Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ngày xuân tản mản chuyện cúi đầu

§ Gioan Lê Quang Vinh

Xin bắt đầu bằng việc nói chuyện xưa một chút. Năm tốt nghiệp đại học tôi thất nghiệp, nhưng nhờ mấy truyện ngắn đăng báo, tôi được mời đi dự trại sáng tác Hội Nhà văn thành phố. Trong trại sáng tác năm ấy, tôi chỉ còn nhớ mỗi bài nói chuyện của tác giả Hương Rừng Cà Mau, nhà văn Sơn Nam. Ông bảo: “Văn hoá chúng ta ảnh hưởng Kytô giáo rất nhiều. Đan cử cái ghế dựa. Người Á đông ngồi trước mặt vua quan thì phải ngồi thẳng lưng nên ghế không có dựa. Kytô giáo dạy con người bình đẳng, cho nên đã ngồi ghế thì dựa người ra, không phải dựa thẳng đứng mà là ngã người ra sau”. Tôi nhớ Sơn Nam nhiều là vì thế. Mà Sơn Nam đã nói về văn hoá thì có ai dám phản đối.

Ngày đầu năm đi lễ minh niên với gia đình, tôi chú ý cha chủ tế cúi đầu rất sâu khi hát kinh Vinh Danh đến đoạn “Chúa Giêsu Kytô”. Tôi nhớ lời Thánh Phaolô: “Để khi nghe Danh Giêsu thì mọi loài trên Trời dưới đất và cả trong hoả ngục đều phải quỳ xuống mà thờ lạy Người”. Vậy mà nhiều người giáo dân lại không để ý.

Cũng thế, trong Thánh Lễ khi đọc Kinh Tin Kính đến đoạn nhắc về Mầu Nhiệm Nhập Thể: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần…” thì giáo dân phải cúi mình, bởi vì con người phải ca ngợi thán phục và thờ lạy mầu nhiệm cao cả ấy, nhưng nhiều khi thấy giáo dân mình đọc mà không quan tâm cho lắm.

Vậy có gì trái ngược giữa sự bình đẳng mà giáo lý Công giáo đề cao với việc cúi mình thờ lạy Đấng Tối Cao? Không những chẳng có gì trái ngược, mà phải nói rằng chính sự cao sang của Thiên Chúa đã làm cho con người được nâng lên cao.

Những năm tháng theo học và nghiên cứu Học Thuyết Xã Hội Công Giáo với một nhóm anh em trí thức Công giáo đã giúp tôi nhớ thuộc lòng rằng “Giáo Hội nhìn thấy nơi mỗi người, nam cũng như nữ, hình ảnh sống động của chính Thiên Chúa. Hình ảnh này mỗi ngày được triển khai thêm một cách trọn vẹn và sâu sắc hơn nơi mầu nhiệm Đức Kitô, hình ảnh tuyệt hảo của Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho chính con người”.

Nói cách khác, Thiên Chúa cao sang mà con người phải cúi mình và quỳ gối thờ lạy ấy đã hoá thân làm người để con người vốn phải khom lưng uốn gối thì nay có thể đứng thẳng mà kêu lên rằng “Abba, Cha ơi.” Ôi sự bình đẳng lạ lùng quá.

Giữa Đấng Tạo Hoá cao cả quyền năng với con người tội lỗi đã có mối giao hảo kỳ diệu như thế, mà con người hèn kém với nhau lại cư xử y như chúa và tôi, nghĩa là làm sao? Gần đây xã hội Việt nam xôn xao tự hào vì có một chủ chăn uy dũng lên tiếng cho quyền con người, ấy là Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt. Ngài bảo tự do tôn giáo là cái đương nhiên, không phải chuyện xin cho. Nói cách khác, ngài muốn cho xã hội dân sự có một chỗ đứng xứng hợp với phẩm giá làm người.

Đức Tổng kính yêu muốn nói lên rằng con người có phẩm giá nên không cần chuyện xin xỏ. Tiếng Việt hay ở chỗ là hễ có xin là có xỏ. Anh xin tôi là tôi xỏ mũi anh. Xỏ rồi thì đứng hay ngồi hoặc quỳ thì cũng giống nhau. Nếu nhà văn Sơn Nam bảo văn hoá Việt ảnh hưởng bởi văn hoá Kytô giáo, sớm nhìn thấy bình đẳng, thì không ai có thể tin rằng chuyện xin-cho lại được đề nghị bởi chính người có đạo.

Nhưng mà thôi, không nói gì đến chuyện con người với nhau. Có nhiều điều phải nói về chuyện con người cúi đầu trước Thiên Chúa. Có khi người ta sẵn sàng quỳ gối trước mặt người đời mà lại e dè khi cúi mình trước Đấng Tối Cao. Người ta sẵn sàng quỳ xin chuyện này chuyện nọ, mà lại không chịu cúi đầu khi đọc đến Danh Thánh Đấng Cứu Thế hay không chịu cúi mình khi tuyên xưng mầu nhiệm Nhập Thể trong kinh Tin Kính.

Chuyện Thánh Giá Chúa bị những con người xấu xa, tay sai của quỷ hoả ngục đập phá làm cho thế giới rúng động. Khi anh vào nhà người ta đập cái cục gạch ở góc vườn, có thể anh cũng bị tóm và bị bắt đền bồi. Mấy vị giáo dân can trường đập bỏ vài viên gạch tường khu đất nhà Dòng cũng là của mình, cũng bị nhà cầm quyền bắt phải đền tiền triệu. Vậy mà người ta dám đập phá Thánh Giá cứu độ muôn dân. Kiêu ngạo và bất lương đến thế là cùng.

Lịch sử đã có những con người nói hăng, làm dữ để chống đối Đấng Tạo Hoá. Nhưng lịch sử cũng cho thấy những kẻ ngạo mạn ấy chết thê thảm trước khi đụng đến Thánh Giá Chúa uy quyền. Có điều lạ là ở Việt nam có những kẻ “làm nên lịch sử” cho hoả ngục. Satan ghi vào cuốn “Sa triều lịch sử biên niên” rằng vào năm thứ hai ngàn lẻ mấy… sau khi Herôđê băng hà, có người tên là Nguyễn X, Phạm Y… đã hung hãn đập nát Thánh Giá của Giêsu” (nhưng khi ghi và đọc đến Danh Thánh Chúa Giêsu, toàn thể hoả ngục phải quỳ xuống thờ lạy).

Chuyện đó chưa phải là lạ lùng. Chuyện lạ là có nhiều người không nhận ra rằng đập phá Thánh Giá Chúa là tội ác ghê rợn nhất của lịch sử loài người. Các vua quan triều Nguyễn chỉ nghĩ đến chuyện quá khoá, bắt người có đạo bước qua Thánh Giá là ghê lắm rồi. Các ông ấy còn lương tri để nhận ra rằng “đập phá Thánh giá chính là xây nhà cho tử thần”.

Vậy mà có người còn cả nghĩ “ấy là chuyện đất đai, là tranh chấp dân sự”. Khi người ta nhào vô nhà anh, đánh cha mẹ anh tan nát, anh vẫn bảo là chuyện tranh chấp dân sự, thì thiên hạ nghĩ gì về anh?

Nhà văn Sơn Nam đã đi xa. Có lẽ trước Toà Chúa ông vui vì đã từng nói lên tiếng nói của văn hoá Công giáo dù ông không Công giáo. Cuộc đời người Kytô hữu xét cho cùng là cuộc đời của con người được bình đẳng với nhau vì cùng được Thiên Chúa nâng lên cao và cùng hướng về siêu việt. Khi biết ơn Đấng đã đưa mình lên, thì việc cúi đầu trước Ngài là hành vi tri ân và khiêm hạ.

Ngày Xuân chúng con xin được cúi mình trước Thánh Giá Chúa. Chúng con cúi mình ăn năn vì chính chúng con đã làm Chúa phải chịu treo lên Thánh giá. Nhưng chúng con cũng vui mừng cảm tạ Chúa vì nhờ Thánh Giá Chúa mà chúng con được kéo lên cùng Chúa. Xin cho chúng con ngẩng đầu chờ ngày Chúa vinh hiển quang lâm.

Gioan Lê Quang Vinh

Đọc nhiều nhất Bản in 18.02.2010. 10:06