tí là nơi mà bây giờ người ta quy hoạch mới, nhưng mà cả hai nơi thì Ủy ban Nhân dân tỉnh chẳng những không trả lời văn bản đề nghị của Tòa Giám Mục, và ngược lại là Ủy ban Nhân dân tỉnh mời đại diện Tòa Giám Mục vào đi xem đất. Đúng là có 5 địa điểm. Địa điểm thứ nhất mà họ chỉ là cái nhà thờ gọi ngày xưa mà bây giờ chỉ còn nhà thờ cũng bị tan nát rồi. Ở đó chẳng làm được việc gì hết. Rồi 4 địa điểm khác thì quá xa trung tâm thành phố, đặc biệt là có 3 địa điểm mà bây giờ nếu chúng tôi muốn tới xem thì không tới được bởi vì chỉ có ao hồ nước mà thôi. Bây giờ cán bộ muốn chúng tôi tới xem cũng không thể xem được. Sự thật là như thế đấy, làm gì mà chúng tôi chấp nhận được.

II. CUỘC ĐÀN ÁP DÃ MAN.

Sáng sớm ngày 20.07.2009, nhằm tạo điền kiện tốt cho giáo dân già trẻ tham dự Thánh Lễ, Linh mục Chính xứ Lê thanh Hồng và giáo dân đã dựng ngôi lán tạm (9 mét x 6 mét, khung sắt, lợp tôn), trên nền đất cũ nhà thờ Tam Toà, phố Nguyễn Du, và dựng một cây Thánh Giá để làm bàn thờ dâng Thánh Lễ.

Khi mái lợp xong, bất ngờ, lực lượng công an Đồng hới và rất nhiều du côn đánh thuê được huy động đến tấn công cha xứ và giáo dân. Họ đàn áp các giáo dân thật dã man bằng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn hơi cay, xe bắt tù… Họ dùng xe kéo đổ sập ngôi lán và cướp tất cả mang đi.

Trước cảnh cướp bóc trắng trợn, giáo dân can đảm bảo vệ tài sản của mình, công an đã dùng dùi cui đánh thẳng vào mặt giáo dân không thương tiếc và lôi những người đó ra xe, mặc họ khóc than, kêu gào và điệu lên xe khủng bố. Trên xe, họ vẫn bị đánh đập tiếp. Vì cho rằng giáo dân là những kẻ phản động, công an dùng đùi, xông vào lôi giáo dân ra đánh đập rất là dã man. Máu giáo dân vô tội tuôn xuống trên mảnh đất Tam Tòa đó.

Ngoài ra, khi Thánh Giá bị hạ xuống, một em bé chạy đến ôm lấy Thánh Giá và bị đánh đập dã man, bị thương nặng. Em bị bắt với 18 người khác, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. Công an Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình đã bắt đi 19 người.

Đấng Tạo Hóa dựng nên Con Người và ban cho Con Người biết dùng lờụi nói và lý trí để giải thích, để nói cho nhau nghe, cần gì phải sử dụng lựu đạn cay hay dùi cui điện, những thứ đồ ngoại nhập, để đàn áp dân Việt, tay không tấc sắt, đến đổ máu Lạc Hồng… Cuộc đàn áp dã man và bất hợp pháp đã là giọt nước tràn ly, khiến giáo dân toàn giáo phận đoàn kết đứng lên tìm Công Lý và Sự Thật, thực thi bổn phận Bác Ái với anh chị em mình.

Lúc 15 giờ 30 ngày 20.07.2009, các Linh mục Hoàng anh Ngợi, Ngô thế Bính, Nguyễn văn Chủ, Trần ngọc Hưởng, đại diện các linh mục và giáo dân Giáo hạt Nam Quảng bình, đi gặp các cấp chính quyền tỉnh Quảng bình và thành phố Đồng Hới để yêu cầu trả tự do lập tức cho những người bị bắt giữ và đưa vào bệnh viện các nạn nhân bị Công an đánh bị thương và chất vấn về việc đàn áp dã man những người dân lành ở Tam Toà. Họ cho rằng họ trấn áp và bắt giữ giáo dân vì giáo dân đã tấn công Công an. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân và Công an Quảng Bình cũng như Công an Đồng Hới tìm cách tránh gặp bốn linh mục này.

Sáng ngày 23.07.2009, Cha Tổng đại diện cùng 5 linh mục và Ban Bác ái, Ban Truyền thông Giáo phận đã gặp các linh mục miền Quảng Bình đang họp tại Hướng Phương để nghe các Cha nói lên những chính các Cha đã nghe thấy về những bất công, đau đớn mà giáo dân Tam Tòa đang phải gánh chịu và bàn thảo những việc cần làm cho Tam Tòa trong những ngày sắp tới. Sau đó, phái đoàn đã vào thăm Tam Tòa. Buổi chiều, phái đoàn đã tới thăm những người bị bắt vừa được thả về, thăm các gia đình có người thân đang bị bắt giữ. Được gặp trao đổi trực tiếp với các nạn nhân và các nhân chứng. Mọi người không thể hiểu nổi những hành động thô bạo, vô nhân đạo của một số công an Quảng Bình đã đối xử với giáo dân Tam Tòa.

Cũng chiều ngày 23.07.2009, Tòa Giám mục nhận được Thư của Đức Cha Phaolô Maria, Giám mục Giáo phận Vinh, từ Hoa Kỳ gửi về. Sau khi đọc thư, các linh mục hữu trách tại Tòa Giám mục đã điện đàm ngay với Đức Cha, xin Đức Cha cứ an tâm thực hiện tiếp chương trình đã định. Việc ở nhà, con cái Đức Cha đã có những phương cách giải quyết.

(Còn tiếp)

Hà-Minh Thảo

Đọc nhiều nhất Bản in 21.08.2009. 00:59