Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nghị quyết 23 thực chất là gì? 'Nghị cướp… hai… ba' hay 'hai… ba… cùng cướp?'

§ An Dân

Xem cách giải quyết của UBND thành phố Hà Nội trả lời đơn thư khiếu nại của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà về việc giáo xứ đề nghị chính quyền trao lại khu đất mà Nhà nước đã quản lý trái phép, thì mọi người ai cũng ngạc nhiên và lấy làm lạ là tại sao Chính quyền lại cứ chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất là theo “Nghị quyết 23/2003/QH11 thì không có cơ sở giải quyết” mà không căn cứ vào Hiến Pháp, luật đất đai hay bộ luật nào khác.

Vậy, Nghị quyết 23 thực chất là gì?

dcct_9497.jpg

Có lẽ, để hiểu rõ tính cách pháp lý của cái gọi là Nghị quyết 23 cần trở ngược lại một chút để tìm hiểu xem đâu là bối cảnh mà cái Nghị quyết này đã chào đời.

Báo Đại Đoàn Kết số 77, ngày 26 tháng 9 năm 2003, cho biết, tại phiên họp thứ 12 Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội khoá XI (ngày 25/9/2003): “UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về một vấn đề đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đó là việc giải quyết các tồn đọng về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý và cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991. Các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội đều thừa nhận đây là vấn đề tồn tại mang tính lịch sử mà Nhà nước còn đang mắc nợ nhân dân, nên cần phải sớm có chính sách để giải quyết dứt điểm” (trích nguyên văn).

Ngày 26/11/2003, Nghị quyết 23 chào đời, nói theo Báo Đại Đoàn Kết, là để xoá món nợ mà “Nhà nước đang nợ nhân dân”. Nói theo ngôn ngữ bình dân, sau khi suy xét rất kỹ, Nhà nước thấy “còn đang mắc nợ nhân dân”, thay vì trả món nợ ấy theo lẽ công bằng, thì nhà nước bèn ra một Nghị quyết buộc chủ nợ phải im lặng, không được đòi và nếu đòi thì “không xem xét giải quyết”. Về mặt pháp lý, nguyên tắc “nợ ai thì phải trả”, nếu không trả thì vi phạm pháp luật. Ở đây, khi ra Nghị quyết 23, Nhà nước đã vi phạm pháp luật hai lần: thứ nhất biết mình mắc nợ mà nhất định không chịu trả; thứ hai cố tình ra một văn bản vi Hiến và ép buộc mọi người phải tuân thủ.

Mới đây đã có bài viết của Luật sư Trần Lê Nguyên vạch rõ ra rằng: Nghị quyết 23 là một văn bản dưới luật. Đây không phải là một văn bản pháp lý. Về mặt nguyên tắc, một văn bản dưới luật mà đi ngược lại Hiến Pháp và pháp luật thì tự nó bị phế bỏ và phải bị tuyên bố là vi hiến.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 23 được hình thành mà không dựa trên bất cứ căn cứ pháp luật nào, hoàn toàn chỉ dựa trên một thứ “ý chí không ngay tình, thiếu công minh” của một đám nghị viên do đảng lãnh đạo và chỉ đạo. Chắc chắn đây không phải là ý nguyện của nhân dân - những người chủ mà nhà nước còn nợ họ.

Chính vì biết rằng người dân không đồng thuận nên tại điều 5 – cũng là câu chốt của Nghị quyết 23 - viết: “Quốc hội kêu gọi đồng bào trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài vì lợi ích chung của toàn dân tộc, đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội, coi đây là sự đóng góp thiết thực vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước”.

Như vậy, câu chốt “Quốc hội kêu gọi đồng bào…” tự nó cho thấy Nghị quyết 23 không phải là một văn bản pháp lý, nó chỉ có tính cách kêu gọi, dạm hỏi dân có đồng ý không? Vì thế, không thể coi đây là căn cứ pháp lý trong việc giải quyết đât đai, tài sản của các tổ chức, cá nhân mà Nhà nước đã chiếm dụng bất hợp pháp. Nhà nước không thể vin vào đây để từ chối trách nhiệm phải trả lại “món nợ nhân dân”. Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật phải thượng tôn. Nếu Nhà nước cứ cố tình vin vào đó, thì Nhà nước đang đi sai đường lối, đang trắng trợn vi phạm pháp luật. Nhà nước không thể bắt dân đóng góp kiểu ấy, bởi việc đóng góp như thế tự nó không có giá trị. Tôi cưỡng đoạt chiếc xe của anh, sau đó anh đòi, thì tôi không trả, lại còn vô liêm sỉ ‘coi như là sự đóng góp”. Trường hợp này, người Hà Thành gọi là “xin đểu” và việc “xin đểu” thì luôn có sự chế tài của luật pháp.

Đối với khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà, việc áp đặt Nghị quyết 23 trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của Dòng, thì càng khiên cưỡng, bởi Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà đã có đơn khiếu nại từ năm 1996 - tức là việc khiếu nại đã có trước khi Nghị quyết 23 ra đời 7 năm. Việc Nhà nước áp đặt Nghị quyết 23 trong trường hợp này giống với việc một ông bố cướp đất của con, anh con chưng ra những bằng chứng hợp pháp, thì ông bố không biết xoay sở cách nào thì lấy quyền làm bố và chế ra một thứ Nghị quyết để hợp pháp hoá chuyện cướp đoạt này và công bố với bà con chòm xóm rằng: “chuyện thằng con tôi nó đòi tôi, căn cứ vào Nghị quyết 23 - ra đời sau đó 7 năm, thì không có cơ sở giải quyết”.

Như vậy, Nghị quyết 23 là một văn bản không có giá trị pháp lý, vì pháp luật thì hướng người ta tới sự công bằng và nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Việc Quốc hội đưa ra nghị quyết này, chúng tỏ sự yếu kém trong việc quản lý Nhà nước của Nhà nước Việt Nam và cho thấy câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, chỉ là một câu khẩu hiệu sáo rỗng nhằm mị dân.

Việc áp đặt Nghị quyết 23 trong quá trình giải quyết khiếu nại đất đai,cho thấy Nhà nước Việt Nam tự cho mình cái quyền đứng ngoài vòng pháp luật, sẵn sàng ra bất cứ văn bản nào cho dù biết rằng nó là vi hiến.

Cũng vậy, việc các ông Nghị gật tại Quốc Hội cố tình, nhắm mắt ra một văn bản hoàn toàn dựa trên thứ “ý chí muốn chiếm đoạt tài sản người khác”, bất chấp “nhân dân có đồng ý hay không”, bất chấp việc “Nhà nước còn đang nợ nhân dân”, thì phải kể đây là một “vụ cướp hội đồng” và cái Nghị quyết 23 phải được gọi là “Nghị cướp…hai…ba” hay “hai…ba… cùng cướp”.

Hà Nội, ngày 6 tháng 9 năm 2008

An Dân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 06.09.2008. 11:24